Tiếp tục kiến nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế

18/05/2024 13:15 | 1 tháng trước

(LSVN) - Đại diện Cục CSGT khẳng định, việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đề xuất vẫn giữ phương án cấm tuyệt đối tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia.

Ảnh minh họa.

Ngày 17/5, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Tại tọa đàm, đại diện Cục CSGT, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đã trả lời những vấn đề liên quan đến quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

Cụ thể, theo đại diện Cục CSGT, những số liệu liên quan đến tai nạn giao thông mà nguyên nhân do sử dụng rượu bia là rất lớn, không những trong lĩnh vực giao thông, rượu bia còn là nguyên nhân gây ra nhiều hành vi khác như giết người, cố ý gây thương tích...

"Văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, mọi người hay đổ cho văn hóa khi bất kỳ cuộc vui nào cũng đều lấy rượu bia làm câu chuyện. Khi bắt đầu uống mà nói rằng uống đến chừng này thì dừng lại vì còn lái xe thì rất khó, trong khi uống nhiều sẽ không kiểm soát được hành vi", đại diện Cục CSGT cho hay.

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đề xuất vẫn giữ phương án cấm tuyệt đối việc tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia.

Trước những thông tin rằng uống nước hoa quả, siro cũng lên nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT khẳng định nồng độ cồn do nước hoa quả, siro chỉ một thời gian ngắn là hết, người bị kiểm tra có thể ngồi nghỉ 10-15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại.

Còn nếu vẫn nghi vấn về kết quả xét nghiệm tại chỗ, đại diện Cục CSGT cho biết người bị kiểm tra có thể yêu cầu đi xét nghiệm máu.

02 phương án quy định về nồng độ cồn khi lái xe

Trước đó, tại Phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 15/3.

Tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có 02 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Căn cứ ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổng hợp và đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia Giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: "Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc phòng nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị UBTVQH lựa chọn Phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Trong quá trình thảo luận sau đó, đa số Ủy viên UBTVQH đồng thuận với Phương án 1.

MINH QUÝ (t/h)

Đề xuất tiêu chuẩn chức danh công chứng viên