/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra

Khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra

09/09/2022 11:03 |

(LSVN) – Theo tác giả, từ những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra, cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn về trình tự, thủ tục này để đảm bảo thực hiện được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện Kết luận thanh tra (viết tắt là Nghị định số 33/2015/NĐ-CP) quy định: "Thủ trưởng cơ quan ban hành Kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra trong phạm vi quyền hạn do pháp luật quy định."; khoản 2 Điều 19 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP quy định: "Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp".

Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp Giám đốc Sở ban hành Kết luận thanh tra thì Thanh tra Sở có trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Sở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Điều 22 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 22 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi. Hồ sơ theo dõi phải tập hợp các thông tin liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, gồm: Thông tin cơ bản về đối tượng theo dõi; nội dung trách nhiệm mà đối tượng theo dõi phải thực hiện; thống kê cụ thể và tổng hợp các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý; nội dung, thời hạn được ghi trong yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý.

Trong trường hợp, Giám đốc Sở ban hành Kết luận thanh tra thì người được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra là Thanh tra Sở hay công chức của Sở hoặc công chức Thanh tra Sở. Thực tiễn thi hành quy định này cho thấy, hầu hết các Kết luận thanh tra của Giám đốc Sở đều giao Thanh tra Sở có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra; đối với Kết luận thanh tra do Chánh Thanh tra Sở ban hành thì giao cho công chức thanh tra hoặc thanh tra viên theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra.

Do đó, khoản 1 Điều 22 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, như: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố Kết luận thanh tra, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp".

Thứ hai, khoản 3 Điều 22 quy định: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày công bố Kết luận thanh tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về kết quả theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra. Báo cáo gồm các nội dung: Thông tin chung về Kết luận thanh tra và trách nhiệm phải thực hiện của đối tượng theo dõi; kết quả thực hiện Kết luận thanh tra; đánh giá việc thực hiện Kết luận thanh tra; phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực hiện Kết luận thanh tra".

Như đã nói ở trên, trong trường hợp người ban hành Kết luận thanh tra là Giám đốc Sở thì quy định này còn thiếu sót, bởi vì, nếu Kết luận thanh tra của Giám đốc Sở giao Thanh tra Sở có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra thì trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, Thanh tra Sở phải có trách nhiệm báo cáo với Giám đốc Sở về kết quả theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra. Do đó, cần thiết phải xem xét, bổ sung nội dung này của khoản 3 Điều 22.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 4 Điều 22 quy định: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành căn cứ kết quả theo dõi để quyết định: Kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ theo dõi theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện kết luận thanh tra đã hoàn thành; tiến hành đôn đốc theo quy định tại Nghị định này nếu việc thực hiện Kết luận thanh tra chưa hoàn thành.

Theo quy định trên thì chỉ có thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành căn cứ kết quả theo dõi để quyết định: Kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ theo dõi theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện Kết luận thanh tra đã hoàn thành; tiến hành đôn đốc theo quy định tại Nghị định này nếu việc thực hiện Kết luận thanh tra chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, trong trường hợp Giám đốc Sở là người ban hành Kết luận thanh tra thì Giám đốc Sở có được quyền quyết định kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ theo dõi theo quy định hiện hành nếu việc thực hiện kết luận thanh tra đã hoàn thành; tiến hành đôn đốc theo quy định tại Nghị định này nếu việc thực hiện kết luận thanh tra chưa hoàn thành hay không?

Từ những vướng mắc, bất cập nếu trên, cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn về trình tự, thủ tục theo dõi việc thực hiện Kết luận thanh tra để đảm bảo thực hiện được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

ĐỖ VĂN NHÂN

Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Kon Tum

Một số vấn đề pháp lý liên quan vụ lập biên bản phụ huynh không cho con tiêm vaccine Covid-19

Lê Minh Hoàng