Luật sư có được quyền cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng?

16/10/2023 09:34 | 10 tháng trước

(LSVN) - Khi tiếp xúc khách hàng, đàm phán, thỏa thuận giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý thì vấn đề mà phần lớn khách hàng quan tâm và đặt câu hỏi với Luật sư là kết quả của vụ việc sẽ như thế nào? Khách hàng có thắng kiện hay không? Có được hưởng án treo hoặc giảm án hay không? Luật sư có thể cam kết bảo đảm được kết quả vụ việc như mong muốn của khách hàng hay không? Trong những trường hợp này, có Luật sư đã tỏ ra bị động, lúng túng, cá biệt có Luật sư thì đã đưa ra những khẳng định, hứa hẹn, cam kết về kết quả vụ việc với khách hàng như: Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện, sẽ đòi lại được tài sản cho khách hàng, hoặc bị cáo sẽ được giảm án,... Vậy, câu hỏi đặt ra là Luật sư có quyền hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng hay không?

Ảnh minh họa.

Trước hết, “hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc” có nghĩa là Luật sư đưa ra những khẳng định (ràng buộc trách nhiệm của mình) với khách hàng về kết quả vụ việc, tức là Luật sư có những hứa hẹn hoặc cam kết bảo đảm với khi khách hàng là khi sử dụng các dịch vụ pháp lý do Luật sư cung cấp thì vụ việc của khách hàng sẽ có những kết quả nhất định trong tương lai. Những nội dung hứa hẹn, cam kết này có thể được thực hiện dưới hình thức là lời nói, tin nhắn, hoặc thỏa các thuận, cam kết trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.  

Một trong các nguyên tắc cơ bản trong hành nghề Luật sư là “tuân theo Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” (khoản 2 Điều 5 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012). Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư phải tuân thủ theo đúng Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Tại Quy tắc 9 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) quy định về những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng. Trong đó, Quy tắc 9.8 quy định Luật sư không được “hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Luật sư”. Để hiểu đúng và đầy đủ về quy định này thì cần làm rõ được những nội dung nào sẽ được coi là “nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Luật sư”?.

Theo quy định của pháp luật thì Luật sư có vai trò là người trợ giúp cho khách hàng về mặt pháp lý, thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng (đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bào chữa trong các vụ án dân sự, hình sự và hành chính), đại diện ngoài tố tụng hoặc cung cấp các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng. Các quyền, nghĩa vụ của Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Luật sư và các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo,…. Theo đó, Luật sư sẽ có quyền sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Tuy nhiên, Luật sư không phải là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền giải quyết vụ việc, có quyền quyết định được kết quả giải quyết vụ việc, Luật sư cũng không thể có quyền tự quyết định các nội dung, vấn đề thuộc về quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận và định đoạt của các đương sự. Ví dụ, trong vụ án hình sự thì Luật sư có quyền thực hiện việc bào chữa, thu thập và giao nộp các tài liệu, chứng cứ, đưa ra các ý kiến, yêu cầu để bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo nhưng không có quyền ra bản án/quyết định giải quyết vụ án, đó là thẩm quyền của Tòa án (mà trực tiếp là Hội đồng xét xử). Chỉ có Hội đồng xét xử mới có quyền ra phán quyết khẳng định bị cáo có tội hay không và áp dụng hình phạt cho bị cáo (nếu bị cáo bị tuyên là có tội).

Vì vậy, Luật sư hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung không thuộc khả năng, quyền quyết định của Luật sư theo quy định của pháp luật sẽ đều có thể bị coi là nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Luật sư. 

Xét về mặt thực tiễn, các vụ án hình sự, dân sự hoặc hành chính có thể sẽ phải trải qua nhiều cấp, nhiều lần xét xử khác nhau. Và kết quả xét xử (phán quyết của Tòa án) trong cùng một vụ án tại các cấp xét xử hoặc lần xét xử khác nhau thì nhiều khi cũng khác nhau, thậm chí trái ngược với nhau. Do đó, cho dù Luật sư có tài giỏi và giàu kinh nghiệm đến đâu thì cũng khó có khả năng dự đoán chính xác tuyệt đối kết quả giải quyết vụ án. Việc Luật sư hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng là không phù hợp với thực tế khách quan, cũng như khiến cho khách hàng có những nhận định, đánh giá không đúng về khả năng, nội dung và phạm vi công việc của Luật sư.

Liên quan đến vấn đề này, Quy tắc 9.6 và 9.7 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng quy định Luật sư không được thực hiện các việc sau:

“9.6. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác”; 

“9.7. Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng.”

Thực tế, Luật sư có thể có những sự đóng góp rất lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc có được kết quả vụ việc, bảo vệ và bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng như: Chứng minh được bị cáo “vô tội”, bảo vệ được các yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước Tòa án,… Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các Luật sư có quyền hứa hẹn, cam kết bảo đảm các kết quả đó với khách hàng, đó đều sẽ bị coi là sự vi phạm Quy tắc 9.8 nêu trên. 

Tâm lý của phần lớn khách hàng là mong muốn biết được kết quả vụ việc, hoặc khi đã nhờ Luật sư thì vụ việc phải có được những kết quả theo mong muốn của khách hàng, thậm chí còn coi đó là điều kiện để ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, hoặc tiêu chí để lựa chọn Luật sư. Điều này đòi hỏi các Luật sư phải luôn chú ý trang bị cho mình những kỹ năng tiếp xúc, đàm phán, giải thích và thuyết phục khách hàng trong những tình huống này, giúp khách hàng hiểu đúng và đầy đủ được vị trí, vai trò và phạm vi công việc của Luật sư. Đồng thời, các Luật sư cũng cần có sự thận trọng khi soạn thảo hợp đồng dịch vụ pháp lý, không chỉ đảm bảo tính chặt chẽ của hợp đồng, hạn chế phát sinh các các xung đột, tranh chấp mà còn phải tránh có những nội dung thỏa thuận, cam kết trái với Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội