/ Pháp luật - Đời sống
/ Làm rõ tính pháp lý trong vụ án ‘mua gỗ làm nhà’ ở Gia Lai

Làm rõ tính pháp lý trong vụ án ‘mua gỗ làm nhà’ ở Gia Lai

27/04/2023 14:31 |

(LSVN) - Một người dân ở huyện Kông Chro do có nhu cầu làm nhà ở đã tìm đến một doanh nghiệp trên địa bàn để mua. Tuy nhiên, sau khi mua gỗ từ doanh nghiệp này, được trao tay hoá đơn, mang gỗ về vườn nhà thì bị lực lượng chức năng kiểm tra và người này bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại điểm k khoản 2 Điều 232 Bộ luật Hình sự. Những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc khởi tố công dân này được đưa ra phân tích và có nhiều điều cần làm rõ…

Nội dung vụ án…

Theo kết luận điều tra của Công an huyện Kông Chro, ngày 05/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện nhận được văn bản của UBND huyện về vụ tập kết gỗ tại khu vực vườn rẫy của nhà ông Lê Quốc Toản (SN 1983) ở khoảng 5, tiểu khu 753, thôn 4, xã Đăk Pơ Chro. Khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu, Công an huyện xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Ngày 11/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ trì, phối hợp với VKSND huyện, Hạt kiểm lâm, UBND xã tiến hành khám nghiệm hiện trường tại khu vực vườn rẫy nhà ông Toản. Thời điểm khám nghiệm xác định có 788 thanh, long, hộp gỗ đã được chế biến thành phẩm quy cách làm nhà ở, khối lượng 24,528m3 gỗ xẻ và 11,679m2 gỗ tròn các loại (trong đó chủng loại xoay 22,594m3, bằng lăng 14,181m3, cà chít 4,372m3, SP3: 9,774m3) tổng khối lượng làm quy thành tròn là 50,923m3.

Sau đó ông Toản đã cung cấp 02 bộ hồ sơ hoá đơn GTGT thể hiện đã mua gỗ của Công ty TNHH MTV Đồng Minh (636 Quang Trung, Tây Sơn, An Khê, Gia Lai). Ông Toản cũng khai nhận đã thực hiện mua bán gỗ với ông Nguyễn Minh Vũ, chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Đồng Minh 02 lần với số tiền gần 300 triệu đồng. Số gỗ mua từ ông Vũ được ông Toản thuê xe vận chuyển về vườn rẫy nhà mình để gia công làm nhà để ở. Quá trình điều tra Vũ khai nhận toàn bộ đã bán cho Toản gỗ có giá trị tiền trên. Số gỗ này được Vũ thừa nhận mua từ nhiều cá nhân, đơn vị. Qua làm việc ông Toản và ông Vũ đều khai đã mua bán gỗ khối lượng 50,923m3 nà cơ quan CSĐT đang tạm giữ theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 11/01/2022.

Cần làm rõ các vấn đề pháp lý…

Sau khi xem xét, nghiên cứu vụ án, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn Phòng Luật sư Kết Nối phân tích, đưa ra quan điểm:

Thứ nhất, việc mua gỗ của gia đình ông Toản hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định pháp luật. Vụ án xác định rất rõ ràng mua bán giữa Toản và Công ty TNHH Một thành viên Đồng Minh (sau đây gọi tắt là “Công ty Đồng Minh”) là đúng sự thật, có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, bảng kê các loại gỗ theo đúng quy định của pháp luật. Các loại gỗ mà ông Toản mua gồm: Xoay, tạp, bằng lăng, cà chít. Đây không phải là các loại gỗ quý, hiếm thuộc danh mục cấm, hạn chế khai thác, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong khi đó, Công ty Đồng Minh là đơn vị chuyên kinh doanh, mua bán các loại gỗ, có đăng ký kinh doanh hợp pháp. Vì thế có thể xác định ông Toản đến Công ty Đồng Minh mua hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Ông Toản không buộc phải biết, chứng minh nguồn gốc gỗ của Công ty Đồng Minh là hợp pháp hay không. Pháp luật cũng không có bất cứ quy định về điều kiện, thủ tục, xác minh nguồn gốc gỗ trước khi mua bán.

Nếu cơ quan tố tụng chứng minh việc Công ty Đồng Minh sai phạm về việc mua bán gỗ, hóa đơn GTGT thì đây là sai phạm riêng, cá nhân của Công ty Đồng Minh. Không liên quan gì đến ông Toản đối với các sai phạm này.

Vì vậy, việc mua bán gỗ giữa ông Toản và Công ty Đồng Minh là ngay tình, hợp pháp, đúng quy định pháp luật. Đây là giao dịch dân sự, đã hoàn thành việc thanh toán, bàn giao tài sản, không có bất cứ tranh chấp gì. Điều này phù hợp với khoản 18 Điều 2 và Điều 71 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Thứ hai, xác định việc mua bán gỗ của bị cáo Toản là để sử dụng làm nhà, chứ không phải tàng trữ lâm sản trái phép. Vụ án thể hiện tang vật gỗ bị thu giữ đang trong quá trình tạo thành phẩm dùng để xây nhà.

Đối với hành vi tàng trữ lâm sản (là gỗ) trái phép cần phải xem xét ở 2 yếu tố cụ thể:

- Quy định thế nào là lâm sản, cụ thể căn cứ theo khoản 16 Điều 2 Luật Lâm nghiệp quy định: “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến”.

- Căn cứ Điều 23 Nghị định 35/2019/NĐ- CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử đổi tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định: “Hành vi tàng trữ, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó”.

Thứ ba, cơ quan điều tra có thẩm quyền khi thẩm định gỗ hay không? Căn cứ quy định tại Điều 37, 42 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản là Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro.

Căn cứ quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan điều tra không có thẩm quyền thẩm định nguồn gốc lâm sản, không có chức năm thẩm định khối lượng gỗ khi khám nghiệm hiện trường.

Hơn nữa, tại thời điểm cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, toàn bộ khối lượng gỗ của ông Toản đã qua gia công, do đó khối lượng gỗ sẽ giảm chứ không thể tăng hơn so với khối lượng gỗ ông Toản đã mua.

Thứ tư, trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hàng hóa, kê khai thuế thuộc về Công ty TNHH MTV Đồng Minh. Tại Văn bản số 166/CCTKV-KTrT của Chi cục thuế khu vực An Khê – Đak Pơ – Kông Chro xác định hóa đơn đầu ra số 0000159 ghi ngày 19/01/2020 của Công ty Đồng Minh bán cho ông Toản chưa đăng ký sử dụng với cơ quan thuế và chưa kê khai thuế GTGT đầu ra, việc phát hành và sử dụng hóa đơn của Công ty Đồng Minh có dấu hiệu bất hợp pháp.

Công ty Đồng Minh xuất hóa đơn ngày 19/01/2020, căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định 51/2010/NĐ-CP, trách nhiệm đăng ký sử dụng, phát hành, kê khai hóa đơn là trách nhiệm của tổ chức bán hàng hóa. Ông Toản là người mua hàng chỉ có trách nhiệm yêu cầu Công ty Đồng Minh lập, giao hóa đơn, cung cấp thông tin để Công ty Đồng Minh lập hóa đơn, ký hóa đơn, sử dụng hóa đơn đúng mục đích, cung cấp thông tin ghi trên hóa đơn khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo Điều 24 Nghị định 51/2010/NĐ-CP.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 71 Luật Lâm nghiệp năm 2017, cơ sở thương mại lâm sản được kinh doanh những mặt hàng lâm sản Nhà nước không cấm và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.

Ông Toản mua gỗ từ Công ty Đồng Minh để làm nhà, ngoài ra không sử dụng đúng hóa đơn của Công ty Đồng Minh vào mục đích bất hợp pháp nào khác. Ông Toản không có nghĩa vụ phải biết hóa đơn Công ty Đồng Minh xuất có bất hợp pháp hay không.

"Cơ quan điều tra kết luận khối lượng gỗ của ông Toản mua của Công ty Đồng Minh là bất hợp pháp tuy nhiên các đối tượng thuộc Công ty Đồng Minh với trách nhiệm của cơ sở thương mại kinh doanh lâm sản lại không bị khởi tố. Như vậy, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm", Luật sư Hùng nói.

PV

Một số hạn chế, bất cập về tội 'Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác'

Bùi Thị Thanh Loan