/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số bất cập trong hoạt động tham gia tố tụng hình sự của Luật sư

Một số bất cập trong hoạt động tham gia tố tụng hình sự của Luật sư

04/04/2022 14:50 |

(LSVN) - Trên thực tế quá trình tác nghiệp của Luật sư khi thực hiện các hoạt động dịch vụ pháp lý cũng vẫn còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn từ chính những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành hay từ nhận thức, hành vi của các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng, từ đó đã làm giảm đi hiệu quả của công tác và hoạt động của Luật sư trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ảnh minh họa.

1. Một số bất cập trong thực tiễn

Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự quy định Luật sư có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can hoặc trong trường hợp có hoạt động bắt, tạm giữ người thì tham gia từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở cơ quan tố tụng hoặc từ khi có quyết định tạm giữ những thực tiễn thì rất ít trường hợp Luật sư được tham gia từ những giai đoạn đầu tiên khởi phát vụ án, thậm chí có tham gia cũng gặp nhiều khó khăn từ chính lực lượng điều tra bởi nó đã thành thói quen.

Từ những quan điểm xin cho trong cơ sở lý luận và thực tiễn của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cũ, đã trở thành thói quen và lối mòn trong tư duy và hành động của Cơ quan điều tra và Điều tra viên. Rất nhiều Điều tra viên không biết hoặc cố tình không biết các nội dung và nguyên tắc cơ bản trong pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Chính bởi vậy, trong quá trình Cơ quan điều tra làm việc, lấy lời khai ban đầu của bị can Luật sư không được tham gia chứng kiến nên dẫn đến nhiều vụ án khi ra xét xử các bị cáo thường khai là do bị ép cung nhục hình.

Thứ hai, liên quan đến việc đăng ký bảo chữa của Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại khoản 4 Điều 78 là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bào chữa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải vào sổ đăng ký bào chữa và ra Thông báo về việc đăng ký bảo chữa cho người bảo chữa. Tuy nhiên, hầu hết thời hạn trên đều không được đảm bảo, thực tế thời hạn 24 giờ chỉ đúng với thực tiễn các vụ án được chỉ định người bào chữa theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.

Thứ ba, là việc tiếp cận, gặp gỡ người bị buộc tội đang bị tạm giữ hoặc bị can đang bị tạm giam của Luật sư sau khi có Thông báo về việc đăng ký bào chữa cũng gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Để làm rõ sự thật khách quan của vụ án để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho khách hàng (người bị tạm giữ bị can, bị cáo) Luật sư không thể không làm việc với họ. Tuy nhiên, việc gặp gỡ và làm việc với người bị tạm giữ bị can đang bị tạm giam cũng gặp phải không ít cản ngại, cụ thể: Luật Thi hành tạm giữ tạm giam có hiệu lực từ 01/01/2018 quy định người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, tạm giam mà không kèm theo bất kỳ một điều kiện gì. Thế nhưng nhiều nơi, nhiều lúc luật sư gặp bị can luôn bị cơ quan điều tra gây khó, ví dụ như: Cơ quan điều tra yêu cầu Trại tạm giam chỉ giải quyết cho luật sư gặp người bị tạm giữ bị can khi có Điều tra viên giám sát. Quá trình lấy lời khai, bản cung của bị can ở những giai đoạn quan trọng thường không có sự chứng kiến của Luật sư vì Điều tra viên thường viện cớ luật không quy định cụ thể thời gian hợp lý cụ thể là bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ nên đến gần sát giờ lấy lời khai Điều tra viên mới thông báo cho Luật sư bào chữa nên nhiều trường hợp Luật sư không thể sắp xếp thời gian tham gia được và khi đó hoạt động lấy lời khai vẫn được Điều tra viên tiến hành như bình thường.

Hay khi được gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì thời gian làm việc với bị can, bị cáo đang bị tạm giam cũng là một căn ngại vô cùng lớn đối với Luật sư. Luật sư sau khi làm hết các thủ tục và kiên trì đợi thông thường khoảng 30 phút, 45 phút để được gặp bị can, bị cáo trong khoảng thời gian 30 phút. Vấn đề đặt ra là, có những vụ án, Luật sư phải đi hàng nghìn km và sau khi hoàn tất thủ tục sẽ được giải quyết gặp bị can, bị cáo 30 phút; có không ít trường hợp luật sư phải đăng ký luôn 05 ngày (10 lần, cả sáng và chiều) để có thời gian làm việc với bị cáo tổng cộng từ 03 giờ đến 04 giờ. Luật sư gặp bị cáo thì đa số bị bố trí cán bộ Công an, quản lý trại giam hoặc bộ phận khác giám sát ngồi cùng phòng hỏi cung hoặc bị ghi âm, ghi hình. 

Thứ tư, để bảo đảm quyền bào chữa của mình pháp luật cho phép Luật sư được tiếp cận tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dưới hình thức đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án kể từ khi kết thúc điều tra và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án, tuy nhiên, trong thực tiễn một số vụ án Luật sư rất khó khăn để tiếp cận hồ sơ và thường được cơ quan tiến hành tố tụng trả lời do hồ sơ được hoàn thiện, vụ án có tính phức tạp, Viện Kiểm sát chưa phúc cung.

Thứ năm, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử chưa thực sự được bảo đảm vì hoạt động tham gia tranh tụng của Luật sư trong phần xét hỏi và tranh luận vẫn còn bị hạn chế: Lời bào chữa cùng các đề nghị của Luật sư ít khi được Hội đồng xét xử xem xét. Nhiều trường hợp, Luật sư mới bắt đầu tranh luận, thì Thẩm phán yêu cầu Luật sư phát biểu ngắn gọn hoặc đang tranh luận thì bị ngắt lời, mặc dù phần tranh luận có tầm quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của bị cáo. Thậm chí, có trường hợp Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa khi tiến hành xét hỏi thì đã bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lấn át, cắt ngang khi Luật sư có ý kiến thì còn yêu cầu Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa Luật sư ra khỏi phòng xử án.

Ví dụ như vụ việc Luật sư Vũ Thị Nga – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh tham gia bào chữa cho các bị cáo phạm tội "Đánh bạc" bị TAND tỉnh Điện Biên tiến hành xét xử phúc thẩm vào ngày 03/3/2020 do Thẩm phán Nguyễn Trọng Đoàn làm Chủ tọa phiên tòa.

Trong phần xét hỏi, sau khi được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, Luật sư Nga tiến hành xét hỏi một trong các bị cáo về nội dung liên quan đến bị cáo mà Luật sư Nga bảo chữa thì bị Chủ tọa cắt ngang không cho tiếp tục xét hỏi. Khi Luật sư Nga có ý kiến thắc mắc thì Chủ tọa đã có hành vi lớn tiếng lắt át, quát nạt gây bức xúc cho Luật sư; đồng thời yêu cầu Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa Luật sư Nga ra khỏi phòng xử án.

Có thể thấy, việc xét hỏi của Luật sư với nội dung liên quan làm sáng tỏ hành vi của các bị cáo là quyền của Luật sư, quyền này cũng được Chủ tọa phiên tòa công bố và không bị giới hạn trong phạm vi xét xử của vụ án. Do vậy, việc Chủ tọa phiên tòa ngay lập tức cắt ngang việc xét hỏi của Luật sư, không cho Luật sư tiếp tục xét hỏi và buộc rời khỏi phòng xử án là không đảm bảo tính khách quan có dấu hiệu cản trở xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng tại phiên tòa.

Vụ việc này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản số 87/LĐLSVN-UBBVQLLS ngày 08/4/2020 gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Điện Biên, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Điện Biên đề đề nghị làm rõ.

Hay việc Hội đồng xét xử thường chỉ dựa trên hồ sơ của Cơ điều tra và bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nên tội danh cùng mức hình phạt đã được định hướng từ trước, trong khi pháp luật tố tụng hình sự quy định tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải căn cứ lời khai, chứng cứ trong quá trình xét xử để đưa ra phán quyết nên nội dung diễn biến tranh luận thực tế tại phiên tòa không được coi trọng dẫn đến việc thực hiện tranh tụng dân chủ vẫn mang tính hình thức.

2. Đề xuất, kiến nghị 

Việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quy định về vai trò của Luật sư khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức là hết sức cần thiết. Cần tập trung nghiên cứu và đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về những vấn đề sau: 

Thứ nhất, về tư cách tham gia tố tụng của Luật sư theo hướng Luật sư tham gia tố tụng với tư cách độc lập, không bị phụ thuộc vào ý chí chủ quan, cơ chế “xin – cho” của bất kỳ một Cơ quan tiến hành tố tụng nào mà khi được các cá nhân, tổ chức có yêu cầu tham gia tố tụng thì Luật sư sẽ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đồng thời chỉ cần thực hiện việc Thông báo tham gia tố tụng theo yêu cầu của đương sự và xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh tư cách Luật sư.

Thứ hai, cần quy định chi tiết, cụ thể thời điểm tham gia tố tụng tham gia bào chữa, việc tiếp xúc bị can bị cáo trong trại tạm giam, quyền điều tra và thu thập chứng cứ, cũng như một số hoạt động nghề nghiệp khác của Luật sư.

Thứ ba, hoàn thiện quy định để từng bước mở rộng, khẳng định tranh tụng tại phiên tòa là một nguyên tắc bắt buộc cần được bảo đảm; kết quả tranh tụng cần được Hội đồng xét xử tôn trọng và sử dụng làm căn cứ quan trọng nhất khi đưa ra phán quyết để đảm bảo quyền bào chữa của Luật sư được thể hiện một cách thực chất.

NGUYỄN PHI HÙNG

Toà án Quân sự Quân khu 4

Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Lê Minh Hoàng