/ Luật sư - Bạn đọc
/ Kiên Giang tổ chức bầu cử thêm ngày 06/6 do không đủ đại biểu HĐND: Sự việc đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu từ công tác vận động, tuyên truyền về bầu cử chưa tốt

Kiên Giang tổ chức bầu cử thêm ngày 06/6 do không đủ đại biểu HĐND: Sự việc đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu từ công tác vận động, tuyên truyền về bầu cử chưa tốt

28/05/2021 14:29 |

(LSVN) - Luật sư đánh giá, sự việc tổ chức bầu cử thêm ngày 06/6 tại Kiên Giang là sự việc đáng tiếc mà nguyên nhân chủ yếu từ công tác vận động, tuyên truyền về bầu cử chưa tốt của các cơ quan chức năng tại địa phương. Đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp là đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước thực thi chính sách và pháp luật. Bởi vậy, đòi hỏi công tác bầu cử phải làm cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo cử tri chọn đúng người theo nguyện vọng.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đi bỏ phiếu ngày 23/5. Ảnh: TTO.

Ngày 26/5 vừa qua, bà Lê Hồng Thắm, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang đã ký Công văn số 85/UBBD-TBTHNVBC về việc tổ chức bầu cử thêm đối với các đơn vị bầu cử không bầu đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND được bầu đã ấn định.

Cụ thể, ngày bầu cử thêm được dự kiến tổ chức vào 06/6, tỉnh Kiên Giang sẽ bầu cử thêm tại đơn vị bầu cử số 06 huyện đảo Kiên Hải, các đơn vị bầu cử số 06, 11, 13, 14 ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng và đơn vị bầu cử số 02 tại xã Đông Thái, huyện An Biên. 

Sau khi báo chí thông tin về sự việc trên, có rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra. Trong đó có việc tỉnh Kiên Giang bầu cử thêm số lượng đại biểu HĐND liệu có đúng với quy định của pháp luật hay không? Và việc bầu cử thêm, bầu cử lại được pháp luật hiện nay quy định và thực hiện như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đây là sự việc đáng tiếc xảy ra tại Kiên Giang mà nguyên nhân chủ yếu từ công tác vận động, tuyên truyền về bầu cử chưa tốt của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp là đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước thực thi chính sách và pháp luật. Bởi vậy, đòi hỏi công tác bầu cử phải làm cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo cử tri chọn đúng người theo nguyện vọng.

Luật sư Tâm cho biết, đối với trường hợp bầu cử thêm thì pháp luật quy định, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu HĐND chưa đủ hai phần ba số (2/3) lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó (Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015).

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử.

Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai (Theo quy định tại khoản 3 Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015).

Còn đối với trường hợp bầu cử lại thì pháp luật quy định, trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu ở cấp đó. 

Đối với bầu cử đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu HĐND quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia (Theo quy định tại Điều 80 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015)

Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015)

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

“Pháp luật bầu cử hiện hành không quy định rõ những trường hợp cụ thể nào được coi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bầu cử. Tuy nhiên, có thể hiểu đó là những vi phạm các nguyên tắc bầu cử hoặc các vi phạm có thể dẫn tới kết quả bầu cử không phản ánh đúng sự lựa chọn khách quan của cử tri là các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bầu cử”, Luật sư Hồng Tâm cho hay.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm, bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên và theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên, tôi cho rằng Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang tổ chức bầu cử thêm đối với các đơn vị bầu cử không bầu đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND được bầu đã ấn định là có căn cứ”, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm bày tỏ quan điểm.

Ngày 26/5, bà Lê Hồng Thắm, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, đã ký công văn số 85/UBBD-TBTHNVBC về việc tổ chức bầu cử thêm đối với các đơn vị bầu cử không bầu đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND được bầu đã ấn định.

Theo đó, trong ngày bầu cử thêm được dự kiến tổ chức vào 06/6, sẽ bầu cử thêm tại đơn vị bầu cử số 6 huyện đảo Kiên Hải, các đơn vị bầu cử số 6, 11, 13, 14 ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng và đơn vị bầu cử số 2 tại xã Đông Thái, huyện An Biên. 

Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên vào ngày 23/5 vừa qua nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn.

Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ 2.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, trong cuộc bầu cử vào ngày 23/5 vừa qua, địa phương này đã có trên 1,2 triệu cử tri đi bầu tại 03 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 21 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 163 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.167 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, đạt tỉ lệ 99,7%.

QUÝ MINH

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ nghệ sĩ Hoài Linh và gần 14 tỉ tiền từ thiện đồng bào miền Trung

Admin