/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư làm gì?

Luật sư làm gì?

14/11/2021 16:40 |

(LSVN) - Có người từng ví "nếu bác sĩ chữa bệnh cho con người về mặt sinh học, Luật sư chữa bệnh cho con người về mặt xã hội". Việc so sánh này phản ánh đặc thù của nghề Luật sư trong xã hội. Đành rằng, mỗi nghề nghiệp, công việc đều có vai trò, vị thế, giá trị riêng và trong bối cảnh cả thế giới đang phải gồng mình phòng chống đại dịch, việc bảo đảm sức khỏe, an toàn chung của cộng đồng là cần thiết, nhưng khi đưa ra các quy định cũng cần tìm hiểu, cân nhắc đến đặc trưng công việc của mỗi ngành nghề và những vấn đề liên quan.

Ảnh minh họa.

Luật sư còn được gọi với các biệt danh như “Thầy cãi”, “Thầy kiện”, “Trạng cãi” hay tôn xưng là “Trạng sư”, “Hiệp sĩ”, “Chiến sĩ bảo vệ công lý”, chuyên hành nghề Luật với sứ mệnh bảo vệ công lý. Hiện nay khi mà vai trò, hình ảnh của Luật sư ngày càng được cả xã hội quan tâm thì ai lại không biết Luật sư làm gì. Ấy thế nhưng, khi nghiêm túc đề cập về điều này mới thấy không hẳn như vậy.

Nghề Luật sư đã ra đời cách nay hơn 2.000 năm trong phương thức tố tụng phương Tây, bắt nguồn từ sự sáng tạo của nền pháp chế La Mã cổ và xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, trong thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, ban đầu nghề này không dành cho người dân bản xứ, mà phải đến những năm 30 của thế kỷ XX người mang Quốc tịch Việt Nam mới có cơ hội tham gia để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đồng bào mình trước Tòa án Thực dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc thiết lập nên chế độ mới, một trong những Sắc lệnh rất sớm do chính quyền cách mạng ban hành lại liên quan đến nghề Luật sư. Đó là Sắc lệnh số 46/SL, ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, quy định về tổ chức đoàn thể Luật sư ở Việt Nam.

Dẫu trải qua nhiều biến cố lịch sử, nghề Luật sư phải chịu không ít thăng trầm, nhưng theo quy Luật và trước nhu cầu tất yếu của xã hội, nghề Luật sư vẫn phát triển và trở thành một trong những nghề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội, nhất là trong thời gian gần đây. Không vậy mà từ năm 1987 đến năm 2012 đã có đến 04 Pháp lệnh, Luật (và sửa đổi) khác nhau quy định về Luật sư; nếu năm 1989 cả nước mới có 186 Luật sư thì đến nay con số này đã tăng lên gần 15.000 với hàng nghìn tổ chức hành nghề. Một người mốn trở thành Luật sư cũng là cả một quãng đường không hề đơn giản. Theo quy định hiện hành, thông thường họ phải có bằng cử nhân Luật, trải qua 12 tháng học nghiệp vụ nghề Luật sư, 12 tháng tập sự hành nghề Luật sư với các kỳ thi được đánh giá là “càng ngày càng khó”, phải được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, rồi phải gia nhập vào một đoàn Luật sư cấp tỉnh.

Sau khi đã được cấp thẻ Luật sư, họ phải nộp phí thành viên hàng tháng (mức phí trung bình cao nhất so với các tổ chức khác hiện nay, chưa kể mức phí gia nhập đoàn Luật sư có khi lên đến cả chục triệu đồng/lượt); Thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc hàng năm: Bồi dưỡng nghiệp vụ (08h/năm), trợ giúp pháp lý miễn phí (tối thiểu 08h/năm); đóng bảo hiểm nghề nghiệp (tối thiểu 500.000 đồng/năm).

Trong quá trình hành nghề, Luật sư phải tuân thủ Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, quy chế đoàn Luật sư, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư... Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính tự quản cao, để trở thành Luật sư và hành nghề Luật sư khó khăn, vất vả là vậy, thậm chí dù đã có đủ tư cách hành nghề nhưng thực tế để có việc kèm thu nhập ra sao lại là chuyện khác, nhưng người phấn đấu để trở thành Luật sư ở nước ta vẫn liên tục tăng trong thời gian qua. Số lượng và chất lượng hành nghề Luật sư tăng nhanh đã đáp ứng tốt yêu cầu thực tế, là lực lượng tích cực tham dự vào công cuộc đổi mới và là chỗ dựa quan trọng của doanh nghiệp, người dân. Ghi nhận về sự đóng góp và vai trò của nghề này, ngày 14/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/2013/QĐ-TTg công nhận ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống của Luật sư Việt Nam.

Trở lại vấn đề Luật sư làm gì? Theo quy định tại Điều 22 Luật Luật sư năm 2012 thì phạm vi hành nghề Luật sư gồm: “1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; 2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; 3. Thực hiện tư vấn pháp luật; 4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; 5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của luật này”.

Đây là 05 mảng việc mà Luật sư được phép hành nghề để có thể thu phí, hưởng thù lao theo quy định, nhưng thực tế những việc mà Luật sư cáng đáng không dừng lại ở đó. Chưa nhắc tới các nghĩa vụ bắt buộc hoặc trách nhiệm chung với cộng đồng thì ngoài các mảng việc được phép hành nghề, thực tiễn cho thấy, Luật sư còn tham gia vào công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; tư vấn, hòa giải, xử lý các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống; đại diện cho quần chúng trong các tổ chức, đoàn thể, diễn đàn; giảng dạy, truyền đạt kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng sống, góp phần thúc đẩy, nâng cao năng lực cho các cơ quan công quyền,… Tất nhiên, ý kiến, sự tham gia của Luật sư luôn được đánh giá là xác đáng và nhận được sự tin cậy của cộng đồng.

Đến nay nhiều người vẫn cho rằng một số quan niệm, cách “ứng xử” với Luật sư ở ta hiện đang trái ngược so với các nước phát triển. Ví như ở nhiều nước, Luật sư không chỉ là những người chuyên hành nghề Luật, mà còn là nguồn nhân lực chính để bổ nhiệm làm Thẩm phán, ứng cử sáng giá vào các cơ quan dân cử, trở thành lãnh đạo của bộ máy công quyền,… Trong khi đó, ở nước ta nghề Luật sư tuy vẫn chỉ là “bổ trợ tư pháp”, nhưng dù vậy thực tế những mảng việc mà họ thực hiện vẫn rất lớn và đa dạng. Đơn cử, theo Luật định và thực tế mỗi ngày cả nước đang diễn ra hàng nghìn vụ án phải có sự tham gia của Luật sư, nếu thiếu vắng Luật sư không những sẽ vi phạm Luật, phiên tòa không thể diễn ra, dẫn đến việc giải quyết vụ việc kéo dài, gây thiệt hại về nhiều mặt. Rồi nhiều người vẫn nghĩ rằng Luật sư tham gia vụ án thì chỉ khi phiên tòa mở mới cần Luật sư có mặt, đâu hiểu để có mấy giờ đồng hồ hoặc mấy chục phút tranh tụng ở Tòa án, Luật sư phải có thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, đến gặp thân chủ, người liên quan và các cơ quan, cá nhân khác.

Ngay trong vụ việc tư vấn, Luật sư đâu phải chỉ ngồi nhà rồi “phán”, mà bản thân Luật sư phải tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu các vấn đề liên quan, thậm chí phải gặp gỡ trực tiếp khách hàng,… Qua đó để thấy, để hành nghề Luật sư, dù là tư vấn, tham gia tố tụng, làm đại diện hay thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, không thể chỉ đơn thuần khi phát sinh nhu cầu rồi có mặt là đủ. Mà phải có quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, dành tâm huyết, thời gian và di chuyển đến các nơi để thực hiện công việc của mình.

Chưa kể, thực tế hiện số lượng Luật sư làm việc ở mỗi tổ chức hành nghề Luật sư không lớn, trụ sở làm việc của tổ chức hành nghề Luật sư có khi đặt luôn tại tư gia. Ấy vậy mà vừa qua, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 vẫn có những địa phương do không hiểu hay cố tình không hiểu, coi Luật sư làm việc giống một số nghề sản xuất, kinh doanh khác, nên đã không xếp Luật sư vào nhóm công việc đặc thù để tạo điều kiện tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, quy định cấp giấy đi đường cho Luật sư đi làm việc.

Vậy nên có chuyện thật như đùa, sau thời gian lúng túng chờ đợi để được tiêm vaccine, một số Luật sư dù được cơ quan chức năng cấp giấy đi đường nhưng chỉ dùng để đi ở chính trong nhà mình! Không bảo đảm an toàn và điều kiện cho phép đi lại, không ít Luật sư không thể di chuyển đến các nơi để thu thập thông tin, tài liệu, không đến các phiên Tòa (được mời hoặc chỉ định) và trực tiếp trợ giúp pháp lý cho khách hàng. Hậu quả là nhiều phiên tòa phải hoãn, nhiều vụ việc cần sự giúp đỡ của Luật sư không được thực hiện kịp thời. Thiệt hại với mỗi Luật sư về kinh tế có thể không lớn, nhưng sự ngưng trệ quá trình xử lý các vụ việc trong xã hội dẫn đến những mâu thuẫn không kịp thời được giải quyết, thiệt hại kinh tế và cả bức xúc trong xã hội chính là điều đáng phải quan tâm.

Có người từng ví “nếu Bác sĩ chữa bệnh cho con người về mặt sinh học, Luật sư chữa bệnh cho con người về mặt xã hội”. Việc so sánh này phản ánh đặc thù của nghề Luật sư trong xã hội. Đành rằng, mỗi nghề nghiệp, công việc đều có vai trò, vị thế, giá trị riêng và trong bối cảnh cả thế giới đang phải gồng mình phòng chống đại dịch, việc bảo đảm sức khỏe, an toàn chung của cộng đồng là cần thiết, nhưng khi đưa ra các quy định cũng cần tìm hiểu, cân nhắc đến đặc trưng công việc của mỗi ngành nghề và những vấn đề liên quan.

Luật sư làm gì không phải là câu hỏi mới được đặt ra liên quan đến việc xem xét, tạo điều kiện, quy định trong mùa dịch này mà còn là vấn đề cần được xác định, làm rõ đối với mỗi Luật sư, các cơ quan chức năng và cộng đồng để có các “hành xử” đúng, phù hợp, hiệu quả hơn trong xã hội.

BẢO HƯƠNG

Luật sư và đạo đức nghề nghiệp

Lê Minh Hoàng