/ Nghề Luật sư
/ Luật sư không quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư

Luật sư không quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư

13/06/2023 06:32 |

(LSVN) - Một Luật sư A. tham gia bào chữa cho khách hàng trong vụ án tại cấp sơ thẩm và theo hợp đồng tiếp tục tham gia bào chữa cho khách hàng tại cấp phúc thẩm. Sau phiên tòa sơ thẩm khách hàng này nhận được một bức thư ngỏ giới thiệu là của một Văn phòng Luật sư B. trình bày về việc rất quan tâm và chia sẻ với khách hàng về vụ án và mức án cấp sơ thẩm đã tuyên với khách hàng. Trong thư ngỏ có nội dung cho rằng khách hàng có thể đã được hưởng mức án thấp hơn rất nhiều nếu có Luật sư giỏi tham gia bào chữa đồng thời đề cập nội dung nếu khách hàng nhờ Văn phòng Luật sư B. sẽ cử các Luật sư giỏi để bào chữa cho khách hàng tại cấp phúc thẩm. Luật sư A. bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng bức thư ngỏ đó đã có ý cho rằng mình không phải là Luật sư giỏi cũng như đưa ra đánh giá, nhận định về mức án của khách hàng tại cấp sơ thẩm khi không có hồ sơ tài liệu. Vậy trong trường hợp này Văn phòng Luật sư B. đã gửi thư cho khách hàng của Luật sư đồng nghiệp như vậy phù hợp không?

Ảnh minh họa.

Trong vụ việc này theo tác giả cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, không vội kết luận thư ngỏ đó đúng là của Văn phòng Luật sư B. và suy luận đó là ứng xử, quảng cáo của Luật sư. Thực tế hiện nay việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa Luật sư cũng không phải chưa diễn ra. Trường hợp này nếu cần thiết phải liên hệ, xác minh xem đúng là của Văn phòng Luật sư B. đó hay không và Văn phòng Luật sư đó có xác nhận lại nội dung trên thư ngỏ hay không.

Thứ hai, nếu đúng thư ngỏ đó là do Văn phòng Luật sư đó phát hành với nội dung như trên cần xác định đây là một trong các hoạt động quảng cáo của tổ chức hành nghề Luật sư và sẽ được thực hiện, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quảng cáo và quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Thứ ba, khi thực hiện hoạt động quảng cáo Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư (thông qua trách nhiệm của Trưởng tổ chức hành nghề) có trách nhiệm tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong đó có Quy tắc 32 về quảng cáo:

32.1. Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề Luật sư, Luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm. Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ Luật sư; 32.2. Luật sư không được thực hiện việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư”.

Quy tắc 32 Bộ Quy tắc quy định Luật sư không cung cấp thông tin gây hiểu nhầm và Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ Luật sư. Trong nội dung bức thư ngỏ có đề cập khách hàng có thể được hưởng mức án nhẹ hơn rất nhiều nếu có Luật sư giỏi tham gia bào chữa và cam kết sẽ cử Luật sư giỏi tham gia bào chữa nếu được mời. Khi quảng cáo như vậy, có thể dẫn đến việc khách hàng sẽ hiểu rằng Văn phòng Luật sư B. đã đánh giá Luật sư đồng nghiệp tham gia bào chữa tại cấp sơ thẩm cho khách hàng chưa phải là Luật sư thật sự giỏi cũng như có khả năng gây hiểu nhầm rằng Văn phòng Luật sư có các Luật sư giỏi và giỏi hơn để tham gia bào chữa. Trong khi đó, trên thực tế chưa có căn cứ, cơ sở để chứng minh, đánh giá về mức độ giỏi của Luật sư tại Văn phòng Luật sư này.

Mặt khác, Bộ Quy tắc  quy định cấm Luật sư so sánh năng lực nhằm mục đích lôi kéo khách hàng:“21.5. Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng như: 21.5.1. So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của Luật sư hoặc tổ chức hành nghề Luật sư này với Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư khác”.

Việc vội vã đưa ra nhận định khách hàng có thể sẽ được hưởng mức án nhẹ hơn nhiều nếu có Luật sư giỏi tham gia bào chữa cũng là việc làm chưa phù hợp vì nhận xét này được đưa ra một cách cảm tính không dựa trên tài liệu, hồ sơ vụ án vì Luật sư của Văn phòng Luật sư này chưa tham gia bào chữa, chưa được tiếp xúc với hồ sơ, tài liệu có trong vụ án. Đồng thời, trong mọi trường hợp quan điểm, đề nghị của Luật sư không phải là quan điểm, quyết định của Hội đồng xét xử, Luật sư không phải là bên có quyền quyết định.

Việc quảng cáo của Luật sư là hoạt động pháp luật không cấm và rất cần thiết nhất trong giai đoạn công nghệ như hiện nay. Với tính chất đặc thù của nghề Luật sư, thiết nghĩ mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư cần rất cẩn trọng khi thực hiện hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư cũng như việc mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan