Trong lịch sử hình sự của nước Mỹ có một vụ án mang dấu mốc với ý nghĩa đặc biệt bởi mở ra thời kỳ mới cho công việc điều tra trọng án. Phải mất đến 17 năm và phải nhờ cậy đến biện pháp độc đáo chưa hề được áp dụng cho tới khi đó thì Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới có thể lần ra tội phạm. Đấy là vụ án về kẻ tự chế tạo bom để giết người được FBI đặt cho biệt danh là Unabomber.
Trong lịch sử hình sự của nước Mỹ có một vụ án mang dấu mốc với ý nghĩa đặc biệt bởi mở ra thời kỳ mới cho công việc điều tra trọng án. Phải mất đến 17 năm và phải nhờ cậy đến biện pháp độc đáo chưa hề được áp dụng cho tới khi đó thì Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới có thể lần ra tội phạm. Đấy là vụ án về kẻ tự chế tạo bom để giết người được FBI đặt cho biệt danh là Unabomber. Bomber có nghĩa là kẻ đánh bom, còn Una là viết tắt ghép từ Universities and Airlines, hàm nghĩa kẻ này chuyên tập trung dùng bom tự chế để giết người ở các trường đại học và hãng hàng không.
Trong thời gian 17 năm liền, người này tiến hành rất nhiều vụ đánh bom làm 3 người chết và ít nhất 28 người khác bị thương, đa phần đều bị thương rất nặng. Điều đặc biệt ở đây là người này học hành rất giỏi, tốt nghiệp một trong những trường đại học lừng danh nhất của nước Mỹ là trường Đại học tổng hợp Harvard. Người này lại xuất thân từ gia đình giàu có chứ không phải nghèo khó, sống trong nhung lụa chứ không phải vật lộn đường đời để bươn chải cuộc sống.
Vậy mà rồi người này bỏ đô thành vào rừng núi sống ẩn dật và biệt lập, ở đó tự chế tạo bom, lựa chọn nạn nhân bất kỳ và tiến hành ám sát họ. Tất cả những nạn nhân đều giống nhau ở chỗ không phải là dân thường trên đường phố mà là kỹ sư hay nhà khoa học, thầy thuốc hay nhà quản lý doanh nghiệp, và tất cả các vụ đặt bom tấn công của người này đều là các trường đại học và các hãng hàng không. Ở đây hàm chứa một điều là người này thù hận khoa học kỹ thuật hiện đại và căm ghét xã hội hiện đại cũng như cho rằng khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm cho xã hội bị thay đổi nên không còn được như trước nữa và trường đại học cũng như các hãng hàng không bị coi là biểu tượng cho và cội nguồn của những gì đã làm cho xã hội phát triển hiện đại.
Người này cho rằng khoa học kỹ thuật phát triển làm xã hội mất ổn định và xô đẩy con người vào cuộc sống không thể được thoả mãn và hạnh phúc, biến con người thành nô lệ của khoa học kỹ thuật và hệ thống chính trị. Người này đòi thế giới phải được trở lại hoang dã như xa xưa.
Trong suốt 17 năm, từ 1978 đến 1995, người này dùng bom thư tự chế trong túp lều nhỏ giữa rừng ở bang Montana gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp nước Mỹ mà không hề bị cảnh sát phát hiện. Sau lần gửi bom thư ngày 24/4/1995, người này công bố một bài viết dài 35.000 từ với tiêu đề “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó” coi làm tuyên ngôn của chính mình và gửi nó cho cảnh sát, đồng thời tuyên bố chấm dứt việc gửi bom thư.
Cho tới thời điểm ấy, cảnh sát Mỹ vẫn không biết người này có tên gọi là Theodore Kaczynski, sinh năm 1942 ở Chicago. Khi ấy, cảnh sát Mỹ đã treo giải thưởng đến 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp tìm ra Kaczynski. Cuộc điều tra vụ án này đi vào lịch sử hình sự ở nước Mỹ với việc cảnh sát dùng cách hành văn và khẩu ngữ của người này để dựng nên chân dung thủ phạm. Cảnh sát cho đăng công khai tuyên ngôn nói trên của Kaczynski với hy vọng sẽ có ai đấy khi đọc sẽ nhận ra tác giả của nó.
Và đúng như thế thật. Cô em gái họ của Kaczynski nhận ra. Rồi người em trai họ cũng nhận ra. Thông qua luật sư, họ báo cảnh sát và rồi cảnh sát mò ra Theodore Kaczynski. Năm 1996, người này bị bắt. Năm 1998, người này bị đưa ra xét xử và bị toà án tuyên án 8 lần tù chung thân. Biện pháp dùng cách hành văn và khẩu ngữ để nhận diện tội phạm lần đầu tiên được áp dụng ở Mỹ và trên thế giới.
THẢO NGUYÊN/PLVN