/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về tội 'Xâm phạm quyền bình đẳng giới'

Một số vấn đề về tội 'Xâm phạm quyền bình đẳng giới'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Do đó, bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một đất nước nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật

Hiện nay, nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bình đẳng giới, trong đó, đáng chú ý là Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979. Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, phụ nữ bình đẳng với nam giới về mọi phương diện. Điều 26, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Tại khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Do đó, bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Điều 165, Chương XV, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội xâm phạm quyền bình đẳng giới như sau:

"1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới là quyền bình đẳng về giới của con người, nhất là quyền bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Hành vi dưới bất kỳ hình thức nào có thể dưới dạng hành động hoặc không hành động nhưng chủ yếu dưới dạng hành động. Có thể là hành vi dùng vũ lực hoặc những hành vi nghiêm trọng khác gây cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Ảnh minh họa.

+ Dùng vũ lực đối với người khác để cản trở họ không được tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, Lao động, nhận được việc kho học, và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là dùng sức mạnh thể chất tác động vào thân thể của nạn nhân như: Đánh, trói, nhốt trong buồng, trong hầm để nạn nhân không tham gia được các hoạt động kể trên.

+ Hành vi nghiêm trọng khác cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là hành vi không phải là vũ lực nhưng cũng làm cản trở được họ tham gia các hoạt động trên như: đe dọa dùng vũ lực, đe dọa sẽ gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần nạn nhân như dọa sẽ ly hôn nếu cứ tham gia, dọa công bố bí mật đời tư, dọa đuổi việc, cắt tiền thưởng, tiền lương...

Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người.

Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người.

Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hậu quả của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới là những thiệt hại do hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, nhưng chủ yếu là thiệt hại về tình thần mà trực tiếp là các quyền của con người bị xâm phạm. Nếu có thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại đó chỉ là gián tiếp do hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người gây ra.

Một số trường hợp những thiệt hại về vật chất lại do hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội gây ra thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Ví dụ: Vì không muốn cho vợ tham gia đội văn nghệ của cơ quan, nên A. đã túm tóc đánh chị B. làm cho chị B. không tham gia đội văn nghệ được.

Hành vi dùng vũ lực của người phạm tội đối với nạn nhân là hành vi chưa gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân tới mức cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" thì cấu thành tội xâm phạm quyền bình đẳng giới. Nếu tỉ lệ thương tật tới mức trên 11%, cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, có thể là cá nhân phạm tội nhưng cũng có thể là vụ án đồng phạm. Trong trường hợp là vụ án đồng phạm, các chủ thể có thể cùng là người thực hành, cùng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng cũng có thể có sự phân chia nhiệm vụ đối với từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Thông thường, người phạm tội thường là người khác giới đối với nạn nhân. Thực tế thường thấy đó là người phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng do quan niệm trọng nam khinh nữ. Cá biệt có một số dân tộc ở Việt Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ dẫn đến tình trạng trọng nữ khinh nam.

Theo Điều 12, Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên là chủ thể của tội phạm này. Điều luật cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, cả 02 khoản của Điều 165 quy định tội "Xâm phạm quyền bình đẳng giới" đều thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Chủ thể của tội phạm còn phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Nếu người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21, Bộ luật Hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội "Xâm phạm quyền bình đẳng giới" được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới có nhiều động cơ khác nhau, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn người khác giới không tham gia được các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Về hình phạt

Điều 165, Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

"- Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm đối với người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

b) Phạm tội 02 lần trở lên.

c) Đối với 02 người trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Một số bất cập, vướng mắc

Thứ nhất, nội dung Điều 165 Bộ luật Hình sự mô tả phạm vi hẹp hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới. Hành vi duy nhất được mô tả thuộc mặt khách quan của tội này là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Theo đó, những trường hợp vẫn cho phụ nữ tham gia các hoạt động trên nhưng có hành vi phân biệt đối xử, gây thiệt thòi cho họ trong các hoạt động ấy thì lại không bị xử lý, trong khi nội hàm của cụm từ xâm phạm quyền bình đẳng giới rất rộng đã được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đã được hiến định trong Hiến pháp. Điều này vô hình chung làm thu hẹp cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền bình đẳng giới, nhất là quyền bình đẳng giới của phụ nữ.

Thứ hai, nội dung của Điều 165, Bộ luật Hình sự đã liệt kê các hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là tương đối đầy đủ, tuy nhiên còn thiếu lĩnh vực rất quan trọng đó là quan hệ gia đình đã được Luật Bình đẳng giới quy định tại Điều 18.

Như vậy, Điều 165, Bộ luật Hình sự đã liệt kê chưa đầy đủ, hơn nữa, ngay sự liệt kê này cũng không cần thiết bởi vì các lĩnh vực cụ thể này đã được luật chuyên ngành quy định, dẫn chiếu.

Thứ ba, điều luật không quy định động cơ phân biệt đối xử về giới của tội phạm. Tuy nhiên, nếu người phạm tội không xuất phát từ động cơ phân biệt đối xử về giới thì đối với hành vi cản trở phụ nữ tham gia các hoạt chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế… được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới lại phạm vào một tội khác.

Ví dụ: Hành vi cản trở một người phụ nữ tham gia bầu cử hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải vì lý do người đó là phụ nữ mà vì tư thù cá nhân khác thì phải bị xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân được quy định ở Điều 160, Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, về hình phạt của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới tại Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện nay còn nhẹ và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tính chất, vai trò tầm quan trọng của các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới nói riêng, chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi xâm phạm tới quyền bình đẳng về giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng của phụ nữ đang ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Do vậy, cần thiết phải tăng mức hình phạt được quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền bình đẳng về giới được Hiến pháp quy định.

Đề xuất, kiến nghị

Quyền bình đẳng về giới là một trong những quyền cơ bản, quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và được pháp luật của các quốc gia quy định cụ thể, bảo đảm quyền bình đẳng ngang nhau trong việc tham gia tất cả các hoạt động của đời sống xã hội của công dân, đặc biệt là của người nữ so với nam giới.

Ở nước ta, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, tỉ lệ lao động nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước…

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, bị phân biệt đối xử, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tội phạm tình dục, tội phạm buôn bán phụ nữ, sự nghèo đói, lạc hậu và phụ thuộc, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo… Việc thực hiện quyền về bình đẳng giới đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, đồng thời là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện và bảo vệ quyền bình đẳng về giới và thực thi các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước ta về chính sách đối với phụ nữ cần được thực hiện kịp thời.                     

Từ các phân tích trên, đề xuất sửa đổi Điều 165 Bộ luật Hình sự như sau: "1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia vào các lĩnh vực đời sống xã hội mà pháp luật cho phép thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

HỒ QUÂN

Tòa án Quân sự Quân khu 4

Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?

Lê Minh Hoàng