Phía trước của Nhà thờ Saint- Sulpice tại Thủ đô Paris.
Mối quan hệ giữa lợi ích trong nước và quốc tế trong hoạt động trọng tài thương mại
Đây có thể là quãng thời gian thời tiết ở Paris tuyệt đẹp, với nhiệt độ trung bình từ 8 đến 14 độ C, thi thoảng giữa những cơn mưa bất chợt vào cuối buổi chiều, còn lại là những ngày nắng tỏa vàng trên những rặng cây phong bên đường. Từ khách sạn AC Hotel by Marriott Paris Porte Maiiiot nơi Đoàn trú ngụ đến Trung tâm Hội nghị chỉ mất chừng 10 phút đi bộ, nên gần như tất cả các buổi các thành viên đều ở lại buổi trưa, tham gia các phiên thảo luận từ sáng đến chiều. Tại đây, chúng tôi gặp nhiều Luật sư đến từ một số Công ty Luật ở Việt Nam sang tham dự Hội nghị như Công ty Luật ASL, Asia Counsel, Rajah & Tann LCT Lawyers… Sự chú tâm của các Luật sư liên quan đến hoạt động của Luật sư, mối quan hệ giữa lợi ích trong nước và quốc tế trong hoạt động Trọng tài thương mại, cũng như những vấn đề phát sinh trong mô hình tổ chức và quản trị Công ty Luật.
Tại phiên thảo luận sáng ngày 31/10/2023 về động lực giữa lợi ích trong nước và quốc tế trong hoạt động trọng tài quốc tế do Ủy ban Thương mại quốc tế về Dịch vụ pháp lý của BIC (Trưởng nhóm) và Ủy ban Các vấn đề về Đoàn Luật sư chủ trì. Phiên họp đã thảo luận về tác động của giải quyết tranh chấp quốc tế đối với thương mại dịch vụ pháp lý, nêu bật sự hình thành và phát triển của các Tòa thương mại quốc tế và các Trung tâm trọng tài khu vực, cạnh tranh với nhau để thu hút các dịch vụ pháp lý đến khu vực/khu vực tài phán của họ, sự tương tác giữa các luật sư địa phương và các công ty nước ngoài. Hội thảo đã mang đến một góc nhìn so sánh và rút ra kinh nghiệm của Singapore, Rwanda và Ấn Độ. Diễn giả hội thảo gồm ông Mickael Laurans, Hiệp hội Luật sư Anh và xứ Wales; ông Thierry Gakuba Ngoga, Đối tác đường dây pháp lý, Kigali, Rwanda; bà Tahera Mandviwala, Thư ký Ủy ban Quản lý Công ty Luật, Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ và ông Laurence Wong, Giám đốc điều hành Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore (SICC).
Các thành viên trong Đoàn tham dự phiên thảo luận sáng 31/10/2023.
Các diễn giả tập trung đề cập liên quan đến việc phối hợp giữa Luật sư, tổ chức trọng tài quốc tế và luật sư sở tại trong việc giải quyết các vụ trọng tài quốc tế, vai trò của Đoàn Luật sư nước sở tại trong mối quan hệ phối hợp này. Theo ông Lauren Wong, ở Singapore, Trung tâm SICC được thành lập từ năm 2015, với mong muốn của Chính phủ trở thành một nước trung lập và công tâm nhất, nâng cao vị thế quốc tế của Singapore như một trung tâm kinh doanh và pháp lý quan trọng ở châu Á, đồng thời là trung tâm hàng đầu về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Trung tâm trọng tài SICC cùng với London đã trở thành 2 trung tâm trọng tài có số lượng vụ án lớn nhất trên thế giới.
Ông Thierry Gakuba Ngoga, trong 10 năm qua, ông luôn tự hỏi vì sao các vụ tranh chấp ở châu Phi luôn phải đưa ra tổ chức trọng tài nước ngoài để giải quyết? Có lẽ vì các tổ chức trọng tài trong nước còn rất nhiều vấn đề, thiếu sự tin tưởng để các bên có thể dựa vào để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra trong các điều khoản trong các hợp đồng giữa các Công ty châu Phi chưa có thể hiện rõ cơ quan giải quyết tranh chấp. Do đó các nước châu Phi đang phấn đấu để có sự cân bằng giữa việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế.
Đối với đất nước Rwanda, đây là vấn đề rất quan trọng vì với tình trạng hiện nay khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn giải quyết tranh chấp, họ đều phải chọn tổ chức trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh về chi phí (phải đi qua châu Âu hay Singapore), hay vấn đề visa (Luật sư không xin được visa)… lại trở thành cản ngại trong hoạt động trọng tài tại Rwanda.
Bà Tahera Mandviwala cho biết, hình thức tổ chức trọng tài tại Ấn Độ chủ yếu là Adhoc và có nhiều vấn đề cần phải được điều chỉnh. Hiện nay, Ấn Độ đang có làn sóng nước ngoài đầu tư lớn nên cần có một tổ chức giải quyết tranh chấp quốc tế hiệu quả đáp ứng yêu cầu này. Thủ tướng Ấn Độ cũng yêu cầu hình thành nên cộng đồng pháp luật có chuyên môn để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, nếu như Hong Kong và các tổ chức trọng tài khác cần hai thập kỷ hoặc hơn để trở nên được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế thì Ấn Độ cần cố gắng thực hiện được trong 1 thập kỷ.
Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh việc thay đổi chính sách, thay đổi luật để tố tụng trọng tài ở Ấn Độ tiệm cận với mặt bằng chung của quốc tế. Ngoài ra, họ cũng muốn học hỏi kinh nghiệm thành công của London và Singapore thông qua việc mở cửa cho các luật sư, chuyên gia nước ngoài vào hành nghề và đồng hành với các luật sư trong nước. Đồng thời đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tiêu chuẩn của luật sư tranh tụng trọng tài, thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành trên thế giới để có những chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm.
Liên quan đến hoạt động của Luật sư, ông Wong cho biết ở Singapore ngày xưa mở cửa cho việc Luật sư nước ngoài cho hành nghề ở Singapore, với lý do là Chính phủ cho rằng các Luật sư quốc tế sẽ mang kinh nghiệm, kỹ năng và sự công tâm với tiêu chuẩn quốc tế để làm thay đổi hiện trạng nền tố tụng trọng tài ở Singapore. Đồng thời việc mở cửa và tạo điều kiện cho các Luật sư nước ngoài hoạt động ở nước sở tại sẽ là cơ hội để các Luật sư trong nước học hỏi kỹ năng, đồng hành và thực hiện công việc của mình tốt hơn trong các vụ việc trọng tài quốc tế.
Ông Lauren Wong, Giám đốc điều hành SICC chụp ảnh với Đoàn công tác.
Tại phiên thảo luận, Luật sư Phan Minh Hoàng thông tin về việc Việt Nam đã gia nhập Công ước New York năm 1958 về vấn đề công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài từ rất sớm (12/9/1995) và Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam có hẳn chương riêng về thủ tục này. Pháp luật về trọng tài ở Việt Nam đã được ban hành và ngày càng hoàn thiện, Tòa án Việt Nam đã công nhận nhiều phán quyết của trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một số quốc gia khi gia nhập Công ước đã bảo lưu việc Tòa án có thể không công nhận phán quyết do “trái với nguyên tắc cơ bản” của pháp luật nước sở tại. Vấn đề này được giải quyết như thế nào ở góc độ thực tế một số quốc gia?
Từ câu hỏi trên, phiên thảo luận trở nên sôi nổi và có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Lauren Wong khi đề cập đến câu hỏi này, cho biết Singapore là đất nước thân thiện với trọng tài nên các quy tắc pháp luật cơ bản sẽ không trái với nguyên tắc của Công ước và pháp luật trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, diễn giả đến từ Rwanda lại cho rằng đây là vấn đề thường gặp ở châu Phi, do đó nhiệm vụ của các trọng tài quốc tế là phải nghiên cứu kỹ quy định, quy tắc cơ bản của nước sở tại để ra phán quyết chuẩn nhất, không tạo ra sơ hở và cơ hội để Tòa địa phương bác phán quyết. Diễn giả đến từ Ấn Độ thừa nhận đây cũng là vấn đề lớn của đất nước mình, cũng như ý kiến của đại diện của châu Phi, vấn đề quan trọng là nâng cao chuyên môn của trọng tài viên để nắm bắt các quy tắc căn bản của từng quốc gia để ra phán quyết chuẩn mực, không thể bị hủy hay không công nhận để thi hành phán quyết.
Từ vấn đề lựa chọn đối tác đến cuộc thảo luận về quy mô Công ty Luật
Các diễn giả chủ trì phiên thảo luận chiều 31/10/2023.
Chủ đề văn hóa Công ty luật và chế độ đãi ngộ - Từ “những con số cứng” đến “kỹ năng mềm”: Thách thức ngày càng tăng trong việc xác định, đánh giá và khen thưởng “đối tác lý tưởng” được tiếp nối vào chiều ngày 31/10/2023. Hiện nay, rõ ràng là không ai có thể nghi ngờ việc tìm kiếm và vai trò của một đối tác trong Công ty Luật đang ngày càng khó khăn. Thành công của việc lựa chọn đối tác ngày nay cũng không chỉ đơn thuần là tiền bạc, hay lợi ích mang lại. Trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19, sự tồn tại (và thành công) của đối tác đòi hỏi những kỹ năng lãnh đạo “mềm hơn” và xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy với cả khách hàng cũng như thế hệ luật sư trẻ mới.
Thêm vào đó, nhu cầu hỗ trợ các khía cạnh tích cực của văn hóa chưa bao giờ lại đòi hỏi cao hơn như bây giờ, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa điều này trong thực tế vẫn là một câu hỏi lớn. Phiên thảo luận đã chia sẻ kết quả khảo sát về thù lao của Ủy ban Quản lý Công ty luật năm 2023 của IBA, đồng thời lắng nghe những ví dụ thực tế và câu chuyện thành công từ các công ty đang đánh giá lại đóng góp của đối tác, chuyển đổi cơ chế từ đánh giá đối tác sang phát triển đối tác và cập nhật tài chính và phi tài chính của họ. Các diễn giả bao gồm bà Tahera Mandviwala, Thư ký Ủy ban Quản lý Công ty Luật, Mumbai, Ấn Độ, ông Moray McLaren, Công ty tư vấn Lexington đến từ Tây Ban Nha; ông Coelho da Rocha Demest Advogados đến từ Brazil; ông Olayinka Edu đến từ Nigeria; bà Natasha Tardif Reed Smith đến từ Pháp.
Chủ đề phiên thảo luận chiều 31/10/2023 thu hút sự quan tâm của các Luật sư đến từ các nước.
Theo ông McLaren, có tới 160 Công ty Luật tham gia khảo sát của IBA, giúp cho IBA có cái nhìn toàn diện về tình trạng quản lý Công ty luật hậu Covid-19. KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) về lợi nhuận không còn là ưu tiên hàng đầu mà dần chuyển dịch sang lượng công việc và hiệu quả công việc. Hiện nay, một số nhân tố ảnh hưởng đến việc quản lý Công ty Luật như thiếu niềm tin vào Partner (44%); thiếu mục tiêu chung (29%), xung đột nội bộ (16%) và thiếu sự tin tưởng trong nội bộ (11%). Tiêu chí để lựa chọn partner của Công ty Luật có chung giá trị cốt lõi; có sự đầu tư đáng kể vào việc vận hành vào công ty; có khả năng mở rộng khách hàng và thị trường, nâng cao danh tiếng; có khả năng nâng cao trình độ và đào tạo nhân lực đạt được tiềm năng của họ; đưa về kết quả tích cực về tài chính cho Công ty Luật.
Theo bà Tarof, việc lựa chọn đối tác trong thời đại này cần có một cái tầm nhìn cởi mở, tôn trọng về xuất thân, tầm nhìn cũng như sắc tộc để có thể nhận ra giá trị cốt lõi mà họ có thể mang lại cho công ty. Ông Rocha cho biết, qua khảo sát này, đã nhận ra rằng việc đánh giá các partner trong Công ty Luật không chỉ còn đơn thuần là KPI về tài chính, mà còn là các KPI liên quan về chuyên môn như lượng công việc, mức độ thành công của vụ việc, mục tiêu ngắn dài hạn cũng như mức độ cần bằng về trình độ và kinh nghiệm. Từ khóa chúng ta rút ra được là "giá trị tổng thể" khi đánh giá về Partner.
Khi trao đổi về chủ đề quy mô tổ chức của Công ty Luật hiện nay ở Việt Nam như thế nào, tôi nhận được một ý kiến khá thú vị từ với Luật sư Nguyễn Ngọc Phong đến từ Công ty luật Asia Counsel. Luật sư Phong nêu một vấn đề liên quan một số Công ty Luật ở Việt Nam đang cố gắng tổ chức với quy mô ngày càng lớn, nhưng có tình hình và xu hướng thực tế là nhiều đối tác sau thời gian làm việc tại Công ty Luật, với kinh nghiệm tích lũy và có lượng khách hàng nhất định, sau đó đã rời khỏi công ty và tách ra lập công ty riêng, với quy mô nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là nhiều Công ty Luật ở Việt Nam có thể đi ngược lại với xu hướng của thế giới ?
Sông Scene về đêm…
Tôi lại nhớ trong kỳ tham dự Hội nghị thường niên IBA năm 2022 ở Miami (Hoa Kỳ), chúng tôi được đến thăm 02 Công ty Luật lớn là Akerman với có số lượng 700 Luật sư và có chi nhánh ở 24 thành phố, tập trung hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý tại Hoa Kỳ. Công ty Luật Jones Day là Công ty Luật lớn thứ tám ở Hoa Kỳ, có tổng doanh thu cao thứ 13 trên thế giới (năm 2018, doanh thu của Công ty là 2,05 tỉ USD) từ kết quả hoạt động nghề nghiệp của 2.513 Luật sư thuộc hệ thống của công ty.
Trong dịp sang thăm và làm việc tại Trung Quốc năm 2013, chúng tôi được biết đến Hãng Luật Yingke Law Firm (Doanh Khoa) tọa lạc trong một tòa nhà 8 tầng trên diện tích 7.000m2, nơi đây có 500 Luật sư và 200 nhân viên trợ lý làm việc tại 4 khu riêng biệt (A, B, C, D), giữa hoạt động tranh tụng, tư vấn và cung cấp các dịch vụ pháp lý khác. Nữ Luật sư Huizhen Hao không chỉ là một Luật sư nổi tiếng hàng đầu, mà còn là một người có uy tín trong Đảng và chính quyền địa phương, tự hào coi đây là một trong những Hãng luật lớn nhất châu Á, ngoài số lượng luật sư nêu trên, hiện có trên 3.000 Luật sư và 2.000 công tác viên làm việc tại Văn phòng và các Chi nhánh trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, một số thành viên trong Đoàn công tác lại nêu khía cạnh thực tế với góc độ văn hóa và tâm lý người Việt Nam, với quy mô công ty Luật khoảng 10 Luật sư lại là hợp lý. Họ có thể gắn bó, làm việc cùng nhau, hiểu biết cuộc sống và nghề nghiệp, còn nhiều Công ty Luật có quy mô lớn như có dịp đến thăm, có khi hàng năm trời các Luật sư trong cùng Tòa nhà không biết mặt nhau. Câu chuyện thế nào là quy mô tổ chức hợp lý đối với mô hình Công ty Luật ở Việt Nam chắc là còn nhiều ý kiến rất khác nhau…
Kỳ V: Câu chuyện phí thành viên và tham gia sự kiện thường niên của IBA
Bài và ảnh HOÀI PHAN