Lừa đảo ‘chạy án’: Vì sao nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin đến mức bị lừa?

03/04/2021 16:43 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng phát triển và diễn biến phức tạp. Ngoài những tội phạm truyền thống là lừa đảo thông qua các hoạt động, giao dịch trong đời sống xã hội thì lừa đảo trên không gian mạng cũng ngày càng phát triển gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, khi nghiên cứu về tình hình tội phạm xâm phạm quyền sở hữu nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng là vấn đề quan trọng và cần thiết để chỉ ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm cơ sở để đấu tranh với tình hình tội phạm.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, các hành vi lừa đảo như lừa tiền xin việc, chạy chức, chạy quyền, chạy án đã và đang diễn biến phức tạp, nhức nhối trong dư luận... Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tội phạm lừa đảo thông qua hoạt động chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy án... có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có thể kể đến như: 

- Nhiều người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào những vẻ ngoài hào nhoáng, tin vào những mối quan hệ của những đối tượng lừa đảo dẫn đến khi các đối tưởng khoe mẽ về vị trí công tác, mối quan hệ, thậm chí một số đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu, tự trang bị cho mình một vẻ ngoài hào nhoáng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nhiều người cả tin đã giao tài sản cho các đối tượng lừa đảo;

- Nhiều người dân coi nặng đồng tiền, đề cao giá trị của đồng tiền và cho rằng có thể dùng tiền để đạt được nhiều mục đích mà pháp luật không cho phép dẫn đến nảy sinh các ý định đưa hối lộ, sử dụng tiền bạc để đạt được mục đích của mình trong đó có những mục đích chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy án...

- Vấn đề công khai minh bạch trong thủ tục hành chính, trong các hoạt động về nhân sự, nhân lực, về tuyển dụng bổ nhiệm chưa thể hiện đúng với yêu cầu của đảng và nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng những thông tin thông qua các mối quan hệ mà biết được, sử dụng các thông tin đó để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật, không biết về trình tự thủ tục tố tụng nên bị các đối tượng xấu lừa đảo, đưa ra các thông tin gian dối là sử dụng tiền có thể làm thay đổi được kết quả giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng. Nhiều người tin rằng có tiền thì mới có được kết quả tốt nên đã sẵn sàng đưa tiền cho các đối tượng môi giới, lừa đảo.

- Trong xã hội vẫn còn nhiều tiêu cực, hiện tượng xin cho, chạy chọt nhiều khi vẫn có những hiệu quả nhất định. Đạo đức cán bộ xuống cấp, nhiều cán bộ vi phạm pháp luật đã bị xử lý cho thấy trên thực tế có những người đã sử dụng tiền để đạt được mục đích, nhiều cán bộ bị tiền bạc vật chất làm tha hóa, hư hỏng. Chính vì thế nhiều người dân nghĩ rằng dùng tiền bạc có thể mua chuộc được cán bộ, làm thay đổi được cán cân công lý bởi vậy họ dễ dàng tin theo những lời dụ dỗ của những đối tượng môi giới, lừa đảo để rồi tiền mất, tật mang.

- Việt Nam trải qua ngàn năm Bắc thuộc, để chống lại sự đồng hóa nên ông cha ta thường dùng “lệ làng” để chống lại phép vua, dùng tình cảm để chống lại pháp luật. Một thời gian kéo dài sống trong thời thực dân, phong kiến, đô hộ nên đã tạo ra những tâm lý thờ ơ với pháp luật, coi thường, khinh nhờn pháp luật dẫn đến sự hiểu biết pháp luật hạn chế, không coi trọng pháp luật và cho rằng tiền bạc có thể làm thay đổi được pháp luật. Bởi vậy, nhiều người khi vướng vào tố tụng, khi có tranh chấp, khiếu kiện, gia đình có người bị khởi tố hình sự thì không nhờ đến Luật sư để tham gia bào chữa, tư vấn hỗ trợ pháp lý mà lại chủ yếu tìm đến những đối tượng môi giới, những đường dây, những mối quan hệ để sử dụng tiền bạc vào những chỗ đó nhằm mục đích đạt được kết quả của mình. Đó là môi trường thuận lợi cho hoạt động lừa đảo trong việc chạy án có cơ hội phát triển.

- Đạo đức của một bộ phận cán bộ xuống cấp, những tiêu cực trong xã hội vẫn còn tồn tại khiến cho nhiều người dân tin tưởng rằng trong mọi việc thì đều có thể xảy ra tình huống “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, chỉ cần có tiền là có thể giải quyết được vấn đề, thực hiện được công việc theo yêu cầu của mình. Chính vì vậy khi có sự kiện pháp lí xảy ra, khi vướng vào pháp luật thì họ sẵn sàng chi tiền cho các mối quan hệ, đưa tiền cho người này, người khác để nhờ vả, xin xỏ, để mong được một kết quả như ý. Đó là thời cơ, là nguyên nhân thuận lợi để các đối tượng lừa đảo có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đã tiền mất tật mang thì nhiều người không dám tố cáo vì sợ tố cáo sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ, bị đe doạ và cũng không có chứng cứ để có thể tố cáo. Chính vì vậy nhiều đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục lừa đảo những người khác bởi có rất nhiều người có tâm lý coi trọng đồng tiền và coi thường công lý.

- Đời sống tâm lý xã hội về việc xin cho, nhờ vả không chỉ trong các lĩnh vực dân sự đời sống xã hội mà còn cả trong những vấn đề pháp lý. Nhiều người tin rằng vì tình cảm, vì lễ nang, vì tiền bạc mà người có chức vụ quyền hạn có thể thay đổi kết quả giải quyết vụ việc. Chính vì vậy họ thường nghĩ đến việc nhờ vả, chạy chọt trước khi nghĩ đến việc tìm đến Luật sư để được hỗ trợ, tư vấn, cung cấp các dịch vụ pháp lý.

Để giảm thiểu các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu trò chạy án, chạy việc, chạy chức, chạy quyền thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao sự hiểu biết của người dân đối với các thủ tục hành chính pháp lý, hiểu biết vào hệ thống các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời cần phải công khai, minh bạch các thủ tục hành chính pháp lý. Cần nâng cao đạo đức cán bộ, kịp thời xử lý nghiêm minh các cán bộ nhận hối lộ, các đối tượng môi giới hối lộ và xử lý đối với những người đưa hối lộ theo quy định của pháp luật để tránh việc có thể xảy ra chuyện sử dụng tiền bạc làm thay đổi cán cân công lý.

Chỉ đến khi nào nền tư pháp thực sự trong sạch vững mạnh, người dân tin tưởng vào pháp luật, đạo đức của cán bộ được nâng cao. Khi người dân không tin rằng cán bộ có thể nhận hối lộ để làm thay đổi cán cân công lý thì những đối tượng lừa đảo chạy án sẽ không còn đất sống, khi đó người dân sẽ không dại gì mà đưa tiền cho các đối tượng lừa đảo, môi giới để thực hiện công việc theo yêu cầu của mình. 

Còn người nào cố tình đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn hoặc qua trung gian để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình thì đó là hành vi đưa hối lộ, người nhận tiền là người nhận hối lộ. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự và trong những chuyện như thế thì không có ai lừa ai cả.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải được đề cao hơn nữa để người dân có ý thức chấp hành pháp luật, có niềm tin vào pháp luật, thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa. Khi người dân hiểu biết, tôn trọng, tuân thủ pháp luật và biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì những đối tượng lừa đảo ít còn cơ hội để lừa gạt, dụ dỗ người dân đưa tiền cho chúng thực hiện các hành vi trái pháp luật trong đó có việc chạy án.

Cần phải siết chặt kỷ luật kỷ cương trong hoạt động thi hành công vụ đặc biệt là những cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng cần phải nghiêm túc, các cán bộ tham gia vào hoạt động tố tụng cần phải liêm chính, chí công vô tư. Cần đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần và nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ để người dân có niềm tin rằng họ không thể bị mua chuộc được bởi tiền bạc. Khi đó người dân sẽ không dễ gì bỏ tiền cho các đối tượng lừa đảo để tác động đến những người này.

Khi các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, tham gia tố tụng của Luật sư phát triển, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, nhận thức về pháp luật tăng lên và hoạt động tố tụng thực sự công bằng thì hiện tượng lừa đảo chạy án sẽ giảm đi. Sự phát triển của đội ngũ Luật sư, dịch vụ pháp lý được cung cấp một cách phổ biến thì sẽ đảm bảo một môi trường tố tụng lành mạnh, công bằng, những đối tượng môi giới lừa đảo sẽ ít còn cơ hội lừa gạt người nhẹ dạ cả tin. Khi sự kiện pháp lí xảy ra, khi gia đình người thân vướng vào pháp luật thì hành động khôn ngoan nhất là đến nhờ Luật sư tư vấn để xem bản chất sự việc là gì, hậu quả pháp lý có thể đến đâu, trên cơ sở những hiểu biết về nội dung, về thủ tục, về hướng diễn biến của sự việc thì người dân ít có khả năng bị các đối tượng lừa đảo chạy án lừa mất tiền. Đến khi nào mà người dân gặp phải những rắc rối về pháp lý thì họ nghĩ ngay đến Luật sư, họ tin rằng pháp luật là công bằng và Luật sư sẽ giúp họ tìm được công bằng thì khi đó những đối tượng lừa đảo không còn cơ hội để lừa gạt và những tiêu cực trong xã hội sẽ giảm đi.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG 
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Quyền lợi của tổ chức tín dụng trước những giao dịch liên quan đến tài sản tội phạm