/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quyền lợi của tổ chức tín dụng trước những giao dịch liên quan đến tài sản tội phạm

Quyền lợi của tổ chức tín dụng trước những giao dịch liên quan đến tài sản tội phạm

03/04/2021 10:18 |

(LSVN) - Tội phạm chiếm đoạt, vụ lợi về tài sản trái pháp luật luôn chủ động sử dụng kênh giao dịch qua tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm che giấu, hợp thức hóa tài sản phạm pháp, biến chúng trở thành những “tài sản sạch”, công khai lưu chuyển trên thị trường. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, hành vi này sẽ đẩy rủi ro cho các TCTD, gây ra những thiệt hại đáng kể. Bài viết nhận diện tài sản liên quan đến tội phạm (TSLQTP), phân tích các quy định hiện hành, góp thêm các giải pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi cho các TCTD với tư cách là bên ngay tình.

1. Bối cảnh tội phạm với các yêu cầu bảo vệ quyền lợi của TCTD trước các giao dịch liên quan tài sản tội phạm 

Từ các “đại án” tham nhũng - kinh tế được xét xử thời gian gần đây, bên cạnh hành vi chiếm đoạt tài sản, các vụ án này đều có dấu vết của nguồn tiền tội phạm được lưu chuyển qua TCTD nhằm các mục đích khác nhau. Ngoại trừ những giao dịch ngay tình, hợp pháp, hành vi này có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền - chỉ những hành vi không lưu trữ, giữ nguyên trạng tài sản ngay khi chiếm đoạt, vụ lợi trái pháp luật, chuyển vào các giao dịch dân sự, chủ yếu thông qua các TCTD dưới hình thức bảo đảm tài sản, sử dụng dịch vụ thanh toán,... đang được các tổ chức phòng chống tội phạm trong và ngoài nước nỗ lực tìm kiếm các giải pháp xử lý có hiệu quả[1]. Như vậy, TSLQTP được tác giả đề cập trong phạm vi bài viết này là những tài sản có được từ hành vi phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm, xử lý hình sự... Những tài sản tội phạm này hiện chiếm tỷ lệ khá lớn, đặc biệt trong các vụ án tham nhũng - kinh tế (đích đến tội phạm này là tài sản), cần được tịch thu, thu hồi hoàn trả cho chủ sở hữu, trong đó không ít những tài sản được TCTD nắm giữ, có lợi ích liên quan. 

Theo pháp luật Việt Nam, chỉ một số giao dịch đặc thù có đặt ra những điều kiện để kiểm soát về phương diện quản lý nhà nước (giao dịch có đối tượng là ngoại tệ; chuyển tiền ra nước ngoài; chứng từ kê khai, khấu trừ, quyết toán thuế…). Vô hình chung, quyền tự do lưu chuyển tài sản, một trong các quyền cơ bản của doanh nghiệp, cá nhân bị lạm dụng, nguy cơ đặt các TCTD vào vị trí của một bên quan hệ TSLQTP, buộc phải tham gia giải quyết những hệ luỵ phát sinh. 

Ngoài tính đặc thù - dễ lưu chuyển của tài sản, tình trạng này còn phải kể đến những nguyên nhân chủ quan và khách quan đối với các TCTD như sau: (i) Áp lực bảo đảm quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận dịch vụ tiện ích thông qua ngân hàng; sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng[2];… hành vi lược bỏ những điều kiện giao dịch ràng buộc phức tạp, thậm chí trái pháp luật; (ii) Chưa nhận diện đầy đủ thủ đoạn của các đối tượng sử dụng TSLQTP, không chủ động phòng ngừa rủi ro, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình…

Hậu quả là các TCTD hiện nay đang phải đối mặt những rủi ro tiềm ẩn, thậm chí phải tham gia các hoạt động tố tụng giải quyết tranh chấp, xét xử án hình sự kéo dài, gây tốn kém nhân lực, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, nguy cơ tồn đọng nợ, mất vốn như thực tiễn đang diễn ra. 

Bối cảnh trên đã đặt ra những thách thức đối với các nhà làm luật về một cơ chế kiểm soát hiệu quả TSLQTP, phòng chống tội phạm tham nhũng - kinh tế đồng thời duy trì, bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu tài sản hợp pháp, không cản trở họ tiếp cận tín dụng. Riêng đối với các TCTD, đó là yêu cầu sớm nhận diện những tài sản trái pháp luật, có giải pháp xử lý căn cơ, loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn, gây thiệt hại.

Đặc điểm tài sản tội phạm với những giới hạn trong các giao dịch có liên quan đến tổ chức tín dụng

Tài sản, theo Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản... Theo khái niệm này, tiền tệ (tiền mặt, bút tệ), các chứng từ có giá không ghi danh chủ sở hữu, hàng hóa… (động sản) được tự do lưu chuyển, khó xác định nguồn gốc, tính hợp pháp, hợp lệ. Với bản chất (TSLQTP) là tài sản có được do chiếm đoạt, vụ lợi trái pháp luật (kể cả đó là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội, cần kê biên để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Song những tài sản này nếu giao dịch hợp pháp qua ngân hàng, về nguyên tắc không được xem là vật chứng), hành vi sai phạm này dựa trên các quy định của pháp luật hình sự, bị thu hồi toàn bộ tài sản tội phạm và bồi thường thiệt hại để hoàn trả lại cho chủ sở hữu bị chiếm đoạt, khắc phục hậu quả tội phạm. Song pháp luật Việt Nam hiện nay cũng ghi nhận những tài sản được công nhận quyền sở hữu cho các tổ chức, cá nhân nhận giao dịch, nếu không bị các giới hạn theo luật định. Lợi dụng quy định này, các đối tượng phạm pháp thường xác lập các giao dịch giả tạo, nhờ người khác đứng tên giùm với tư cách chủ sở hữu tài sản, trước khi sử dụng các dịch vụ từ TCTD. 

Trên đường đi của TSLQTP, tội phạm chủ động sử dụng tài sản là nguồn tiền “bẩn” rửa tiền, đích đến cuối cùng là hoàn thành xóa các dấu vết tội phạm ban đầu. Ngay chính các cơ quan tố tụng, khi điều tra, xử lý tội phạm cũng khó nhận dạng, định vị được TSLQTP để xử lý qua việc áp dụng các biện pháp tư pháp được pháp luật hình sự trao quyền thực hiện. Phức tạp hơn vẫn là công tác truy tìm những đối tượng tiếp tay, đứng tên thay trực tiếp quản lý tài sản phạm tội, các khoản thu lợi bất chính, khi tài sản đó hòa vào dòng tiền kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, cá nhân. Ở trường hợp này, theo tác giả, nếu tài sản là vật, việc xác định dễ dàng hơn, song nếu đó là tiền, giấy tờ có giá tự do giao dịch (giấy tờ không ghi danh, người nắm giữ được quyền định đoạt) chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Theo tác giả, cần dựa trên lý thuyết lưu chuyển tiền tệ (cash flows) để phân tích, đánh giá, xác định tính hợp pháp của giao dịch ngay tình, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Nếu những tài sản này được lưu chuyển qua các hoạt động kinh doanh - đầu tư về nguyên tắc cũng phải thể hiện qua các văn bản báo cáo, nhằm giải quyết thông tin nguồn tiền, đánh giá khách quan tình hình, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân[3]. 

Pháp luật tài chính, kế toán đã luật hóa hình thức pháp lý của báo cáo lưu chuyển tiền tệ[4]. Dựa vào những tài liệu, chứng từ do các doanh nghiệp, cá nhân báo cáo, cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá dòng tiền, kể cả các khoản tài sản đầu tư của các thành viên, cổ đông chiếm hữu TSLQTP; thái độ, hành vi tuân thủ pháp luật thuế; lợi nhuận thu được... Qua đó, sẽ làm sáng tỏ nguồn gốc tài sản, các khoản sinh lợi, làm cơ sở đấu tranh, đánh giá khách quan toàn bộ hành vi phạm tội, áp dụng các biện pháp tư pháp phù hợp, xử lý tài sản phạm tội hiệu quả, đúng pháp luật. 

Như vậy, nếu chỉ thuần túy dựa vào nguồn gốc tài sản lưu chuyển qua TCTD làm căn cứ xác định các giao dịch hợp pháp hay không hợp pháp, từ đó áp dụng các biện pháp tư pháp để xử lý là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Thêm vào đó, các TCTD vốn dĩ là những pháp nhân, đơn vị kinh tế kinh doanh tiền tệ, nếu không có cơ chế pháp lý xác định những tài sản được phép giao dịch, cũng như áp dụng các biện pháp xử lý đặc thù, hoạt động kinh doanh ngân hàng khi đó bị cản trở, nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn (do tài sản trở thành vật chứng vụ án, bị kê biên xử lý theo phán quyết vụ án hình sự), tạo ra những áp lực khi xử lý nợ xấu. 

Tài sản liên quan đến tội phạm, về phương diện pháp lý, những tài sản này đương nhiên bị xử lý theo các biện pháp tư pháp được đề cập trong pháp luật hình sự[5]. Do đó, việc xác định các giới hạn của giao dịch sẽ giúp cho các TCTD có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra: 

Giới hạn giao dịch TSLQTP: Các bên có nghĩa vụ hoàn trả lại nguyên trạng cho chủ sở hữu tài sản hợp pháp hoặc bị tịch thu sung công (nếu là tài sản tham nhũng, vụ lợi bất chính), kể cả quyền được thu hồi tài sản, nếu tài sản được chuyển giao bằng các quyết định hành chính trái pháp luật (thường xảy ra đối với nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế). Các quy định dân sự hiện hành có đặt ra quyền lợi của bên giao dịch ngay tình nhưng vẫn duy trì giới hạn trong các hợp đồng không bù trừ nghĩa vụ hoặc những tài sản không đăng ký quyền sở hữu nếu tài sản đó có liên quan đến tội phạm (Điều 166, 167 BLDS 2015). Theo các quy định này các bên có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đã giao nhận, thực hiện theo các phán quyết có hiệu lực của toà án.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động có những đặc thù riêng, với tư cách là bên ngay tình, họ cũng phải tuân thủ theo các quy định về điều kiện của giao dịch hợp pháp, để bảo đảm quyền lợi cho mình về sau.

Giới hạn tuân thủ các quyết định của cơ quan tố tụng hình sự: TSLQTP được định danh là “vật chứng” vụ án hình sự (Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự “BLTTHS” 2015). Dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội, xác định sự thật vụ án (Điều 13, 15 BLTTHS 2015), các vật chứng này thường bị kê biên để điều tra, xác minh đánh giá tính chất, mức độ hành vi tội phạm. Trong giai đoạn tố tụng này, các ngân hàng không tránh khỏi là bên liên quan, nếu quá trình điều tra phát hiện các giao dịch trái pháp luật, tiếp tay, gây thiệt hại cho ngân hàng, người sai phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng, bồi thường dân sự. 

Thực trạng quy định bảo vệ quyền lợi các TCTD trước những giao dịch có đối tượng TSLQTP

Các giao dịch thông qua TCTD bao gồm: cấp tín dụng, gửi tiền tiết kiệm, dịch vụ thẻ, chuyển tiền; nghĩa vụ thanh toán phí, hoàn trả tiền cấp tín dụng… Dựa trên các giao dịch này, quyền lợi của TCTD cần được pháp luật bảo vệ chính đáng, nếu được xác lập ngay tình, hợp pháp, tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. 

Quyền lợi của TCTD khi nhận tài sản bảo đảm, thực hiện cam kết tín dụng

Quyền lợi với tư cách của bên thứ ba ngay tình

Với tư cách của một bên giao dịch ngay tình, các TCTD không có cơ sở để biết giao dịch của mình với khách hàng hoặc tài sản liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu do đối tượng là tài sản chiếm đoạt, có được từ tội phạm. Đồng thời, TCTD tin tưởng khách hàng có quyền thực hiện giao dịch, có tài sản bảo đảm, đáp ứng các điều kiện để thỏa thuận cấp tín dụng có hiệu lực. 

Quy định về quyền lợi của bên thứ ba ngay tình, Điều 147 BLDS 1995 trước đây có đề cập đến, song còn mờ nhạt, vô hình trung tạo sự mâu thuẫn khi áp dụng. Đây cũng là nguyên nhân làm nảy sinh các cuộc tranh luận gay gắt về việc xác định tội phạm và trách nhiệm pháp lý khi TSLQTP được chuyển đổi sang chủ thể khác. Đến BLDS 2005 quy định này được cụ thể hơn, bằng việc luật phân loại từng đối tượng giao dịch động sản, bất động sản, cũng như tính hiệu lực của giao dịch ngay tình (Điều 138). Các quy định hiện nay còn trao cho chủ sở hữu được đòi lại tài sản nếu người chiếm hữu ngay tình thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; hoặc tài sản đó bị lấy cắp, bị mất, bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu (Điều 167 BLDS 2015). 

Theo khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu,… Các giao dịch bảo đảm có đối tượng tài sản như trên đương nhiên bị vô hiệu cho dù hợp đồng cấp tín dụng có hiệu lực. Rủi ro khi đó tài sản bảo đảm có thể bị chuyển trả lại cho chủ sở hữu tài sản bị chiếm đoạt hoặc tịch thu sung công. Bởi lẽ, giao dịch bị vô hiệu, không làm phát sinh nghĩa vụ bảo đảm, khoản nợ khi đó trở thành không bảo đảm, TCTD khó có khả năng thu hồi vốn vay. Do vậy, quán triệt biện pháp bảo đảm bằng chính vốn vay, tăng cường công tác quản lý sử dụng vốn vẫn là giải pháp tối ưu, trong điều kiện quyền tự do lưu chuyển vốn bị lạm dụng, khó kiểm soát. Đặc biệt, hiện nay có tình trạng TCTD phổ biến nhận bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, vi phạm quy định không dùng tiền mặt, sử dụng vốn đúng mục đích, rủi ro mất vốn nếu khoản tiền gửi tiết kiệm liên quan đến tội phạm, như khuyến cáo của ngành ngân hàng[6].

Phần lớn các TCTD hiện nay đều tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Mặc dù vậy, qua thực tiễn các vụ án hình sự có liên quan đến ngân hàng cho thấy, những rủi ro do bên giao dịch chiếm hữu tài sản bất hợp pháp vẫn thường xảy ra. Đặc biệt là tình trạng xác lập giao dịch vay thông qua các công ty “bình phong” (chủ thể là tổ chức, cá nhân khác đứng tên giùm), xác lập giao dịch bảo đảm, thanh toán, đẩy rủi ro, thiệt hại về phía ngân hàng. 

Quyền nhận tài sản bảo đảm để chủ động xử lý, cho dù là vật chứng vụ án hình sự

Theo quy định, các cơ quan tố tụng hình sự chỉ trả lại ngay vật chứng nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án (điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015). Do đó, lập hồ sơ vật chứng (hoạt động này có ý nghĩa quan trọng hơn đối với vật chứng là tài sản có dấu vết cơ học và sinh học, chứng minh hành vi phạm tội), thẩm định giá trị tài sản để đánh giá mức độ tội phạm là yêu cầu bắt buộc phải được thực hiện. Mặc dù vậy, thực tiễn áp dụng quy định này còn nhiều bất cập, vì hoạt động xử lý vật chứng thường gắn với thẩm định giá trị tài sản theo giá thị trường, vốn dĩ còn nhiều quan điểm khác biệt về phương thức thẩm định, thời điểm, tiêu chí… thực hiện. 

Quá trình phát hiện, xử lý tội phạm, thủ tục tố tụng kéo dài, thậm chí bản án có thể bị hủy sửa nên việc xác định thời điểm định giá để bảo đảm công tác xét xử vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi (thường xảy ra trong công tác thẩm định giá trị bất động sản, do dạng tài sản này dễ bị biến động, tiêu chí định giá còn những quan điểm trái chiều). Vì vậy, các cơ quan tố tụng thường áp dụng các biện pháp giữ nguyên hiện trạng tài sản cho đến khi vụ án giải quyết xong (đã có hiệu lực, không bị kháng nghị, khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm), không trao trả ngay cho ngân hàng để xử lý, cho dù giao dịch bảo đảm tín dụng đó được TCTD thực hiện đầy đủ, hợp pháp các thủ tục.

Các quy định về quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo Điều 14 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có đề cập giao trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD. Đồng nghĩa rằng, các cơ quan tố tụng ngay sau khi lập hồ sơ xử lý vật chứng, làm chứng cứ chứng minh tội phạm phải có trách nhiệm giao trả vật chứng đồng thời là tài sản bảo đảm cho các TCTD để phát mãi thu hồi vốn tín dụng. Việc xử lý này không chỉ tránh tình trạng tắc nghẽn vốn tín dụng, mà còn bảo đảm các lợi ích của bên có liên quan đến tài sản đó. Trong đó, trách nhiệm thu hồi tài sản tội phạm theo tác giả cần dựa trên nguồn vốn đã cấp, thay vì là tài sản bảo đảm đã được TCTD tiếp nhận hợp pháp để bảo đảm cho các nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng.

Quyền chấm dứt cho vay, thu hồi vốn trên cơ sở thỏa thuận tín dụng

Về phương diện chế tài vi phạm hợp đồng, các TCTD được quyền chấm dứt cho vay, thu hồi tiền vay nếu phát hiện tài sản bảo đảm là TSLQTP. Quyền năng này dựa trên các vi phạm của bên vay, bên bảo đảm về nghĩa vụ cung cấp thông tin (Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng), và nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật, hầu hết được các TCTD ghi trong các hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm. Việc vi phạm nghĩa vụ này tạo ra rủi ro nếu tiếp tục cho vay sẽ gây thiệt hại, nguy cơ mất an toàn tín dụng, nên các TCTD được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng là thuyết phục.

Thực tế hiện nay, khi xử lý chấm dứt cho vay, các TCTD thường tự cho phép họ được chuyển nợ quá hạn nếu do lỗi vi phạm các cam kết thỏa thuận theo tác giả là chưa đúng, vì pháp luật chỉ trao quyền cho các TCTD thực hiện khi bên vay tín dụng vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn (Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN). Đồng nghĩa rằng, cho dù các bên có thỏa thuận điều khoản chuyển nợ quá hạn trong hợp đồng thì điều khoản đó cũng bị vô hiệu, không được phép áp dụng. 

Quyền lợi đối với các khoản tiền được hoàn trả theo thỏa thuận tín dụng

Đối với các giao dịch thanh toán tiền theo thỏa thuận cấp tín dụng, về phương thức, thủ tục, thời hạn, số tiền thanh toán, các bên phải thực hiện theo cam kết và quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng. Bên nhận cấp tín dụng tự thanh toán hoặc nhờ người khác thanh toán cho ngân hàng thông qua các phương thức được chấp nhận.

Trong lĩnh vực hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thường truy thu tài sản, kể cả đó là những khoản tiền đã được dùng để trả nợ, tặng cho, các khoản đầu tư để hoàn trả lại cho chủ sở hữu bị chiếm đoạt, hoặc tịch thu sung công. Vấn đề đặt ra là, số tiền được sử dụng để hoàn trả các khoản vay nếu có nguồn gốc chiếm đoạt, vụ lợi, kể cả khoản tiền này chiếm đoạt thông qua một giao dịch trái pháp luật với TCTD khác (chẳng hạn, hành vi sử dụng chứng từ giả vay tiền) thì được xử lý thế nào?! 

Theo tác giả bài viết, các quan điểm khoa học đề cập nguồn vốn ngân hàng chuyển giao cho khách hàng “chỉ mang tính chất tạm thời,… một số trường hợp bên cho vay chỉ chuyển giao quyền sử dụng, không chuyển giao quyền sở hữu”[7]. Song nghiên cứu không thể hiện nhân tố “tạm thời” ở phạm vi, mức độ nào nên vấn đề này gây phát sinh những tranh cãi về quyền lợi của bên vay sau khi tiếp nhận khoản tiền được giải ngân. Vì vậy, chính các điều kiện ràng buộc được đặt ra đối với khoản vay là căn cứ xác định phạm vi, mức độ sử dụng vốn vay cũng như tư cách sở hữu của bên vay. Về phương diện pháp lý, hợp đồng cấp tín dụng là dạng hợp đồng có bù trừ nghĩa vụ, hoàn trả tiền vay đồng nghĩa với quyền của khách hàng được phép thay đổi các biện pháp, nghĩa vụ bảo đảm tín dụng được các bên xác lập. Do đó, nếu TSLQTP (kể cả những tài sản tự do lưu chuyển) phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công, các TCTD phải gánh chịu thiệt hại vật chất tương ứng với số tiền đó.

Như vậy, dựa trên các quy định về quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận các tiện ích ngân hàng, quyền quyết định của chủ tài khoản mở tại ngân hàng, theo tác giả, các nhà làm luật đã gián tiếp công nhận và bảo đảm quyền lợi của các ngân hàng trong trường hợp này, chấp nhận các khoản tiền thanh toán nợ vay thuộc sở hữu của TCTD cho dù khoản tiền này là TSLQTP. 

Quyền lợi của TCTD đối với giao dịch gửi tiền tiết kiệm, thực hiện dịch vụ chuyển tiền

Đối với tiền gửi là tài khoản tiết kiệm mở tại ngân hàng

Số dư có trong tài khoản tiết kiệm thuộc quyền quản lý, định đoạt của chủ tài khoản tại bất kỳ thời điểm nào của kỳ hạn gửi tiền. Trường hợp số dư tài khoản tiết kiệm bị kê biên theo quyết định của cơ quan tố tụng thẩm quyền, TCTD phải có trách nhiệm tuân thủ thực hiện. 

Hành vi chuyển dịch số tiền có trong tài khoản, được ràng buộc thông qua các hợp đồng gửi tiền (giữa ngân hàng với khách hàng). Việc giải quyết hệ quả của giao dịch căn cứ Quy chế tiền gửi tiết kiệm của ngành ngân hàng. Theo quy định này, TCTD phải bảo đảm hồ sơ rút tiền hợp lệ, nghĩa là phải đúng chủ thẻ, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân của người rút tiền. Trường hợp số dư tài khoản tại ngân hàng bị đánh mất dữ liệu, mất tiền trong tài khoản do tội phạm công nghệ, trách nhiệm này cần được xem xét dựa trên các yếu tố lỗi dẫn đến sai phạm. Ở trường hợp này, các TCTD cần có năng lực kiểm soát để bảo vệ quyền lợi khách hàng, đưa ra các khuyến cáo kịp thời, cần thiết.

Đối với dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng

Hành vi chuyển tiền ngân hàng là quan hệ dịch vụ giữa TCTD với khách hàng, song đây là phương thức thanh toán, làm thay đổi chủ thể quản lý, sử dụng số tiền đó. Sự thay đổi này dựa trên quan hệ hợp đồng kinh tế, dân sự (bên chuyển tiền - ngân hàng và bên nhận chuyển tiền), nằm ngoài phạm vi kiểm soát, trách nhiệm của TCTD. Do đó, nếu khoản tiền này có nguồn gốc tội phạm, việc xử lý tội phạm và tang vật chứng dựa trên quy định pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế (đối với trường hợp chủ tài khoản ở nước ngoài chuyển tiền qua các ngân hàng trong nước). Trường hợp TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định về giao dịch chuyển tiền, rủi ro xảy ra, đương nhiên được miễn trừ các trách nhiệm như thực tiễn đã được giải quyết.

Có thể thấy các giao dịch chuyền tiền trong và ngoài nước có sự khác biệt về điều kiện và mục đích giao dịch. Theo lẽ thông thường, giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài có điều kiện phức tạp hơn, các TCTD phải có nghĩa vụ yêu cầu khách hàng tuân thủ điều kiện chuyển tiền, khi đó mới được phép thực hiện. Cùng với chủ trương tự do hóa kinh doanh, tự do lưu chuyển tiền tệ thì tình trạng chuyển tiền ra, vào Việt Nam thông qua kênh ngân hàng dưới các giao dịch tặng cho, nhờ đứng tên giùm, lưu chuyển vốn đầu tư,… cũng diễn biến phức tạp hơn. Việt Nam với tư cách thành viên các quốc gia phòng chống rửa tiền (APG), tiệm cận các quy định này theo pháp luật quốc tế, việc giải quyết các khoản tiền có nguồn gốc tội phạm cũng phải theo nguyên tắc trên. Đối với các giao dịch đáng ngờ, hoạt động phòng chống rửa tiền phải dựa trên hiệp định được ký kết, các TCTD phải có trách nhiệm tuân thủ, tự bảo vệ quyền lợi cho mình, nếu không thực hiện sẽ chịu các chế tài bằng các khoản tiền phạt có giá trị lớn trong khuôn khổ hoạt động ngân hàng[8]. 

Theo cam kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài (Hiệp định IGA) ngày 16/10/2016, các ngân hàng phải báo cáo các giao dịch của chủ tài khoản là cá nhân Hoa Kỳ hàng năm (chậm nhất ngày 15/8), thực hiện khấu trừ theo tỷ lệ quy định, nếu TCTD không thực hiện phải chịu tổn thất, bồi thường[9]. Đối với chuyển tiền ra nước ngoài, tại Việt Nam, các trường hợp chuyển ngoại tệ theo các điều kiện: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch thăm viếng ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế; thực hiện đầu tư, người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp được chuyển ra nước ngoài;... Song các quy định trên chỉ hạn chế phần nào, chứ không phòng ngừa được tội phạm, xử lý hành vi rửa tiền. Đặc biệt là trong vấn đề quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân nếu có sai phạm, vì vẫn còn thiếu cơ chế nhận diện hiệu quả, xác định mục đích và tính hợp pháp của tài sản trước khi lưu chuyển. 

Tóm lại, với các nguyên tắc quản lý, nhất là tài sản tự do lưu thông trên thị trường, có thể thấy việc nhận diện và cảnh báo ở mức độ cao đối với TSLQTP là có căn cứ, cần sự can thiệp kịp thời của hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng. Ở các trường hợp này, các nhà làm luật còn lúng túng trong việc giải quyết hài hòa, đúng mực giữa quyền tự do định đoạt tài sản với các quyền tiếp cận tiện ích giao dịch qua ngân hàng. Do đó, cần sớm có giải pháp mang tính bao quát, đồng bộ, với các chế tài cụ thể để có cơ sở thực hiện, giúp TCTD thoát khỏi những rủi ro như được nhận diện. 

Những khuyến nghị

Bảo vệ quyền lợi TCTD là nhu cầu cần thiết trong bối cảnh tội phạm kinh tế, tham nhũng gia tăng phức tạp như hiện nay. Theo tác giả, trên cơ sở những đề cập, phân tích, các TCTD, các nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu, thực thi các giải pháp, kiến nghị như sau: 

(1) Pháp luật Việt Nam không quy định nghĩa vụ chứng minh tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trước khi xác lập các giao dịch thông qua ngân hàng. Trong khi đó, với đặc thù của đơn vị kinh doanh tiền tệ, thực hiện chức năng của một định chế trung gian, các TCTD không được phép từ chối các giao dịch, khi chưa có căn cứ xác đáng, vì vậy rủi ro trong lĩnh vực này khá cao. Thêm vào đó, hiện nay, giao dịch có đối tượng là tiền, các giấy tờ có giá tự do chuyển nhượng thông qua ngân hàng còn bỏ ngỏ, điều này tạo ra những rủi ro các TCTD nếu giao dịch gặp phải TSLQTP. Vì vậy, pháp luật cần ghi nhận quyền lợi của TCTD với tư cách là bên ngay tình, nếu đáp ứng các điều kiện, thủ tục giao dịch được luật định. Đối với các thỏa thuận cấp tín dụng, việc giải quyết quyền lợi, hoàn trả hoặc tịch thu TSLQTP cần dựa trên các khoản tín dụng đã được giải ngân, theo đúng bản chất của dạng hợp đồng bù trừ nghĩa vụ. 

(2) Các TCTD cần chủ động xây dựng quy trình quản trị, xử lý giao dịch TSLQTP qua ngân hàng. Các cán bộ tín dụng, nhân viên giao dịch kịp thời phát hiện những lỗ hổng trong các quy định để khắc phục; giải quyết quyền lợi cho các TCTD khi có những tranh chấp. Đặc biệt là đối với các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, do những giao dịch này khó thu hồi tài sản về sau, đẩy rủi ro, nguy cơ TCTD gánh chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại. Đi kèm giải pháp này, các TCTD phải tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao dịch trong hoạt động ngân hàng, chủ động xây dựng chuyên đề thực hiện quy trình kiểm tra giám sát, phòng ngừa rủi ro đối với các giao dịch nghi ngờ có TSLQTP. 

(3) Hoàn thiện hệ thống nhận diện, từ chối những giao dịch đáng ngờ, đồng thời thực hiện chế độ kiểm soát, xử lý tài sản thiếu minh bạch trong phạm vi khuôn khổ pháp luật, phù hợp với chuẩn mực theo kinh nghiệm pháp luật quốc tế. Trong đó, quy định cần đề cao trách nhiệm của TCTD trong quan hệ pháp lý với các cơ quan quản lý nhà nước ngành ngân hàng và các cơ quan liên quan (công an, thuế, tài chính, đầu tư,… ) tạo ra cơ chế phát hiện xử lý có hiệu quả trong hoạt động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm rửa tiền; góp phần minh bạch hóa nguồn tài chính, giảm thiểu, tiến đến loại bỏ những rủi ro đối với các nhân viên, cán bộ ngân hàng. 

(4) TSLQTP được định danh là tang vật chứng, gắn với tố tụng hình sự kéo dài. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cần nghiêm túc tuân thủ các quy định kê biên, giao trả lại ngay vật chứng cho TCTD với tư cách là người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án (điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015) theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14. Để thực hiện tốt công tác này, hoạt động thẩm định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải được hoàn thiện trên cơ sở xác định thời điểm thẩm định và thống nhất các tiêu chí ấn định giá theo thị trường, tránh tình trạng tranh chấp, làm trì hoãn giao trả tài sản (là vật chứng vụ án) cho TCTD. 

Những giải pháp trên nếu được hiện thực hóa sẽ mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực; nâng cao hiệu quả, an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng; đóng góp những giá trị tích cực trong công tác phòng chống tội phạm thông qua ngân hàng; góp thêm những sáng kiến trong kế hoạch hành động, giải quyết những rủi ro từ hành vi rửa tiền theo chủ trương của Chính phủ và ngành ngân hàng.

[1]  Báo cáo rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ năm 2012-2017, tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở mức trung bình cao. Không chỉ riêng Việt Nam, tình trạng này xảy ra phổ biến ở các nước trên thế giới (theo UNODC - Tổ chức ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, ước tính hiện nay, rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm là 2-5% GDP, tương đương 800-2.000 tỷ đô la Mỹ). Xem: UNODC, Money-Laundering and Globalization (Rửa tiền và toàn cầu hóa), https://www.unodc.org/unodc/en/money-laundering/globalization.html, truy cập ngày 24/6/2019.

[2] Tăng tưởng tín dụng cho phép khoảng 14%/năm, phân bổ tùy tình hình thực tế tại các ngân hàng, song thực tế các cán bộ tín dụng ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cao hơn rất nhiều so với số liệu trên.

[3] Xem thêm: Nguyễn Thị Thanh (2018), Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị hành chính, sự nghiệp, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phan-tich-bao-cao-luu-chuyen-tien-te-cua-don-vi-hanh-chinh-su-nghiep-300665.html, truy cập ngày 24/6/2019.
[4] Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, các nguyên tắc cơ bản của báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

[5] Xem Điều 46, 47, 48, 49, và 82 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

[6] Xem thêm: Lương Khải Ân (2020), Cho vay bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm: Nhiều rủi ro khó lường cho các tổ chức tín dụng, Luật sư Việt Nam Online, /cho-vay-bao-dam-bang-cam-co-the-tiet-kiem-nhieu-rui-ro-kho-luong-cho-cac-to-chuc-tin-dung.html, truy cập ngày 28/3/2020.

[7] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2015), Giáo trình Luật Ngân hàng, Nxb Hồng Đức, tr 288.

[8] Theo Bloomberg News, Danske Bank (Đan Mạch) phải đối mặt số tiền phạt khoảng 800 triệu USD, gần bằng số tiền mà Deutsche Bank AG và ING Groep NV đã trả cho những hành vi vi phạm quy định phòng chống rửa tiền lớn ở châu Âu. Xem tại: Peter Levring and Frances Schwartzkopff (2018), Danske Bank May Face $630 Million Fine, Danish Government Says, Bloomberg, https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-09-19/danske-bank-may-face-630-million-fine-danish-government-says, truy cập ngày 07/8/2019.
[9] Công văn số 6226/NHNN-TTGS được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 07/8/2017 hướng dẫn thực hiện FATCA.
 

Tiến sĩ, Luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN 

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Những bất cập của án lệ 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm

Lê Minh Hoàng