(LSO) - Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã gửi kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ sau kỳ họp thứ 8 về nhiều nội dung liên quan đến việc phòng chống tham nhũng. Cử tri tỉnh Hậu Giang đánh giá cao trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo quyết liệt trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, qua theo dõi cử tri cho rằng, việc xử lý thu hồi tài sản sau tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, còn thất thoát nhiều tài sản của Nhà nước và của Nhân dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc thu hồi các tài sản do tham nhũng mà có để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thật sự mang lại hiệu quả và cũng nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cho biết, các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong phòng chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ và đồng đều hơn. Nhiều vụ việc phức tạp đã giải quyết vượt tiến độ, kế hoạch. Thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét.
Đáng lưu ý, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tăng, nhưng tỷ lệ thu hồi vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt thực tế, đã xuất hiện tình trạng tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng. Mặc dù có nhiều tiến bộ so với trước nhưng đúng là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài”, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che dấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.
Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập (dự kiến tháng 5/2020 trình Chính phủ), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (dự kiến tháng 9/2020 trình Thủ tướng Chính phủ).
Thanh tra Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Cụ thể, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và hơn 897 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung hoàn thành thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đồng thời chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong đó chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt.
LSO (t/h)