/ Pháp luật - Đời sống
/ Nhiều khó khăn đối với việc xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép

Nhiều khó khăn đối với việc xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép

25/02/2024 12:38 |

(LSVN) - Thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán đã chứng tỏ, pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc, không có vùng cấm, không có thời gian nghỉ, nhờ đó ý thức của người dân được nâng cao. Người dân đi chúc Tết đều hạn chế sử dụng rượu bia, thay vào đó là sử dụng nước uống không có cồn, vì vậy, số vụ tai nạn giao thông đã giảm hẳn so với cùng kỳ của với các năm trước, ngăn chặn thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra. Điều này đã minh chứng cho quy định xử phạt hành chính về nồng độ cồn đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần ngăn ngừa thiệt hại cho xã hội.


Ảnh minh họa.

Hiện nay, có ý kiến đề xuất áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, ngay cả khi họ chưa gây ra hậu quả nào, theo tác giả đề xuất này không phải không có lý. Mục đích của đề xuất này là ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra cho xã hội mà không cần thiết phải gây ra hậu quả. Người vi phạm nồng độ cồn ở mức "say xỉn" gần như mất kiểm soát về hành vi, có khả năng thực tế gây ra hậu quả vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, sẽ áp dụng chế tài hình sự, không phụ thuộc vào vụ tai nạn đã xảy ra.

Tuy nhiên, để áp dụng chế tài hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì cơ quan, người có thẩm quyền phải chứng minh mức độ lỗi của tài xế vi phạm, cụ thể: Như thế nào là gần như mất kiểm soát về hành vi? Như thế nào là có khả năng thực tế gây ra hậu quả vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng?. 

Thực tế, để đánh giá người vi phạm nồng độ cồn mất kiểm soát hành vi là rất khó xác định. Bởi vì, thể trạng hấp thụ rượu bia (hay còn gọi là tửu lượng) của từng người là khác nhau và khi "say xỉn" thì mức độ kiểm soát hành vi của từng người là khác nhau, có người thì nằm ngủ, có người thì bị kích động, có người thì hoảng loạn tinh thần,… Tùy từng biểu hiện của tình trạng mất kiểm soát hành vi mà mức độ gây ra hậu quả cho xã hội cũng khác nhau. Nếu không thận trọng thì việc áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép sẽ "máy móc", "quy chụp" và dựa vào ý thức chủ quan của người thi hành công vụ. 

Chính vì vậy, việc áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, cần phải thực thi đầy đủ, nghiêm túc quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo phương châm: "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ"; dù người đó là ai khi vi phạm nồng độ cồn cũng phải bị xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính công bằng của pháp luật.

Hiện nay, việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn chỉ là số ít so với số tài xế vi phạm nồng độ khi tham gia giao thông, trong khi đó, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt còn mỏng, chủ yếu là lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ này, các lực lượng khác chỉ là lực lượng phối hợp và không có thẩm quyền xử lý. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật, nhất là tập trung quá nhiều vào việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn mà chưa tập trung xử lý đồng bộ với các hành vi vi phạm khác của người tham gia giao thông (như đi ngược chiều, vượt đèn đó, vi phạm tốc độ, chở người vượt quá quy định, chở quá tải trọng…).

Bên cạnh đó, thẩm quyền xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn hiện nay là của lực lượng CSGT, trong khi đó, lực lượng Công an xã/phường thì không có thẩm quyền này. Vì vậy, cần thiết phải giao thẩm quyền xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn cho lực lượng Công an xã/phường để giảm tải cho lực lượng CSGT.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe

Bùi Thị Thanh Loan