/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số bất cập trong quy định về hạn chế quyền ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Một số bất cập trong quy định về hạn chế quyền ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

25/11/2022 08:50 |

(LSVN) - Bảo đảm quyền con người là một trong những nội dung quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại nói chung và trong xã hội xã hội chủ nghĩa nói riêng. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền con người được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Quyền ly hôn là quyền nhân thân của người vợ hoặc người chồng để đảm bảo cho họ có quyền chấm dứt đời sống vợ chồng khi mà mục đích của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân không đạt được.

Ảnh minh họa.

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án". Ngoài ra, khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn".

Như vậy, quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với người vợ, người chồng và không thể chuyển giao cho người khác. Quyền tự do ly hôn của vợ, chồng được pháp luật ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật vẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau: "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi". Theo đó, trong trường hợp người vợ đang mang thai hoặc sinh con thì người chồng không được quyền ly hôn. Bởi lẽ, trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ rất cần sự chăm sóc của người thân bên cạnh mình, đặc biệt người chồng là người gần gũi nhất với người vợ. Do vậy, nếu khi người vợ đang mang thai mà người chồng yêu cầu ly hôn thì sẽ tác động rất lớn đến người vợ. Tác động này được nhìn nhận dưới tác động vật chất và tác động về tinh thần. Nếu người chồng ly hôn thì người vợ sẽ bị ảnh hưởng xấu đến tinh thần, tình cảm không chỉ đối với bản thân người vợ mà còn đối với cả đứa trẻ chưa sinh. Thêm vào đó, người vợ cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ về vật chất từ người chồng trong thời điểm này là một thiệt thòi rất lớn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cả người vợ khi mang thai và ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa dự liệu hết được trường hợp nếu người chồng biết rõ người vợ đang mang thai mà thai nhi không phải con mình thì người chồng có hay không quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ có thai hoặc sinh con? Nếu theo cách hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật thì trong trường hợp này người chồng cũng không được quyền yêu cầu ly hôn.

Trên thực tế, pháp luật cũng không dự liệu được hết tất cả các trường hợp nảy sinh trên thực tế cuộc sống. Nhưng đứng dưới góc độ pháp luật hay đạo đức xã hội thì cần quy định để bảo vệ người phụ nữ trong thời kỳ có thai và nuôi con nhỏ. Do vậy, đối với vấn đề này pháp luật cũng cần được cụ thể hóa thông qua các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng ghi nhận việc người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi dù cho đó là con đẻ của cả hai vợ chồng hoặc là con nuôi của hai vợ chồng. Quy định này cũng nhằm đảm bảo cho người mẹ được ổn định trong việc nuôi con nhỏ, đảm bảo quyền làm mẹ khi được nuôi con nhỏ. Nhưng nếu đặt ra vấn đề người vợ đang nuôi con nuôi mà do người chồng hoặc người vợ nhận nuôi riêng thì người chồng có quyền yêu cầu xin ly hôn hay không? Theo ngôn ngữ thể hiện thì không có sự phân biệt người vợ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là nuôi con nuôi hay là con đẻ. Vấn đề này thiết nghĩ cũng cần phải có sự hướng dẫn bằng văn bản cụ thể.

Ngoài ra, nhiều trường hợp cụ thể mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng chưa bao quát hết được. Ví dụ, trường hợp người vợ có thai nhưng do người vợ nhận mang thai hộ người khác vì mục đích nhân đạo hoặc người vợ không có khả năng sinh con và đang thực hiện việc nhờ người khác mang thai hộ theo đúng quy định của pháp luật thì người chồng có quyền yêu cầu ly hôn hay không? Hoặc việc người chồng biết rõ là người vợ đang mang thai là con của người khác thì người chồng có quyền yêu cầu ly hôn hay không?

Theo quan điểm của tác giả thì vẫn không nên cho phép người chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong những trường hợp này. Mặc dù con không phải của người chồng nhưng nếu trong trường hợp người vợ mang thai thì người chồng cũng nên quan tâm, chăm sóc người vợ vì nghĩa vụ của vợ chồng là yêu thương, chăm sóc nhau. Trong trường hợp này, nếu người chồng ly hôn thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người vợ.

Tóm lại, pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành đã có những quy định cụ thể bảo vệ quyền làm mẹ của người vợ thông qua việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong một số trường hợp nhất định. Với quy định như vậy thì quyền làm mẹ đã được pháp luật bảo vệ một cách thiết thực. Tuy nhiên, trong những trường hợp đã nêu cũng cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể để thuận tiện trong việc thực thi pháp luật.

NGUYỄN MIẾN

Giảng viên Khoa Kiểm sát dân sự

Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh