Ảnh minh họa.
Theo đó, ngày 12/8/2024 Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được Công văn số 132/TANDTC-PC ngày 08/08/2024 của TAND Tối cao đề nghị đóng góp ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi). Sau khi nghiên cứu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Về các chính sách lớn sửa đổi Luật Phá sản
Hồ sơ Dự án Luật đưa ra 5 chính sách lớn, đó là: (1) Chính sách 1: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (2) Chính sách 2: Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; (3) Chính sách 3: Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; (4) Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; (5) Chính sách 5: Hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản.
Liên quan đến các chính sách lớn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cân nhắc thêm một số vấn đề về 03 nhóm chính sách sau đây:
Về chính sách 1: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã
Theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật Phá sản đối với chính sách này, Cơ quan soạn thảo đề xuất chọn Phương án 1, theo đó, đề nghị “Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã” trong Luật Phá sản và đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề gồm:
- Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo hướng phù hợp, linh hoạt, độc lập với thủ tục phá sản.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã có nguy cơ mất khả năng thanh toán và chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi nhằm cứu doanh nghiệp, hợp tác xã và bảo toàn tiền, tài sản của mình.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ điều kiện phục hồi hoạt động kinh doanh thì Tòa án chuyển vụ việc sang thủ tục phá sản.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp để khuyến khích việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện, khả năng cao hơn để thoát khỏi tình trạng khó khăn, phục hồi hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu thành công.
Tuy nhiên, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc báo cáo đánh giá tác động xã hội cho rằng, nếu lựa chọn theo Phương án 1 thì tác động xã hội sẽ làm tăng tính chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc nộp đơn đề nghị phục hồi doanh nghiệp do “họ không phải e ngại việc nộp đơn sẽ có nguy cơ cao bị phá sản" là quan điểm chưa phù hợp. Mục tiêu khi các doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu phục hồi là họ cần phải hiểu rõ tình trạng của doanh nghiệp mình, dù có nộp đơn yêu cầu phục hồi nhưng nếu không thể phục hồi hoặc không có khả năng phục hồi thì doanh nghiệp vẫn có thể bị chuyển sang thủ tục phá sản. Do vậy, việc xây dựng cơ chế cho các doanh nghiệp chủ động nộp đơn yêu cầu phục hồi cũng không làm mất đi khả năng doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Trên thực tế là tại Việt Nam hầu hết các doanh nghiệp là siêu nhỏ, vừa và nhỏ, do đó quá trình vận hành tài chính không minh bạch là việc thường xảy ra. Do đó, khi chủ động nộp đơn các doanh nghiệp/ chủ sở hữu doanh nghiệp/ đại diện pháp luật của doanh nghiệp rất e ngại vấn đề báo cáo tài chính và ngại bị kiểm toán. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không chủ động nộp đơn khi nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Vì vậy, Phương án 1 sẽ khó có thể là cơ sở để làm tăng tính chủ động nộp đơn phục hồi của doanh nghiệp nếu không đặt ra chế tài đối với các chủ doanh nghiệp/đại diện pháp luật của doanh nghiệp có khả năng lâm vào tình trạng phá sản trong 12 tháng tới (vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ tình trạng tài chính ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp).
Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, việc xây dựng chính sách nộp đơn chủ động phục hồi là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhằm bảo vệ mục tiêu ổn định nền kinh tế, nhưng cần xem xét, xây dựng quyền và nghĩa vụ đi kèm theo nhau. Do đó, một chính sách tốt cần phải tạo điều kiện và đồng thời phải có cả chế tài, bởi nếu sự vô trách nhiệm/ thiếu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp/ đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý doanh nghiệp đều có tác động tiêu cực đến các chủ thể có quyền như chủ nợ và người lao động, lớn hơn nữa đó là nền kinh tế vĩ mô.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị trong chính sách 1, cùng với việc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã thì cần nghiên cứu, xây dựng chế tài hành chính, hình sự áp dụng với các chủ thể quản lý, sở hữu doanh nghiệp có nghĩa vụ chủ động nộp đơn phục hồi doanh nghiệp khi phát hiện khả năng tài chính doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn mà có khả năng dẫn đến phá sản trong 12 tháng tới nhưng không nộp đơn yêu cầu phục hồi doanh nghiệp.
Về chính sách 2: Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã
Việc xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ giúp giải quyết nhanh vụ việc phá sản, khắc phục tình trạng vụ việc phá sản kéo dài qua nhiều năm, gây tốn kém về thời gian, chi phí của các bên liên quan.
Qua nghiên cứu Đề cương chi tiết Luật Phá sản (sửa đổi), Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, chưa có dự kiến quy định về thời hạn để chủ doanh nghiệp/người đại diện pháp luật nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình quyết định có chấp thuận phương án phục hồi doanh nghiệp hay không? Ngoài ra, nhằm thể hiện tính nghiêm túc của doanh nghiệp mong muốn phục hồi và nếu không thực hiện trong thời hạn hợp lý thì không cần thiết phải tiếp tục thủ tục xem xét áp dụng chính sách phục hồi doanh nghiệp. Do đó, trong xây dựng thủ tục phục hồi, cần chú ý bổ sung quy định về thời hạn để người quản lý doanh nghiệp (đại diện pháp luật), chủ sở hữu doanh nghiệp chủ động thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán khi nộp đơn yêu cầu phục hồi và các hậu quả pháp lý khi họ không thực hiện đúng thời hạn này.
Cũng liên quan đến nội dung chính sách phục hồi doanh nghiệp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, Thẩm phán giải quyết vụ việc phá sản cần thiết phải hiểu rõ mục tiêu của chính sách phục hồi này không phụ thuộc vào quyết định của Thẩm phán giải quyết khi xem xét các yếu tố thuộc khả năng phục hồi mà phụ thuộc vào quyết định của Hội nghị chủ nợ bao gồm cả Nhóm chủ nợ có tài sản đảm bảo. Vì cần dựa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của chủ thể bị ảnh hưởng thì mới có quyền quyết định vấn đề có cho phép doanh nghiệp tiến hành thủ tục phục hồi hay không.
Điều này đồng nghĩa với việc trong tình huống Thẩm phán/ Tòa án nhận thấy có khả năng cho doanh nghiệp áp dụng thủ tục phục hồi doanh nghiệp nhưng Hội nghị chủ nợ (bao gồm nhóm chủ nợ có tài sản đảm bảo) không chấp thuận thì Thẩm phán cần tôn trọng quyết định của Hội nghị chủ nợ, không nên kéo dài thời gian giải quyết vụ việc nhằm hòa giải hay thương lượng giữa các bên, gây thiệt hại thêm chi phí của doanh nghiệp (nói cách khác chính là tài sản của các Chủ nợ). Đối với nhóm chủ thể yếu thế dễ bị tổn thương khi doanh nghiệp phá sản (người lao động) thì đã có các cơ chế bảo vệ trong ưu tiên thanh toán, do vậy, việc áp dụng thủ tục phục hồi doanh nghiệp không thể mang tính áp đặt từ cơ quan Tòa án hay bất kỳ chủ thể nào khác.
Về chính sách 3: Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, xây dựng thủ tục tố tụng điện tử để giải quyết vụ việc phá sản là chính sách phù hợp với chính sách chuyển đổi số, có thể giảm thời gian, chi phí đối với việc giải quyết vụ việc phá sản, tạo thuận lợi cho các bên liên quan tham gia tố tụng.
Về các nội dung cụ thể của Đề cương chi tiết Luật Phá sản (sửa đổi)
Liên quan đến vấn đề giải thích từ ngữ
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 51/2014/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 (“Luật Phá sản 2014") quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Trên thực tế, việc doanh nghiệp có khoản nợ quá hạn 03 tháng là rất phổ biến, việc không thanh toán các khoản nợ quá hạn này có nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp xuất phát từ tình trạng khó khăn, mất cân đối tài chính tạm thời của doanh nghiệp mắc nợ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp do các bên có tranh chấp về chính khoản nợ đó hoặc do doanh nghiệp cố tình không chịu thanh toán nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn của chủ nợ, lẽ ra các khoản nợ quá hạn này cần được giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự nhưng chủ nợ lại yêu cầu mở thủ tục phá sản để gây sức ép trả nợ đối với doanh nghiệp bị yêu cầu. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và sau đó phải phá sản thật.
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung giải thích về “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” (khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014) theo hướng tăng thời hạn không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm, tức là chỉ được yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời gian 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Về điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều sửa đổi, bổ sung Điều 5 Đề cương Dự thảo Luật)
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014, điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, Đây là điều kiện phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong điều kiện, tình hình các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra và tình hình kinh tế- xã hội hiện nay, việc mất khả năng thanh toán và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là điều tất yếu.
Luật Phá sản 2014 đã chưa dự liệu được các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan đến hoạt động và khả năng tài chính của chủ thể kinh doanh khi xảy ra các tình huống đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc khủng bố. Thực tế cho thấy, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, nếu người có quyền không nộp đơn yêu cầu phá sản, thì người có nghĩa vụ vẫn phải nộp đơn. Do đó, khả năng doanh nghiệp phải chịu áp lực và bị tuyên bố phá sản là rất cao.
Việc nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản hàng loạt có thể dẫn đến tình trạng quá tải cho Tòa án nhân dân, không chỉ trong việc giải quyết các vụ án phá sản mà còn trong việc xử lý các vụ án và vụ việc tồn đọng do phải thực hiện các biện pháp hạn chế hậu quả của dịch bệnh. Theo đó, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong hoàn cảnh này về mặt pháp lý không sai nhưng không thể hiện mục đích và tính nhân văn, hợp lý của pháp luật, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật về phá sản.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, cần bổ sung điều khoản quy định về điều kiện mất khả năng thanh toán. Ngoài các trường hợp hiện hành theo Luật Phá sản 2014, cần bổ sung quy định về mất khả năng thanh toán trong các tình huống đặc biệt như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, hoặc khủng bố. Thời gian 03 tháng sẽ được tính từ ngày đầu tiên sau khi cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền tuyên bố kết thúc tình huống đặc biệt đó. Tuy nhiên, việc xác định mất khả năng thanh toán trong các trường hợp trên khó có thể bao quát trong một điều khoản duy nhất; vì vậy, Luật Phá sản nên quy định nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Về đối tượng có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều sửa đổi, bổ sung Điều 5 tại Đề cương Dự thảo Luật)
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, so với cổ đông nắm giữ cổ phần lớn trong Công ty cổ phần và thành viên hợp tác xã, thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên không có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản. Do đó, nếu thành viên nắm giữ vốn chi phối nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, họ không thể chủ động nộp đơn mà chỉ có thể chờ đợi người đại diện theo pháp luật hoặc chủ tịch hội đồng thành viên thực hiện nghĩa vụ này. Điều này có thể gây bất lợi cho thành viên, vì nếu tình hình kéo dài, lợi ích của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ thực tế đó, theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cần nghiên cứu, bổ sung quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Về thanh toán thù lao, chi phí quản tài viên đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bù trừ (Điều sửa đổi, bổ sung Điều 8 tại Đề cương Dự thảo Luật)
Bù trừ nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản với chủ nợ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản được quy định tại Điều 63 Luật Phá sản 2014, thực hiện theo quy định tại Điều 378 Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của quản tài viên, quản tài viên báo cáo Thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ. Theo quy định tại khoản 1, Điều 21, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định, chi phí quản tài viên được thanh toán từ giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.
Vấn đề đặt ra là, nếu doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ bù trừ nhưng sau đó bị mở thủ tục phá sản và không còn tài sản, cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm thanh toán chi phí quản tài viên và chi phí phá sản? Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán chi phí quản tài viên và chi phí phá sản khi doanh nghiệp không còn tài sản sau khi thực hiện nghĩa vụ bù trừ.
Về đình chỉ thủ tục phá sản
Theo nội dung Đề cương chi tiết Luật Phá sản (sửa đổi), Liên đoàn Luật sư Việt Nam thấy rằng, tại Chương VII, có dự kiến bổ sung trường hợp đình chỉ thủ tục phá sản khi: “Người yêu cầu mở thủ tục phá sản và doanh nghiệp, HTX chỉ tranh chấp về khoản nợ" mà không có bổ sung giải thích từ ngữ như thế nào là “chỉ tranh chấp về khoản nợ”. Trong khi đó, Luật Phá Sản 2014 quy định như sau: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Đây là nội dung bổ sung chưa phù hợp, nên cần được xem xét kỹ lưỡng khi thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nếu chỉ dựa trên các báo cáo tổng kết của ngành Tòa án cho rằng, rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp xác nhận công nợ với nhau nhưng quá hạn thanh toán 03 tháng nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán và bị chủ nợ tiến hành yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp. Tình trạng này đang bị Tòa án không thụ lý theo thủ tục phá sản mất sản đã gây bức xúc cho chủ thể yêu cầu mở thủ tục phá sản vì cho rằng đây chỉ là khoản nợ mà không phải là tình trạng doanh nghiệp khả năng thanh toán. Thực tế cho thấy, việc không thụ lý theo thủ tục phá
Từ đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét lại quan điểm này vì các lý do sau:
Thứ nhất, tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định rất rõ về quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ không có bảo đảm/ bảo đảm một phần. Do vậy, Tòa án khi nhận các Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, mà từ chối thụ lý vì đó “chỉ là tranh chấp khoản nợ mà không phân biệt về “một khoản nợ đã được xác nhận và quá hạn thanh toán” với “tranh chấp khoản nợ” là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.
Thứ hai, không xem xét các chứng cứ về tình trạng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản đối với một khoản nợ dù nhỏ bị quá hạn thanh toán 03 tháng có thể bị coi là vi phạm pháp luật. Một khi chủ nợ có tài liệu xác nhận công nợ đã bị quá hạn thanh toán mà Tòa án tự nhận định để đình chỉ giải quyết mà không xem xét chứng cứ tình trạng của doanh nghiệp, là tước bỏ quyền tự bảo vệ của các chủ nợ trước con nợ - mà các chủ nợ không thể biết được tình trạng tài chính của doanh nghiệp đó đang ở mức độ nào. Tòa án sẽ đứng trước khả năng phải bồi thường cho các quyết định này nếu xảy ra thiệt hại cho các chủ nợ liên quan đến việc doanh nghiệp nợ ngừng hoạt động/ phá sản sau này trong một tình trạng tồi tệ hơn thời điểm mà các chủ nợ đã yêu cầu.
Thứ ba, xét về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thì doanh nghiệp không thanh toán một khoản nợ đến hạn mặc dù đã quá hạn 03 tháng phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình đủ khả năng thanh toán nếu không muốn bị tuyên bố phá sản. Có một thực tế hiển nhiên là, nếu một doanh nghiệp có khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn nhưng đại diện pháp luật không tiến hành thủ tục thanh toán thì khả năng sẽ rơi vào tình trạng “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định của tại Điều 175, Bộ luật Hình sự. Do vậy, Tòa án không được phép từ chối thụ lý mà chỉ có quyền đình chỉ giải quyết nếu doanh nghiệp chứng minh được doanh nghiệp không lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ tư, Đề cương chi tiết Luật Phá sản (sửa đổi) dùng cụm từ “chỉ tranh chấp về khoản nợ” là không phù hợp, vì nếu giữa các doanh nghiệp còn tranh chấp về khoản nợ thì chưa được coi là khoản nợ đến hạn. Do đó, trong trường hợp này thì Tòa án tiến hành Thông báo trả đơn ngay từ giai đoạn thụ lý chứ không thể “đình chỉ” như nêu trong Đề cương dự thảo Luật Phá sản sửa đổi.
Điều 175. Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
HOÀNG HUY
Điều kiện đặc xá đối với án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn