Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật
Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phổ biến giáo dục pháp luật có thể hiểu là quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Người dân có quyền được thông tin về pháp luật, tuy vậy cũng có nghĩa vụ có trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật.
Để người dân tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quá trình thi hành pháp luật cần phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân để người dân tuân thủ và thực hiện đúng. Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.
Có nhiều hình thức tiếp cận với các văn bản pháp luật cụ thể là có 08 hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như họp báo thông cáo báo chí, phổ biến pháp luật trực tiếp, tư vấn pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua công tác xét xử, thông qua chương trình giáo dục pháp luật, tự tìm hiểu thông tin trên báo chí, trang văn bản pháp luật, cơ sở dữ liệu luật, tuy nhiên việc tự tiếp cận với văn bản pháp luật để nắm bắt và vận dụng được trong thực tế chỉ phù hợp với cán bộ, người làm công tác pháp luật như cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, điều tra viên, trợ giúp viên pháp lý….. Đối với người dân, mỗi gia đình, phụ nữ, người khuyết tật thì việc được tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua báo cáo viên sẽ giúp họ nắm bắt được tinh thần của pháp là hình thức tiếp cận pháp luật thiết thực và dễ hiểu nhất.
Nội dung tuyên truyền pháp luật theo thời điểm có hiệu lực của các văn bản pháp luật mới, theo những sự kiện gắn liền với đường lối chính sách và sự kiện chính trị lớn của đất nước. Một số nội dung tuyên truyền phổ biến là Bộ luật Dân sự với các quy định về thừa kế, các quy định về đất đai, tranh chấp về thu hồi và bồi thường đất, Luật hôn nhân gia đình. Đây là những nội dung cần thiết đối với đời sống người dân và các vướng mắc tranh chấp xảy ra nhiều. Bên cạnh đó, các nội dung tuyên truyền về bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cũng là những nội dung được người dân quan tâm khi sắp tới diễn ra sự kiện bầu cử đại biểu quốc hội trong cả nước. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết là nội dung quan trọng.
Luật sư trong công cuộc phổ biến và tuyên truyền pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Vai trò của đội ngũ Luật sư báo cáo viên tuyên truyền pháp luật là rất quan trọng. Đối với mỗi chương trình tuyên truyền pháp luật, đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung tuyên truyền, các ví dụ thực tiễn để người dân dễ hiểu khi tiếp cận các quy định pháp luật, cách thức vận dụng trong thực tiễn. Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó Luật sư giữ vai trò đóng góp quá trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự chung tay của Nhà nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam và sự tham gia của đông đảo đội ngũ Luật sư.
Thứ nhất, phổ biến, tuyên truyền pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật ngày càng được quan tâm và được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong đó có vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Luật sư đang trực tiếp hành nghề cũng đóng góp quan trọng. Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do Luật sư thực hiện được đông đảo người dân, hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, các em học sinh tích cực tham gia và hưởng ứng và hiệu quả đạt được là việc tuân thủ pháp luật được tuân thủ và giảm những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, hoạt động tuyên truyền pháp luật do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức nhân ngày Pháp luật Việt Nam, ngày truyền thống Luật sư Việt Nam được phát động và đông đảo các Luật sư hưởng ứng hàng năm. Mỗi tổ chức hành nghề liên hệ với ủy ban các cấp phối hợp tổ chức phổ biến pháp luật đến người dân. Thông qua đó, các tranh chấp cụ thể được Luật sư tư vấn, hướng dẫn cụ thể cho người dân. Một trong những Đoàn Luật sư có hoạt động tuyên truyền pháp luật liên tục trong nhiều năm là Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Là một trong những Đoàn Luật sư với số lượng Luật sư giỏi đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đoàn thanh niên Luật sư Hà Nội thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật đến với đông đảo học sinh trường PTTH, Phổ thông cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội như THPT Phan Đình Phùng, THPT Mê Linh, THPT Thượng Cát, THCS Nguyễn Trãi, THCS Nguyễn Trường Tộ….Các nội dung tuyên truyền đến trường học là Luật an ninh mạng, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, phòng chống thuốc lá điện tử, phòng chống bạo lực học đường….
Hội phụ nữ Luật sư Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật Hôn nhân gia đình, Luật đất đai đến nhiều hội viên phụ nữ thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội tại nhiều quận huyện như Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì…
Đối với từng tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cũng được tổ chức như Công ty luật TNHH Đức An, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo với hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật An ninh mạng và phòng chống bạo lực học đường tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội như THCS Lương Yên, THCS Phùng Xá ( Mỹ Đức)…Những hoạt động tuyên truyền giúp các em hiểu rõ về quyền nghĩa vụ của học sinh, kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho mục tiêu học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và tích cực, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác phổ biến pháp luật do tổ chức Luật sư thực hiện. Kinh phí dành cho công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp của Luật sư còn khiêm tốn nên cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, khi phổ biến giáo dục pháp luật, còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ khi tổ chức ra kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm. Mặt khác, kinh phí tổ chức, đi lại cũng gây ra nhiều hạn chế, nên việc tổ chức thường xuyên hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự chung tay của nhà nước cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Giải pháp tăng cường vai trò của Luật sư trong công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật
Để nâng cao vai trò của Luật sư trong công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, thiết nghĩ cần thực hiện các biện pháp đồng bộ sau.
Trong tương lai, Nhà nước cần có cơ chế tài chính cụ thể, hỗ trợ cho các Luật sư tham gia vào công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Trước hết, cần điều chỉnh mức chi trả cao hơn cho các Luật sư tham gia vào công tác này theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần định kỳ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng cho Luật sư để Luật sư có thể thực hiện tốt công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như tổ chức thường xuyên các buổi phổ biến, tuyên truyền pháp luật và thông báo rộng rãi để các Luật sư đăng ký tham gia.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tạo điều kiện thuận lợi để các Luật sư thành viên của mình tham gia công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật bằng các hành động tổ chức các buổi phổ biến, tuyên truyền pháp luật lưu động cho người dân và thông báo rộng rãi để các Luật sư tham gia; Có chính sách khen thưởng cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ các Luật sư tích cực tham gia vào công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật; Hoạt động phổ biến pháp luật tại các trường học cần được tổ chức thường xuyên để tuyên truyền các kiến thức pháp luật để các em học sinh thế hệ tương lai của đất nước nắm vững pháp luật về quyền và nghĩa vụ của học sinh không để xảy ra vi phạm bạo lực học đường hay vi phạm quy định.
Để hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật được thực hiện tốt, mỗi Luật sư cần phải luôn trau dồi kiến thức, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, từ đó làm tiền đề để tham gia vào công tác xây dựng, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, góp phần thực hiện vai trò xã hội cao cả của mình.
Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng