(LSO) - Thời gian vừa qua khi áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) đã làm nảy sinh một số tình huống pháp lý hết sức khó lựa chọn cho Luật sư. Cụ thể, mới đây, Điều tra viên tại vùng dịch Quảng Nam thông báo để một Luật sư tại TP. HCM đến dự buổi hỏi cung bị can tại địa phương này trong bối cảnh đang bùng phát dịch Covid-19 và thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Bài viết này tôi xin trao đổi từ lý luận, pháp luật đến thực tiễn, hy vọng có thể tìm ra cách ứng xử phù hợp trong các tình huống tương tự.
Dưới góc độ lý luận, quan hệ giữa Luật sư với công chức Cơ quan tiến hành tố tụng là quan hệ độc lập, bình đẳng, tôn trọng vì công lý. Hoạt động nghiệp vụ của Luật sư mang tính chất phản biện, tranh đấu, bảo vệ kẻ yếu nhưng không mang tính chất đối lập trong quan hệ với cơ quan công quyền.
Luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên về bản chất là đồng nghiệp của nhau; cùng là người làm công tác pháp luật, người thực thi pháp luật, cùng trong hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Quan hệ giữa Luật sư với các Cơ quan tiến hành tố tụng còn là quan hệ phụ thuộc và tương hỗ cho nhau. Dù muốn hay không hoạt động của Luật sư vẫn phải gắn bó cùng Cơ quan tiến hành tố tụng, ngược lại Cơ quan tiến hành tố tụng khi tiến hành hoạt động tố tụng cũng cần phải có sự tham gia của Luật sư.
Trong hoạt động nghề nghiệp, luôn phát sinh các tình huống pháp lý mà từ đó sẽ phát sinh các ý kiến, quan điểm bất đồng. Nhưng phải khẳng định, đó chỉ là sự bất đồng về quan điểm chứ không phải sự bất đồng về chân lý, về nghề nghiệp. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với Luật sư, người tiến hành tố tụng khi giải quyết tình huống pháp lý đó là sự hợp tác theo pháp luật chứ không phải là sự đối đầu, hạ uy tín hoặc tìm cách triệt hạ cá nhân, hạ uy tín nghề nghiệp của nhau.
Trong tình huống pháp lý cụ thể này, Điều tra viên thông báo để Luật sư dự cung tại địa điểm đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Trường hợp Luật sư tham dự buổi hỏi cung này sẽ phải thực hiện, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch. Trước khi đi Luật sư có thể phải báo cáo và xin phép chính quyền địa phương nơi Luật sư đang sinh sống theo quy định của tỉnh, thành phố đó vì di chuyển đến vùng dịch.
Khi đến địa phương đang có dịch, Luật sư phải khai báo và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt mà chưa chắc đã được phép vào vùng dịch. Sau khi kết thúc việc hỏi cung Luật sư có thể mắc kẹt tại chính địa phương đang có dịch vì lệnh phong tỏa không cho người đi ra khỏi vùng dịch. Tiếp đó, Luật sư phải thực hiện việc cách ly tập trung gây tốn kém, khó khăn cho địa phương nơi Luật sư trở về. Do bị cách ly tập trung, Luật sư sẽ không thể tiếp tục bảo vệ cho chính bị can đó và những khách hàng khác của mình.
Dưới góc độ pháp luật, luật chưa dự liệu và chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Điểm c, khoản 2 Điều 73, BLTTHS quy định về nghĩa vụ của người bào chữa: Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan.
Theo điều luật, có thể hiểu Luật sư có quyền từ chối bào chữa vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Từ chối bào chữa được hiểu là chấm dứt bào chữa và cũng có thể hiểu là từ chối tham gia một hoạt động tố tụng cụ thể mà trong trường hợp này là từ chối tham dự buổi hỏi cung. Nhưng điều luật không quy định trường hợp từ chối bào chữa vì dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động Luật sư.
Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động Luật sư được tiếp tục hoạt động khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Việc công nhận và cho phép hoạt động Luật sư được thực hiện cả khi áp dụng lệnh giãn cách xã hội là minh chứng rõ ràng ghi nhận vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tính thiết yếu của nghề Luật sư trong xã hội. Nhưng với quy định này, cũng đã khẳng định việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 không thuộc trường hợp bất khả kháng đối với hoạt động Luật sư. Còn hiểu theo nghĩa đây là trở ngại khách quan thì phải được chứng minh thông qua việc Luật sư đã đi thực hiện việc hỏi cung nhưng không thể đến được đúng thời gian, địa điểm…
Điều tra viên tổ chức hỏi cung và thông báo để Luật sư tham dự trong trường hợp này là không trái pháp luật. Điều tra viên tiến hành hỏi cung phù hợp quy định BLTTHS và đã thông báo cho người bào chữa phù hợp quy định Điều 183 về hỏi cung bị can: "Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung".
Điều 11 Thông tư số 46/2019/ TT BCN ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng: Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan đang thụ lý vụ án báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải tuân thủ và đảm bảo thời hạn điều tra theo Điều 172 BLTTHS quy định rất rõ thời hạn tối đa không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Như vậy, nếu đã hết thời hạn điều tra thì bắt buộc cơ quan điều tra phải kết thúc việc điều tra, nếu để quá hạn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Mặc dù pháp luật có quy định gia hạn điều tra tại khoản 2, Điều 172: "Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì có thể gia hạn điều tra". Nhưng luật chỉ quy định được gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án mà không quy định trường hợp được gia hạn do lý do khách quan ảnh hưởng tiến độ điều tra vụ án.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, rõ ràng quyền của bị can và Luật sư chưa được đảm bảo. Điều 8 BLTTHS, quy định nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Theo đó, khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Trường hợp không áp dụng đầy đủ hoặc áp dụng một cách máy móc, một chiều quy định của pháp luật luật vô hình chung đã không bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân trong đó có quyền của bị can.
Như đã nêu và phân tích, với tình hình thực tế, việc Luật sư có mặt để dự cung trong trường hợp này là gần như không thể diễn ra. Trong khi đó, Điều 16 BLTTHS quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật.
Điều 60 BLTTHS, quy định bị can có quyền nhờ người bào chữa. Quyền nhờ người bào chữa phải được hiểu là quyền có Luật sư để bào chữa cho mình trong suốt vụ án cũng như trong từng hoạt động tố tụng cụ thể chứ không chỉ được thể hiện trên thông báo đăng ký bào chữa.
Trên thực tế, rất nhiều bị can đã từ chối khai báo nếu không có Luật sư tham dự buổi hỏi cung hoặc bị can có thể được tư vấn thực hiện giữ quyền im lặng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Do vậy, nếu Điều tra viên cố tổ chức hỏi cung mà không có Luật sư rất có thể buổi hỏi cung đó sẽ phải dừng lại. Như vậy, chính Điều tra viên đã tự làm khó mình. Đây cũng là minh chứng để khẳng định: Cơ quan tố tụng và Luật sư có mối quan hệ tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau.
Về phía Luật sư, trong bối cảnh cách xa về địa lý, quy định về phòng chống dịch, các phương tiện giao thông đường hàng không, đường bộ, đường thủy.. . bị hạn chế. Luật sư dù có muốn cũng không thể có mặt sau khi nhận thông báo một vài ngày thậm chí là hàng chục ngày. Điều 73, BLTTHS quy định về quyền của Luật sư là có mặt khi hỏi cung bị can. Do đó, trường hợp này Luật sư không đủ điều kiện để có thể thực hiện quyền của mình.
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân đã và đang tích cực dồn nguồn lực để ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ việc vận dụng, áp dụng linh hoạt quy định của BLTTHS, vừa đảm bảo tiến độ điều tra, phòng chống tội phạm, vừa đảm bảo quyền lợi của bị can, quyền hành nghề của Luật sư và trên hết thể hiện tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết.
Xét cho cùng pháp luật xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Điều 175 BLTTHS quy định về giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tham gia tố tụng. Quy tắc 26.2 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp Luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Thiết nghĩ, trong trường hợp này khi nhận được thông báo của Điều tra viên, Luật sư cần trao đổi trực tiếp và bằng văn bản với Điều tra viên, Cơ quan Điều tra để thống nhất, xem xét việc kiến nghị lùi lịch hỏi cũng sang thời gian khác cho phù hợp. Đồng thời, cần thông báo để gia đình bị can, bản thân bị can biết từ đó có sự lựa chọn hợp lý đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Cơ quan Điều tra cần xem giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, về lâu dài cần nghiên cứu bổ sung quy định của pháp luật đối với trường hợp tương tự.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang