/ Nghề Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội thảo sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội thảo sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

05/08/2023 19:01 |

(LSVN) - Thực hiện Công văn số 2133/VKSNDTC-V14 ngày 02/6/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), sáng nay (05/8) tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo sơ kết 05 năm thi hành BLTTHS nhằm lấy ý kiến về những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành BLTTHS và đưa ra kiến nghị, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2015.


Toàn cảnh buổi làm việc.

Đến dự và chủ trì hội thảo có Luật sư, Tiến sĩ  Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ Luật sư; Luật sư Diệp Hoài Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý; cùng một số Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; các Luật sư đại diện các văn phòng, công ty luật thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và sự tham gia trực tuyến của Ban chủ nhiệm, các luật sư thuộc một số Đoàn Luật sư khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ, như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế...


Đoàn chủ trì buổi làm việc.

Ngoài ra, đến dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan ban ngành, gồm: ông Mai Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi các vụ án, vụ việc, Ban Nội chính Trung ương; Thượng tá Ngô Đức Thắng, Phó Cục trưởng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an; ông Nguyễn Xuân Hà, Vụ Phó Vụ 14, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là rất thiết thực với đội ngũ Luật sư. Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: "Hội thảo phải thẳng thắn chỉ ra quyền nào Luật sư hay bị cản trở, có dấu hiệu vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và nghĩa vụ nào các Luật sư chưa làm tròn bổn phận trên tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng để đề xuất Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, để tạo điều kiện cho các Luật sư làm tròn trách nhiệm khi tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia tố tụng...”.


Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các Đoàn Luật sư tổ chức triển khai đến các Luật sư thành viên và các tổ chức hành nghề luật sư nghiên cứu, rà soát các quy định và sơ kết 5 năm thi hành BLTTHS 2015, với các định hướng chính, như: Đánh giá tình hình triển khai, thi hành BLTTHS; đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định của BLTTHS, đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của ưu điểm, tồn tại, hạn chế (thời gian lấy số liệu từ 01/01/2018 đến 31/12/2022); nghiên cứu những bất cập, vướng mắc trong các quy định của BLTTHS; đề xuất giải pháp, kiến nghị.

Các nội dung tại hội thảo tập trung nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan trực tiếp đến quyền hành nghề luật sư, hoạt động của Luật sư trong quá trình tố tụng, các quy định của BLTTHS quy định từ Chương I đến Chương VIII, đặc biệt chú trọng các quy định liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người tham gia tố tụng và quyền giám sát. Trong đó, chú ý các quy định về quyền của người bào chữa, phạm vi thực hiện quyền bào chữa, các trình tự, thủ tục thực hiện quyền bào chữa, các quy định về thời gian, thời hạn và quy định về cách thức thực hiện quyền bào chữa, từ đó chỉ ra các thiếu sót, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục, bổ sung quy định thuận tiện cho hoạt động nghề nghiệp luật sư và hoàn thiện pháp luật tố tụng.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Luật sư Lê Thị Tuyết Mai (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu lên một số vướng mắc liên quan thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm (thời hạn và thời điểm tính thời hạn; thời hạn tạm giam), căn cứ khởi tố vụ án hình sự (nhất là bất cập liên quan việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại). Luật sư Mai chú trọng đề cập đến vai trò của người đại diện nhà trường, tổ chức trong vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 420 BLTTHS. Cũng như vướng mắc trong xác định địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, từ đó đưa ra một số đề xuất sửa đổi có ý nghĩa thiết thực.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có bài tham luận chuẩn bị khá công phu, khẳng định việc BLTTHS 2015 đã có nhiều nội dung mới, tiến bộ, thể chế hóa Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay liên quan giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa, gửi thông báo bào chữa theo Điều 78, 75 BLTTHS, và Thông tư 46 của Bộ trưởng Bộ Công an. Đó là quy định thì khi đăng ký, Luật sư cần xuất trình thẻ Luật sư bản chính cùng bản sao, nhưng nếu luật sư ở khác địa phương, có CQĐT yêu cầu Luật sư phải có mặt trực tiếp và xuất trình bản chính Thẻ luật sư thì mới xem xét cấp Thông báo đăng ký bào chữa, gây khó khăn cho Luật sư và cũng không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc gửi thông báo về thời gian, địa điểm tiến hành thủ tục tố tụng, thường khi văn bản tới Luật sư thì đã chậm nên rất khó cho Luật sư bố trí tham dự hỏi cung.

Mặt khác, đối với việc gặp người bị buộc tội ở nơi giam giữ thì BLTTHS, Luật Tạm giữ tạm giam quy định rõ người bào chữa gặp người bị buộc tội tại cơ sở giam giữ. Thực tế, Luật sư không thể gặp ngay được, khi Luật sư đến tận nơi, đề nghị gặp người bị buộc tội, bị đề nghị phải liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, buộc phải có người giám sát, điều này cần thống nhất chung, có thể ủy quyền ngay cho cơ quan giam giữ thực hiện việc giám sát.

Luật sư đề xuất các thông tư liên ngành, cụ thể hóa bằng pháp luật nguồn, đều phải có chế tài xử lý đối với hành vi sai phạm, tránh việc một số cơ quan Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra gây khó khăn, lạm dụng, cần thực hiện chế tài đối với điều tra viên gây khó khăn, cản trở. Quyền thu thập chứng cứ (khoản 1 Điều 73 BLTTHS) là đây là điểm mới, điểm tiến bộ, tuy nhiên thực tế không được như vậy. Cần phải xem xét quy định phương pháp, cơ chế để luật sư thu thập chứng cứ giám định tư pháp, ủy thác điều tra, ghi nhận dấu vết ở hiện trường, khi Luật sư thu thập được chứng cứ, giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không được chấp nhận. Cơ quan điều tra cho rằng, Luật sư chỉ được tiếp cận hồ sơ sau khi kết thúc quá trình điều tra. Ghi nhận các ý kiến của Luật sư tại bài bào chữa các luận cứ của Luật sư cần phải được ghi nhận vào trong bản án, thực tế không được Tòa án ghi nhận nhiều.

“Giai đoạn thi hành án hình sự tuy không nằm trong BLTTHS nhưng được kết nối từ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, theo Điều 66 BLTTHS, vậy Luật sư có tham gia được không, với tư cách nào?”, Luật sư đề nghị có biện pháp để kết nối về mặt chủ thể để Luật sư có thể tham gia tư vấn và thực hiện trợ giúp, bảo vệ quyền lợi cho các bị án.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, về cơ bản, BLTTHS đã quy định đầy đủ, tuy nhiên trên thực tế chưa đảm bảo tính thực hiện đồng bộ, thủ tục đăng ký, cần đơn giản hóa hơn. Việc đòi hỏi xuất trình thẻ Luật sư đối chiếu trực tiếp là vận dụng máy móc, hạn chế thời gian Luật sư sớm tham gia vào vụ án.

Các Luật sư như Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh), Luật sư Phạm Văn Đàm, Luật sư Đào Ngọc Lý, Luật sư Lê Đăng Tùng, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Luật sư Nguyễn Trọng Điệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An), Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế), Luật sư Trần Đại Xuân (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa) đã tập trung phát biểu nhiều ý kiến có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn đối từng điều luật cụ thể còn vướng mắc, mâu thuẫn hoặc cách hiểu khác nhau.

Trong đó có các Điều 148, 229, 230, 247 liên quan đến trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, việc vận dụng các quy định này gây ảnh hưởng đến việc bồi thường nhà nước; khoản 2 Điều 278, khoản 1 Điều 277; Điều 296 triệu tập điều tra viên tham gia phiên tòa; Điều 330, Điều 345 những phần không kháng cáo, kháng nghị... Luật sư Chiến cũng đề cập và đề nghị làm rõ một số vướng mắc trong xác định tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Đại diện Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tại buổi hội thảo.

Ngoài ra, tại hội thảo, các Luật sư đã đưa ra các vấn đề về đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án để cùng thảo luận. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc hỏi bị can, bị cáo; cung cấp dữ liệu điện tử tại phiên tòa; thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan tiến hành tố tụng; đăng ký người bào chữa; công dân Việt Nam không thể bị trục xuất giao nộp cho nhà nước khác; xét xử công khai của Tòa án, hình ảnh đời tư cá nhân; thi hành án tử hình; hủy bản án hình sự; thực hiện các biện pháp điều tra; cho phép Luật sư đăng ký bào chữa qua đường bưu điện (đăng ký thủ tục bào chữa qua email, ứng dụng của internet) thời hạn 24 giờ mà phải làm nhiều thủ tục, không thể làm được; tạm đình chỉ tin báo về tội phạm; dẫn giải người bị hại trường hợp giám định lại thương tích, Luật sư có chứng cứ chứng minh kết quả giám định có vi phạm; quy định về quyền yêu cầu của Viện Kiểm sát; thông báo về việc hỏi cung cho người bào chữa; gặp  người bị tạm giam, tạm giữ.

Quyền đọc ghi chép sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án, thực tế việc này khó khăn với Luật sư. Luật sư được tham gia từ giai đoạn có tin báo tố giác nhưng Luật sư không được tiếp cận hồ sơ. Trường hợp người bị tố cáo muốn tố cáo lại người tố cáo về tội vu khống thì cần có những tài liệu, chứng cứ xem xét về quyền được sao chụp trong trường hợp đính chính, kết luận không có tội phạm? Luật sư có được quyền sao chụp không? Cần có quy định luật, dưới luật về việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Mai Xuân Bình, đại diện Ban Nội chính Trung ương đánh giá đây là một hội thảo rất có ý nghĩa, là kênh quan trọng giúp các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật. Ông nhất trí nhiều với các ý kiến đã phát biểu tại hội thảo về thực trạng khó khăn, vướng mắc các luật sư gặp phải trong thi hành BLTTHS thời gian qua, nhưng nhấn mạnh việc sửa đổi phải đặt trong tổng thể cơ chế, bối cảnh liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau (Luật Tổ chức TAND, VKSND hay CQĐT…).

Ông cũng khuyến nghị trong quá trình rà soát, cần làm rõ vướng mắc, bất cập là do quy định pháp luật không thống nhất, do chưa đồng nhất với các luật liên quan hay do pháp luật chưa đầy đủ, chưa cụ thể, còn cách hiểu khác nhau…

Ông Ngô Đức Thắng, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho rằng, qua hội thảo, đại diện Bộ đã nghe được nhiều ý kiến có giá trị của các luật sư nhằm đánh giá về các quy định trong BLTTHS, sẽ ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.


Đại diện các cơ quan ban ngành tại hội thảo.

Ông cho biết, trong quá trình xây dựng BLTTHS 2015, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của Liên đoàn, đặc biệt là sáng kiến xây dựng chương riêng về bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Trước sự vận động của xã hội, có nhiều quy định chưa thực tế, hiện Viện Kiểm sát đang được giao là cơ quan đầu mối để tổng hợp khó khăn vướng mắc của các chủ thể liên quan, nếu các quy định không phù hợp thì đề nghị sửa đổi, bổ sung. Sau khi tổng hợp đầy đủ các ý kiến thì Viện Kiểm sát mới có thể đề xuất phù hợp.

Về phía Bộ Công an, nhất trí đề cao bảo vệ công lý, quyền con người, Bộ Công an luôn chỉ đạo sát sao trong các hoạt động của mình, không chấp nhận các vi phạm. Đặc biệt, ông Thắng có đưa ra gợi ý là trong quá trình thực hiện  Đề án 06, tích hợp dữ liệu thông tin trong VNeID, nên chăng là tích hợp cả dữ liệu Thẻ Luật sư, để khi xuất trình thủ tục đăng ký bào chữa thì không phải đặt vấn đề xuất trình bản chính Thẻ Luật sư như quy định hiện hành ?

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hà, Vụ Phó Vụ 14, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, việc thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nghiên cứu rà soát BLTTHS, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã bổ sung thêm phần sơ kết thi hành BLTTHS. Có thể nói, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cơ quan đầu tiên tích cực triển khai sơ kết BLTTHS, các vấn đề các Luật sư đã nêu và xác định đúng các vấn đề còn tồn tại. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tổng hợp đầy đủ các các ý kiến để Viện Kiểm sát xây dựng tổng hợp báo cáo. Các nội dung nếu cần sửa luật thì đề nghị sửa luật, nếu vướng mắc trong thi hành thực hiện thì đề xuất sửa đổi thông tư liên quan. Như vậy, sẽ tháo gỡ được vướng mắc kịp thời nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị kiến nghị với các cơ quan xem xét, xử lý. Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét, đề xuất và thống nhất Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sớm tiến hành tổng kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân tối cao đã ký từ năm 2011 và các quy chế  giữa hai cơ quan tại các địa phương.

Tại hội thảo, các Luật sư đã có các tham luận, ý kiến, điều này thể hiện trách nhiệm của Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với ý kiến phát biểu của các Luật sư, nhất là nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, rất tâm huyết, đặt trúng trọng tâm đề cương rà soát, xuất phát từ thực tiễn trải nghiệm hành nghề trong TTHS của các Luật sư.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài phát biểu kết luận hội thảo.

Theo Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, ngay từ thời điểm Viện Kiểm sát đề nghị Liên đoàn Luật sư triển khai sơ kết BLTTHS, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có ngay văn bản gửi các Đoàn Luật sư để triển khai, tại hội thảo các Luật sư đã có các tham luận, ý kiến, điều này thể hiện trách nhiệm của luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Liên đoàn đề nghị Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, Ủy ban Giám sát Hỗ trợ luật sư cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến đã phát biểu, xây dựng Báo cáo sơ kết có chất lượng, cần thiết thì nên gửi lại các Luật sư đã tham gia hội thảo góp ý, bổ sung thêm.

Ngoài ra, việc rà soát các quy định trong BLTTHS còn vướng mắc, bất cập cần đặt ra trên cơ sở thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Hiến pháp và các luật tố tụng liên quan, trên cách tiếp cận Luật sư là chủ thể bình đẳng thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa. Do đó, các quy định phải được xem xét theo hướng tạo lập vị thế bình đẳng, tôn trọng và đề cao vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư, nhằm hướng đến thực hiện các chức năng xã hội cao quý của luật sư, tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự.

Luật sư Hoài cho biết, hội thảo với nội dung như thế này cũng sẽ được tổ chức tại TP. HCM vào 26/8, Liên đoàn cũng sẽ mời đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp cao và các địa phương tham gia tại TP. HCM, nhằm tiếp tục góp ý và tổng hợp ý kiến, xây dựng báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền.

SỸ THÀNH - HƯỞNG THẾ

Đề nghị các Đoàn Luật sư tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Bùi Thị Thanh Loan