Luật sư cộng tác với báo chí nhằm tìm ra sự thật để bảo vệ các giá trị pháp luật

09/11/2023 07:33 | 10 tháng trước

(LSVN) - Trong thời đại kinh tế, xã hội và công nghệ phát triển nhanh chóng, quyền lợi của công dân là một vấn đề được coi trọng và chăm lo. Đồng thời, số lượng các vụ án kinh tế, hình sự cũng tăng lên, đòi hỏi sự công bằng xã hội phải được đảm bảo trong mọi trường hợp. Do đó, Luật sư và báo chí có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố quản lý kinh tế – xã hội theo pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng những nguyên tắc của cuộc sống.

Ảnh minh họa.

Trước tiên bàn về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội.

Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là công cụ sắc bén để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đấu tranh tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân.

Không chỉ vậy, báo chí còn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cho cán bộ, nhân dân tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, báo chí là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân, phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.

Vậy tại sao Luật sư cần cộng tác cùng báo chí để đi tìm sự thật, góp phần bảo vệ công lý và các giá trị tốt đẹp của pháp luật?

Thứ nhất, đứng dưới góc độ pháp luật. Luật sư được quyền chủ động quan hệ với cơ quan Báo chí và quảng cáo. Xuất phát từ tầm quan trọng cùng mối liên hệ mật thiết giữa Luật sư và báo chí, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã giành Quy tắc 31 và Quy tắc 32 quy định về quan hệ của Luật sư với Cơ quan truyền thông và quảng cáo. Theo đó, Bộ Quy tắc khẳng định người Luật sư có quyền chủ động trong quan hệ với Cơ quan Báo chí, và thực hiện Quảng cáo; Quyền chủ động cấp thông tin cho Báo chí (QT 31.1); Quyền chủ động viết bài, sử dụng mạng xã hội… (QT 31.3); Quyền chủ động thực hiện các hoạt động, loại hình quảng cáo theo quy định (QT 32). Như vậy có thể hiểu ngay trong chính quy định pháp luật cũng đã thừa nhận mối quan hệ cộng tác giữa Luật sư và báo chí để tìm ra sự thật khách quan, bảo vệ các giá trị pháp luật.

Thứ hai, dưới góc độ về thực hành chuyên môn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhà báo về mặt kiến thức chuyên môn cần hiểu biết về pháp luật, tuy nhiên nhà báo không nhất thiết phải biết rõ tất cả các quy định chi tiết. Còn Luật sư lại là người có thể cung cấp được cho nhà báo những thông tin chính xác và chuyên nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến các vụ việc xã hội. Chính vì vậy, nhà báo có thể dựa vào những ý kiến của Luật sư để phân tích và đánh giá các vụ việc một cách khách quan và sâu sắc hơn. Bởi chính những ý kiến đóng góp của Luật sư có thể giúp nhà báo làm rõ hơn các quan điểm pháp lý trong các bài báo của mình, đặc biệt là đối với các vấn đề về tranh chấp, kiện tụng.

Thứ ba, dưới góc độ hành nghề thực tiễn, để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin mang tính thời sự, báo chí cần đưa ra những thông tin nhanh chóng, kịp thời và mang tính cập nhật để tránh thông tin bị lỗi thời và mất sức hút. Tuy nhiên báo chí có thể dựa và những đánh giá chuyên môn của các Luật sư về các quy định pháp luật trong các vụ việc cụ thể, để phản ánh một cách sắc nét và nhanh chóng những bất cập, hợp lý, không phù hợp hoặc lỗi thời của các văn bản pháp luật. Báo chí có thể kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật. Cả Luật sư và nhà báo đều có thể kết hợp hợp tác và bổ trợ cho nhau trong việc nhìn nhận và đánh giá các quy định pháp luật, góp phần xây dựng đảm bảo tính hiện đại, công bằng và minh bạch của pháp luật trong thời đại như hiện nay.

Thứ tư, dưới góc độ quan điểm cá nhân, báo chí là một công cục hiệu quả để Luật sư truyền đạt quan điểm của mình đến cơ quan Nhà nước và dư luận. Bằng những chia sẻ, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng, thực hiện các quy định pháp luật, Luật sư có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về pháp luật để phản ánh đúng tình hình pháp lý, góp phần bảo vệ công lý xã hội. Tuy nhiên cả Luật sư và nhà báo đều nên cẩn trọng trước khi đăng tải nội dung bài viết. Bài viết thực hiện cần có sự khách quan và không nên gây áp lực không chính đáng lên cơ quan Nhà nước ảnh hưởng đến tính minh bạch và khách quan của hoạt động tư pháp.

Thứ năm, báo chí còn là người bạn đồng hành của các Luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Báo chí giúp các Luật sư vượt qua những thách thức, ủng hộ những lập trường chính đáng, đồng thời cũng phơi bày những hành vi tiêu cực, nhằm mục đích hoàn thiện. Các Luật sư có đạo đức và chuyên môn cao, thông qua báo chí không những là tấm gương cho các đồng nghiệp mà còn giúp người dân tin tưởng vào công lý được thực hiện dựa trên công bằng xã hội.

Dẫu vậy khi tham gia cộng tác với báo chí Luật sư cần chú ý tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo bí mật thông tin khách hàng đồng thời duy trì tính độc lập trong nghề nghiệp, không làm sai lệch sự thật khách quan.

Bởi lẽ Luật sư là một chủ thể đặc biệt trong xã hội, chịu điều chỉnh bởi luật riêng là Luật Luật sư, đồng thời Luật sư trong suốt quá trình hành nghề cũng cần tuân thủ 32 quy tắc đạo đức trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam hiện nay.

Khi là một Luật sư được cấp thẻ hành nghề, xuyên suốt quá trình hoạt động của mình Luật sư có thể tham gia góp ý với báo chí nhưng cần tuân thủ Điều 31, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Theo đó, Luật sư cần phải nói và viết trên các phương tiện truyền thông một cách trung thực, chính xác và khách quan. Đây là điều kiện cần thiết để Luật sư được cộng đồng tin tưởng và tôn trọng, bảo vệ danh dự và uy tín của bản thân và khách hàng.

Khi cộng tác với báo chí, Luật sư không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc có ý định làm méo mó sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận hoặc bảo vệ quyền lợi trái pháp luật của khách hàng. Đồng thời, với vai trò là Luật sư, bản thân cá nhân Luật sư cũng phải có trách nhiệm và chuyên nghiệp khi phát biểu trên truyền thông hoặc tại nơi công cộng giữ gìn hình ảnh của cộng đồng đối với nghề Luật sư nói chung và cá nhân Luật sư nói riêng. Không nên có những hành vi lợi dụng truyền thông để chê bai hoặc tấn công đồng nghiệp, gây mất đoàn kết, hạ thấp danh dự và uy tín của nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Còn trong mối quan hệ với khách hàng khi đưa tin, cộng tác với báo chí. Luật sư không chỉ là người cung cấp thông tin pháp lý cho khách hàng mà còn đóng vai trò như người giúp đảm bảo thông tin trên truyền thông là chính xác và thật. Điều này giúp mọi người hiểu rõ hơn về lĩnh vực pháp lý, góp phần xây dựng xã hội văn minh và trách nhiệm hơn. Chính vì vậy, Luật sư càng cần cẩn trọng và có trách nhiệm trước những phát ngôn, nội dung mà mình truyền đạt.

Ngoài ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Luật sư đều nên chú ý không đăng những thông tin không có căn cứ lên mạng xã hội vì điều này không chỉ xâm phạm danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác mà còn vi phạm pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam. Trong trường hợp này, nhẹ Luật sư có thể bị liên đoàn quản lý Luật sư cảnh cáo, xử phạt hoặc kỷ luật. Trường hợp nặng hơn Luật sư còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 311, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Bởi vậy, kiến thức như một cái giếng. Nếu chúng ta sử dụng thường xuyên thì cái giếng ấy sẽ sinh ra những nguồn nước ngọt, có ích cho đời. Còn nếu chúng ta không sử dụng thì cái giếng sẽ thành cái giếng độc. Kiến thức của người Luật sư nhờ báo chí được đến với người dân và giúp cho người dân nắm được các quy định pháp luật. Chính bởi vậy, việc Luật sư cộng tác với báo chí nhằm đưa ra sư thật để bảo vệ các giá trị pháp luật là nên làm, phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân vẫn phải tuân thủ quy tắc và đạo đức hành nghề