Ảnh minh họa.
Khi tài sản, thu nhập bị kiểm soát chặt chẽ thì cán bộ, công chức sẽ không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng vì tham nhũng sẽ dễ dàng bị phát hiện. Đặc biệt, khi đã bị kiểm soát ngay nguồn gốc đối với mọi loại tài sản, thu nhập thì nếu tham nhũng thì có tiền cũng không dám tiêu và không thể tiêu được!
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến việc kiểm soát chặt chẽ các khoản tiền, tài sản, thu nhập mà cán bộ, công chức và người thân đầu tư ra nước ngoài, mua sắm ở nước ngoài.
Thực tế nhiều vụ tham nhũng đã bị phát hiện thì kẻ phạm tội đã đầu tư ra nước ngoài số tiền rất lớn, nhất là mua bất động sản, gửi tiền ở các ngân hàng nước ngoài thông qua những người thân của họ. Thường là cho con cái ra nước ngoài du học, sau đó mua nhà cửa cho đứng tên và dần dần chuyển tài sản trong nước ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua mua bán, đầu tư!
Việc tội phạm tham nhũng, kinh tế với đối tượng là cán bộ, công chức sử dụng chiêu bài đầu tư ra nước ngoài đã được nhận diện, đề cập nhưng thực tế chưa có chế tài nghiêm khắc, cụ thể, nhất là đối với các khoản tiền đầu tư ra nước ngoài do người thân đứng tên.
Việc các khoản đầu tư ra nước ngoài của cán bộ, công chức nhưng do người thân đứng tên, nếu bị phát hiện tham nhũng rất khó thu hồi. Bởi khi đó phát sinh mối quan hệ liên quốc gia, quốc tế, trong khi nhiều nước lại coi trọng bảo mật thông tin tài sản cá nhân, bảo vệ quyền của chủ thể đứng tên hợp pháp của tài sản đó...
Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ, ngay từ đầu các khoản đầu tư của cán bộ, công chức và người thân của họ ra nước ngoài là rất cần thiết, cấp bách. Điều này nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ thất thoát tài sản tham nhũng ra nước ngoài; nguy cơ tạo điều kiện, "tiếp tay" cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" khi nhiều quan chức lỡ "nhúng chàm" thì cố làm liều nhằm để lại tài sản cho con cái họ. Và điều họ thường nghĩ đến là chuyển tiền tham nhũng đầu tư ra nước ngoài, coi đó như là bến đỗ, nơi che giấu tài sản phạm pháp an toàn!
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy định về việc kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài của cán bộ, công chức và người thân của họ. Theo đó, mọi khoản đầu tư của những người này đều phải được khai báo rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, kiểm soát, nhất là về nguồn gốc tài sản. Tăng cường phối hợp, ký kết tương trợ tư pháp với các nước trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là các khoản đầu tư, mua sắm tài sản lớn của họ ở nước ngoài.
Thậm chí, đối với một số trường hợp cụ thể cần phải được sự cho phép của cơ quan chức năng mới được đầu tư, mua sắm tài sản ở nước ngoài như các khoản tiền lớn, vị trí công tác không được phép đầu tư...
Có như vậy, mới góp phần cho công cuộc phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt khắc phục tình trạng không thu hồi được tài sản tham nhũng do bị chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp, gây thiệt hại cho đất nước.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Thẩm định dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%