/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư cần có thái độ chuẩn mực khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác

Luật sư cần có thái độ chuẩn mực khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác

03/03/2023 14:52 |

(LSVN) - Luật sư hành nghề trên nền tảng kiến thức pháp luật, đạo đức và kỹ năng ứng xử nghề nghiệp. Hoạt động của Luật sư không chỉ hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng mà còn có mục đích bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng trong xã hội; góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân và phát triển xã hội.

 

Ảnh minh họa.

Thông qua hoạt động hành nghề của mình, Luật sư đại diện, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đồng thời hỗ trợ mang pháp luật đến với người dân. Luật sư sử dụng quy định của pháp luật để làm việc với các cơ quan công quyền, do vậy xét ở một góc độ nào đó Luật sư giúp truyền tải ý chí của nhà nước thông qua pháp luật xã xã hội. Chính vì lẽ đó, ngoài việc điều chỉnh ứng xử trong xã hội, Luật sư cần phải có thái độ chuẩn mực khi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước khác.

Để đảm bảo cách ứng xử của người Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã nêu rõ một số quy tắc ứng xử chung khi Luật sư làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước khác như sau:

- Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật (Quy tắc 26.1).

- Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa và hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa; có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa (Quy tắc 27.1).

- Khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nhà nước khác với tư cách đại diện ngoài tố tụng, luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, luật sư phải tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan nhà nước và quy định phù hợp của Chương IV Bộ Quy tắc này (Quy tắc 29.1).

Nghề Luật sư là một nghề có sự liên kết chặt chẽ với chính quyền, bởi lẽ sự phát triển của nghề Luật sư luôn gắn liền với sự phát triển của Nhà nước và hệ thống pháp luật. Do vậy, người Luật sư không chỉ có trách nhiệm với khách hàng của mình mà còn có sứ mệnh cao cả chính là bảo vệ sự độc lập của tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì điều đó, khi làm việc, tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan nhà nước khác, người Luật sư phải giữ thái độ chuẩn mực, hòa nhã; chấp hành nội quy và các quy định có liên quan; thiện chí hợp tác để giải quyết các tình huống phát sinh mà không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của khách hàng và không trái quy định pháp luật. 

Bên cạnh đó, hoạt động tham gia tố tụng là một trong những hoạt động chính yếu khi hành nghề Luật sư. Việc tham gia tố tụng của Luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do vậy, Luật sư thể hiện sự tôn trọng với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng chính là thể hiện sự tôn trọng với nghề nghiệp của mình, giữ gìn văn hóa pháp đình và xây dựng hình ảnh người Luật sư bản lĩnh, chuyên nghiệp trong công tác.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người dân về Nhà nước và pháp luật dần được nâng cao. Chính vì thế, với vai trò là người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác, người Luật sư càng phải có hành vi ứng xử nghiêm túc, chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của mình, nhất là tuân thủ các quy tắc về đạo đức hành nghề và điều chỉnh thái độ phù hợp, tôn trọng, hòa nhã khi làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung. 

THANH THỊNH

Bàn về quy định Luật sư cần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

Bùi Thị Thanh Loan