/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp

Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp

27/02/2022 14:49 |

(LSVN) - Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì lý lịch tư pháp được hiểu là: “Lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Ảnh minh họa.

Đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành trong hoạt động quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp của công dân, với sự phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về kết quả hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự, Cơ quan Thi hành án hình sự,... và các cơ quan có liên quan về thông tin cá nhân người bị kết án cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) xây dựng dữ liệu lý lịch tư pháp cho công dân.

Thời gian qua, công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích được theo dõi, cập nhật có hệ thống kết quả giải quyết các vụ án hình sự và thi hành án hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì Luật Lý lịch tư pháp còn những điểm bất cập, cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, theo Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì thông tin lý lịch tư pháp về án tích được xác lập từ 18 nguồn, quy định rõ tại Điều 15. Tuy nhiên, qua thực tiễn và đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) có nhiều nội dung quy định mới mang ý nghĩa quan trọng đối với việc xác lập thông tin án tích đối với người bị kết án, như: Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án; khoản 4 Điều 23, khoản 5 Điều 25, khoản 7 Điều 37, khoản 5 Điều 59 Luật THAHS năm 2019 quy định Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định đình chỉ thi hành án đối với người bị kết án chết trong thời gian đang thi hành án, hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ thi hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; Điều 64, 65 Luật THAHS năm 2019 quy định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Và có những nội dung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bãi bỏ thẩm quyền của Tòa án trong việc “cấp giấy chứng nhận xóa án tích” đối với người bị kết án đương nhiên được xóa án tích và quy định việc xác định người bị kết án “đã được xóa án tích” thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, nhưng Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 không quy định bổ sung kịp thời.

Vì vậy, để đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cho công dân thuận lợi, đầy đủ, chính xác, đồng bộ với các Luật có liên quan. Nên chăng, nguồn thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 sửa đổi, bổ sung theo hướng:

+ Bỏ quy định tại khoản 15 (Giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích).

+ Bổ sung Điều 15 những nội dung: Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; Quyết định đình chỉ thi hành án; Quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Thứ hai, điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định:

“1. Trường hợp người bị kết án đương nhiên được xóa án tích thì Sở Tư pháp thực hiện việc cập nhật thông tin như sau:

a) Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì ghi “đã được xóa án tích” vào lý lịch tư pháp của người đó”.

Nội dung quy định trên, hiện không còn phù hợp, bởi lẽ trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Theo đó, Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đến nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bỏ quy định trên, mà thay vào đó là thẩm quyền của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cụ thể, tại Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.

2. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật Hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định...”.

Việc pháp luật quy định thay đổi thẩm quyền như đã nêu ở trên, nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện cụ thể đã dẫn đến thực trạng người bị Tòa án kết án không hiểu, không nắm được trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và gửi đơn yêu cầu xóa án tích đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Tòa án lại hướng dẫn họ đến Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố nơi họ cư trú để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận họ không có án tích. Điều đó đã gây ra khó khăn, mất thời gian, chi phí của người dân trong việc đi lại, hoàn thiện thủ tục giấy tờ.

Vì vậy, thời gian tới đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 theo hướng: “Bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 và thay vào đó là trình tự, thủ tục xác minh thông tin án tích đối với người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích” làm sơ sở cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người bị kết án “đã được xóa án tích”. 

Thứ ba, theo quy định Điều 69 Bộ luật Hình sự:

“1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Theo quy định trên thì người phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý (Ví dụ: Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”) thì bị coi là không có án tích, trong trường hợp này khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt họ cần giấy chứng nhận xóa thì Sở Tư pháp có cấp cho họ không?

Đây cũng là một thực tiễn cần có hướng dẫn thống nhất trong áp dụng.

QUÁCH HỮU NGHỊ

Tòa án Quân sự Quân khu 9

Hoàn thiện hệ thống, đảm bảo cấp 'hộ chiếu vaccine' sớm nhất

Lê Minh Hoàng