LSVNO - Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đại hội XII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thật vậy, Đại đoàn kết là sức mạnh vô song, là cội nguồn của mọi thành công. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, không một kẻ thù nào, dù mạnh đến mấy cũng không thể khuất phục được mỗi khi ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc được giương cao, hiệu triệu được lòng dân, muôn người như một…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, người đã khẳng định” “Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân”. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi” - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ân cần thăm hỏi bà con đồng bào trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana.
Trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, từ những bài học lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, đất nước ta đã vượt qua được muôn vàn khó khăn, thử thách, khơi dậy được sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, qua đó góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi nhân dân nhân dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tại Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đại hội XII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc.
Tiếp tục phát huy sức mạnh ấy trong giai đoạn mới, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp tốt với MTTQ các cấp, đổi mới phương thức vận động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Và, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sự đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Vì vậy mà trong những ngày này, các khu dân cư trên cả nước đang rộn ràng hòa chung không khí tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và nó đã thực sự trở thành một ngày hội lớn của đất nước. Đó chính là sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm, là “chất keo” vững chắc gắn kết cộng đồng để cùng chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho đất nước bứt phá trong chặng đường sắp tới.
Minh Sơn