/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư trợ giúp người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo

Luật sư trợ giúp người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo

09/11/2022 02:23 |

(LSVN) - Pháp luật về khiếu nại và tố cáo đã mở rộng quyền của người dân, đặc biệt là quyền mời Luật sư được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể: “Người khiếu nại có quyền nhờ Luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho Luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Nếu như trước đây, người khiếu nại chỉ có quyền nhờ Luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại, thì Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người khiếu nại được nhờ Luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho Luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Các Luật sư tổ chức tư vấn pháp luật cho người dân.

Có thể thấy, pháp luật đã ghi nhận vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo như tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại, tố cáo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức nhiều đợt tập huấn với chuyên đề “Công tác Luật sư, luật gia tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương”, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư cho người dân có khiếu nại, tố cáo, giải quyết vướng mắc của người dân.

Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư đã giúp người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền cũng như trình tự giải quyết, thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, giúp người dân hiểu rõ vụ việc của mình, gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh mất thời gian, công sức và tiền của mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Khi người dân được Luật sư tư vấn, giải thích cặn kẽ quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thì đều thấy thoải mái, từ đó người dân cởi mở hơn trong việc giãi bày những khó khăn, vướng mắc, thái độ tiếp nhận của người dân ít dè dặt và mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với cơ quan Nhà nước. Việc tham gia tư vấn pháp luật của Luật sư đảm bảo được sự khách quan đã làm người dân tin tưởng, người dân hiểu được việc của mình phải làm và phải đi đến đâu để được giải quyết, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, thông qua việc tư vấn pháp luật cho người dân, các Luật sư cũng đã phát hiện được một số vấn đề vướng mắc trong quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó có kiến nghị với lãnh đạo các cơ quan nhà nước về hướng giải quyết đối với một số vụ việc cụ thể mà công dân khiếu kiện kéo dài. Hơn nữa, khi tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân, chính các Luật sư cũng có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình và ý thức trách nhiệm của mình trong việc phục vụ cộng đồng.

Ngoài việc tư vấn các vụ việc cụ thể, các Luật sư còn tuyên truyền pháp luật cho công dân về quyền, nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như tham gia tố tụng hành chính… Việc giải thích, tuyên truyền pháp luật cho người dân, giảm thiểu những đơn thư khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, không đúng quy định, góp phần giảm tải bức xúc người khiếu kiện tại Trụ sở, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Nhờ có sự tham gia của Luật sư trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuyên truyền phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật về thủ tục tiếp công dân, thủ tục khiếu nại, thủ tục tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý. Từ đó, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật giải quyết được vấn đề bức xúc của người dân, các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân giúp hạn chế phát sinh các vụ việc kéo dài, phức tạp, vượt cấp, vượt thẩm quyền.

Trong công tác trợ giúp người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo vai trò của Luật sư vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư, xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của người dân. Bởi vậy, quy định của pháp luật về sự tham gia của Luật sư mới hiện nay chỉ mới là những quy định về quyền và nghĩa vụ của Luật sư, mà chưa có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để Luật sư có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình một cách hiệu quả, việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân thuộc đối tượng trở giúp pháp lý ở các địa phương nhiều gặp nhiều khó khăn do các vụ việc thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm, tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm nên khi trợ giúp pháp lý cho người dân, Luật sư cũng không thể nắm bắt hết và hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn, để khắc phục vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và Luật sư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Do cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân còn chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình giải quyết, nên người dân quyết định chọn con đường khởi kiện tại tòa án để giải quyết có xu hướng ngày càng tăng. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là giải quyết khiếu nại lần đầu còn quá phức tạp, thời hạn giải quyết dài, chưa tạo thuận lợi cho người dân, chưa đề cao vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, thiếu chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại chưa cao, chưa gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG

Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức

Lê Minh Hoàng