LSVNO - Sông Sài Gòn là một trong những thủy lộ quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp, được các nhà buôn tận dụng tối đa lợi thế trong việc đi lại, vận chuyển, trao đổi hàng hóa và có nhiều tiềm năng, lợi thế trong trong phát triển kinh tế.
Sông Sài Gòn gắn liền với các địa danh lịch sử cách mạng và du lịch nổi tiếng như địa đạo Củ Chi, Tam giác sắt, vườn cây ăn trái Lái Thiêu… Sông Sài Gòn còn là tuyến giao thông đường thủy mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lân cận về các khu công nghiệp, ra cảng để xuất khẩu và ngược lại.
Với lợi thế của một khu kho cảng quan trọng, là cửa ngõ đầu mối giao thông giữa miền Tây và miền Đông Nam bộ với TP.HCM, chi phí vận chuyển chỉ bằng 35 - 45% so với đường sắt và từ 33 - 40% so với đường bộ; giảm đáng kể áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ đang bị quá tải, ùn tắc và ảnh hưởng môi trường; góp phần thay đổi diện mạo của xã An Sơn (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương... khu kho cảng An Sơn còn được xem là cảng chủ lực đường sông của tỉnh, góp phần quan trọng trong trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy để tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh Tây nguyên và các khu công nghiệp lân cận.
Du lịch đường sông của Thành phố sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện tại, tuyến đường ven sông Sài Gòn đã dần định hình, bên cạnh đó đã hình thành Cảng An Sơn là cảng tổng hợp với đầy đủ kho bãi chuyên dụng, với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 2.200 tấn. Tại khu vực này, nhiều nhà hàng, khu du lịch kết hợp dân cư được xây dựng hiện đại với đầy đủ chức năng như Khu biệt thự Phú Thịnh, có nhà hàng du thuyền Tiamo. Tại khu vực công viên đường Bạch Đằng. Cùng với đó là các dịch vụ du thuyền, tàu cao tốc, dù lượn. Ngược về phía thượng nguồn là các dự án cảng An Điền, Rạch Bắp, khu đô thị ven sông được thiết kế, quy hoạch phù hợp với đà phát triển tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng khu kho cảng thì yêu cầu quan trọng trước mắt là xây dựng khu tái định cư 15 ha để vừa nâng cao không gian sống của người dân địa phương, chuyển đổi phù hợp từ kinh tế nông nghiệp truyền thống sang làm dịch vụ, thương mại, công nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương; chủ đầu tư còn kết hợp xây dựng khu biệt thự ven sông 30 ha, nhằm tận dụng lợi thế sông nước, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và phát huy tiềm năng, giá trị đất đai mà thiên nhiên đã ban tặng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn sông Sài Gòn mang lại, cuối năm 2015, Bộ Giao thông và Vận tải cùng với UBND TP. HCM và UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện nghi thức động thổ dự án cải tạo và nâng cấp chiều cao tĩnh không (lên 8m) cầu đường sắt Bình Lợi, kết hợp nạo vét, mở rộng luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), tổng chiều dài 71km. Dự án này đều do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án nạo vét, mở rộng luồng sông Sài Gòn được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng vốn 1.302 tỷ đồng; trong đó vốn TP. HCM hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư là 156,3 tỷ đồng, vốn tỉnh Bình Dương cho vay không lãi là 300 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 674 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô Thị Xanh (GUD) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam thực hiện.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, dự kiến, tháng 8 hoặc tháng 10/2018, cầu đường sắt Bình Lợi sẽ được tháo dỡ nâng tĩnh không giao thông thủy trên sông Sài Gòn lên 8m, đủ sức cho tàu chở container lớn lưu thông thuận lợi. Vì vậy, công tác quản lý phương tiện, đăng kiểm phương tiện, quản lý bến bãi, bến khách ngang sông phải được quan tâm thực hiện đúng quy định.
“Hiện tại, trục giao thông Bắc - Nam của tỉnh đã thực hiện rất tốt, riêng trục Đông - Tây còn nhiều điểm tắc nghẽn như đường 7A rất tốt cho hàng hóa, phương tiện ra các cảng ven sông Sài Gòn nhưng phương tiện vận tải chưa qua được thị xã Bến Cát. Dự kiến, khi cầu đường sắt Bình Lợi được tháo dỡ sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tìm hiểu đầu tư các dự án ven sông theo quy hoạch đã được tỉnh Bình Dương phê duyệt”, ông Liên cho biết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong thời gian tới Sở Du lịch Thành phố tiếp tục khảo sát nhằm thu thập những số liệu cụ thể, đánh giá các điểm mới dọc sông làm cơ sở xây dựng quy hoạch và sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch trên sông, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, có chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai thác được nhằm hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng “trên bến dưới thuyền”, chợ nổi… Song song đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đường sông của Thành phố đến người dân và du khách mạnh mẽ hơn, giúp du khách có thêm góc nhin khám phá vẻ đẹp khi đến TP. HCM.
Năm 2018, Sở Giao thông vận tải TP. HCM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Quyết định 318/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển thị trường vận tải theo hướng đa phương thức, kết nối và áp dụng công nghệ thông tin để kéo giảm chi phí, tạo thuận lợi trong giao thông và vận tải hàng hóa.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, Thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để du lịch là kinh tế mũi nhọn thì một trong những việc cần làm là đa dạng hóa sản phẩm du lịch để du khách đến chi tiêu và còn quay trở lại. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch chính là việc làm cần thiết lúc này để giữ chân du khách…
Trước quyết tâm của lãnh đạo TP. HCM cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp du lịch, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch đường sông của TP.HCM sẽ phát triển hơn nữa, là một trong những niềm tự hào của người dân Thành phố khi giới thiệu những sản phẩm du lịch đến với du khách.
Minh Sơn – Tuấn Hải