/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số điểm chưa hợp lý trong quy định về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Một số điểm chưa hợp lý trong quy định về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Trong thực tiễn áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xu thế hội nhập cũng như yêu cầu đấu tranh với tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội ở nước ta hiện nay.

Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) đã có những điểm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội tập trung vào các nội dung như: hoàn thiện hệ thống chế tài đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do; Bổ sung các chế định pháp lý về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại…

1. Những quy định chưa phù hợp về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Điều 101 BLHS năm 2015 quy định về tù có thời hạn, cụ thể mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Quy định của BLHS năm 2015 là như vậy, nhưng trong thực tiễn áp dụng thì lại khó hiểu, khó thực hiện đối với cụm từ “mức phạt tù mà điều luật quy định” ở đoạn cuối của khoản 1 và khoản 2 Điều 101 BLHS năm 2015, vì không rõ là mức phạt tù cao hay thấp, mức phạt tù của khoản nào của điều luật. Điều này dẫn đến việc các Tòa án áp dụng khác nhau trong thực tiễn xét xử, cụ thể:

– Quan điểm thứ nhất: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội) mức phạt tù mà điều luật quy định dự định để áp dụng đối với người dưới 18 tuổi, vì tại khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015, có quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: “Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất”.

Ví dụ: Trần Hải H, 17 tuổi, bị Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 với mức hình phạt từ 03 đến 10 năm tù. Khi quyết định hình phạt đối với Trần Hải H, hội đồng xét xử sẽ đặt ra giả thiết nếu Trần Hải H từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt cao nhất là 04 năm tù, nhưng do thời điểm phạm tội Trần Hải H 17 tuổi nên sẽ xử phạt cao nhất không quá ¾ của 04 năm tù, tức là 03 năm tù.

– Quan điểm thứ hai: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội) mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định.

Trở lại với ví dụ trên, Điều 260 BLHS năm 2015 quy định mức phạt tù cao nhất là 15 năm, do vậy, Trần Hải H không bị xử phạt quá ¾ của 15 năm, tức là không quá 11 năm 25 ngày tù, hay nói cách khác Tòa án vẫn có thể xử phạt Trần Hải H đến 11 năm 25 ngày tù mức cao của khung 3 Điều 260 BLHS năm 2015.

– Quan điểm thứ ba: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội) mức phạt tù cao nhất mà khung hình phạt của điều luật quy định.

Trở lại với ví vụ trên, Trần Hải H bị truy tố, xét xử theo điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, với mức cao nhất của khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 là 10 năm tù, do vậy, Trần Hải H sẽ không bị xử phạt quá ¾ của 10 năm tù tức là không quá 07 năm 05 ngày tù.

Do vậy, cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn cụ thể để các Tòa án áp dụng thống nhất.

Theo quy định của BLHS năm 2015, thì người dưới 18 tuổi có thể bị áp dụng hình phạt tù, chính sách áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi là: Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù. Có thể nói rằng, mức hình phạt trên là tương đối nghiêm khắc, hình phạt tù là một chế tài tước quyền tự do đối với con người cho nên người dưới 18 tuổi còn ít tuổi đời, đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, nếu bị vào môi trường tù tội trong thời gian dài có thể làm mất đi giá trị của con người, những bản tính tốt đẹp vốn có của con người sẽ không được phát huy thay vì sự trỗi dậy của những bản tính xấu.

Chính vì vậy, luật cần phân định rõ các trường hợp cụ thể với hai mức theo hướng giảm nhẹ và nhân đạo hơn với người dưới 18 tuổi để phù hợp với đường lối, chính sách hình sự của Nhà nước và pháp luật quốc tế.

2. Đề xuất hướng hoàn thiện

Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất dựa trên nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015, tác giả để nghị cần chỉnh sửa quy định tại Điều 101 BLHS năm 2015 theo hướng sau:

“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định như sau:

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù cao nhất được quy định trong khung hình phạt mà điều luật quy định;

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 09 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù cao nhất được quy định trong khung hình phạt mà điều luật quy định”.

Nếu như vậy, thì nội dung các Điều 103, 104 BLHS năm 2015 cũng cần được sửa đổi và quy định rõ ràng hơn để tương thích, phù hợp với nội dung của Điều 101 BLHS năm 2015.

Tóm lại, với giải pháp đã đề xuất, tác giả hi vọng góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật hiện hành về mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bảo vệ tốt hơn quyền con người của người dưới 18 tuổi, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về bảo vệ quyền con người mà trong đó có người dưới 18 tuổi mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, tiến đến xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.

ĐINH MINH LƯỢNG
Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5
(Tạp chí Tòa án)
/moi-lien-he-giua-cac-nghi-dinh-quy-dinh-ve-xu-ly-ky-luat-cong-chuc.html