Có thể nhận định rằng chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là một bước chuyển tích cực của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường, đặc biệt, việc xã hội hóa sách giáo khoa nhắm đến sự đa dạng kiến thức, phù hợp vùng miền, huy động đến rất nhiều các nhà giáo dục chuyên gia tham gia biên soạn sách giáo khoa và xóa bỏ độc quyền in và bán sách giáo khoa vốn gây nhiều bức xúc xã hội về sự lãng phí và lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, việc áp dụng “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã thể hiện và phát sinh những bất cập và vướng mắc khi thực hiện. Trước hết là quyền lựa chọn sách giáo khoa, năm học 2021-2022, quyền này giao cho UBND cấp tỉnh, năm học 2024-2025 thì giao cho các nhà trường quyết định việc lựa chọn sách cho trường mình. Khi UBND tỉnh thực hiện quyền này thì địa phương khá thống nhất trong việc sử dụng một bộ sách giáo khoa và không gây xáo trộn lớn khi học sinh trong việc mua sác của phụ huynh, tuy nhiên, quyền tiếp cận rộng rãi các bộ sách giáo khoa khác nhau bị hạn chế. Khi nhà trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa thì gây ra nhiều vướng mắc, trong một địa bàn, các trường sử dụng sách giáo khoa khác nhau, phụ huynh lúng túng trong việc mua sách, chuyển trường phải đổi sách, sách không được tái sử dụng, hoặc mua về mà không dùng, gây lãng phí xã hội,… Thậm chí, khi các vùng bị thiên tai, lũ lụt, người dân ủng hộ, gửi tặng các bộ sách giáo khoa cho các học sinh thì cũng không dung được bởi trướng đó, vùng đó dung bộ sách giáo khoa khác.
Vấn đề là ở chỗ, đã coi Chương trình giáo dục là pháp lệnh, phải được thực hiện nghiêm túc thống nhất trong tất cả các nhà trường toàn quốc thì sách giáo khoa trở thành tài liệu tham khảo, người dạy và học hoàn toàn có thể lựa chọn sách cho mình. Vì vậy, có ý kiến cho rằng ngay cả trong một tiết học thì người dạy và người học sẽ lựa chọn và quyết định mình sử dụng sách giáo khoa nào. Đây là một đề xuất có cơ sở về quyền tiếp cận sách giáo khoa của người dung, tuy nhiên, khó để thực hiện điều đó bởi đòi hỏi tính chủ động cao, phải có sẵn trong tay nhiều bộ sách khác nhau.
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng thực hiện việc thay sách giáo khoa. Sẽ có những đánh giá, nhận xét, tổng kết quá trình 05 năm thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, đặc biệt, bộ sách giáo khoa nào được đông đảo giáo viên và học sinh sử dụng, các khiếm khuyết, bất cập ở các bộ sách cũng lộ diện. nên chăng, có sự đánh giá, tập hợp và sửa chữa, bổ sung để có một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, phù hợp với thực tế và áp dụng dùng chung trong cả nước. Đã có nhiều ý kiến đề xuất từ phụ huynh, giáo viên, chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội trên các diễn đàn khác nhau về một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nếu điều này được thực hiện thì mọi vướng mắc, bấp cập kể trên mặc định không tồn tại nữa!