Ảnh minh họa.
Luật sư là những người có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tiễn, tiếp xúc với hầu hết các đối tượng khác nhau trong lĩnh vực pháp luật. Với nhiều vấn đề được đặt ở nhiều khía cạnh khác nhau cùng với các phương pháp tư duy pháp lý khác nhau, trên cơ sở điều kiện thực tế của từng trường hợp sẽ là những kinh nghiệm phong phú để Luật sư rút ra cho mình trong quá trình hành nghề. Đây chính là tiền đề, là cơ sở vô cùng quan trọng trong việc nhận diện, phản biện và đưa ra những ý kiến đóng góp trong hoạt động xây dựng văn bản pháp luật.
Thời gian qua, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm với xã hội, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật với nhiều chủ đề gắn liền với các nhóm đối tượng khác nhau như đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, thương binh, bệnh binh, học sinh... Các hoạt động này được thực hiện một cách bài bản, kế hoạch và có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức và hành động phù hợp với quy định của pháp luật.
Chúng tôi coi các hoạt động này là một nhiệm vụ chủ chốt của nghề Luật sư. Bởi hơn ai hết, Luật sư là người gần gũi, thấu hiểu nhất những khó khăn mà người dân đang phải đối diện. Do vậy, khi thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Luật sư sẽ có phương pháp truyền tải đến người dân một cách súc tích, dễ hiểu, dễ vận dụng nhất. Nhờ vào đó, Luật sư đáp ứng được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân đồng thời hoàn thành tốt các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật do Chính phủ đề ra.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nói trên, chúng tôi cho rằng vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư luôn là nhiệm vụ trọng tâm mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt ra. Thực tiễn cho thấy, hiện nay công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn dẫn đến số lượng và chất lượng của đội ngũ Luật sư chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng là một nghĩa vụ bắt buộc của Luật sư được cụ thể hóa trong Luật Luật sư và Nghị định số 123/2013/ NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các quy định về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư không mang tính hình thức. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư được đề xuất như sau:
Thứ nhất, các kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư cần xây dựng một cách có hiệu quả, khả thi, bám sát thực tiễn, hài hòa giữa kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của Luật sư với kỹ năng sống và làm việc trong điều kiện nền kinh tế cạnh tranh cao và xã hội số hóa.
Thứ hai, cần đào tạo bài bản và cập nhật thường xuyên cho giảng viên phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả, tích cực cho việc thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư. Trong học tập, chỉ nghe giảng là chưa đủ mà cần phải đưa vào nhiều hoạt động phong phú như thảo luận nhóm, trải nghiệm thực tế nhằm tạo mọi cơ hội cho Luật sư học tập, trao đổi nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm quốc tế...
Luật sư VŨ HỮU QUÝ
Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh