Luật sư Vũ Trọng Khánh và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu).
Đặt vấn đề
Nghề Luật sư (LS) ở Việt Nam xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, nhưng ban đầu chỉ thuộc về người Pháp và phải đến những năm 30 của thế kỷ XX bằng Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Pierre Marie Antoine Pasquyer, nghề Luật sư mới dành cho người Việt tham gia để bảo vệ quyền lợi cho người dân bản xứ. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, người Việt Nam muốn học luật và để trở thành Luật sư chỉ diễn ra ở Pháp. Tại Việt Nam, Trường Luật và Pháp chính thành lập theo Nghị định ngày 15/10/1917 của Toàn quyền Đông Dương nhằm mục đích hoàn thiện kiến thức phổ thông và khả năng nghề nghiệp cho những người bản xứ muốn được thu dụng vào ngạch hành chính Pháp hay ngạch quan lại Việt Nam. Khi số lượng người có bằng trung học phổ thông tăng lên, thì Trường Luật và Pháp chính được thay thế bằng Trường Cao học Đông Dương (Ecole des Hautes Etudes Indochinoises) để tuyển những người có bằng tú tài toàn phần cho chương trình đào tạo 4 năm.
Chương trình luật bậc đại học của Pháp chính thức giảng dạy đầy đủ tại Việt Nam khi Trường Cao đẳng Luật khoa (Ecole Supérieure de Droit) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 11/9/1931. Tuy vậy, do suy thoái của cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên phải đến ngày 15/02/1933 Trường Cao đẳng Luật khoa mới chính thức khai giảng với 101 sinh viên và 3 giáo sư. Chương trình đào tạo bậc cử nhân của Trường Cao đẳng Luật khoa kéo dài trong 3 năm học liên tục. Kể từ năm 1935, Trường mở thêm chương trình đào tạo năm thứ tư dành cho những sinh viên muốn thi lấy Chứng chỉ Luật học Đông Dương (Certificat d’Etudes Juridiques Indochinoises). Năm 1941, Trường Cao đẳng Luật khoa được nâng cấp thành Đại học Luật khoa Đông Dương (Faculté de Droit de l’Indochine) để đào tạo thêm sinh viên bậc tiến sĩ luật với hai chương trình cao học tư pháp và cao học kinh tế, và tiếp tục hoạt động cho đến khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09/3/1945. Đến tháng 01/1947 Đại học Luật khoa Đông Dương mới được tái lập tại Sài Gòn. Trong khi đó, ở miền Bắc do hoàn cảnh chiến tranh nên đến tháng 5/1948 một Trung tâm Luật học mới được mở tại Hà Nội để chuẩn bị cho sự tái lập hoạt động bình thường của Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội vào tháng 01/1949 với sự tham gia giảng huấn của các giáo sư từ Pháp sang(1).
Như vậy, có thể thấy do các yếu tố lịch sử nên người Việt Nam học luật và hành nghề Luật sư cho đến những năm giữa thế kỷ XX là rất ít. Dù vậy, điều đáng nói là hầu hết các Luật sư và người học luật khi ấy đều có tư tưởng tiến bộ, tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước và đã có nhiều người tham gia là bộ trưởng, thành viên của chính quyền cách mạng.
Các Luật sư tiêu biểu trong các chính phủ và chính quyền cách mạng
Nếu không kể đến Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 15 thành viên do Mặt trận Việt Minh chủ trương và lãnh đạo trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt thì từ ngày 01/01/1946 đến 01/11/1946, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có đến ba chính phủ khác nhau là: Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (Chính phủ Liên hiệp quốc gia), Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Điều đáng nói ở đây là cả ba chính phủ được thành lập và hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau, số lượng thành viên chính phủ rất ít, thậm chí trong đó đều có một “bộ không bộ”. Cụ thể: Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam gồm 16 thành viên; Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm 15 thành viên (01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 Cố vấn, 01 Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội, 01 Phó Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội và 10 bộ trưởng); Chính phủ Liên hiệp quốc dân gồm 14 bộ (thực chất có 13 thành viên do Bộ Kinh tế không có người cụ thể mà do Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn đảm nhiệm), nhưng đã có khá nhiều Luật sư và người học luật là thành viên. Trong đó: Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam có 02 Luật sư (Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Giáo dục; Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Tư pháp); Chính phủ Liên hiệp kháng chiến có 02 Luật sư (Phan Anh - Bộ trưởng Quốc phòng; Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Tư Pháp); Chính phủ Liên hiệp quốc dân có 01 Luật sư (Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Tư pháp). Trong giai đoạn này, do tình hình chiến tranh nên Chính phủ kéo dài cho đến năm 1955, từ năm 1955 đến 1960 là Chính phủ mở rộng, rồi các Chính phủ nhiệm kỳ 1960-1964, 1964-1971, 1971-1975, 1975-1978 với một số thay đổi, bổ sung về tổ chức, nhân sự. Bên cạnh các Luật sư đã tham gia trong bộ máy chính quyền, còn có LS Trần Công Tường (Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, rồi quyền Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế), Luật sư Phan Mỹ (Chánh văn phòng Chủ tịch Chính phủ),…
Đôi nét về các Luật sư là bộ trưởng trong các chính phủ giai đoạn đầu cách mạng:
Luật sư Phan Anh sinh ngày 01/3/1912 tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông theo học ngành luật tại Trường Đại học Đông Dương và tham gia hoạt động xã hội, là Chủ tịch Tổng hội sinh viên. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, năm 1938 ông sang Pháp để trình luận án tiến sĩ luật, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ nên ông phải về nước năm 1940, hành nghề Luật sư. Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 09/31945, ông được Bảo Đại mời vào Huế tham khảo ý kiến về việc Nhật “trao trả độc lập” cho Việt Nam và giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Thời gian này, ông có sáng kiến thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến và là thành viên của Hội đồng soạn thảo Hiến pháp kiêm thuyết trình viên (theo Dụ số 6 ngày 30/6/1945) cho nước Việt Nam mới (Đế quốc Việt Nam). Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khóa I thành lập Chính phủ Liên hiệp quốc gia, ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7/1946, ông là Tổng Thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau đàm phán với Chính phủ Pháp. Năm 1947, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, thành viên Hội đồng Quốc phòng tối cao (năm 1949). Tháng 7/1954, ông là phái viên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Genève. Sau năm 1954, ông liên tục giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương và là Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông và LS Nguyễn Mạnh Tường là những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và làm Chủ tịch Hội; đồng thời ông còn là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Từ năm 1988, ông là Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.
Luật sư Vũ Đình Hòe sinh ngày 01/6/1912, nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật khóa 2 Viện Đại học Đông Dương, ông chọn nghề dạy học, đồng thời tích cực tham gia hoạt động xã hội ở Hà Nội và là một trong các thành viên sáng lập Đảng Dân chủ Việt Nam vào năm 1944 (sau đó Đảng Dân chủ tham gia Mặt trận Việt Minh). Ngày 16/5/1945, Hội Tân Việt Nam thành lập, ông trở thành Tổng Thư ký và là Phó Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ (thành lập năm 1938). Vũ Đình Hòe cũng là người nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức. Tháng 8/1945 ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ. Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam thành lập, từ tháng 8/1945 đế tháng 3/1946 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, rồi thay LS Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban và đã dự thảo Hiến pháp năm 1960. Sau khi Bộ Tư pháp giải thể vào năm 1960, ông tham gia công tác nghiên cứu luật pháp. Ông mất ngày 29/01/2011 tại TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/3/1912, nguyên quán tại làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp Cử nhân luật năm 1936, ông làm thư ký cho một Luật sư người Pháp tại Hải Phòng. Trong thời kỳ Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, ông tham gia nhóm làm báo Le Travail (Báo Lao động) đón Godard ở Hà Nội, tham gia vào các tổ nghiên cứu Mác-xít và tổ Thanh niên Dân chủ. Trở thành Luật sư, ông đã tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại tòa án của thực dân Pháp. Trong Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, ông được bổ nhiệm làm Đốc lý Hải Phòng. Khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân vào ngày 02/9/1945, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tiếp đó, ông cùng 6 thành viên khác tham gia Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Sau đó, ông được cử tham gia công tác nghiên cứu pháp luật và ngày 04/6/1946 làm cố vấn cho Phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Paris. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã trình và được Chính phủ duyệt hai văn bản tư pháp nền tảng quan trọng: Sắc lệnh số 13 ngày 21/01/1946 về tổ chức các tòa án thường và Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 về tổ chức tòa án quân sự. Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ Ông mất ngày 22/01/1996.
Tham gia hoạt động trong chính quyền cách mạng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975 còn có những Luật sư, người học luật tiêu biểu khác. Trong đó, có thể kể đến: Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia trong Chính phủ lâm thời); Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội); Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời); TS.LS Vũ Văn Hiền (Tổng Thư ký phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt tháng 4/1946); LS Nguyễn Mạnh Tường (thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam); LS Phan Mỹ (Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Chánh Văn phòng Chủ tịch Chính phủ); LS Phạm Văn Bạch (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, sau là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao); LS Phạm Ngọc Thuần (Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ); LS Trần Công Tường (Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sau là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao); LS Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau năm 1975 là Chủ tịch Quốc hội, Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam); LS Trịnh Đình Thảo (Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Bên cạnh đó, tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam trước năm 1975 còn có nhiều Luật sư tên tuổi khác, như: LS Trần Ngọc Liễng, LS Thái Văn Lung, LS Ngô Bá Thành, LS Triệu Quốc Mạnh…
Vai trò của Luật sư trong chính quyền cách mạng
Thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài” cùng những tàn dư sau chiến tranh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia. Trong đó, các Luật sư và những người có kiến thức về pháp luật đã để lại những dấu ấn hết sức quan trọng. Họ đã tích cực đóng góp vào công cuộc đấu tranh chung của dân tộc cũng như tham gia kiến tạo nên bộ máy chính quyền mới.
Thứ nhất, sự tham gia của những người học luật thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự sáng suốt, linh hoạt trong nhận thức, trọng dụng nhân tài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, cùng với vô vàn khó khăn của đất nước, tỷ lệ người không biết chữ chiếm đến trên 90%, chính quyền cách mạng được ví “ngàn cân treo sợi tóc”. Đối với những trí thức có “gốc gác” Tây học, nguồn gốc xuất thân khác nhau, nhất là với những người có kiến thức pháp luật luôn được xã hội đề cao, có cuộc sống đủ đầy, không dễ gì đã được tin tưởng sẽ hòa mình vào cuộc đấu tranh còn nhiều chông gai thử thách, nhất là lại được giao giữ các trọng trách trong bộ máy chính quyền. Đặc biệt, sau khi giành được chính quyền, những nhiệm vụ đặt ra vào thời điểm ấy rất lớn, đòi hỏi cần có sự thống nhất, đoàn kết về chủ trương, hoạt động. Thực tế cho thấy, trong số những Luật sư và người học luật khi ấy có nhiều người trước đó đã từng tham gia hoạt động trong chính quyền cũ. Nhưng đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(2). Với quan điểm “toàn dân, toàn diện”, vì mục đích chung của dân tộc nên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn sáng suốt trong việc thu hút các nhân sĩ, trí thức tham gia vào sự nghiệp cách mạng.
Thứ hai, sự tham gia của các Luật sư góp phần nâng cao uy tín, vai trò của chính quyền nhân dân. Sự xuất hiện của những trí thức tên tuổi, từng trải nghiệm qua hoạt động thực tiễn trong các chính phủ và chính quyền cách mạng không những tạo nên sức mạnh tổng hợp, mà còn khơi gợi, phát huy tinh thần yêu nước, đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức. Quan điểm của Người về đội ngũ trí thức yêu nước đã có tác dụng to lớn trong việc động viên sức mạnh và trí tuệ toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức”(3). Trong điều kiện đất nước khó khăn, chính quyền non trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, sự tham gia của các trí thức nói chung và giới luật học nói riêng vào bộ máy chính quyền hay trong các phong trào đấu tranh, không những giúp cho các hoạt động quản lý, điều hành sớm ổn định, trở nên bài bản, hiệu quả, mà còn góp phần bổ sung những tri thức, kinh nghiệm quý báu, tạo nên sức lan tỏa lớn ngay trong bộ máy nhà nước và với cộng đồng. Đội ngũ nhân sĩ trí thức nói chung và các Luật sư, người học luật nói riêng đã nhiệt huyết tham gia, đóng góp vào phong trào cách mạng là minh chứng rõ nhất để thu hút nhân tài, bảo đảm cho việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - xã hội, đồng thời khẳng định với thế giới về một chính quyền cách mạng thực sự của dân, do dân, vì dân.
Thứ ba, bằng uy tín, năng lực và tinh thần yêu nước sẵn có, các Luật sư đã hăng hái công hiến, phục vụ cách mạng. Họ không chỉ là những người trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, điều hành bộ máy chính quyền, mà còn sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn khi được tín nhiệm, giao phó. Thực tiễn cho thấy, để sớm có bản Hiến pháp 1946 hàm súc, chặt chẽ cùng các văn pháp lý có giá trị ngay sau khi giành được chính quyền và trong quá trình quản lý, điều hành công việc chung của đất nước đã có sự đóng góp rất lớn của các Luật sư. Trong các sự kiện trong nước và quốc tế quan trọng, cũng như quá trình chuẩn bị và tham gia các cuộc đàm phán tại Đà Lạt năm 1946, Hội nghị Fontainebleau 1946, Hội nghị Genève năm 1954, các Luật sư luôn được kỳ vọng, giữ vai trò nòng cốt. Tại Hội nghị Đà Lạt, trong số 12 thành viên chính thức đã có 03 người trong giới luật học là Luật sư Vũ Văn Hiền, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và cử nhân luật Võ Nguyên Giáp. Tham dự Hội nghị Fontainebleau (diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/1946), có 04 thành viên là Luật sư và chuyên gia pháp luật, gồm Luật sư Vũ Trọng Khánh (Cố vấn cho Phái đoàn), Luật sư Phan Anh (Tổng Thư ký), Luật sư Vũ Văn Hiền (do ông bị bệnh nên cuối cùng đã không tham dự) và Tiến sĩ luật Nguyễn Mạnh Hà (thành viên)… Cùng với đó, còn phải kể đến vị trí, vai trò và các hoạt động đa dạng khác mà các Luật sư tiêu biểu đã từng tham gia, thực hiện thành công. Đó là đảm nhận công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý; bảo vệ quyền lợi tại các phiên tòa cho những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng; giữ vị trí cố vấn, tiên phong trong nhiều tổ chức, phong trào đấu tranh cách mạng; trực tiếp tham gia quản lý, giải quyết thành công trong các vụ việc, sự kiện quốc tế…
Qua đó cho thấy, từ hơn nửa thế kỷ trước, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của đất nước, nhưng nhiều Luật sư đã hòa mình vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đáp lại niềm tin, sự tín nhiệm khi được phân công, giao giữ các vị trí quan trọng trong các chính phủ và chính quyền cách mạng, bằng năng lực, uy tín và tâm huyết sẵn có, họ đã thể hiện sứ mệnh của mình, góp phần vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.
Tài liệu tham khảo: 1. Trần Văn Chánh, Tản mạn nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105), 2013. 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011. 3.https://web.archive.org/web/20151120174444/http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT19121236285 4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a |
(1) https://phapluatdansu.edu.vn/2009/02/10/06/00/2320/ (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T.5, tr 275. (3) Hồ Chí Minh, sđd, T.10, tr 376. |
Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam