/ Góc nhìn
/ Lẽ phải sẽ thắng!

Lẽ phải sẽ thắng!

05/01/2021 18:07 |

(LSO) - Vụ án đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án đã rẽ sang một chiều hướng hoàn toàn khác, có lợi cho các bị đơn và quan trọng, mở ra con đường tiếp cận công lý và công bằng.

Ngày 15/7/2020, Chánh án TAND cấp cao tại TP. HCM đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Kháng nghị đã chỉ ra nhiều vi phạm về nội dung và thủ tục tố tụng của cả hai phiên tòa. Cụ thể là có 5 vấn đề được nêu ra, dẫn chiếu những quy định pháp luật hiện hành để chứng minh quan hệ tranh chấp dân sự này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải là tranh chấp quyền sử dụng đất như 2 bản án trước đó đã nhận định. Tiếp theo là những phân tích, đánh giá và nhận định để đi tới kết luận rằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đụng đất này là hợp pháp, tòa án cần giải quyết công nhận hợp đồng này.

Như vậy, các phán quyết trước đây của hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã sai từ xác định quan hệ tranh chấp cho tới việc hủy các hợp đồng hợp pháp và có hiệu lực này. Phán quyết đó đã gây nên sự oan ức cho người dân khiến họ có ý định tự vẫn. Song, cái gây nên hậu quả khó lường là sự phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, làm giảm niềm tin vào sự xét xử công tâm của tòa án. Đặc biệt, trong vụ án dân sự này, xét xử và phán quyết như vậy rất bị dễ cho rằng mượn bàn tay pháp luật (do quan hệ, thân quen) mà bóp méo sự thật, bẻ cong công lý. Đáng lo sợ hơn là sự xâm hại đến đạo lý, người ta thấy rất rõ sự tráo trở của cái gọi là "chuyển nhượng", đã lấy tiền rồi, giao đất rồi nhưng chưa hoàn thiện về mặt pháp lý thì nhân cớ ấy mà đòi lại vì giá đất đang lên.

Lấy để bán lại sẽ thêm rất nhiều tiền, có sự giúp sức từ những người trong ngành tư pháp thì sự tráo trở đó sẽ thành hiện thực. Nếu vụ án này không được giám đốc thẩm sẽ trở thành tiền lệ cho nhiều sự tráo trở khác, chẳng những xâm hại đạo lý mà còn tạo nên những bất ổn và bất công xã hội.

Vụ án này khiến người ta liên tưởng đến vụ án bị cáo nhảy lầu tự tử ở Bình Phước. Chánh án TAND cấp cao tại TP. HCM đã ra kháng nghị theo hướng hủy cả 2 bản án trước đó, xét xử lại từ đầu. Kháng nghị cũng chỉ ra 6 "điểm mờ" ở các phiên xét xử trước đó mà nay phải điều tra làm rõ.

Điều mà chúng ta nghi ngại là tại sao những bản án đã qua 2 cấp xét xử mà vẫn còn lắm "điểm mờ" và nhiều điểm sai đến vậy? Những điểm mờ và điểm sai này không khó để nhận ra ngay từ đầu để có một bản án công tâm. Chỉ có thể nhận xét rằng những người "cầm cân, nảy mực" trong việc xét xử này hoặc đã cố tình bỏ qua, hoặc nghiệp vụ quá kém. Dù là thế nào nhưng cả hai điều này đều dẫn tới oan sai, vậy có nên để những người đó tiếp tục công việc "cầm cân, này mực"?.

NHỊ NGỌC

/14-van-ban-qppl-duoc-ban-hanh-trong-thang-6-2020.html