Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong tố tụng hình sự

03/02/2021 15:56 | 3 năm trước

(LSVN) - Trẻ em là đối tượng được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, gia đình có liên quan đến trẻ em thì quyền lợi của trẻ em được quan tâm hàng đầu, là nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách pháp luật đối với trẻ em. Giáo dục, giúp đỡ trẻ em trong trường hợp vi phạm pháp luật hình sự nhằm mục đích sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước được thể hiện thông qua Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong hoạt động hành nghề, Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho mọi đối tượng khách hàng, trong đó trẻ em là đối tượng khách hàng cần nhận được sự quan tâm trợ giúp pháp lý nhiều nhất từ hoạt động hành nghề Luật sư.

Luật sư đang trợ giúp pháp lý cho học sinh.

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật

Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật [1]. Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em vi phạm pháp luật hình sự trong tố tụng hình sự là một hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa thể hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người, góp phần bảo vệ công lý.

Quyền của trẻ em được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật. Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi những nguyên nhân khách quan từ xã hội mang lại, chính vì vậy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc và giáo dục. Trẻ em vi phạm pháp luật nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết về pháp luật nên việc xử lý, áp dụng hình phạt đối với trẻ em nhằm mục đích giáo dục là chính. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dành một chương riêng (Chương XXVIII) quy định thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi. Theo đó, chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết[2].

Điều luật phân định hai lứa tuổi khác nhau xác định theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Luật Trẻ em quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”[3]. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định “trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi [4] là một trong những nguyên tắc tiến hành tố tụng quan trọng phù hợp Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Luật pháp quy định, không một trẻ em nào có thể bị bắt hay bị tạm giam, tạm giữ trong đồn cảnh sát hoặc nhà tạm giữ nếu chưa có quyết định tạm giam, tạm giữ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không trẻ em nào có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có phán quyết của tòa án.

Trẻ em làm trái pháp luật cần nhận được mọi sự giúp đỡ, chăm sóc cần thiết để có điều kiện sớm hòa nhập vào cuộc sống của gia đình và cộng đồng, tránh các hành vi tái phạm. Các bậc cha mẹ và những người giám hộ đỡ đầu chính là những người chịu trách nhiệm về mọi hành vi của con cái mình. “Trẻ em có quyền được hưởng sự giúp đỡ về pháp lý và các sự giúp đỡ thích hợp khác[5]. Các quốc gia có những đạo luật quy định trình tự, thủ tục tố tụng áp dụng riêng cho trẻ em phạm tội: Quy định hạn tuổi tối thiểu trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự; đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em phạm tội nhưng không phải áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp; có các biện pháp chăm sóc, hướng dẫn, giám sát, tư vấn, tạm tha, chăm nuôi thay thế, các chương trình giáo dục và dạy nghề thay thế việc chăm sóc tập trung nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của mình”[6]. Việt Nam là một thành viên của Công ước bảo vệ quyền trẻ em, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định dành riêng cho trẻ em là người chưa thành niên dưới 18 tuổi. Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền trẻ em trong quan hệ pháp luật và pháp luật tố tụng. “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”[7]. 

Hiến pháp 2013 xác lập cơ chế bảo hộ và bảo đảm các quan hệ xã hội là các quyền của trẻ em phải được toàn xã hội chăm lo và bảo vệ. Định chế “nghiêm cấm” là một hình thức quy phạm mang tính bắt buộc, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn loại trừ mọi biểu hiện không phù hợp và trái với pháp luật, được hình thành trong 7 nhóm hành vi cụ thể, đó là: xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột và những hành vi khác. Đây là cơ sở thiết lập các chế định về quyền trẻ em trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong tố tụng hình sự chính là góp phần bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật tố tụng hình sự. Để thực hiện tốt chức năng nghề nghiệp của Luật sư trong quá trình cung ứng dịch vụ pháp lý, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là trẻ em, người dưới 18 tuổi, Luật sư ngoài việc am hiểu tâm sinh lý phát triển của trẻ em cần phải nắm bắt đầy đủ những quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự đối với trẻ em và người dưới 18 tuổi. Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em vi phạm pháp luật hình sự trong tố tụng hình sự cần phải tuân theo các quy định Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan để bào chữa tốt nhất cho người dưới 18 tuổi. 

Trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự trong tố tụng hình sự, Luật sư cần nắm rõ những quy định của pháp luật về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hình phạt, áp dụng mức hình phạt đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi. Những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền bào chữa của trẻ em, người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng hình sự. 

Bộ luật Hình sự thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền trẻ em trên cơ sở xác định việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi mang tính chất vừa trừng trị vừa giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Người dưới 18 tuổi chỉ bị áp dụng một trong bốn loại hình phạt quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự: 

- Cảnh cáo là hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa được miễn hình phạt.

- Phạt tiền: không áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; phạt tiền là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng, chính vì vậy trong trường hợp người này không có thu nhập và cũng không có tài sản riêng thì không được áp dụng phạt tiền là hình phạt chính; mức phạt tiền không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định.

- Cải tạo không giam giữ: hình phạt này được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng; thời hạn cải tạo không giam giữ không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.

- Tù có thời hạn: không áp dụng hình phạt tử hình, tù chung thân đối với người phạm tội dưới 18 tuổi; điều luật quy định mức hình phạt là tù chung thân, tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm; nếu tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều luật quy định mức hình phạt tù chung thân, tử hình thì mức hình phạt cao nhất không quá 12 năm tù; nếu tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. 

Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử người bào chữa; hoặc yêu cầu, đề nghị trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Luật sư bào chữa cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 trên cơ sở kế thừa Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định trẻ em và người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người được trợ giúp pháp lý. Kể từ ngày 01/01/2018, tất cả các vụ án hình sự có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu trung tâm trợ giúp pháp lý cử Luật sư tham gia tố tụng, Đoàn Luật sư không cử Luật sư tham gia tố tụng giống như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Luật sư muốn tham gia trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người dưới 18 tuổi phải ký hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ có thể lựa chọn người bào chữa; người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa. Tuy nhiên giữa Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Luật sư có sự khác nhau về diện chủ thể có quyền lựa chọn người bào chữa đối với người dưới 18 tuổi đó là bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi mẹ nuôi, ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, anh chị em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư quy định “người khác” có thể nhờ người bào chữa cho người bị buộc tội. Khái niệm “người khác” là bất kỳ ai, bạn bè, người thân, người không quen biết nhưng thấy hoàn cảnh khó khăn của người bị buộc tội nên chủ động nhờ người bào chữa cho họ; “người khác” cũng có thể là cơ quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cử Luật sư là người bào chữa cho người dưới 18 tuổi. 

[1] Xem Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

[2] Khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[3] Điều 1 Luật Trẻ em năm 2017.

[4] Khoản 5 Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[5] Điều 37 Công ước về quyền trẻ em 1989.

[6] Điều 40 Công ước về quyền trẻ em 1989.

[7] Điều 37 Hiến pháp 2013.

NCS. Thạc sĩ TÔN THẤT NHÂN TƯỚC

Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Đại học Huế

Quảng cáo: Phương thức marketing hữu hiệu hay mối nguy hiểm tiềm tàng?