/ Pháp luật - Đời sống
/ Kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn ở mức cao

Kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn ở mức cao

30/01/2024 10:28 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 29/01/2024.

Ảnh minh họa.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho hay, từ năm 2022 đến nay, CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế; bước đầu hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia không lái xe".

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ…

Trước tình trạng trên, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đã tương đối cao, có tính răn đe tốt. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4mg/lít khí thở hoặc quá 80mg/100ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Ví dụ người uống 05 cốc bia hay 30 cốc bia đều có thể bị phạt ở mức như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.

Do đó, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3 vẫn nên phân tách thành các mức phạt hành chính cao hơn. Tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc thì cần xử lý hình sự.

Theo ông Trần Hữu Minh, đây chính là trường hợp được đề cập trong khoản 4, Điều 260, Bộ luật Hình sự, và hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự, vi phạm giao thông có khả năng dẫn đến hậu quả như làm 03 người chết trở lên, gây thiệt hại tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên... nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể bị phạt tù đến một năm.

Cũng theo Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, để có đủ căn cứ xử lý hình sự, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngành y tế cần có văn bản quy định vi phạm nồng độ cồn ở mức độ nào là đặc biệt nghiêm trọng khiến tài xế mất kiểm soát hoàn toàn và bị xử lý theo khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự. Từ đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể ban hành hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện quy định của bộ luật.

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trước đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng đề xuất và Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét nội dung này.

Đồng tình đề xuất trên, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho hay, các nước phát triển như châu Âu hay Nhật Bản đều có quy định xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn có thể gây mất an toàn giao thông. Trước hết là xử phạt hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ xử lý hình sự, vừa phạt tiền, vừa bỏ tù người vi phạm.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, yếu tố rủi ro do uống rượu bia khi lái xe là nguy hiểm số một và cần áp dụng các biện pháp xử phạt tăng dần. Đến khi hiệu quả chưa đạt thì phải có biện pháp mạnh hơn là xử lý hình sự.

Bà Lê Thu Huyền, Đại học Giao thông Vận tải cũng cho rằng, hầu hết quốc gia coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Tài xế còn bị lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm.

Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt 80mg/100ml hoặc vượt 0,4mg/lít khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng. Bà Huyền đề xuất mức này nên chia ra 80-160mg/100ml, 160-240mg/100ml để xử phạt tăng nặng theo mức độ vi phạm. Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240mg/100ml máu thì có thể bị phạt tù.

Bộ GTVT lý giải việc cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình về đề xuất điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Cụ thể, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho hay, quy định của pháp luật hiện nay không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đây là quy định khá nghiêm khắc, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt.

Thực tế cho thấy, việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.

Trong khi đó, nhiều trường hợp người có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Từ nhận định trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, Bộ GTVT đã dự thảo các nội dung để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng; Xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ban ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành.

Theo Bộ GTVT, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Việc quy định như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.

Thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.

Quy định trên tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi.

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 14 - 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/ 01 lít khí thở.

Ở mức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50mg hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở mức phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng và tước GPLX 01 - 03 tháng.

MINH QUÝ (t/h)

Hướng dẫn đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài

 

Nguyễn Hoàng Lâm