/ Bút ký Luật sư
/ Lời thề nghề nghiệp Luật sư

Lời thề nghề nghiệp Luật sư

15/11/2024 06:35 |

Lời tuyên thệ hay lời thề của Luật sư hiện không phải là một nghi thức bắt buộc trong pháp luật luật sư Việt Nam hiện tại. Dù vậy, nó là một truyền thống nghề nghiệp lâu đời tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lời tuyên thệ của Luật sư cũng đã từng tồn tại trong các thời kỳ Pháp thuộc và chính quyền miền Nam trước năm 1975. Trong bối cảnh hiện nay, lời tuyên thệ của Luật sư tại nhiều nước trên thế giới không còn có nhiều ý nghĩa như trước đây. Mặc dù vậy, nó vẫn có những giá trị nhất định đối với các luật sư hành nghề. Bài viết này lược sử lại lời thề Luật sư và vị trí hiện tại của nó trong hoạt động nghề nghiệp luật sư [1].

Vì sao con người lại thề? 

Lời thề là một truyền thống từ xa xưa của loài người. Nó hiện diện “tại những bộ lạc dã man đến dân tộc văn minh nhất” [2]. Bản chất của lời thề “là việc kêu gọi Chúa trời làm chứng, tức là [để Người] chú ý đến những gì chúng ta nói, VÀ đó là việc cầu xin sự trả thù của Người, hoặc từ bỏ ân huệ của Người, nếu những gì chúng ta nói là gian dối hoặc những gì chúng ta hứa đã không được thực hiện” [3]. Theo chuyện ngụ ngôn cổ, lời thề là phương tiện duy nhất mà người phàm có thể đặt niềm tin [4]. Như vậy, lời thề vào thời cổ xưa nhằm đảm bảo sự tin tưởng và gồm hai nội dung hay mục đích: (i) lời tuyên bố; và (ii) lời hứa. Với lời tuyên bố, đó là tuyên bố rằng một điều gì đó là sự thật. Với lời hứa, đó là lời hứa sẽ làm việc nào đó trong tương lai [5]. Tuyên bố về sự thật thường áp dụng cho các vụ tranh chấp. Lời hứa sẽ làm một việc gì áp dụng cho các thương gia và những người nắm giữ một chức vụ hay vị trí trong xã hội như các vị quan lại hay những người hành nghề chuyên nghiệp như bác sĩ hay luật sư.[6] Một ví dụ dễ thấy về lời hứa nghề nghiệp thời cổ đại là “lời thề Hippocrates” của ngành y, có từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Lời thề Luật sư thời cổ đại

Lịch sử ghi lại nghề luật sư bắt nguồn từ châu Âu, cụ thể dưới thời Hy Lạp rồi đến La Mã cổ đại.[7] Lời thề của những người biện hộ pháp lý thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại đều chứa đựng hai cấu phần nội dung nêu trên. Vì lý do rằng những người biện hộ pháp lý tại các thời kỳ này tham gia vào các vụ kiện tụng để bảo vệ các bên, lời tuyên thệ của họ phản ánh chức năng của sự thật. Với tư cách là những người hành nghề chuyên nghiệp, lời tuyên thệ của họ thể hiện các tiêu chuẩn ứng xử của nghề nghiệp. Ví dụ, những người biện hộ thời Hy Lạp cổ đại được cho là phải tuyên thệ rằng mình “đại diện cho sự thật trần trụi, không có bất kỳ sự tô điểm, hình tượng hoa mĩ, hoặc phương tiện mang tính ám chỉ nào để giành được sự ủng hộ hay tình cảm của các pháp quan.”[8] Tương tự như vậy, những người biện hộ thời La Mã cổ đại phải “tránh sự xảo quyệt và quanh co”[9].

Cuối thời Đế chế La Mã, tại thời Hoàng đế Justinian (thế kỷ thứ sáu trong Công nguyên), luật sư được cho là phải thực hiện lời tuyên thệ sau:

“Tôi sẽ đảm nhiệm [công việc] bằng toàn bộ quyền hạn và sức mạnh, để thực hiện cho khách hàng những điều đúng đắn, công bằng và làm mọi điều có thể trong khả năng của mình. Tuy nhiên, với kiến thức và kỹ năng, [tôi] sẽ không khởi kiện với lương tâm xấu khi biết rằng vụ kiện được giao là không trung thực hoặc hoàn toàn vô vọng hoặc gồm các cáo buộc sai sự thật. Nhưng ngay cả khi vụ kiện đã diễn ra, nếu biết rằng vụ kiện thuộc các trường hợp nói trên, hãy để tôi rút khỏi vụ kiện, hoàn toàn tách tôi khỏi bất kỳ nguyên cớ [không đúng đắn] nào như vậy” [10].

Sau thời đế chế La Mã, nghề luật sư (biện hộ viên) trở nên mờ nhạt hoặc có thể đã hoàn toàn biến mất tại châu Âu. Vào đầu thời kỳ Trung cổ (thế kỷ V – XV trong Công nguyên), việc kiện tụng trở về các hình thức tranh chấp thô sơ, gồm sự hiện diện của các bên tranh chấp mà không có sự trợ giúp của các biện hộ viên. Dù vậy, lời tuyên thệ không biến mất. Nó vẫn là một phần quan trọng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp nhưng lúc này, lời tuyên thệ được thực hiện bởi những bên tranh chấp hoặc nhân chứng của họ [11].

Vào cuối thời Trung cổ, quá trình giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp hơn. Nghề luật sư lúc này được tái sinh. Tại nước Anh vào cuối thế kỷ XII, tòa án lúc này đã giữ vai trò là cơ quan giải quyết tranh chấp chính thống. Nội dung tranh chấp và việc bào chữa cũng trở nên phức tạp. Vì những lý do hay diễn biến này mà các bên kiện tụng cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khác. Đầu tiên là từ bạn bè và sau đó là những từ những người chuyên nghiệp. Đến đầu thế kỷ XIII, sự hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp bên ngoài đã trở thành thông lệ ở Anh và có thể là các tòa án châu Âu khác. Khi nghề luật sư tái sinh thì đồng thời lời tuyên thệ nghề nghiệp của họ cũng tái sinh tương tự [12].

Pháp điển hóa lời tuyên thệ của Luật sư tại châu âu thời kỳ đầu

Nước Anh

Tại nước Anh, Quốc hội nước này chính thức yêu cầu luật sư phải tuyên thệ thông qua Đạo luật năm 1402 (the 1402 Act). Đạo luật quy định lời tuyên thệ như sau:

“Bạn không được làm điều gian dối hoặc đồng ý với bất kỳ điều gì được thực hiện tại Văn phòng Biện hộ của Tòa án này, nơi bạn được công nhận là Luật sư. Và nếu bạn biết bất kỳ điều gì được thực hiện, bạn phải cung cấp Kiến thức về điều đó cho Lãnh chúa Nam tước hoặc những Người anh em khác của ông ta để có thể cải cách. Bạn không được Trì hoãn bất kỳ Người nào vì Lợi nhuận hoặc Ác ý. Bạn không được tăng Phí và phải bằng lòng với Phí cũ đã áp dụng. Và hơn nữa, bạn sẽ sử dụng bản thân mình trong Văn phòng Luật sư tại Văn phòng Biện hộ nói trên tại Tòa án này theo Học vấn và Sự sáng suốt tốt nhất của bạn. Vì vậy, xin Chúa giúp bạn”[13].

Lời tuyên thệ của luật sư nước Anh trên được xem là nguyên mẫu gốc của mô hình hay cách tiếp cận “không làm điều gian dối” (do no falsehood) mà một số quốc gia và tiểu bang của Hoa Kỳ sau này kế thừa.

Lời tuyên thệ với cách tiếp cận “không làm điều gian dối” nói trên kéo dài ít nhất 300 năm cho đến thời điểm Đạo luật quản lý hiệu quả luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn hiệu quả hơn (An Act for the Better Regulation of Attorneys and Solicitors) được ban hành vào năm 1729. Theo đạo luật này, luật sư tranh tụng và tư vấn của nước Anh có câu tuyên thệ đơn giản và ngắn gọn hơn nhiều. Đó là: “Tôi sẽ hành xử một cách chân thực và trung thực trong việc hành nghề luật sư, theo những hiểu biết và khả năng tốt nhất của mình” [14].

Nước Pháp

Giống như ở Anh, thông lệ tuyên thệ đã được khôi phục vào thời Trung cổ tại Pháp. Đầu tiên là tại các tòa án tôn giáo. Năm 1231, Hội đồng [thành phố] Rouen đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các luật sư tôn giáo phải tuyên thệ. Nội dung lời tuyên thệ được quy định tại Điều 45 Sắc lệnh như sau: [15]

“Mỗi Luật sư phải tuyên thệ rằng sẽ trung thành thực hiện bổn phận của mình; rằng mình sẽ không ủng hộ những vụ án bất công hoặc trái với lương tâm; rằng mình sẽ không biển thủ tài liệu của khách hàng hoặc khiến những tài liệu đó bị biển thủ; rằng mình sẽ không, theo hiểu biết của Luật sư, sử dụng những lời biện hộ sai sự thật hoặc bị suy đoán một cách ác ý; rằng mình sẽ không thực hiện hành vi gian dối và lừa đảo hoặc tạo ra các tài liệu giả mạo trong vụ án; rằng mình sẽ không kéo dài vụ án của khách hàng trong chừng mực Luật sư tin rằng mình đang hành động vì lợi ích của chính khách hàng; rằng trong những vấn đề sẽ được giải quyết tại tòa án và liên quan đến những yêu cầu mà Thẩm phán đưa ra, Luật sư, trong niềm tin của mình, sẽ không che dấu sự thật; rằng nếu bị thuyết phục rằng luật sư không đủ năng lực để giải quyết vụ án, Luật sư sẽ hội ý với các công tố viên; và rằng mình sẽ tự tay lập nhật ký các hành vi trong các vụ án mà Luật sư đã giải quyết một cách trung thực nhất có thể hoặc trong trường hợp không thể hoặc không muốn tự lập nhật ký, sẽ phải nhờ người khác lập.”

Năm 1274, vua Philip ban hành một sắc lệnh để bảo vệ thần dân và “ngăn chặn những người... cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp của họ, cố tình kéo dài các cuộc tranh tụng pháp lý hoặc tính phí quá mức.” Nội dung chính của Sắc lệnh là lời tuyên thệ yêu cầu luật sư chỉ theo đuổi những mục đích “chính đáng”. Nội dung lời tuyên thệ như sau:

“Trong mọi vụ án đang được xét xử tại các tòa án mà Luật sư đã từng hoặc sẽ hành nghề, Luật sư phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trung thực, siêng năng và trung thành miễn là Luật sư có lý do để tin rằng vụ án của mình là đúng đắn.

Luật sư sẽ không đưa bất kỳ vụ án nào ra tòa án nói trên với tư cách là Luật sư bào chữa hoặc tư vấn trừ khi luật sư tin rằng vụ án đó là đúng đắn. Nếu ở bất kỳ giai đoạn nào của phiên tòa, vụ án cho thấy sự không đúng đắn với Luật sư hoặc về bản chất là xấu xa, luật sư phải ngừng bảo vệ, rút khỏi vụ án hoàn toàn với tư cách là Luật sư bào chữa hay tư vấn.

Bất kỳ người nào từ chối tuyên thệ theo thể thức này sẽ phải thừa nhận rằng tại tòa án nói trên, họ sẽ bị tước quyền hành nghề luật sư chừng nào họ còn duy trì trạng thái tinh thần này” [16].

Lời tuyên thệ của luật sư Pháp tiếp tục được thay đổi qua thời gian. Ví dụ, Dụ của vua Francis I năm 1536 mở rộng thêm lời tuyên thệ luật sư để bổ sung các bổn phận như không xung đột lợi ích [17] và giúp đỡ người nghèo [18]. Những lời tuyên thệ chi tiết này vẫn tiếp tục ở Pháp cho đến đầu thế kỷ XIX, khi những người biện hộ cho người Pháp bắt đầu sử dụng những lời tuyên thệ đơn giản hơn. Hiện tại, lời thề của luật sư Pháp đơn giản chỉ là: “Tôi xin tuyên thệ với tư cách là luật sư, tôi sẽ thực hiện các bổn phận của mình với phẩm giá, lương tâm, độc lập, liêm chính và nhân văn” [19]. 

Nước Thụy Sĩ và Hoa Kỳ

Một lời tuyên thệ quan trọng trong lịch sử nghề luật sư của châu Âu là lời tuyên thệ của Luật sư nước Thụy Sĩ. Cụ thể, lời tuyên thệ luật sư năm 1816 của Thụy Sĩ có nội dung như sau:

“Tôi thề trước Chúa rằng sẽ trung thành với nền Cộng hòa và Bang Geneva.

[Tôi] không bao giờ hành động mà không có sự tôn trọng dành cho Tòa án và Cơ quan có thẩm quyền.

 [Tôi sẽ] không tư vấn hoặc theo đuổi kỳ vụ kiện nào mà tôi không cảm thấy là công bằng và bình đẳng, miễn là vụ việc đó không liên quan đến việc bào chữa hình sự.

[Tôi sẽ] không cố ý sử dụng bất kỳ phương tiện nào ngoài sự thật để duy trì các vụ kiện đang thực hiện; sẽ không bao giờ lừa dối, đưa ra các nhận định sai lệch nào về sự thật và luật pháp đối với Thẩm phán theo bất kỳ cách nào.

[Tôi sẽ] không có hành vi xúc phạm bất kỳ ai; sẽ không đưa ra bất kỳ sự thật nào xâm hại danh dự và uy tín của các bên, trừ khi việc này là cần thiết để phục vụ cho vụ kiện của tôi.

[Tôi sẽ] không cổ súy hoặc tiến hành bất kỳ vụ kiện nào vì lợi ích cá nhân.

[Tôi sẽ] không bao giờ từ chối bào chữa vì lý do cá nhân, vì vụ kiện là của những người yếu thế, nước ngoài hoặc bị áp bức.

Xin Chúa hãy trừng phạt nếu tôi vi phạm những quy tắc này” [20].

Lời tuyên thệ của Thụy Sĩ trên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức pháp lý tại Hoa Kỳ. Trên thực tế, một số tiểu bang tại Hoa Kỳ đã áp dụng các phiên bản tuyên thệ của Thụy Sĩ này vào cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1908, Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (American Bar of Association hay được viết tắt là “ABA”) đã dựa trên tuyên thệ của Thụy Sĩ để ban hành lời tuyên thệ mẫu của ABA [21].

Lời tuyên thệ tại các tiểu bang Hoa Kỳ hiện nay hoặc bắt nguồn từ truyền thống của Pháp (hiện thân là lời tuyên thệ Thụy Sĩ và ABA) hoặc truyền thống của Anh (với cách tiếp cận “không làm điều sai trái” hoặc lời tuyên thệ đơn giản). Nói cách khác, mỗi tiểu bang sẽ có lời tuyên thệ khác nhau, theo mẫu của Thụy Sĩ và ABA hay của nước Anh [22].

Lời tuyên thệ của Luật sư Việt Nam trước 1975

Trước năm 1975, các Luật sư tập sự Việt Nam trước khi trở thành Luật sư chính thức đều phải thực hiện nghi lễ tuyên thệ [23]. Các văn bản pháp luật liên quan trong thời kỳ này đều liệt kê nội dung của lời tuyên thệ của Luật sư [24]. Một số tuyên thệ tiêu biểu có thể được liệt kê ra như sau:

Lời tuyên thệ tại Sắc lệnh ngày 30/4/1911: “Với tư cách biện hộ viên hay cố vấn, tôi tuyên thệ sẽ không nói hay công bố điều gì trai với luật pháp, sắc lệnh, nghị định và quy định bắt buộc trong thuộc địa, trái thuần phong mỹ tục, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và hòa bình công cộng, và không bao giờ tỏ ra thiếu tôn trọng các pháp viện, tòa án và các nhà chức trách công quyền, và không bào chữa cho bất kỳ vụ kiện nào mà tôi cảm thấy không công bằng và trái với lương tâm” [25].

Lời tuyên thệ tại Sắc lệnh ngày 25/5/1930: “Với tư cách là người biện hộ hay tư vấn, tôi tuyên thệ sẽ không nói hay tuyên bố những điều trái với pháp luật, các quy định, thuần phong mỹ tục, gây nguy hại cho sự an toàn của các quốc gia và hòa bình công cộng và sẽ không bao giờ tỏ ra thiếu tôn trọng các Tòa án và công quyền” [26].

Chức năng hiện đại của lời thề luật sư

Về mặt lịch sử, lời tuyên thệ của luật sư đóng vai trò: (i) Làm nổi bật các tiêu chuẩn đạo đức đối với luật sư; (ii) là điều kiện tiên quyết để hành nghề [27] và (iii) là cơ sở để kỷ luật luật sư. Tuy nhiên, qua thời gian, các tiêu chuẩn hay yêu cầu trong lời tuyên thệ trở nên không đủ để bao hàm các tình huống trên thực tế. Vì lẽ này, các Bộ quy tắc đạo đức và/hoặc Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư được ban hành. Lời thề luật sư trở nên mang tính hình thức hay biểu tượng.

Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn cho rằng lời thề luật sư không nên bị loại bỏ hay chỉ nên mang nghĩa biểu tượng. Thay vào đó, chức năng của lời tuyên thệ luật sư cần được điều chỉnh để thích hợp với hoàn cảnh hiện đại. Với cách tiếp cận này, lời thề của luật sư sẽ giữ các vai trò: (i) là lời nhắc nhở các bổn phận đạo đức cốt lõi của một luật sư; và (ii) để truyền cảm hứng cho các luật sư để sống đúng với lý tưởng của nghề nghiệp – một nghề đã có truyền thống lâu đời với những sứ mệnh xã hội [28].

Bên cạnh đó, lời thề luật sư có thể giữ vai trò như kim chỉ nam giúp luật sư định hướng khi các quy tắc đạo đức hay ứng xử nghề nghiệp không có quy định cụ thể hay tại các thời điểm quan trọng khi hành nghề. Theo nghĩa này, lời thề luật sư là lời nhắc nhở thường xuyên về 6 bổn phận cốt lõi mà xã hội và bản thân nghề nghiệp đã đặt ra cho nghề luật sư nhiều trăm năm nay. Các bổn phận cốt lõi này là: (i) Công bằng trong tranh tụng; (ii) đủ năng lực chuyên môn; (iii) trung thành với khách hàng; (iv) bảo mật thông tin; (v) thù lao hợp lý; và (vi) phục vụ công ích [29]. 

[1] Việc lược sử thời gian của lời thề luật sư trong một bài viết ngắn là chuyện không thể. Dù vậy, tác giả cố gắng điểm lại những thời điểm và nội dung mang dấu ấn cột mốc. Để tìm hiểu rõ hơn về chủ đề này, xin vui lòng xem các tác phẩm và tác giả được trích dẫn tại bài viết này.

[2] Xem sách “Oaths; Their Origin, Nature, and History” (Lời Thề: Nguồn Gốc, Bản Chất và Lịch Sử) của tác giả James Endell Tyler do Nhà xuất bản John W. Parker xuất bản năm 1834 tại trang 6 – 7.

[3] Tyler, tlđd, trích dẫn lời của tiến sĩ Paley “[i]t is the calling upon God to witness, i.e., to take notice of what we say, AND it is invoking his vengeance, or renouncing his favour, if what we say is false, or what we promised not performed” tại trang 9.

[4] Tyler, tlđd, trích dẫn Potter tại trang 7 về câu chuyện ngụ ngôn: “Horcus, hay vị thần của Lời thề, con trai của Eris, nữ thần Bất hòa… thuật lại cho chúng ta rằng, trong thời đại hoàng kim, khi con người tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ về sự thật và công lý thì không có lý do gì để thề thốt, cũng không có việc sử dụng lời thề. Nhưng khi loài người bắt đầu thoái hóa, thoát ra khỏi sự đơn giản nguyên thủy, khi sự thật và công lý bị xua đuổi khỏi trái đất, khi mọi người bắt đầu lợi dụng hàng xóm của mình bởi sự thông đồng và lừa dối, và khi không còn bất kỳ sự tin tưởng nào đối với lời nói của con người thì đến lúc phải nghĩ đến phương tiện để con người có thể bảo vệ mình khỏi sự gian lận và dối trá của nhau. Lời thề đã có nguồn gốc như vậy!”

[5] “Qua tất cả các giai đoạn đa dạng của xã hội, từ thời kỳ man rợ nhất đến thời kỳ phát triển cao nhất của cuộc sống văn minh... người ta đã dùng đến Lời thề như một phương tiện gần gũi nhất để đảm bảo bằng chứng chắc chắn và là lời cam kết chắc chắn nhất về việc thực hiện lời hứa” (“Through all the diversified stages of society, from the lowest barbarism to the highest cultivation of civilised life... recourse has been had to Oaths as affording the nearest approximation to certainty of evidence, and the surest pledge of the performance of a promise”), Tyler, tlđd, trang 6-7.

[6] Xem Tyler, tlđd, các trang 297 – 308.

[7] Xem sách “The Lawyer from Antiquity to Modern Times” (Nghề Luật Sư Từ Thời Cổ Đại Đến Thời Hiện Đại) của tác giả Roscoe Pound do Nhà xuất bản West (West Publising Co.) ấn hành năm 1953 tại các trang từ 29 – 58, miêu tả nghề luật sư và các danh xưng dưới thời Hy Lạp và La Mã cổ đại.

[8] Xem bài viết “The Lawyer's Oath: Both Ancient and Modern” (Lời Thề Của Luật Sư: Thời Cổ Đại Và Hiện Đại) của tác giả Carol Rice Andrews đăng tại Tạp chí đạo đức pháp lý của Đại học tổng hợp Georgetown (Georgetown Journal of Legal Ethics) năm 2009 tại các trang 8 – 9, có thể truy cập tại: https://scholarship.law.ua.edu/fac_articles/35/ (truy cập lần cuối ngày 02/11/2024).

[9] Xem sách “The Lawyer’s Official Oath and Office” (Lời Tuyên Thệ Chính Thức Và Công Việc Của Luật Sư) của tác giả Josiah Henry Benton do Nhà xuất bản Boston Book (The Boston Book Company) ấn hành năm 1909 tại trang 19. Nguyên văn: “Aderant in judicio advocati, qui causas litigantium nudo simplicique oratione, sine ullo verborum circuitu, tractare jubebantur” (các luật sư hiện diện để giải quyết vụ việc không [được] sử dụng các mánh khóe, [phải] dùng ngôn ngữ đơn giản và không vòng vo). 

[10] Nguyên văn: “Ante omnia autem universi Advocati ila prabeant patrocinia jurgantivus, ut non ultra, quan litium poscit utilitas in licentiam convici andi et male dicendi tmeritatem prorumpant. Agant, quod cấu desiderat; temperent se ab injuria. Nemo ex industria protrahat jurgium” tại trang 25 cuốn sách “Commentaries on the Law of Agency, As A Branch of Commercial and Maritime Jurisprudence, With Occasional Illustrations from the Civil and Foreign Law” (Bình Luận Về Pháp Luật Về Đại Diện Với Tư Cách Một Ngành Trong Pháp Luật Về Thương Mại Và Hàng Hải Với Một Số Minh Họa Từ Pháp Luật Dân Sự Và Đối Ngoại” của tác giả Joseph Story xuất bản năm 1832.

[11] Xem Andrews, tlđd, các trang 9 – 10.

[12] Xem Andrews, tlđd, trích dẫn, ví dụ tác giả JH Baker trong cuốn sách “An Introduction to English Legal History” (Giới Thiệu Về Lịch Sử Pháp Lý Anh Quốc) xuất bản năm 1990 tại trang 10. Andrews cũng nhận xét rằng nghề luật sư đã được hợp pháp hóa tại Pháp sớm hơn tại Anh. Vào năm 802, nước Pháp lần đầu tiên quy định về luật sư chuyên nghiệp với quy định rằng “không ai được phép công nhận [là luật sư] ngoại trừ những người ôn hòa, hòa bình, kính sợ Chúa và yêu công lý. Nếu không, sẽ bị loại trừ” (nguyên văn: “that nobody should be admitted therein but men, mild, pacific, fearing God, and loving justice, upon pain of elimination”).

[13] Nguyên văn: “You shall doe noe Falsehood nor consent to anie to be done in the Office of Pleas of this Courte wherein you are admitted an Attorney. And if you shall knowe of anie to be done you shall give Knowledge thereof to the Lord Chiefe Baron or other his Brethren that it may be reformed you shall Delay noe Man for Lucre Gaine or Malice; you shall increase noe Fee but you shall be contented with the old Fee accustomed. And further you shall use yourselfe in the Office of Attorney in the said office of Pleas in this Courte according to your best Learninge and Discrecion. So helpe you God.” Như có thể thấy, đây là thứ tiếng Anh cổ được sử dụng nên phần dịch tiếng Việt cũng sẽ phản ánh tư duy và ngôn ngữ thời kỳ đó.

[14] Nguyên văn: “I will truly and honestly demean myself in the practice of an attorney, according to the best of my knowledge and ability.” Xem Andrews, tlđd, tại trang 14.

[15] Nguyên văn: “Every single advocate shall swear that he will faithfully perform his duties; that he will not support cases that are unjust or militate against his conscience; that he will not abstract (embezzle) documents of his party (client), nor cause such to be abstracted; that he will not, to his knowledge, use false pleas, or such as have been malitiously excogitated; that he will not bring it about that falsehoods and surreptions be made, or that false documents be produced in his case; nor that he will prolong (delay) the case of his client as long as he believes that he is acting in the interest of the client himself; and that in those matters which shall be transacted in court and concerning which requirements are made of him by the Judges, he will not silence the truth according to his belief; and that if he become convinced of being inadequate to the handling of the case, he will have conference with the procurators; and that he will prepare with his own hand a journal and the acts in cases which he has taken, as faithfully as possible; or that he will cause them to be written out, in case he be neither able nor willing to do so himself.” Xem Benton, tlđd, trang 20 – 21.

[16] Nguyên văn: “That in all cases which are being tried in said courts before which they have practiced in the past or shall practice, they will perform their duties bona fide diligently and faithfully as long as they have reason to believe their case to be just.

They shall not bring any case into said courts either as defending or counseling lawyers unless they shall have believed it to be just; and, if at any stage of the trial the case appears to them unjust, or even intrinsically bad, they shall discontinue to further defend it, withdrawing from said case entirely as defending or counseling lawyers.

Whosoever declines to swear in accordance with this formula, shall take cognizance, that in said courts they are disbarred, as long as they persist in this state of mind.” Benton, tlđd, trang 16 – 17.

[17] Điều 37 của Dụ viết: “Luật sư không được tư vấn cho cả hai bên nếu không sẽ bị phạt nặng bằng hình phạt tài chính, bị đình chỉ [hành nghề] hoặc mất toàn bộ tài sản” (nguyên văn: “advocates must not give advice to both parties under punishment of being heavily fined by financial penalties, suspension or loss of all their property.”  Xem Benton, tlđd, tại trang 18.

[18] Quy định tại Điều 39 của Dụ. Xem Benton, tlđd, tại trang 18.

[19] Nguyên văn: “I swear, as a lawyer, to perform my duties with dignity, conscience, independence, integrity, and humanity.”

Có sẵn tại trang web của Hội đồng quốc gia các Đoàn luật sư Pháp (Conseil National des Barreaux): https://www.cnb.avocat.fr/en/professional-regulations-obligations#:~:text=The%20oath%20taken%20by%20all,%2C%20integrity%2C%20and%20humanity%22 (truy cập lần cuối ngày 03/11/2024).

[20] Nguyên văn:

“I swear, before God, to be faithful to the Republic and the Canton of Geneva.

To never act without the respect due to the Tribunal and the Authority.

To not counsel or maintain any cause that I do not feel is just or equitable, as long as it does not refer to a criminal defense.

To not knowingly use any means outside of the truth, in order to maintain the causes brought before me, and to never trick Judges by any means, nor by any false presentation of facts and laws.

To absolve myself from any offensive personality, and to not advance any fact contrary to the honor and the reputation of the parties, unless it is a necessary for the advancement of our cause.

To not encourage or commence any lawsuit because of any personal interest.

To never refuse counsel based on personal considerations, causes of feeble, foreigners, or oppressed.

May God punish me if I break these rules.” Xem Andrews, tlđd, tại trang 18.

[21] Xem Andrews, tlđd, tại các trang 34 – 38 về quá trình xây dựng lời tuyên thệ mẫu của luật sư của ABA.

[22] Xem Andrews, tlđd, tại các trang 44 – 49.

[23] Xem sách “Lịch Sử Nghề Luật Sư Ở Việt Nam” của các tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2015, tại các trang 285 – 416 trong đó liệt kê hệ thống văn bản pháp luật về nghề luật sư tại thời kỳ Pháp thuộc và chế độ miền Nam trước năm 1975.

[24] Đó là Nghị định ngày 26/11/1867 của Phó đô đốc, Thống đốc kiêm Tổng tư lệnh Nam Kỳ về việc hành nghề bào chữa viên trước các tòa án ở Sài Gòn; Sắc lệnh ngày 30/4/1911 của Tổng thống nước Cộng hòa Pháp về việc hành nghề luật sư bào chữa tại Đông Dương; Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Tổng thống nước Cộng hòa Pháp về việc thành lập các đoàn luật sư ở Đông Dương; Dụ số 25 của Quốc trưởng Bảo đại ngày 05/12/1952 thiết lập hai luật sư đoàn tại Sài Gòn và Hà Nội; Luật số 1/62 của Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 08/01/1962 ấn định quy chế luật sư và tổ chức luật sư đoàn.

[25] Điều 15 Sắc lệnh.

[26] Điều 17 Sắc lệnh. Lưu ý là các lời tuyên thệ tại các Dụ số 25 ngày 05/12/1952 và Luật số 1/62 ngày 08/01/1962 mang nội dung cơ bản là tương tự với lời tuyên thệ tại sắc lệnh này.

[27] Có nghĩa là luật sư tập sự phải hoàn tất nghi lễ tuyên thệ mới trở thành luật sư thực thụ.

[28] Xem Andrews, tlđd, tại trang 62.

[29] Nguyên văn: “Over hundreds of years, society and the legal profession have set six core values of the profession—litigation fairness, competence, loyalty, confidentiality, reasonable fees and public service.” Xem Andrews, tlđd, tại trang 60.

Luật sư, Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC VINH

Công ty luật Scientia

 

 

Các tin khác