Ảnh minh họa.
Một là, việc xác định căn cứ bắt khẩn cấp đôi khi còn lúng túng, chưa cụ thể, rõ ràng, có lúc có nơi còn để xảy ra tình trạng lạm dụng việc bắt khẩn cấp. Trên thực tế, vẫn còn xảy ra không ít các trường hợp bắt khẩn cấp không đúng căn cứ; căn cứ bắt người chưa rõ ràng nhưng vẫn tiến hành bắt hoặc bắt khi tính khẩn cấp không còn. Dạng vi phạm này thường gặp ở các trường hợp bắt khẩn cấp đối với người phạm tội tự thú hoặc do nghi vấn được cơ quan điều tra (CQĐT) mời lên, gọi hỏi rồi tiến hành bắt khẩn cấp luôn. Việc bắt người trong trường hợp này đã không còn tính “khẩn cấp” bởi khi đối tượng đã chấp hành việc triệu tập thì không có ý thức trốn tránh hoặc tiếp tục phạm tội cũng như không có khả năng tiêu hủy chứng cứ.Thực tế này đã cho thấy trách nhiệm của Viện Kiểm sát (VKS) trong việc xem xét phê chuẩn một số hồ sơ bắt khẩn cấp là chưa thận trọng và khách quan.
Hai là, trong thực tiễn áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp vẫn còn xảy ra tình trạng chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về thủ tục bắt người. Việc đọc lệnh và lập biên bản về việc bắt người trong nhiều trường hợp còn mang tính thủ tục hình thức; đặc biệt chưa chú trọng vào việc giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt. Nhiều trường hợp, CQĐT triệu tập đối tượng nghi vấn lên làm việc tại trụ sở CQĐT hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người bị bắt rồi tiến hành thu thập chứng cứ cần thiết sau đó ra lệnh bắt khẩn cấp và thực hiện ngay việc bắt đối tượng tại các địa điểm này nên không có sự tham gia đầy đủ của người chứng kiến, nhất là người láng giềng của người bị bắt.
Rõ ràng việc bắt khẩn cấp trong trường hợp này không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định vì không có người láng giềng chứng kiến. Hoặc cá biệt có trường hợp CQĐT ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ nhưng chưa gửi hồ sơ cho VKS ngay mà đợi cho đến khi hết hạn tạm giữ mới gửi quyết định gia hạn tạm giữ cùng với lệnh bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn. Ở vài địa phương, sau khi bắt khẩn cấp, CQĐT không thông báo ngay cho VKS để phê chuẩn, bắt khẩn cấp không được sự phê chuẩn của VKS nhưng chưa trả tự do ngay cho người bị bắt. Có nhiều trường hợp sau khi bắt, người ra lệnh bắt, CQĐT nhận người bị bắt không thông báo cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc biết.
Một là, việc xác định căn cứ bắt người phạm tội quả tang trong nhiều trường hợp chưa chính xác dẫn đến việc lạm dụng biện pháp này. Việc bắt người phạm tội quả tang thường diễn ra đột xuất, bất ngờ và nhanh chóng cùng với sự hiểu biết pháp luật của người dân cũng như cán bộ ở các cơ quan tiếp nhận như UBND xã, Công an xã còn nhiều hạn chế cho nên trong nhiều trường hợp khó có thể xác định được ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm, nhất là các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, trộm cắp tài sản… Do đó, trong thực tiễn việc bắt người phạm tội quả tang cũng bị lạm dụng nhiều đối với các hành vi vi phạm hành chính, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hai là, quá trình áp dụng biện pháp bắt người phạm tội quả tang vẫn để xảy ra tình trạng chưa đảm bảo sự chặt chẽ về thủ tục áp dụng. Đối với việc bắt người phạm tội quả tang, theo quy định thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất, các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến CQĐT có thẩm quyền, tuy nhiên ở một số địa phương, khi bắt người phạm tội quả tang xảy ra ở địa bàn xã, Công xã thường lập biên bản và tự giải quyết đối với những trường hợp đơn giản. Có thể khẳng định, việc bắt người phạm tội quả tang ở một số đơn vị xã, phường, thị trấn còn đơn giản, xem như là hình thức cảnh cáo, dọa nạt, sau đó là hòa giải bỏ qua... Đối với những sự việc phức tạp, Công an xã bàn giao người và tài liệu có liên quancho Cơ quan CSĐT lại tự giải quyết mà không thông báo cho VKS cùng cấp để kiểm sát việc điều tra dẫn.
Ngoài ra, nhiều trường hợp việc bắt người phạm tội quả tang còn thể hiện sự tùy tiện, không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục bắt người, như: không lập biên bản bắt người hoặc có lập biên bản bắt người nhưng không có chữ ký của bị hại, người làm chứng; sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, CQĐT không lấy lời khai ngay đối với người bị bắt quả tang và trong thời hạn 24 giờ, không kịp ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Một là, tình trạng lạm dụng việc bắt người không chỉ xảy ra đối với bắt khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang mà còn xảy ra đối với cả bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Điều này được thể hiện ở việc chưa xác định đủ căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Trong nhiều vụ án không cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt người này đối với những bị can phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, đã thành khẩn khai báo, có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân không có tiền án, tiền sự, không có dấu hiệu bỏ trốn nhưng CQĐT vẫn ra lệnh bắt bị can để tạm giam mà không áp dụng biện pháp ngăn chặn (BPNC) khác phù hợp hơn. Sau đó, CQĐT lại đề nghị thay đổi BPNC đối với bị can, dẫn đến việc không vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Việc bắt bị can để tạm giam trong một số trường hợp chưa đảm bảo đúng căn cứ theo luật định, CQĐT đã dùng biện pháp này để thay thế cho hoạt động điều tra mà chưa thực sự đề cao việc bảo vệ quyền của người tham gia tố tụng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp căn cứ ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam chưa được thể hiện rõ ràng, cụ thể.
Hai là, còn để xảy ra tình trạng triệu tập bị can đến cơ quan hoặc trụ sở chính quyền địa phương, sau đó tiến hành bắt đối tượng. Vì vậy, CQĐT bắt tạm giam không mời người láng giềng hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chứng kiến; điều tra viên đã tự hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật làm cho việc bắt không được khách quan, đặc biệt là sai quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Một là, công tác kiểm tra, xác minh trước khi ra quyết định truy nã trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ. Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi 106 hành một số quy định của Bộ luật TTHS và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
b) Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn”.
Tuy nhiên trên thực tế có nhiều trường hợp CQĐT ra quyết định truy nã ngay sau khi bị can bỏ trốn mà không tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt hoặc chưa xác định được các đặc điểm để nhận dạng đối tượng.
Hai là, thông tin cần thiết trong quyết định truy nã còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát hiện, truy bắt đối tượng. Tình trạng thiếu những thông tin cần thiết trong các quyết định truy nã còn xảy ra, như: thiếu ảnh của đối tượng; đặc điểm nhận dạng; lý lịch gia đình. Việc thiếu những thông tin cần thiết trong quyết định truy nã đã gây ra không ít khó khăn đối với các đơn vị chức năng và quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, xác minh và bắt giữ đối tượng bị truy nã.
Thứ nhất, xuất phát từ năng lực, trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.Thực tiễn áp dụng biện pháp bắt người trong thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân của tình trạng bắt oan, bắt sai xuất phát từ chính những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Một số người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trình độ pháp luật và nghiệp vụ còn hạn chế dẫn đến lúng túng, thiếu chính xác trong việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp bắt người.
Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc từ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp bắt người chưa được quy định rõ ràng và chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và kiểm sát việc áp dụng BPNC nói chung, biện pháp bắt người nói riêng chưa được tiến hành thường xuyên, sâu sát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp sai phạm.
Thứ tư, mối quan hệ phối hợp giữa CQĐT với các đơn vị khác trong quá trình áp dụng biện pháp bắt người, nhất là đối với VKS còn có những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các trường hợp bắt người bao gồm: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không được quy định độc lập mà được quy định trong điều luật về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Do đó để thuận tiện cho việc nhận thức và vận dụng cần phải nghiên cứu tách riêng trường hợp bắt người này thành điều luật độc lập.
Thứ hai, đối với bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã. Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cơ quan bắt người phạm tội quả tang hoặc tiếp nhận người bị bắt phải giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền nhưng không quy định thời hạn để CQĐT có thẩm quyền đến tiếp nhận người bị bắt là bao lâu (kể từ khi nhận được thông báo). Việc quy định thời hạn này là cần thiết bởi vì nó liên quan đến việc quản lý người bị bắt trong thời gian chờ chuyển giao người bị bắt; đến việc kịp thời thực hiện các quyền của người bị bắt, như: Quyền gặp thân nhân, quyền lựa chọn người bào chữa của người thân thích… Hơn nữa nếu quy định thời hạn này sẽ thúc đẩy và gắn trách nhiệm của CQĐT phải nhanh chóng tiếp nhận người bị bắt để kịp thời tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thời hạn này theo hướng CQĐT phải đến tiếp nhận người bị bắt ngay sau khi nhận được thông báo.
Thứ ba, đối với bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Cũng giống như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Như đã phân tích, trong thực tiễn thì căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam chính là căn cứ tạm giam. Tuy nhiên để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp này cũng như bảo đảm sự thống nhất trong quy định về biện pháp bắt người khác (các trường hợp bắt khác đều được quy định rõ về căn cứ áp dụng) cần quy định rõ căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam trong Điều 113 theo hướng biện pháp này áp dụng đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại nhưng có căn cứ để tạm giam và cần thiết phải tạm giam.
Theo đó, cũng cần sửa đổi quy định về căn cứ tạm giam quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự bởi vì điều luật này quy định về ba trường hợp tạm giam theo việc phân loại tội phạm, trong đó đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng được luật quy định rõ về căn cứ áp dụng nhưng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng lại không quy định về căn cứ cứ áp dụng.
Thứ tư, cần nghiên cứu để thu hẹp thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt người. Đối với trường hợp bắt người theo lệnh bắt, pháp luật tố tụng hình sự một số nước. Việc quy định này nhằm tránh việc các chủ thể buộc tội như CQĐT, cơ quan công tố lợi dụng việc bắt người để tiến hành điều tra thuận lợi hơn mà dẫn đến xâm phạm đến các quyền của người bị bắt. Có thể thấy, việc càng thu hẹp thẩm quyền ra lệnh bắt người càng hạn chế được việc lạm dụng biện pháp bắt người, thể hiện được sự thận trọng của nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với công dân. Trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ quy định cho Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt người thì sẽ không thể đáp ứng được thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trong tương lai, để phù hợp với luật pháp quốc tế và nhiệm vụ của Tòa án, cần nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng chỉ giao cho Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt người có lệnh.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4