Ảnh minh họa.
1. Những vi phạm, sai lầm trong thực tiễn áp dụng pháp luật về án treo
1.1. Vi phạm, sai lầm trong việc đánh giá nhân thân người phạm tội
Nhân thân tốt là một trong những điều kiện người bị kết án được Tòa án xem xét cho hưởng án treo. Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn rõ nội dung này. Tuy nhiên có một số trường hợp bị cáo đã có tiền án, tiền sự vẫn cho hưởng án treo; một số trường hợp có tiền án đã được xóa án tích, một số trường hợp có tiền sự đã hết thời hạn… vẫn coi là người có nhân thân tốt. Từ việc đánh giá không đúng đó dẫn đến nhiều phán quyết về án treo không đúng quy định của pháp luật.
1.2. Vi phạm, sai lầm trong việc lượng hình và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ
Đối với các tình tiết giảm nhẹ quy định đã rõ ràng, nên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ít tập trung hướng dẫn. Riêng các tình tiết giảm nhẹ khác do có nhiều cách hiểu khác nhau nên được hướng dẫn chi tiết tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Tuy vậy, trong quá trình áp dụng, bên cạnh phần lớn trường hợp áp dụng đúng thì có không ít trường hợp đã vận dụng sai hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có biểu hiện của việc lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ. Chẳng hạn như bị cáo trong quá trình công tác chỉ được tặng giấy khen nhưng Tòa án vẫn coi là bị cáo có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác để cho hưởng án treo, trong khi theo Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP thì phải được tặng bằng khen mới coi là có thành tích xuất sắc. Từ nhận thức không đúng đó dẫn đến những phán quyết về án treo sai quy định, nhiều bị cáo không đủ điều kiện về tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn được Tòa án cho hưởng án treo.
1.3. Vi phạm, sai lầm trong việc đánh giá có cần hay không cần phải bắt người bị kết án chấp hành hình phạt tù
Tuy đạt được nhiều tiến bộ trong việc vận dụng quy định này vào thực tiễn xét xử nhưng vẫn tồn tại một số vụ án HĐXX nhận thức không đúng dẫn đến cho bị cáo được hưởng án treo không đúng pháp luật; sai lầm trong việc đánh giá như thế nào gọi là bị cáo có khả năng tự cải tạo mà không gây nguy hiểm cho xã hội,…
1.4. Vi phạm, sai lầm trong cách tính thời gian thử thách án treo có liên quan đến thời gian tạm giam
Khi giải quyết một vụ án cụ thể có bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam, một số Tòa án đã vận dụng không đúng tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên tính không đúng.
1.5. Vi phạm, sai lầm trong việc đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra
Việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra đối với xã hội là một vấn đề rất quan trọng khi cân nhắc cho bị cáo hưởng án treo hay không cho bị cáo hưởng án treo.
2. Nguyên nhân của những vi phạm, sai lầm
2.1. Nguyên nhân từ hạn chế, bất cập của lý luận và pháp luật về án treo
Việc xây dựng chính sách pháp luật hình sự tuy có cố gắng nhưng còn nhiều yếu kém, nhất là yếu kém trong tư duy lý luận, tư duy về thực tiễn, chưa kết hợp được hai phạm trù này, từ đó dẫn đến yếu kém trong khâu phân tích chính sách pháp luật hình sự và trong khâu dự báo tình hình để làm rõ các nhân tố xã hội trong nước và quốc tế tác động đến việc áp dụng án treo. Hậu quả của yếu kém này là các quy định của pháp luật hình sự về án treo được ban hành không đạt chất lượng như mong muốn, tác động tiêu cực đến hoạt động áp dụng pháp luật về án treo, số lượng bị cáo bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm nêu trên theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ cũng là kết quả của sự tác động từ sự hạn chế của việc xây dựng chính sách pháp luật hình sự.
Các quy định của pháp luật hình sự về án treo chưa lường hết các nhu cầu, đòi hỏi nảy sinh trong cuộc sống; do đó chưa điều chỉnh một cách toàn diện, đầy đủ các quan hệ xã hội; nhiều lĩnh vực liên quan đến chế định án treo còn quy định chung chung, không rõ ràng.
Thiếu sót về giải thích, định nghĩa án treo: Án treo là gì? Một câu hỏi mà chưa có Bộ luật Hình sự nào có điều khoản định nghĩa về nó; trong khi đó các chế định pháp lý khác như tội phạm, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình,… đều được Bộ luật Hình sự năm 1999 (kể cả Bộ luật Hình sự năm 2015) định nghĩa. Chính vì án treo không được định nghĩa trong Bộ luật Hình sự nên việc nhận thức và hướng dẫn nó cũng gây ra nhiều phức tạp và không thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Nghị quyết số 01/1990/NQ-HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích: “Án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”, nhưng Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”, nghị quyết này đang có hiệu lực áp dụng.
Như vậy, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (kể cả Bộ luật Hình sự năm 2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đều không có giải thích, định nghĩa về án treo, chỉ có giải thích của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Xét về phương diện lý luận và pháp luật thì đây là một thiếu sót mà Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa khắc phục được, cần phải được điều chỉnh ở tầm bộ luật. Nhiều Thẩm phán không nhận thức đúng về án treo cũng xuất phát từ nguyên nhân này, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng áp dụng pháp luật về án treo.
2.2. Những nguyên nhân khác
- Các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thật sự chưa nhận diện, đánh giá đầy đủ và đúng đắn các đặc điểm của các nhân tố xã hội như: dân tộc, môi trường sống, tình hình tội phạm, dân số, tôn giáo, văn hóa, xã hội… đã tác động như thế nào (cả tích cực và tiêu cực) đến việc áp dụng án treo, từ đó trong một số vụ án cụ thể áp dụng không chính xác.
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp cho cán bộ Tòa án, Hội thẩm nhân dân chưa được chú trọng đúng mức, chưa có tính răn đe cao để HĐXX nhận thức sâu sắc hậu quả pháp lý khi ra bản án không đúng pháp luật.
- Công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ về áp dụng án treo chưa thực hiện thường xuyên và chuyên sâu, hoạt động này còn mang tính thời vụ, làm cho HĐXX không được cập nhật kịp thời những thông tin bổ ích giúp giải quyết đúng đắn vấn đề về án treo.
3. Các giải pháp về hoàn thiện pháp luật và áp dụng án treo đúng quy định
Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự một cách khoa học, sát thực tiễn, tôn trọng quyền con người. Vì vậy, trước khi ban hành chính sách pháp luật hình sự về án treo, các cơ quan, các nhà hoạch định chính sách phải khảo sát, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội và thực tiễn áp dụng pháp luật, phải thu thập những thông tin về nhu cầu án treo trong cuộc sống, các nhân tố xã hội nào tác động tích cực và tiêu cực đến việc ban hành chính sách, xây dựng pháp luật hình sự về án treo,… để từ đó có một chính sách thật sự đi vào cuộc sống. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của các nhà chức trách, họ phải nghiêm túc nhìn nhận chính sách pháp luật hình sự về án treo qua lăng kính xã hội học chứ không phải muốn là có chính sách pháp luật hình sự về án treo. Án treo là sự khoan hồng, nhân đạo, sự ân huệ của Nhà nước đối với người phạm tội, vì vậy một người phạm tội trong hoàn cảnh, điều kiện nào, mức độ ra sao…, thì được hưởng án treo.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về án treo. Hoàn thiện pháp luật về án treo chính là thực hiện chính sách pháp luật về án treo. Bởi lẽ, một chế định pháp lý về án treo ra đời nó không phải tồn tại mãi mãi mà chính bản thân nó còn phải thực hiện chức năng phản ánh, điều chỉnh kịp thời các nhu cầu thực tế trong đời sống xã hội khi nó thay đổi. Kể từ khi pháp luật về án treo ra đời cho đến nay, nó không ngừng được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về án treo trong các Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trên quan điểm xã hội học và xã hội học pháp luật, đồng thời qua thực tiễn áp dụng án treo vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần phải được hoàn thiện để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về án treo.
NGUYỄN THỊ CẨM TÚ-ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4
Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản