/ Góc nhìn
/ Không nên giảm độ tuổi cấp giấy phép lái xe

Không nên giảm độ tuổi cấp giấy phép lái xe

20/03/2022 03:02 |

(LSVN) – Trong thời điểm hiện tại chưa nên tính đến việc hạ độ tuổi cấp giấy phép lái xe mà cần triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho mọi người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi.

Ảnh minh họa. 

Liên quan đến việc đóng góp xây dựng Luật An toàn giao thông đường bộ, một số ý kiến cho rằng nên trẻ hóa độ tuổi được cấp giấy phép lái xe (GPLX). Cụ thể là nên giảm độ tuổi người được cấp GPLX từ đủ 18 tuổi xuống còn từ đủ 15 hoặc 16 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với việc hạ độ tuổi cấp GPLX trong thời điểm hiện nay, bởi như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội nói chung và việc đảm bảo an toàn giao thông nói riêng. Theo quan điểm người viết, việc giảm độ tuổi được cấp GPLX là chưa hợp lý, bởi những lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay một số lượng khá lớn thanh thiếu niên chưa có ý thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Minh chứng là rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thương tâm có liên quan đến những người điều khiển phương tiện giao thông ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Hay đa số các vụ đua xe trái phép, lạng lách nguy hiểm trên đường đều do những người trong khoảng độ tuổi này thực hiện.

Ở độ tuổi này, dù sức khỏe, chiều cao có thể phát triển hơn so với các thế hệ trước nhưng tâm sinh lý vẫn không thay đổi, chưa ổn định nếu được cấp GPLX thì rất nguy hiểm. Mặt khác, độ tuổi này nhiều người chưa tiếp cận được, thậm chí có tiếp cận đầy đủ pháp luật giao thông thì ý thức tuân thủ, chấp hành giao thông mới là quan trọng nhất. Do đó, không nên vội vàng hạ độ tuổi cấp GPLX tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, trong xu thế chung hiện nay thì biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông rất quan trọng đó là phải tiến tới giảm phương tiện cá nhân, gồm cả ô tô, mô tô và xe máy. Do đó, nếu tiếp tục hạ độ tuổi được cấp GPLX thì nhất định số lượng xe cá nhân sẽ tăng lên rất nhiều, mục tiêu giảm phương tiện cá nhân không đạt được.

Thứ ba, nếu hạ độ tuổi và phương tiện cá nhân tăng lên sẽ gây sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường sá ở nước ta còn khá yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, sẽ vừa tạo nên gánh nặng, quá tải cơ sở hạ tầng giao thông, vừa không đạt mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, vừa làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày thêm trầm trọng.

Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện tại chưa nên tính đến việc hạ độ tuổi cấp GPLX mà cần triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho mọi người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi.

Đồng thời, có thể nghiên cứu bổ sung quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50cc phải qua khóa đào tạo chứng chỉ về pháp luật giao thông đường bộ. Điều này vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa phù hợp với tình hình thực tế về tâm sinh lý, ý thức chấp hành giao thông hiện nay của thanh thiếu niên.

                                                       Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                  Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Chế độ đối với cha mẹ nghỉ việc chăm sóc con là F0

Lê Minh Hoàng