Kiến nghị tuyên bị cáo Tưởng Đăng Thế không phạm tội giết người

19/12/2018 22:59 | 5 năm trước

LSVNO - Vụ án giết người xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk cách đây đã hơn 12 năm. Người bị kết tội giết người là ông Tưởng Đăng Thế với mức án tù chung thân. Mặc dù đi tù đã được 12 năm nhưng ông Tưởng Đăng...

LSVNO - Vụ án giết người xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk cách đây đã hơn 12 năm. Người bị kết tội giết người là ông Tưởng Đăng Thế với mức án tù chung thân. Mặc dù đi tù đã được 12 năm nhưng ông Tưởng Đăng Thế luôn luôn kêu oan. Bố đẻ của Tưởng Đăng Thế là ông Tưởng Đăng Khởi cũng cùng kêu oan cho con. Trong quá trình kêu oan cho con, ông Tưởng Đăng Khởi do già yếu nên đã qua đời.

Trong quá trình bào chữa cho ông Tưởng Đăng Thế tại Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, Luật sư Chu Đức Lưu (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) - người bào chữa cho ông Tưởng Đăng Thế - đã lập luận chứng minh ông Tưởng Đăng Thế không phạm tội giết người, nhưng không được 02 cấp Tòa này chấp nhận.

Được biết, hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng. Đây là việc làm hết sức thiện chí, hết sức tình người của các cơ quan pháp luật ở Trung ương.

Để giúp cho các cơ quan pháp luật ở Trung ương nắm rõ thêm về nội tình vụ việc, và cũng là để các luật sư khác có thể tham khảo, Luật sư Việt Nam Online xin đăng nguyên văn Bài luận cứ bào chữa của Luật sư Chu Đức Lưu cho ông Tưởng Đăng Thế tại các phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk và tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng.  

- Kính thưa HĐXX!

- Thưa vị đại diện Viện kiểm sát!

- Thưa toàn thể quý vị tham dự phiên tòa!

Trước hết, tôi xin nói rõ rằng: Tôi là luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo Tưởng Đăng Thế theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật TTHS, chứ tôi không phải là luật sư bào chữa do được thuê. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, với bổn phận của người luật sư, tôi cũng phải làm hết trách nhiệm của mình trong việc bào chữa cho bị cáo.

Trong quá trình trình bày luận cứ của mình, một số nội dung tôi xin phép HĐXX cho tôi được minh họa sự việc bằng bản vẽ của tôi để HĐXX và mọi người cùng được rõ.

Thưa HĐXX và toàn thể quý vị!

Đây là một vụ án giết người dã man và giết trẻ em. Thiết nghĩ rằng, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, luật sư hay bất cứ một công dân nào khác cũng đều có chung một quan điểm rằng: Kẻ giết người thì phải đền tội, phải được xử lý nghiêm, chứ không thể bao che, bao biện cho kẻ ác. Và trong vụ án này, nếu như Tưởng Đăng Thế đúng là người đã phạm tội thì phải xử lý thích đáng. Và nếu như bị cáo Tưởng Đăng Thế là kẻ đã thực sự giết người trong vụ án này thì mức án đối với bị cáo phải là tử hình thì mới thỏa đáng, chứ không phải là mức án tù chung thân như đề nghị của Viện kiểm sát và như tuyên phạt của Tòa cấp sơ thẩm.

Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định: Việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, và không làm oan người vô tội. Ở vụ án này, bị cáo Tưởng Đăng Thế kêu oan. Do đó, kính đề nghị HĐXX xem xét cẩn trọng để không làm oan người vô tội, cũng như không để lọt kẻ phạm tội. Vì nếu như Tưởng Đăng Thế thực sự bị oan mà vẫn bị kết tội, thì không những thiệt thòi cho chính bị cáo mà còn đồng nghĩa với việc kẻ ác vẫn được ở ngoài vòng pháp luật, không bị trừng trị, và có thể nó sẽ còn gây ra những tội ác khác đối với người khác.

Trong vụ án này, mặc dù Cơ quan điều tra đề nghị và Viện kiểm sát truy tố bị cáo Tưởng Đăng Thế phạm tội giết người (giết cháu Hồng) và Tòa sơ thẩm tuyên Tưởng Đăng Thế phạm tội giết người, nhưng Tưởng Đăng Thế đã kêu oan kể từ khi điều tra cho đến nay.

Ảnh minh họa.

Sau khi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, qua nghiên cứu các tài liệu chứng cứ liên quan khác, và qua việc thẩm vấn công khai tại phiên toà phúc thẩm hôm nay và tại các phiên toà sơ thẩm ngày 12/9/2006, ngày 19/3/2007 và ngày 03/7/2008 vừa qua, thấy rằng:

I. Có căn cứ để khẳng định Tưởng Đăng Thế bị oan, được thể hiện như sau:

Một là: Theo hồ sơ thì Tưởng Đăng Thế là người ra đầu thú về hành vi phạm tội của mình, nhưng hành vi phạm tội của Tưởng Đăng Thế theo lời khai đầu thú, theo bản kết luận điều tra và theo bản cáo trạng không phù hợp với quy luật hình thành dấu vết (không phù hợp với dấu vết để lại tại hiện trường vụ án).

Và hai là: Tưởng Đăng Thế có chứng cứ ngoại phạm.

I.1. Trước hết tôi xin chứng minh Viện kiểm sát quy kết hành vi phạm tội đối với bị cáo Tưởng Đăng Thế không hề phù hợp với thực tế khách quan, không phù hợp với diễn biến của vụ án đã xảy ra:

Chúng ta biết rằng, bất kỳ một vụ án nào, dù là oan sai đi chăng nữa thì cũng có sự mô tả về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, nguyên nhân, điều kiện của việc thực hiện tội phạm và mô tả về hành vi phạm tội, nên khi buộc tội đối với Tưởng Đăng Thế cũng đều phải nêu những tình tiết đó.

Trong vụ án này, mặc dù lời khai của Tưởng Đăng Thế có vẻ phù hợp với với vật gây án, có vẻ phù hợp với thương tích của nạn nhân và đây là căn cứ chính để kết tội đối với Tưởng Đăng Thế, nhưng khi nghiên cứu kỹ biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, bản ảnh thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường, bản ảnh hiện trường, bản ảnh tử thi, thấy có nhiều tình tiết quan trọng không phù hợp với lời khai nhận tội của Tưởng Đăng Thế, nó ngược lại hoàn toàn so với lời khai nhận tội của bị cáo và lời buộc tội của Viện kiểm sát, trong khi theo hồ sơ vụ án thì Tưởng Đăng Thế lại là người ra đầu thú về hành vi phạm tội của mình, điều này quả là bất hợp lý, vì đã là tự thú, đầu thú thì tội phạm thực hiện như thế nào thì người phạm tội sẽ khai đúng như vậy (trừ trường hợp tự thú để nhận tội thay), chứ không thể có những điều tréo ngoe như vậy được.

Kết luận điều tra và bản cáo trạng đã mô tả như sau: “Vào khoảng 11h ngày 18/01/2006, gia đình anh Trần Đình Lương, trú tại thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk có mời anh Trần Đình Cát, Trần Đình Liệu, Trần Đình Tĩnh, Nguyễn Bá Quang, Bạch Viếng và Tưởng Đăng Thế đến nhà ăn nhậu. Khoảng 13h cùng ngày thì tan cuộc nhậu, anh Cát, Quang và Thế đi về nhà anh Cát để nghỉ trưa. Đến 14h thì Thế tỉnh dậy và nghĩ đến nhà anh Trần Phi Hùng (cùng thôn) với gia đình anh Cát mới bán bắp và cà phê hôm trước nên chắc là trong nhà sẽ có tiền, Thế liền nảy sinh ý định đến nhà anh Hùng để trộm cắp tiền tiêu xài. Khi đi tới cổng nhà anh Hùng, Thế nhìn thấy cháu Nguyễn Thị Giang (con chị Hường) ở đối diện với nhà anh Hùng đang lượm cà phê ở sân. Thế đi vào nhà anh Hùng, thấy nhà mở cửa nhưng không thấy ai nên đã đi đến cửa bếp bên hông nhà thì thấy cháu Trần Thị Kim Hồng (sinh năm 1993) con anh Hùng đang ngồi lượm củi cành cà phê ở gần bể nước. Cùng lúc này, cháu Hồng phát hiện thấy Thế vào nhà nhưng không đi cửa chính mà đi vào cửa hông nhà nên đã nghi ngờ và đứng dậy hỏi: “Sao chú vào nhà lại đi cửa sau? Để làm chi đó?”. Thế không nói gì mà nhìn cháu Hồng và cười, cháu Hồng nói lại: “Cháu sẽ về mách cho bố mẹ biết chú vào lấy trộm”. Thấy cháu Hồng nói vậy sợ bị lộ nên Thế đi đến chỗ cháu Hồng đứng cầm tay kéo đi ra phía sau nhà, cháu Hồng la lên: “Buông tay ra”. Thế sợ có người đi qua đường phát hiện nên đã dùng 1 tay bịt miệng và kéo cháu Hồng ra vườn cà phê sau nhà. Cháu Hồng kháng cự vùng vẫy và dùng tay nắm vào các cành cà phê. Thế liền dùng 1 tay kẹp cổ cháu kéo đi và nhặt một đoạn cành cây cà phê khô, dài 80 cm, đường kính 2,5 cm đập vào 2 mu bàn tay để cháu Hồng buông tay ra làm cành cà phê bị gãy làm 3 đoạn. Thế kéo cháu Hồng ra cách nhà 17 hàng cà phê tương đương với 50 m, vật cháu Hồng ngã xuống hố cà phê rồi dùng tay trái bịt miệng không cho kêu la, còn tay phải bóp cổ cháu Hồng khoảng 1 đến 2 phút sau thấy cháu Hồng không kháng cự nữa. Sau đó thấy cháu Hồng vẫn còn cựa quậy Thế liền đi đến gốc cây ớt cách chỗ cháu Hồng đang nằm về bên trái bê một cục đá kích thước 25 x 24 x 13 cm dơ lên ở độ cao khoảng từ 1 m đến 1,5 m rồi đập xuống vùng đầu của cháu Hồng. Thấy máu chảy ra nhiều, biết là cháu Hồng đã bị chết, Thế lột quần dài, quần lót của cháu Hồng vứt ra ngoài gần đó nhằm đánh lạc hướng điều tra. Thế bỏ ra đường lô cà phê rồi quay về nhà anh Cát, lúc này là 14 giờ 30 phút cùng ngày. Thấy anh Cát và Quang vẫn còn đang ngủ nên Thế tiếp tục lên giường ngủ tiếp nhằm che giấu thời gian bất minh của mình. Đến 15h cùng ngày, vợ chồng anh Hùng, chị Liên đi làm về, thấy bầy dê phá chuồng ra ngoài nên chị Liên đi đuổi dê vào chuồng thì phát hiện cháu Hồng bị thương và vẫn còn cựa quậy nên đã kêu cứu và sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nhưng đến 23 giờ 10 phút cùng ngày cháu Hồng đã chết. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến ngày 26/01/2006 Thế đã ra đầu thú và bị bắt giữ”.

Trong khi đó, Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 19/01/2006 (tại bút lục 16, 17) được lập lúc 04 giờ sáng ngày 19/01/2006 cho đến 10 giờ  30 phút cùng ngày mới xong. Như vậy, cơ quan Công an đã làm việc tới 06 tiếng rưỡi để lập nên Biên bản khám nghiệm hiện trường này với đầy đủ thành phần tham gia 05 người gồm: đồng chí Bùi Văn Thực - Điều tra viên Công an tỉnh Đắk Lắk, 02 đồng chí Võ Chí Long và đồng chí Ngô Đức Thiện đều là cán bộ Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, đồng chí Đinh Anh Tuấn - Cán bộ Viện kiểm sát tỉnh và đồng chí Nguyễn Như Thích - Cán bộ Công an huyện Krông Pắc. Chứng tỏ rằng Biên bản khám nghiệm hiện trường này được lập rất công phu, chu đáo và hoàn toàn chính xác.

Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 19/01/2006 mô tả rất rõ thế này (xin được mô tả bằng hình vẽ): “Cách nhà ông Hùng 50 m về hướng Nam tại vườn cà phê nhà bà Tống Thị Vân thấy đám máu dính thấm trên lá và đất kích thước 20 cm x 10 cm. Cách đám máu này 13 cm về hướng Đông thấy thân cây cà phê dài 11 cm, đường kính 2,8 cm, một đầu chặt vát chéo đã khô, một đầu gãy tướp xơ, cách đám máu này 140 cm về hướng Nam thấy đám máu dính trên lá và đất rải rác kích thước 35cm x 30 cm. Cạnh đám máu này về hướng Đông thấy thân cây cà phê dài 32 cm, đường kính 2,5 cm. Hai đầu có vết gãy tướp còn mới. Cách đám máu này 70 cm về hướng Nam thấy thân cây cà phê dài 34 cm, đường kính 2,4 cm, hai đầu gãy tướp. Ba đoạn thân cây cà phê khô, tróc lớp vỏ, thân cây láng bóng, các đầu vết gãy mới, ghép ba đầu cây gần trùng khớp. Cạnh đám máu này về hướng Tây thấy 01 cục đá không rõ hình, kích thước 25 cm x 24 cm x 13 cm, cục đá dạng mu rùa, kiểm tra thấy cạnh của cục đá có vết trầy xước còn mới kích thước 9 cm x 5 cm. Cách đám máu này 170 cm về hướng Nam thấy 01 quần dài màu xanh đen,... quần lộn trái, quần dài 81cm ... tại phần đũng hai ống quần thấy 01 quần lót màu xanh lơ, phần đũng rách và bẩn. Tại vị trí đám máu nhỏ giọt và quần thấy đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm, cách cục đá về hướng Đông 3 m thấy đám đất in hằn kích thước 30 cm x 20 cm, vết hằn mới. Cách đám máu 12 m về hướng Tây nam thấy 01 chai thuỷ tinh màu trắng, trong còn ít nước màu vàng có mùi rượu cồn”.

Như vậy, đã có sự “chỏi” nhau về hành vi phạm tội mà bị cáo bị kết tội và các dấu vết chứng cứ để lại tại hiện trường vụ án.

Nếu theo kết luận điều tra và bản cáo trạng thì đám máu dính thấm trên lá và đất kích thước 20 cm x 10 cm (và nơi đây là máu chảy ra nhiều nhất, không phải là máu vung vãi rải rác hoặc máu nhỏ giọt (và đám máu này cách nhà cháu Hồng 50 m), thì tại địa điểm này chính là nơi nằm cuối cùng của cháu Hồng và là nơi cháu Hồng bị thả đá vào đầu theo cáo trạng thể hiện). Vậy nhưng, theo biên bản khám nghiệm hiện trường thì không hề có cục đá ở đây, và cách đám máu này về phía Nam 140 cm thấy tiếp 01 đám máu dính trên lá và đất rải rác kích thước 35 cm x 30 cm. Cách đám máu này về hướng Nam 170 cm thấy quần của nạn nhân và có đám máu nhỏ giọt. Tại vị trí đám máu nhỏ giọt và quần của nạn nhân thấy đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm (tức là diện tích đám đất chầy xước này tới 1,17 m2). Như vậy, cách đám máu ban đầu (được xác định là nơi nạn nhân bị thả đá theo kết luận điều tra và cáo trạng) cho đến nơi nạn nhân bị cởi quần và có đám máu nhỏ giọt có khoảng cách là 20 cm + 140 cm + 30 cm + 170 cm = 360 cm (3,6 mét). Tại sao lại có máu ở đây và taị sao lại có đám đất chầy xước kích thước lớn ở đây. Rõ ràng tại đây đã có một cuộc vật lộn giữa hung thủ và nạn nhân và tại đây nạn nhân đã bị đánh chảy máu. Điều này là hợp lý, vì theo Biên bản khám nghiệm tử thi thì: “Tại thượng đòn bên trái có vết bầm tím nằm ngang kích thước 11 cm x 2,5 cm (vết bầm rất lớn). Tại phía ngoài vết bầm tím có vết xước da sâu kích thước 1,7 cm x 1,5 cm” và bị hại bị đánh, bị tổn thương ở rất nhiều nơi khác trên thân thể, các bản ảnh tử thi cũng đã thể hiện rõ điều này. Do có sự vật lộn và để đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân tại đây nên mới có vết thương này, vì chính phía sau vai đối diện (bờ vai trái ở tấm ảnh số 22) cũng bị xây xát. Và như vậy thì thủ phạm đã dùng hung khí hay vật gì để gây nên vết thương này? Có thể chính vết thương có vết xước da sâu này tại thượng đòn bên trái đã gây nên đám máu nhỏ giọt ở đây, kể cả có thể ở tại đây nạn nhân đã bị dập môi trên bên trái. Tại đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm này, nạn nhân đã bị hung thủ vật đè và cởi quần (xin nói thêm là cởi quần chứ không phải là lột quần như bị cáo Thế đã khai), vì quần của nạn nhân là quần âu, có cúc và có khoá, rất khó cởi, chứ không dễ gì mà lột ra nhanh đựơc như loại quần ngủ, cạp quần bằng dây thun dễ lột. Đồng thời, tại đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm này có nhiều khả năng hung thủ đã giở trò bỉ ổi đối với nạn nhân, vì hắn đã cởi quần của nạn nhân, và cũng phù hợp với dấu vết “Tại mặt trước, trong hai đùi nạn nhân dính dấu vết máu quệt, đùi trái dính nhiều mảnh vỏ cà phê khô” theo như biên bản khám nghiệm tử thi đã mô tả. Nếu sau khi Thế giết cháu Hồng xong mới cởi quần của cháu Hồng để làm giả hiện trường vụ hiếp dâm thì không thể có các dấu vết này, và lúc đó 02 đùi của nạn nhân vẫn sạch chứ không thể có máu dình nhiều và bẩn như vậy (tại bản ảnh chụp tử thi số 27 trong hồ sơ vụ án thấy rất rõ điều này). Hơn nữa, theo Biên bản khám nghiệm tử thi thì “cách hẽm nách bên phải về phía dưới 16 cm tại đường nách giữa thấy dính dịch khô bóng màu trắng đục kích thước 12 cm x 8 cm”, như vậy, dịch khô bóng màu trắng đục kích thước 12 cm x 8 cm này chỉ có thể là của hung thủ đã giở trò bỉ ổi gây ra, vì dịch này không thể là của bị hại bắn ra ngược như thế này được.

Tại đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm có quần của nạn nhân, cách đám máu nhỏ giọt này trở về hướng bắc 1m70 có đám máu dính trên đất, lá kích thước 35 cm x 30 cm và bên cạnh đám máu này về phía tây có 01 cục đá được xác định đây là vật mà hung thủ đã dùng để đánh vào đầu nạn nhân, và cách đám máu này 1m40 về hướng bắc thấy 01 đám máu dính thấm trên lá và đất kích thước 20 cm x 10 cm (và tại chỗ này là thi thể của nạn nhân được phát hiện).

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả khám nghiệm tử thi thì diễn bién của vụ án phải được diễn ra như sau: Ban đầu nạn nhân bị vật lộn, bị cởi quần và bị đánh tại đám đất chầy xước kích thước 137 cm x 90 cm (tương đương vời chiều cao của nạn nhân khi bị đè xuống). Sau đó nạn nhân lấy hết sức bình sinh chống cự lại hung thủ và đứng dậy chạy lùi về phía nhà mình được 1m70 để thoát thân, lúc này hung thủ mới cầm thân cây cà phê khô để đánh nạn nhân, vì có khúc ngọn cà phê gãy ở đây. Và Hung thủ tiếp tục dùng đá đập vào đầu phía trước, trúng vào vùng mắt phía trên bên phải, nên máu của nạn nhân đã đổ ra tại đây (vì hòn đá được phát hiện tại đám máu này, chứ không phải là tại điểm máu thấm vào đất và lá kích thước 20 cm x 10 cm), và theo quán tính nạn nhân bị đổ nằm vật xuống, và máu tại vết thương ở đầu lúc này tiếp tục chảy ra thấm vào đất và lá, cách nơi bị đánh 1m 40 (bằng với chiều cao của nạn nhân khi bị đổ người xuống).

Như vậy hung thủ đã đè nạn nhân, đánh nạn nhân bắt đầu từ phía vườn cà phê nhà bà Tống Thị Vân trở vào nhà của nạn nhân theo hướng Nam – Bắc theo như hiện trường đã thể hiện, chứ không phải là đánh từ nhà nạn nhân đánh ra tới vườn cà phê nhà chị Vân theo hướng Bắc – Nam theo như kết luận điều tra và Cáo trạng đã quy kết, vì: Đoạn cà phê hung thủ dùng để đánh nạn nhân bị gãy 03 đoạn: đoạn gãy trước là đoạn ngọn (nơi xa nhất cách nhà nạn nhân và gần nơi nạn nhân bị cởi quần và giãy đạp), đoạn thứ 2 là đoạn giữa (nơi xa nhì so với nhà nạn nhân và là nơi có cục đá), đoạn thứ 3 là đoạn gốc (nơi gần nhà nạn nhân nhất và gần với đầu cháu Hồng khi cháu ngã xuống và máu tiếp tục chảy ra). Và không thể nói ban đầu hung thủ cầm đoạn ngọn cây cà phê để đánh cháu Hồng, nên mới gãy đoạn gốc tại điểm gần nhà nạn nhân nhất, vì nếu như vậy thì đoạn gốc bị gãy sẽ dài hơn rất nhiều, và dài hơn các đoạn khác chứ không thể chỉ có 11 cm, và ngắn hơn 02 đoạn kia như vậy được. Và diễn biến của vụ án xẩy ra đúng như vậy mới thỏa mãn được các dấu vết để lại trên thi thể nạn nhân (ví dụ hai đùi phía trong của nạn nhân quyệt dính nhiều máu và nhiều vỏ cà phê).

Hiện trường vụ án xảy ra đúng theo diễn biến như vậy, và nó có tới 03 vị trí có máu đổ (chứ không phải chỉ một nơi duy nhất), gồm: 1 (đám máu) 2 (đám máu rải rác) 3 (đám máu nhỏ giọt). Trong khi đó: theo kết luận điều tra và cáo trạng mô tả hành vi của bị cáo Thế thì chỉ có được một đám máu duy nhấy mà thôi, nhưng thực tế hiện trường lại là 03 nơi, trong khi vết thương của nạn nhân là vết thương tuy có rách da nhưng lại hở kín, nên không thể có chuyện máu phun ra xa tới hơn 3,6 m như hiện trường đã thể hiện.

Đồng thời, theo như kết luận điều tra và cáo trạng mô tả thì khi nạn nhân bị Thế lôi đi, tay của nạn nhân có bám vào các cành cây cà phê để cưỡng lại, và vừơn cây cà phê của nhà anh Hùng, của nhà chị Vân, cành lá đã phủ kín (cà phê cành lá xum xuê, cao trung bình 2,5 mét), nhưng dù khám nghiệm hiện trường rất tỉ mỹ, chu đáo, nhưng cũng không hề thấy cành cây cà phê bị gãy hay lá cà phê tươi bị rụng xuống (Tay nạn nhân bám chắc các cành cà phê để cưỡng lại, chống lại việc lôi đi của hung thủ, nhưng cành lá cà phê vẫn bình thường, không hề bị xây sát gì cả là hoàn toàn vô lý).

Như vậy, hành vi phạm tội của bị cáo được mô tả trong vụ án ngược lại hoàn toàn với hiện trường vụ án đã xẩy ra, không phù hợp với dấu vết để lại trên thân thể của nạn nhân, thì rõ ràng Tưởng Đăng Thế không phải là người đã thực hiện vụ án này (đến đây cất bản vẽ minh họa).

Chính Tưởng Đăng Thế không phải là người thực hiện tội phạm nên mặc dù Tưởng Đăng Thế khai đi khai lại rất nhiều lần (theo như Thế nói là khai theo chỉ dẫn của cán bộ điều tra) thì những lời khai này dù trước đây khai khác, sau đó khai lại nhằm để phù hợp với các tình tiết của vụ án đã xảy ra tại hiện trường đi chăng nữa thì cũng không thể phù hợp được. Cụ thể như sau:

+) Ban đầu thì Thế khai là dùng tay bóp cổ nạn nhân, thả đá vào đầu nạn nhân rồi mới lột quần nạn nhân (tại bút lục 77), nhưng nếu như vậy thì tại sao theo biên bản khám nghiệm tử thi thì: “Tại mặt trước, trong hai đùi dính dấu vết máu quệt, đùi trái dính nhiều mảnh vỏ cà phê khô?”. Bởi vậy nên sau đó Thế khai lại là lột quần kéo lê cháu Hồng đi, nên quần tụt ra, sau đó mới bóp cổ và ném đá. Lời khai này có vẻ phù hợp với thương tích trên đùi nạn nhân nhưng lại không thể phù hợp với thực tế vì quần bị hại là quần âu, có cúc, có khoá, nếu không bị cởi và bị lột ra thì dù nạn nhân bị kéo đi thế nào đi chăng nữa thì quần cũng không thể tụt ra được. Trong khi đó tại tấm ảnh số 9 chụp khi khám nghệm hiện trường thấy rằng quần quần dài và quần lót của nạn nhân bị lột trái và quần lót của nạn nhân đang dính hẳn vào quần dài, tại phần đũng của chiếc quần dài.

Kết quả điều tra theo lời khai của Tưởng Đăng Thế là sau khi giết chết bé Hồng, Thế lột quần của Hồng để làm hiện trường về việc hiếp dâm. Điều này là không thoả mãn, vì: lúc này nạn nhân chưa đầy 13 tuổi và Tội hiếp dâm trẻ em nặng ngang với tội giết người, không ai dại gì mà làm thêm hiện trường một tội nặng như thế. Hơn nữa, như trên đã phân tích thì nạn nhân đã bị hung thủ giở trò bỉ ổi chứ không phải là không, vì trên người nạn nhân có dính chất dịch do hung thủ để lại.

+) Quần áo mặc ngoài cuả nạn nhân, Thế khai Thế không biết màu gì nhưng lại biết được quần lót của nạn nhân là màu trắng (trong khi quần lót của cháu Hồng là màu xanh lơ) – Rõ ràng Thế không biết nên mới khai đại ra như vậy (và tại phiên tòa ngày 19/3/2007 Thế cũng đã khai là do cán bộ điều tra giơ ảnh lên cho Thế coi, Thế thấy màu trắng nên nói là màu trắng)

+) Bị cáo khai 14 h khi ra đi khỏi nhà ông Cát, thấy bà Mai đang giặt đồ, bà Mai có nhìn thấy và không nói gì nhưng bà Mai lại không công nhận điều này.

+) Bị cáo khai khi đánh cháu Hồng chết xong (khoảng 14 giờ 30 phút) trở về nhìn vào nhà nạn nhân thấy đang còn 5 - 6 chiếc xe đạp do khách gửi nhưng theo lời khai của cháu Giang tại bút lục  52, 53 thì khoảng 14h có 05 người gửi xe đạp còn lại cuối cùng tại nhà cháu Hồng đến lấy xe, kêu cháu Hồng ra trả tiền thì không thấy cháu Hồng đâu, và họ đã gửi tiền gửi xe 5000 đồng cho cháu Giang đưa lại giùm cho nhà cháu Hồng. Nếu Thế thực hiện tội phạm thì lúc này trở ra không còn chiếc xe đạp nào nữa.

I.2. Tưởng Đăng Thế có chứng cứ ngoại phạm:

Tại thời điểm xảy ra sự việc cháu Hồng bị đánh chết, Tưởng Đăng Thế đang ngủ tại nhà anh Cát, chị Mai. Có nhiều nhân chứng biết rõ và khai rõ việc này (đặc biệt là chị Phan Thị Mai chủ nhà hôm đó không ngủ trưa) đã khai rõ việc này.

Chị Phan Thị Mai và nhiều người khác công nhận rằng: lúc đó Tưởng Đăng Thế đang ngủ tại nhà anh Cát, chị Mai. Bộ quần áo của Thế vẫn mặc từ ngày hôm đó cho đến 02, 03 ngày sau (khi ăn giỗ tại nhà chị Mai) Thế vẫn mặc bộ đồ này, và trên người Tưởng Đăng Thế trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy vẫn không hề có gì lạ. Vẫn sạch sẽ bình thường. Sau đó vẫn đi công việc bình thường, và chở cháu Trang đến báo cho chị của cháu Hồng về việc cháu Hồng bị nạn và đêm 18/01/2006 Thế vẫn tham gia đánh Phỏm và vẫn thắng, đánh ăn được 60.000 đồng.

Tưởng Đăng Thế đi giết người xong về ngủ lại bình thường và khi giết người xong trở về (mặc dù theo hiện trường thì nạn nhân có chống cự mãnh liệt và máu vương vãi khắp nơi, và xảy ra tại vườn đất cà phê, thi thể đầu tóc nạn nhân bê bết máu, đất theo như bản ảnh thi thể nạn nhân đã được chụp và tại bản khám nghiệm tử thi có trong hồ sơ vụ án (VD: tại bản ảnh khám nghiệm tử thi số 15 thể hiện đầu tóc của nạn nhân dính đầy rác và đất), vậy nhưng đầu tóc, thân thể, quần áo của Tưởng Đăng Thế vẫn sạch sẽ bình thường như khi chưa đi giết người là hoàn toàn vô lý.

II. Trong quá trình điều tra, Điều tra viên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Tố tụng hình sự, và vi phạm quy chế điều tra, cụ thể như sau:

Tưởng Đăng Thế không hề đến cơ quan điều tra để tự thú, nhưng lại được cơ quan điều tra lập biên bản tự thú là vi phạm điều 102 Bộ luật TTHS. Vì theo các nhân chứng cho biết thì: Tưởng Đăng Thế bị cơ quan điều tra áp giải đưa đi vào lúc 07 giờ sáng ngày 25/01/2006 khi Thế đang cùng với bạn bè ngồi chuẩn bị ăn mì Quảng của bà Thủy tại chợ Ea Kênh, và ngày hôm sau cơ quan điều tra đưa Thế về đọc lệnh bắt, chứ không phải là Tưởng Đăng Thế được cơ quan điều tra mời lên làm việc hoặc là tự mình đến cơ quan điều tra để tự thú.

Khi được hỏi tại sao lại có bản tự thú về việc giết người, Tưởng Đăng Thế trình bày là khi được dẫn giải đưa đi vào lúc 07 giờ sáng ngày 25/01/2006 chưa kịp ăn uống gì và được đưa đến phòng làm việc của Công an tỉnh, đến trưa Công an chỉ cho ăn một ổ bánh mì không, và cả một ngày đêm hôm đó không những bị đánh đập, Thế không hề được cho uống một ngụm nước nào, mặc dù Tưởng Đăng Thế khát cháy khô cả cổ và van xin, đến khoảng 02 hoặc 03 giờ sáng, Tưởng Đăng Thế khát quá và không còn chút sức lực nào thì cán bộ điều tra đi ra mở vòi nước máy chảy xối xả cho Tưởng Đăng Thế nghe. Tưởng Đăng Thế càng thèm khát nước, nghĩ rằng chỉ cần được uống một ngụm nước để khỏi chết khát, để khỏi mất mạng nên đã phải gật đầu chuyện tày đình mà cán bộ điều tra đã tự nghĩ ra cho Thế mà Thế không hề làm.

Tưởng Đăng Thế khai rằng bị cáo đã bị cán bộ điều tra dùng nhục hình và bị đánh đập hết sức dã man, chịu không nổi nên Tưởng Đăng Thế đã khai báo những gì mà bị cáo không hề làm để khỏi bị mất mạng. Điều này có căn cứ để chứng minh, vì hai bàn tay của Tưởng Đăng Thế bị còng xiết hiện nay vẫn còn in lằn dấu rất rõ. Hoặc tại các bản ảnh chụp dựng lại hiện trường vào ngày 27/01/2006 bất kỳ ai xem ảnh cũng thấy rõ Tưởng Đăng Thế rất yếu, đi không nổi, và nhiều tấm ảnh cán bộ điều tra phải dìu Thế đi, kể cả hai tay bưng cục đá ở hiện trường lên cũng không bê được, phải có cán bộ điều tra đỡ giùm.

Theo như Tưởng Đăng Thế tình bày, Tưởng Đăng Thế không chỉ bị cán bộ điều tra đánh đập mà còn bị ông Trương Khắc Tú - cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk cũng hùa vào đánh đập Thế hết sức tàn ác.

Hơn nữa, mặc dù Thế đã phải khai nhận tội trong các bản khai ban đầu nhưng đến ngày 12/4/2006 khi cán bộ điều tra đưa Thế ra làm việc, Thế vẫn tiếp tục bị đánh (điều này được thể hiện tại bản tường trình của ông Đoàn Quyết Thắng - Cán bộ Trại tạm giam gửi cho Viện kiểm sát tỉnh Đắk Lắk và Lãnh đạo phòng PC 35 Công an tỉnh Đắk Lắk) ghi nhận việc Điều tra viên vi phạm về quy định hỏi cung bị can, đã ghi: “Vào ngày 12/4/2006 khoảng 8 giờ 30 phút, Điều tra viên Dương Thế Bình đến xin trích xuất đưa Thế đi làm việc, Khi hết giờ làm buổi sáng, và khi phạm nhân đã ăn cơm trưa, Thế cũng chưa được Điều tra viên trả lại buồng giam. Đến 13 giờ 30 phút, đồng chí Thắng đến làm việc thì phát hiện Thế có những vết bầm ở bả vai (phía sau lưng) và đầu gối và đây là những vết đánh của Cán bộ điều tra khi họ làm việc với Thế trong buổi sáng”.

Và không hiểu vì lý do gì, bản tường trình này của ông Đoàn Quyết Thắng hiện nay trong hồ sơ vụ án không còn thấy, nhưng bản do tôi sao chụp vẫn đang còn đây.

Và chính trong buổi sáng 12/4/2006 mà bị can Tưởng Đăng Thế bị đánh đập này, có tới 06 trang lời khai của Tưởng Đăng Thế có ghi nội dung Tưởng Đăng Thế nhận tội. Tại tờ Biên bản hỏi cung thứ 2 (Bút lục 93) có ghi như sau:

“Hỏi: Tại các bản tự khai ngày 26/01/2006 và ngày 06/4/2006 bị can khai như thế nào?

Đáp: Tại các bản tự khai ghi ngày 26/01/2006 tại cơ quan điều tra và ngày 06/4/2006 tại trại tạm giam công an tỉnh, bị can đã tự khai toàn bộ nội dung sự việc đánh cháu Hồng một cách tự nguyện, không có ai ép buộc bị can”.

Như vậy, Thế đã bị đánh đập, ép nhận và cán bộ trại tạm giam đã phản ánh rõ điều này.

Cán bộ điều tra khi điều tra đối với Tưởng Đăng Thế đã vi phạm Điều 6, Điều 131 và Điều 132 Bộ luật TTHS.

Những bản cung Thế khai nhận bởi bị Cán bộ điều tra đánh đập đến nỗi cán bộ quản giáo phải lập biên bản về việc đánh đập này, không thể nói là có giá trị để làm chứng cứ. Và, điều tra mà dùng bức cung, nhục hình thì không thể nói đó là điều tra đúng và sẽ cho kết quả khách quan. Và do vậy không thể được sử dụng làm chứng cứ, vì theo quy định tại Điều 64 Bộ luật TTHS thì: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định”.

Trong vụ án này, cán bộ điều tra luôn luôn hướng tới việc đi tìm các tài liệu, chứng cứ buộc tội, mà không xem xét tới việc vô tội của bị cáo, mặc dù bị cáo kêu oan và có nhiều căn cứ thể hiện bị cáo bị oan như: hành vi để kết tội đối với bị cáo không đúng với thực tế diễn biến của vụ án đã xẩy ra, và bị cáo có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng như đã nêu ở phần trên. Không những thế, cán bộ điều tra còn dựng nên một số nội dung không có như: việc Tưởng Đăng Thế tự ra đầu thú và tự viết bản khai, Phạm Văn Thêu nói những điều không hề có trong thực tế (nhất là đối với luật sư). Như vậy cán bộ điều tra đã vi phạm điều 10 Bộ luật TTHS. Và chính Điều tra viên Dương Thế Bình đánh đập bị cáo, ép cung bị cáo, dựng lên những điều không có đối với bị cáo, nhưng những lần điều tra bổ sung đều không được thay đổi Điều tra viên và vẫn chính điều tra viên này thực hiện. Điều này đã vi phạm Điều 44 Bộ luật TTHS... (còn nữa)

Bị cáo bị truy tố, xét xử về tội giết người tại các phiên tòa: + Phiên tòa sơ thẩm ngày 12/9/2006 của TAND tỉnh Đắk Lắk; + Phiên tòa sơ thẩm ngày 19/3/2007 của TAND tỉnh Đắk Lắk; + Phiên tòa sơ thẩm ngày 03/7/2008 của TAND tỉnh Đắk Lắk; + Phiên tòa phúc thẩm ngày 26/11/2008 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng; LS Chu Đức Lưu