Các Luật sư tham dự buổi tập huấn nâng cao kỹ năng khi thực hiện hợp đồng thương mại.
Thực trạng về nghề Luật sư tại Việt Nam
Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011, nghề Luật sư ở Việt Nam hiện có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Hiện nay, cả nước đã có 62 đoàn Luật sư trên tổng số 63 tỉnh, thành, với số lượng hơn 15.000 Luật sư thành viên. Tính đến năm 2020, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư, tăng gần 1.100 tổ chức so với thời điểm tháng 7/2011. Có được những thành công như vậy, không thể không nhắc đến vai trò đầu tàu dẫn dắt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam và định hướng phát triển nghề luật.
Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc như vậy, nhưng nghề Luật sư ở Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề và thực trạng như sau:
(i) Cần tiếp tục mở rộng và phát triển đội ngũ Luật sư trên cả nước: Số lượng Luật sư ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Với dân số hơn 97 triệu người, trung bình gần 6.500 người dân mới có một Luật sư. Tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Singapore tỷ lệ 1/890; Malaysia tỷ lệ 1/1.588; Hoa Kỳ tỷ lệ 1/243…). Do vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đóng vai trò tham mưu cho Chính phủ để tiếp tục tăng cường số lượng Luật sư nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ pháp lý, tăng cường tuân thủ pháp luật và nâng cao vị thế của nghề Luật sư.
(ii) Cần phát triển đồng đều số lượng Luật sư trên phạm vi cả nước. Hiện nay, các Luật sư tại Việt Nam chủ yếu tập trung hành nghề ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương hoặc TP. HCM. Các địa phương khác thường không có nhiều Luật sư hoạt động, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Để khắc phục thực trạng này, kiến nghị Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ cũng như chính quyền địa phương tạo cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề Luật sư cũng như các chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực ngành luật phù hợp, ví dụ như ưu đãi về thuế thu nhập đối với các tổ chức hành nghề Luật sư, hỗ trợ tổ chức hội thảo, đào tạo, tọa đàm chuyên đề nhằm kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với Luật sư.
(iii) Tăng cường thúc đẩy quảng bá nghề Luật sư và tuyên truyền pháp luật: Những năm gần đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để thúc đẩy quảng bá nghề Luật sư trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, việc Liên đoàn chủ động tham gia các diễn đàn luật quốc tế của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA), là thành viên của tổ chức này là bước tiến quan trọng trong hội nhập pháp luật, tạo cơ hội cho Luật sư Việt Nam tham gia vào các diễn đàn IBA, trao đổi, giao lưu, học hỏi về nghề Luật sư từ những Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài.
Gần đây, một số mô hình câu lạc bộ Luật sư chuyên ngành do Liên đoàn Luật sư Việt Nam khởi xướng cũng chứng minh được hiệu quả, như mô hình Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, gắn kết các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; hoặc mô hình Câu lạc bộ Luật sư pháp chế doanh nghiệp của Đoàn Luật sư TP. HCM. Những mô hình câu lạc bộ như vậy cần phải được nhân rộng hơn nữa nhằm giúp cộng đồng hành nghề Luật sư có thêm những cơ hội và nơi để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và hành nghề.
Một số hạn chế của Luật sư Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội phát triển, Luật sư Việt Nam cũng phải đối mặt với một số trở ngại như sau:
Về kỹ năng ngoại ngữ pháp lý: Nhìn chung, Luật sư Việt Nam chưa mạnh về ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ chuyên ngành pháp lý. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn là rào cản đầu tiên và chủ yếu đối với Luật sư Việt Nam khi hội nhập vào môi trường tư pháp khu vực và quốc tế. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư địa phương cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo luật, nghiệp vụ Luật sư để phát triển và duy trì thường xuyên các khóa đào tạo tiếng Anh pháp lý từ cơ bản đến chuyên sâu giúp nâng cao trình độ của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi Luật sư cũng cần phải ý thức được rằng trang bị ngoại ngữ pháp lý là hành trang bắt buộc để có thể nắm bắt các cơ hội quốc tế.
Về kỹ năng hành nghề trong môi trường pháp lý quốc tế: Kỹ năng tư vấn và tranh biện của Luật sư Việt Nam nói chung, tranh biện bằng ngoại ngữ nói riêng còn nhiều hạn chế khi tham gia vào các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc các vụ việc trọng tài quốc tế. Để khắc phục điều này và nâng tầm đội ngũ Luật sư Việt Nam, cần có định hướng xây dựng chương trình đào tạo Luật sư bài bản và lâu dài cả về ngoại ngữ pháp lý và kỹ năng hành nghề trong môi trường pháp lý quốc tế.
Tính chuyên sâu, chuyên môn hóa trong lĩnh vực hành nghề chưa cao: Hiện nay, nhiều Luật sư Việt Nam hành nghề trải rộng trên nhiều lĩnh vực, không phân biệt Luật sư tư vấn hay tranh tụng, chưa tập trung chuyên sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, nên ít có chuyên gia pháp lý chuyên sâu cho một lĩnh vực hành nghề nhất định. Điều này là chưa phù hợp với xu thế phát triển của hành nghề Luật sư ở nhiều nước phát triển, nơi có những yêu cầu rất cao về tính chuyên môn hóa của Luật sư đối với từng lĩnh vực và ngành nghề.
Kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm trong các dự án quy mô lớn còn hạn chế: Có một thực tế khách quan là các dự án, vụ việc quy mô lớn thường chỉ tập trung vào số ít những Luật sư thâm niên, có uy tín hoặc các tổ chức hành nghề Luật sư hàng đầu tại Việt Nam. Do vậy, phần lớn các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư khác ở nước ta chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận với những dự án, vụ việc có quy mô lớn hoặc mang tầm khu vực. Hệ quả là kỹ năng và kinh nghiệm của phần lớn Luật sư Việt Nam trong làm việc độc lập hay làm việc nhóm trong các dự án quy mô lớn là chưa tốt. Mặc dù vấn đề này xuất phát từ nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn thành viên có thể tổ chức, đào tạo những buổi hội thảo chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ những Luật sư và tổ chức hành nghề luật hàng đầu Việt Nam để đông đảo Luật sư Việt Nam được tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm quý báu đó.
Ý thức tuân thủ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp còn yếu: Tiêu chuẩn về đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp đối với Luật sư Việt Nam cũng cần được nâng cao, đòi hỏi mỗi Luật sư phải có nhận thức một cách thấu đáo và chấp hành đúng, đủ, góp phần giữ gìn uy tín và hình ảnh cao quý của nghề Luật sư. Tuy nhiên, có một thực tế là quá trình “phát triển nóng” đội ngũ Luật sư Việt Nam, những tiêu chuẩn đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp nói chung chưa được ưu tiên xem trọng.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam 2019, gồm 6 chương và 32 quy tắc (thay thế Bộ Quy tắc cũ được ban hành năm 2011). Nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết của Luật sư Việt Nam về Bộ quy tắc này, trong chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư hàng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần khuyến khích các Đoàn Luật sư địa phương dành chương trình, thời lượng hợp lý để giảng giải cho các Luật sư nắm rõ, nhận thức đầy đủ để có hành động phù hợp đối với các quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, bao gồm những quy tắc liên quan đến ứng xử giữa Luật sư với khách hàng và giữa Luật sư với đồng nghiệp.
Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới đối với xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư
Nhằm định hướng một cách chính xác công tác xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế và nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước có trình độ pháp luật tiên tiến và hệ thống Luật sư lớn mạnh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên tham khảo và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia như Anh, Mỹ, Úc,...
Chuyên môn hóa Luật sư tại Anh quốc
Ở Anh, Luật sư được chia làm hai nhóm chính là Luật sư tranh tụng/biện hộ (barrister) chủ yếu tiến hành việc bào chữa tại tòa và Luật sư tư vấn (solicitor) chủ yếu tiến hành các công việc pháp lý khác ngoài phạm vi của tố tụng. Mặc dù vẫn có một số Luật sư có thể kiêm nhiệm cả 2 nhiệm vụ kể trên nhưng đó chỉ là số ít những người đặc biệt.
Để có thể trở thành một Luật sư tranh tụng thì người đó phải trở thành khóa sinh của một trong bốn “Inn of Court” (bao gồm Gray's Inn, Lincoln's Inn, Inner Temple và Middle Temple) để được đào tạo chuyên biệt và sau đó phải vượt qua kỳ thi công nhận Luật sư tranh tụng cũng như trải qua quá trình thực tập. Ngược lại, nếu muốn trở thành một Luật sư tư vấn thì người đó phải được đào tạo tại các trường luật của Hội Luật sư (Law Society) với các môn học chuyên ngành về các lĩnh vực bất động sản, thương mại, thuế, thừa kế... đồng thời sau đó phải thi đỗ kỳ thi chuyên môn cũng như trải qua một quá trình thực tập.
Việc phân chia cụ thể như vậy ngay từ khâu đào tạo sẽ khiến các Luật sư ở Anh có trình độ chuyên môn hóa cao, họ am hiểu rất sâu về thủ tục riêng biệt cũng như nội dung pháp luật cụ thể liên quan đến lĩnh vực hành nghề của mình.
Mô hình đào tạo luật ở Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia được công nhận hàng đầu về đào tạo ngành luật. Ở các trường luật tại Mỹ, sinh viên được dạy chủ yếu theo phương pháp đối thoại giữa giáo sư và sinh viên, phương pháp nghiên cứu tình huống (case study). Sinh viên sẽ phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, bao gồm: các bản án, các văn bản pháp luật và các học thuyết pháp lý liên quan. Trong giờ học, sinh viên làm việc theo nhóm, trình bày về những gì họ đã tìm hiểu. Theo đó, sinh viên phải nỗ lực trong nghiên cứu, tìm tòi, phân tích các văn bản luật cũng như tình tiết vụ việc cụ thể để có thể đưa ra các quan điểm, ý kiến và cách lập luận thuyết phục nhất. Giáo sư sẽ đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo và đặt thêm câu hỏi cho các học viên, thay đổi tình tiết các vụ việc để kiểm tra mức độ am hiểu về kiến thức và khả năng ứng biến của sinh viên. Bên cạnh đó, giáo sư sẽ áp dụng thêm phương pháp thực hành trực tiếp, theo đó sinh viên sẽ tham gia vào những tình huống thực tiễn như đại diện và bảo vệ cho khách hàng, còn giáo sư sẽ đóng vai trò quan tòa.
Nhìn chung, các trường luật tại Mỹ có xu hướng kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng bắt kịp với thực tiễn.
Từ kinh nghiệm này của Mỹ, có thể thấy vai trò quan trọng của đào tạo Luật sư ngay từ trong trường đại học, không chỉ học về lý thuyết mà còn cả thực hành để sinh viên luật khi ra trường không chỉ có kiến thức mà còn phải có cả tư duy hành nghề của người Luật sư. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tham mưu cho Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh và hoàn thiện chương trình đào tạo sinh viên luật của Việt Nam theo hướng tăng cường tính thực tiễn và tăng cường đào tạo kỹ năng hành nghề bên cạnh việc giảng dạy về lý thuyết.
Một số kiến nghị về việc bổ sung phương hướng hoạt động và định hướng phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành và định hướng phát triển nghề Luật sư Việt Nam và góp phần xây dựng đội ngũ Luật sư đáp ứng tốt những yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, dưới đây là một số góp ý, cải thiện đối với định hướng phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030:
(1) Tăng cường tham gia các diễn đàn lớn như IBA và tiến tới đăng cai một số phiên họp quan trọng. Xa hơn nữa, với tư cách thành viên chủ động của IBA, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên có kế hoạch và lộ trình cho việc tiến hành đăng cai tổ chức hội nghị thường niên của IBA, quy tụ trên dưới 10 ngàn Luật sư quốc tế tham gia. Đây sẽ là cơ hội quý giá thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập của Luật sư Việt Nam với cộng đồng hành nghề Luật sư trên toàn thế giới.
(2) Ngoài IBA, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường hợp tác song phương sâu, rộng hơn với các liên đoàn Luật sư có đội ngũ Luật sư phát triển mạnh ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hay các thành viên của Hiệp hội Luật sư Đông Nam Á (the ASEAN Law Association) để giao lưu, học hỏi những điểm tiến bộ và kinh nghiệm xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư từ các nước có nền pháp luật tiên tiến.
(3) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, định hướng nghề nghiệp để hỗ trợ Luật sư phát triển theo hướng chuyên sâu hơn như Luật sư tư vấn, tranh tụng, Luật sư chuyên trách trọng tài thương mại, đầu tư quốc tế...
(4) Chuẩn hóa bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam 2019 theo chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi từ mô hình Quy tắc hành nghề Luật sư 2015 (Legal Professional Conduct 2015) của Singapore (Law Society of Singapore) hay Quy tắc hành nghề Luật sư 2011 (Rules of Professional Conduct 2011) của Liên đoàn Luật sư Cộng hòa Liên bang Đức. Hiện nay, các quốc gia phát triển thường thể chế hóa các quy tắc đạo đức, cẩm nang hành nghề Luật sư nhằm góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ Luật sư của họ.
(5) Tham mưu cho Bộ Tư pháp về việc tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào hoạt động pháp lý tại Việt Nam như: tiến tới việc tổ chức tranh tụng hoàn toàn trực tuyến thay thế phương thức hội họp truyền thống hoặc kiện toàn hệ thống quản lý, nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến thay vì nộp trực tiếp... Điều này càng đặc biệt quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hành nghề luật tại Việt Nam cần thích nghi với “điều kiện bình thường mới” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
(6) Tăng cường hợp tác với các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài để tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng tiếng Anh ngữ pháp lý, kỹ năng quản lý tổ chức hành nghề Luật sư, giúp Luật sư Việt Nam trau dồi, cải thiện một cách toàn diện cả kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp.
(7) Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên dẫn dắt, tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư Việt Nam có thể tham gia sâu và thực chất hơn trong việc hỗ trợ Chính phủ, các bộ ban ngành trong quá trình lấy ý kiến và thực thi các hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp trở thành thành viên.
(8) Tăng cường công tác tuyên truyền về bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và công tác giám sát hoạt động của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư trong phạm vi cả nước nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định đã được đề ra. Bên cạnh đó, cần tiến hành xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm bộ Quy tắc này để răn đe và ngăn chặn những hành vi vi phạm khác trong tương lai, góp phần gìn giữ môi trường Luật sư trong sạch và hình ảnh người Luật sư cao quý.
(9) Tăng cường phối hợp với các trường đại học, học viện để đào tạo kỹ năng hành nghề Luật sư cho sinh viên luật ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, góp phần tăng cường chất lượng đầu ra của nhân sự ngành luật. Nội dung đào tạo không chỉ chú trọng vào phương pháp tư duy, kiến thức pháp luật, mà còn cần tập trung vào cả những kỹ năng cần thiết khác trong thực tiễn hành nghề Luật sư như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tranh biện, kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý...
Tiến sĩ, Luật sư CHÂU HUY QUANG
Luật sư điều hành RAJAH & TANN LCT LAWYERS
Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026