/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Mấy suy nghĩ về việc chủ tọa phiên tòa 'mời' luật sư ra khỏi phòng xử án

Mấy suy nghĩ về việc chủ tọa phiên tòa 'mời' luật sư ra khỏi phòng xử án

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Khi luật sư bị “mời” ra khỏi phòng xử án, đương nhiên là các hoạt động khác của luật sư phục vụ cho việc bào chữa sẽ không còn được thực hiện. Nói cách khác, chủ tọa phiên tòa đã tước đi quyền được bào chữa của người bị buộc tội...

Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, hoặc qua những đơn thư đề nghị bảo vệ quyền hành nghề, gửi đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chúng ta được biết ở phiên tòa này hoặc tại phiên tòa khác, luật sư - người bào chữa cho bị cáo, hoặc là người bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án - bị chủ tọa phiên tòa dùng biện pháp cưỡng chế buộc rời khỏi phòng xử án. Cụ thể là:

Phiên tòa sơ thẩm hình sự ngày 24/9/2019 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, Chủ tọa phiên tòa đã buộc Luật sư Bùi Gia Nên phải rời khỏi phòng xử án khi đang thực hiện quyền bào chữa theo quy định của pháp luật.

Phiên tòa sơ thẩm hình sự ngày 14/11/2019 tại Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, xét xử vụ án “Trốn thuế”, Luật sư Nguyễn Duy Bình đã bị cưỡng chế buộc rời khỏi phòng xử án, thậm chí còn cưỡng chế Luật sư đến tận trụ sở công an phường.

Phiên tòa phúc thẩm hình sự ngày 03/3/2020 tại Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, Chủ tọa phiên tòa đã cưỡng chế buộc Luật sư Vũ Thị Nga rời khỏi phòng xét xử ngay trong phần hỏi của Luật sư để làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án.

Luật sư Vũ Thị Nga trong phiên xử ngày 03/3 tại TAND tỉnh Điện Biên.

Không chỉ luật sư tham dự các phiên tòa này mới nhìn thấy luật sư đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, xô đẩy, thậm chí còn có những hành động khá thô bạo trong quá trình cưỡng chế, mà những hình ảnh phản cảm này được trình chiếu trên truyền hình, trên các phương tiện truyền thông khác.

Cơ sở pháp lý để các vị chủ tọa phiên tòa thực hiện quyền “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án là quy định về nội quy phiên tòa tại Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Và tại Điều 467, khoản 2 quy định về xử lý người vi phạm nội quy phiên tòa: Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.

Quy định như trên nhằm mục đích gìn giữ trật tự phiên tòa, bảo đảm sự uy nghiêm của phiên tòa, bảo đảm quyền tuyệt đối trong việc điều hành phiên tòa của chủ tọa phiên tòa và đó là những quy định rất cần thiết.

Nhưng việc thực hiện các nội dung trên đây cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, với những quy định chặt chẽ, nhằm bảo đảm rằng, khi buộc phải thực hiện việc “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án, chủ tọa phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và sẽ không gây ảnh hưởng đến những quy định khác, có giá trị pháp lý tương ứng.

Điều luật quy định: Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án…

“Ra quyết định” như quy định của điều luật sẽ được hiểu như thế nào? Là ban hành một quyết định bằng văn bản, có đóng dấu của tòa án, hay chỉ phán bằng miệng, qua loa phóng thanh là đủ? Gần như hầu hết các vị chủ tọa phiên tòa, khi thực hiện quyền “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án, đều chỉ thông báo bằng miệng qua loa phóng thanh, chứ không thực hiện việc ra quyết định bằng văn bản.

Sự việc sẽ trở nên rất đáng lo ngại khi Bộ luật Tố tụng hình sự đã ban hành được 5 năm, nhưng Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa hề có một văn bản hướng dẫn nào về nội dung này, đã dẫn đến sự tùy tiện trong việc “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án, phụ thuộc vào sự vui buồn của chủ tọa phiên tòa, và việc này đã xảy ra tại phiên tòa hình sự sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh ngày 24/9/2019, chủ tọa phiên tòa đã “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án không có căn cứ pháp luật.

Một vấn đề nữa cũng cần được xem xét đến, đó là quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Mặc dù pháp luật quy định như trên, nhưng khi thực hiện quyền “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án, chủ tọa phiên tòa hoàn toàn không quan tâm gì đến quyền được bào chữa của bị cáo, vì hội đồng xét xử vẫn tiếp tục tiến hành việc xét xử vụ án mà không có luật sư.

Ngoài ra, Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về tranh tụng trong xét xử như sau: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án…

Như vậy, quá trình tranh tụng của vụ án tại tòa án sẽ như thế nào, quyền bình đẳng của luật sư đối với những người tiến hành tố tụng khác về việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ… sẽ được thực hiện ra sao khi luật sư đã bị “mời” ra khỏi phòng xử án?

Chúng ta biết rằng, hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự đã được nâng lên một bước, nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền công dân, quyền con người, đó là việc Bộ luật Tố tụng hình sự đã dành hẳn Chương V, từ Điều 72 đến Điều 84 để quy định về hoạt động này.

Vì vậy, khi luật sư bị “mời” ra khỏi phòng xử án, đương nhiên là các hoạt động khác của luật sư phục vụ cho việc bào chữa sẽ không còn được thực hiện. Nói cách khác, chủ tọa phiên tòa đã tước đi quyền được bào chữa của người bị buộc tội, nếu chúng ta không có những quy định bổ sung khác.

Để bảo đảm cho khoản 2 Điều 256 và khoản 2 Điều 467 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được thực hiện nghiêm túc nhằm bảo đảm sự uy nghiêm của phiên tòa, chúng tôi nghĩ rằng Tòa án nhân dân tối cao cần phải ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung này, cụ thể như sau:

Khi có căn cứ xác định rằng, luật sư đã không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, tức là đã vi phạm nội quy phiên tòa và nhất thiết phải được “mời” ra khỏi phòng xử án, thì chủ tọa phiên tòa phải thực hiện các công việc như sau:

- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật của luật sư tại phiên tòa (làm căn cứ gửi văn bản về đoàn luật sư nơi quản lý luật sư để phối hợp xử lý).

- Ra quyết định bằng văn bản, có đóng dấu của tòa án về việc “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án (luật sư phải được nhận một bản quyết định, để làm cơ sở cho việc khiếu nại hoặc tố cáo sau này).

- Tạm dừng phiên tòa để bị cáo, người bị hại, đương sự trong vụ án thực hiện quyền được bào chữa, bảo vệ mình bằng việc mời luật sư khác, hoặc chờ chính luật sư ấy quay lại bào chữa.

- Không thực hiện việc lôi kéo, xô đẩy khi luật sư đã ra khỏi phòng xử án.

Chúng tôi xác định rằng, trong quá trình thực hiện việc bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại các phiên tòa, cá biệt có một vài luật sư - không biết vì lý do nào đó - đã không tuân thủ đầy đủ nội quy phiên tòa, nhưng những hành vi vi phạm này chưa đến mức phải bị “mời” ra khỏi phòng xử án.

Và chúng tôi không cho rằng chủ tọa phiên tòa quyết định “mời” luật sư ra khỏi phòng xử án là lạm dụng quyền lực được Nhà nước trao cho, nhưng cũng không loại trừ quyết định ấy được thực hiện xuất phát từ sự vui, buồn, hoặc do định kiến cá nhân của chủ tọa phiên tòa; quyết định này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa, được bảo vệ mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định cho bị cáo, người bị hại và các đương sự trong các vụ án.

Luật sư TẠ QUANG TÒNG

/bao-ho-quyen-tac-gia-trong-xu-the-hoi-nhap-quoc-te.html