/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam

15/10/2022 18:39 |

(LSVN) - Đào tạo cử nhân luật có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực pháp lý cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tạo nguồn cho công tác đào tạo nghề để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Trong những năm qua, số lượng các cơ sở đào tạo luật đã tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam, nhưng điều này không đảm bảo cho sự phát triển về chất lượng cử nhân luật. Việc đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Bài viết phân tích một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam. Trên cơ sở thực trạng đào tạo cử nhân luật ở Việt nam và yêu cầu cải cách và đổi mới đào tạo luật đã được Đảng và Nhà nước xác định, bài viết thảo luận các giải pháp về đổi mới chương trình, cải tiến phương pháp dạy – học, xây dựng đội ngũ giảng viên, tăng cường hoạt động thực tiễn và kiến thức nghề nghiệp, và nâng cao vai trò của mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Tổng quan về các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam và yêu cầu cải cách và đổi mới

Các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam

Sau khi thống nhất đất nước, cơ sở đào tạo luật (2) đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 1976 là Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1979, Khoa Pháp lý đã hợp nhất với Trường Cao đẳng pháp lý thuộc Ủy ban Pháp chế của Chính phủ để hình thành nên Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội) trực thuộc Bộ Tư pháp (3). Đến nay, sau hơn 45 năm phát triển, Việt Nam chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng các cơ sở đào tạo luật (CSĐTL). Từ chỗ chỉ có chưa đến 10 đơn vị đào tạo vào đầu những năm 2000, đến giai đoạn 2015-2016 đã có đến gần 50 cơ sở, và con số này đã đạt đến gần 100 vào năm 2021 (4). Tức là, sau 20 năm, đã có thêm gần 90 cơ sở được cấp phép đào tạo cử nhân luật. Việc tăng lên nhanh chóng về số lượng các CSĐTL ở Việt Nam thể hiện nhu cầu xã hội lớn về đào tạo chuyên ngành luật. Ở một khía cạnh nào đó, đây là một xu hướng tích cực cho việc xây dựng đội ngũ nhân lực pháp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc cấp phép đào tạo luật tràn lan, và có phần ‘dễ dãi’ cũng dẫn đến những lo ngại về chất lượng đào tạo cử nhân luật hiện nay (5).

Nhìn chung, các sơ sở đào tạo cử nhân luật của Việt Nam có thể được được xếp thành 03 nhóm chính: (1) Các trường độc lập đào tạo chuyên về luật (Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh); (2) các Trường Đại học Luật thuộc các Đại học Quốc gia và Đại học vùng (Trường Đại học Luật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế, và Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); và (3) các Khoa luật trực thuộc các trường đại học đa ngành (Khoa Luật Đại học Công đoàn, Khoa Luật Trường Đại học Vinh, Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Khoa Luật Trường Đại học Bình Dương, Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ,...). Ngoài ra, có một số cơ sở đào tạo cử nhân luật mang tính đặc thù như Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Học viện Anh ninh nhân dân, Học viện Tòa án, hay Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Các cơ sở này mặc dù đào tạo cán bộ của từng ngành đặc thù trong hệ thống cơ quan Nhà nước, một số ngành đào tạo của các cơ sở này vẫn cấp bằng cử nhân luật cho sinh viên đầu ra.

Những hạn chế trong đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam

Các vấn đề thảo luận trong bài báo chủ yếu dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu phỏng vấn 72 người, trong đó bao gồm sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của 14 cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, các Luật sư đang hành nghề, Thẩm phán, kiểm sát viên, và chấp hành viên. Thông qua phân tích kết quả nghiên cứu, các hạn chế của đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng CSĐTL nhưng thiếu kiểm soát chất lượng đào tạo. Như đề cập ở trên, trong khoảng 20 năm qua, số lượng các cơ sở được cấp phép đào tạo cử nhân luật đã tăng rất nhanh, đáp ứng được nhu cầu đào tạo của xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước và các bộ ngành liên quan đã không có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát và đảm bảo chất lượng giáo dục. Điều này dẫn đến những hạn chế về chất lượng cử nhân luật đầu ra.

Thứ hai, vẫn còn nhiều hạn chế về chương trình đào tạo. Trước hết, chương trình đào tạo cử nhân luật ở các CSĐTL Việt Nam nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết và thiếu việc dạy kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Phần lớn các CSĐTL vẫn chủ yếu giảng dạy các quy định của pháp luật, mà không chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề luật. Do đó, cử nhân luật thường rất lúng túng khi bắt đầu công việc trong thực tiễn. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, không có sự thống nhất trong chương trình đào tạo giữa các CSĐTL do hiện tại không bắt buộc áp dụng chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Điều này đã dẫn đến sự ‘lệch chuẩn’ cử nhân luật ở nhiều cơ sở đào tạo.

Thứ ba, phương pháp dạy – học vẫn còn nhiều hạn chế và chưa hiệu quả. Theo nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi, ở phần lớn các CSĐTL Việt Nam, giảng dạy pháp luật vẫn đang được tiến hành theo những phương pháp truyền thống. Phương pháp "thuyết giảng" hay "đọc chép" vẫn được áp dụng rất phổ biến trong hoạt động dạy-học luật. Việc đổi mới và cải tiến phương pháp dạy – học theo hướng tích cực, phát huy vai trò chủ động của sinh viên và tăng cường sự tương tác trong lớp học chỉ là những nỗ lực đơn lẻ của những cá nhân giảng viên và điều này chưa đủ lớn mạnh để có những tác động tích cực đến hệ thống đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam.

Thứ tư, những hạn chế về đội ngũ giảng viên. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo gắn với thực tiễn, ngoài kiến thức chuyên môn mang tính hàn lâm, giảng viên luật cần phải có kiến thức thực tiễn.Tuy nhiên, thực tiễn ở CSĐTL Việt Nam cho thấy đội ngũ giảng viên hiện tại vẫn chủ yếu thuần về hàn lâm và lý thuyết mà thiếu những kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp, do đó đã hạn chế khả năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức trong đào tạo luật.

Cuối cùng, vẫn tồn tại những hạn chế về việc thực hành – thực tập của sinh viên. Các hoạt động thực hành – thực tập là một bộ phận quan trọng của quá trình đào tạo cử nhân luật, giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn và học tập các kỹ năng nghề luật. Tuy nhiên, theo khảo sát và nghiên cứu của chúng tôi, việc tổ chức và triển khai các hoạt động thực hành - thực tập ở các CSĐTL Việt Nam vẫn đang rất hạn chế và không hiệu quả. Trong rất nhiều trường hợp, các sinh viên thường chỉ đến các cơ quan để đọc hồ sơ, tài liệu, quan sát người khác làm việc, chứ không thực sự được tham gia vào các hoạt động chuyên môn. Thậm chí, nhiều trường hợp sinh viên chỉ đến cơ quan đơn vị một vài buổi cho có lệ, rồi sau đó tìm cách xin xác nhận vào sổ nhật ký là coi như hoàn thành việc thực tập – kiến tập. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả và làm mất đi ý nghĩa thực chất của việc thực tập – kiến tập.

Yêu cầu cải cách và đổi mới đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam

Những hạn chế và tồn tại của hệ thống đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam nói trên dẫn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Từ đó đặt ra các yêu cầu đổi mới và cải cách.

Ở cấp độ quốc gia, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006–2020 do Chính phủ ban hành năm 2005 đã nêu rõ:

“... Giáo dục đại học ở Việt Nam còn thiếu ổn định, thiếu hệ thống và thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế... còn những yếu kém, bất cập về cơ chế quản lý, cơ cấu hệ thống, cơ cấu kỷ cương, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy trình đào tạo, phương pháp dạy và học, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, hiệu quả của nguồn lực thi cử, gian lận trong thi cử, cấp bằng cấp và các hoạt động giáo dục khác, và tất cả những điều đó cần sớm được giải quyết… nền giáo dục đại học quốc gia cần được đổi mới một cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện” (6).

Về đào tạo luật, Nghị quyết 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và phương hướng đến năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2005 đã đề ra:

“… Đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, công chức làm công tác pháp chế thông qua đổi mới quản lý Nhà nước về đào tạo cán bộ pháp chế; xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trở thành hai cơ sở đào tạo luật trọng điểm; thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành Nhà nước, đặc biệt là cán bộ pháp chế của các bộ, cơ quan Nhà nước; đổi mới công tác đào tạo các chức danh ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn và nâng cao công tác luân chuyển các chức danh ngành Tư pháp; nhấn mạnh giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với các chức danh ngành tư pháp; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị dạy học trong các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo các chức danh ngành Tư pháp” (7).             

Tương tự, Nghị quyết 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành năm 2006 cũng có tầm nhìn tương tự đối với đào tạo luật ở Việt Nam:

“… Đổi mới hơn nữa chương trình, phương pháp giảng dạy trrong đào tạo luật ở bậc đại học để đào tạo cán bộ dự nguồn cho các chức danh, cơ quan ngành tư pháp; đào tạo cán bộ ngành tư pháp và các cơ quan ngành tư pháp cập nhật kiến thức chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội; cung cấp cho họ những thông tin, kiến thức chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội được cập nhật để họ có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn cao hơn, phẩm chất, đạo đức trong sáng, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ tính pháp lý xã hội chủ nghĩa; xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trở thành hai cơ sở giáo dục pháp luật trọng điểm; xây dựng Học viện Tư pháp trở thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ ngành tư pháp…”(8).

Gần đây nhất, Đề án "Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật" năm 2021 đã nhấn mạnh các giải pháp nâng cao việc kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình… từ đó có sự đối chiếu và rà soát. Kiên quyết buộc dừng đào tạo đối với những cơ sở không đảm bảo tiêu chí và tiêu chuẩn đề ra theo quy định (9).

Có thể thấy, cải cách và đổi mới đào tạo cử nhân luật là một yêu cầu được thừa nhận bởi nhiều cấp chính quyền ở Việt Nam. Trước hết, xây dựng một xã hội được quản lý bởi pháp luật là một ưu tiên quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển, Nhà nước pháp quyền được coi là tiền đề để củng cố công bằng xã hội và nâng cao dân chủ. Trong quá trình đó, đào tạo luật đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ pháp lý. Do đó, cải cách và đổi mới đào tạo luật sẽ nâng cao chất lượng của Luật sư, Thẩm phán, kiểm sát viên và các cán bộ khác trong hệ thống tư pháp. Đây là những tác nhân quan trọng trọng đối với việc thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Trên thực tế, vẫn còn một sự khác biệt giữa đào tạo luật và thực tiễn hoạt động của các lĩnh vực nghề luật. Hay nói cách khác, việc đào tạo luật trong nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn trong thực tiễn. Vấn đề này cũng được xác định trong Nghị quyết 48/NQ-TW: “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực pháp luật và thực hiện các đề tài nghiên cứu pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tế” (10).  Do đó, cần cải cách và đổi mới để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo luật và thực tiễn nghề luật. Điều này sẽ giúp tạo ra những thế hệ cử nhân luật có trình độ chuyên môn cao để đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống tư pháp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Một số giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam

Đổi mới và thống nhất chương trình đào tạo

Trước hết, cần phải đổi mới chương trình đào tạo cử nhân luật để đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thực tiễn đòi hỏi của nghề luật. Trong đó, cần chú trọng nhiều hơn vào các học phần và các hoạt động giáo dục mang tính kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng "mềm" cho sinh viên. Trong hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam, các CSĐTL thường chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức pháp luật mang tính nền tảng, sau đó tùy theo định hướng và lựa chọn nghề nghiệp, các cử nhân luật sẽ tiếp tục được học kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghề luật. Tuy nhiên, các CSĐTL cũng nên tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận dần với kiến thức và kỹ năng nghề luật. Điều này trước hết sẽ giúp sinh viên học tập tốt hơn vì có thể gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn nghề luật. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với kiến thức nghề nghiệp khi còn ở giảng đường đại học có thể tạo điều kiện cho sinh viên hình dung được thực tiễn phong phú của nghề luật, từ đó có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn và hợp lý. Hơn nữa, đối với một bộ phận lớn cử nhân luật tốt nghiệp không có điều kiện vào công tác ở những nghành nghề thuộc hệ thống tư pháp, họ sẽ khó có điều kiện để tiếp cận việc đào tạo một số nghề (chẳng hạn Tòa án hay VKS). Do đó, việc có được các kiến thức và kỹ năng chuyên môn sau khi tốt nghiệp cử nhân luật sẽ giúp những sinh viên này tiếp cận công việc ở những lĩnh vực khác (như pháp chế doanh nghiệp) nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc sinh viên luật được sớm tiếp cận kiến thức và kỹ năng nghề luật ở một góc độ nào đó giúp quá trình đào tạo nghề sau này ở Học viện Tư pháp sẽ thuận lợi hơn. Nếu chỉ đơn thuần có các kiến thức nền tảng về pháp luật mà không có những hiểu biết về kỹ năng nghề luật, các cử nhân luật có thể sẽ rất bỡ ngỡ khi bước vào đào tạo nghề.

Mặt khác, cần phải thống nhất chương trình đào tạo cử nhân luật học trong cả nước. Trước đây, chương trình đào tạo của các CSĐTL ở Việt Nam là khá thống nhất vì nó dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, khi không bắt buộc áp dụng chương trình khung, thì các CSĐTL ở Việt Nam đã chủ động và có quyền tự quyết cao hơn trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Đây là một yếu tố tích cực bởi các CSĐTL có thể dựa trên tình hình của đơn vị và yêu cầu của thực tiễn xã hội để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là sự tùy tiện trong việc thiết kế và xây dựng chương trình, từ đó dẫn đến sai lệch tiêu chuẩn ‘cử nhân luật’ ở một số cơ sở đào tạo.

Theo quan điểm của chúng tôi, cần có sự thống nhất chương trình đối với ngành luật học để đảm bảo cử nhân luật ra trường có được một lượng kiến thức và kỹ năng mang tính tiêu chuẩn. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy rằng, cần phải có một số lượng môn học bắt buộc trong chương trình cử nhân luật mà bất cứ một CSĐTL nào cũng phải có. Chẳng hạn, trong hệ thống đào tạo cử nhân luật của Nhật Bản, có sáu lĩnh vực luật cơ bản gồm Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Thương mại, Bộ luật Hình sự, Hiến pháp Nhật Bản, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự là bắt buộc với tất cả các CSĐTL (11). Những lĩnh vực luật này cũng chiếm một phần quan trọng trong kỳ thi đầu vào nghề luật (bar examination) mà hầu hết các sinh viên luật Nhật Bản sẽ tham gia. Tương tự, chương trình cử nhân luật ở Úc xác định 11 lĩnh vực mang tính cốt lõi (được gọi là Priestly 11) là bắt buộc để được chấp nhận vào lĩnh vực nghề luật (12). Theo đó, các trường luật của Úc đã đưa những lĩnh vực kiến thức này vào chương trình giảng dạy của họ dưới dạng những học phần bắt buộc. Các lĩnh vực này bao gồm Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự, luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, luật hợp đồng, luật tài sản tài sản, luật vốn chủ sở hữu (bao gồm cả quỹ tín thác), luật hành chính, luật hiến pháp liên bang và tiểu bang, luật tố dụng dân sự, luật bằng chứng, luật công ty, đạo đức là trách nhiêm nghề nghiệp (13) Ở Hoa Kỳ, mặc dù chỉ đào tạo luật ở cấp sau đại học (Juris Doctor) dành cho những người đã có một bằng cử nhân, vẫn có những khối lượng kiến thức bắt buộc mang tính tiêu chuẩn cho tất cả các CSĐTL. Các học phần này bao gồm luật tố tụng dân sự, luật hiến pháp, luật hợp đồng, luật hình sự và tố tụng hình sự, phương pháp pháp lý, kỹ năng viết trrong lĩnh vực pháp lý, luật tài sản và luật thương tích cá nhân (14). Ngoài ra, các chương trình đào tạo luật ở Hoa Kỳ đều bắt buộc có học phần "phiên tòa giả định" thường áp dụng ngay từ năm thứ nhất.

Ở một mức độ nào đó, các kiến thức học thuật cơ bản bắt buộc này là cần thiết để "tiêu chuẩn hóa" cử nhân luật và rộng hơn là nghề luật của một quốc gia. Mặt khác, việc quy định khối kiến thức và kỹ năng bắt buộc cho cử nhân luật học của tất cả các CSĐTL nhằm hướng tới việc thống nhất về chương trình và đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo quan điểm của tác giả, trong bối cảnh Việt Nam với số lượng các CSĐTL gia tăng nhanh chóng, việc chuẩn hóa việc đào tạo cử nhân luật học thông qua thống nhất chương trình là một điều cần thiết.

Bên cạnh đó, cần thiết rà soát và đối chiếu chương trình đào tạo của các CSĐTL và của các trường đào tạo nghề luật để loại bỏ những nội dung trùng lặp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, những học phần nào đã được giảng dạy ở bậc cử nhân luật thì không nên đưa vào chương trình ở các trường đào tạo nghề luật. Hoặc nếu có đưa vào, thì nên xây dựng học phần đó ở dạng nâng cao, mở rộng hoặc thuần túy về thực tiễn.

Đổi mới phương pháp dạy - học

Cùng với cải cách chương trình, thì đổi mới phương pháp giảng dạy là một yếu tố quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong công cuộc cải cách đào tạo đại học, nhiều cơ sở giáo dục Việt Nam đã có nhiều đổi với trong việc ứng dụng nhiều phương pháp dạy – học mang tính tích cực, dựa trên nguyên tắc "ấy học sinh làm trung tâm". Trong lĩnh vực đào tạo luật với những đặc thù riêng, việc đổi mới phương pháp dạy – học phải tiến hành theo hướng nâng cao sự chủ động của sinh viên, tăng cường sự tương tác sinh viên – sinh viên và sinh viên – giảng viên, đề cao việc tiếp cận thực tiễn, và đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào quá trình dạy - học. Trên cơ sở đó, các CSĐTL ở Việt Nam cần hạn chế việc sử dụng phương pháp ‘đọc – chép’ hoặc ‘thuyết giảng’. Thay vào đó, nên khuyến khích sử dụng các phương pháp mang tính tích cực như: Bình luận án, thảo luận nhóm, làm bài tập và thuyết trình bày theo nhóm, tham gia phiên tòa và viết báo cáo phản hồi, sử dụng các phương pháp mô phỏng tình huống, nghiên cứu hồ sơ vụ án và viết báo cáo phản hồi. Nếu áp dụng kết hợp các phương pháp này một cách hiệu quả, chất lượng đào tạo luật chắc chắn sẽ được nâng cao, đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn nghề luật.

Tăng cường hiệu quả các hoạt động thực hành thực tập pháp luật cho sinh viên

Đào tạo gắn với thực tiễn là một yêu cầu quan trọng trong đào tạo cử nhân luật. Một trong những giải pháp để đạt được điều này là phải tăng cường các hoạt động thực hành – thực tập cho sinh viên. Theo quan điểm của chúng tôi, nên tập trung vào các định hướng sau:

Thứ nhất, các CSĐTL ở Việt Nam cần phải kết nối và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan pháp luật, công ty luật, doanh nghiệp, và các cơ quan Nhà nước khác trong hoạt động đào tạo. Trên cơ sở đó, thường xuyên mời các chuyên gia pháp lý trong thực tiễn đến giảng dạy và trao đổi chuyên môn với giảng viên và sinh viên luật. Đây được xem là một giải pháp kết nối và giảm khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết và thực tiễn nghề luật, giúp sinh viên tiếp cận được các hoạt động thực tiễn.

Thứ hai, các CSĐTL ở Việt Nam cần tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành pháp luật cho sinh viên. Ở Việt Nam, một số CSĐTL đã thành lập Văn phòng thực hành luật (law clinic) nhằm xây dựng và triển khai các hoạt động thực hành luật.  Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, các văn phòng thực hành này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động thực hành luật, từ đó nâng cao kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam cần nhân rộng mô hình Văn phòng thực hành luật (15) này trong đào tạo cử nhân luật để tạo môi trường cho sinh viên thực hành pháp luật và rèn luyện kỹ năng. Hiện tại, mới chỉ có 09 CSĐTL ở Việt Nam chính thức có Văn phòng thực hành luật (16). Đây là một con số quá nhỏ so với tổng số gần 100 CSĐTL ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, cần phải đổi mới việc thực tập cuối khóa của sinh viên luật theo hướng thực chất và hiệu quả. Dù muốn hay không thì chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng, phần lớn các hoạt động thực tập cuối khóa của sinh viên luật hiện nay chỉ mang tính hình thức. Do đó, các CSĐTL cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị tiếp nhận thực tập để thiết kế các chương trình thực tập chi tiết, phù hợp với từng lĩnh vực chuyên môn của nghề luật. Quan trọng hơn, phải có sự phối hợp hiệu quả giữa CSĐTL và đơn vị tiếp nhận thực tập để thường xuyên kiểm tra, cập nhật và có những phản hồi về tình hình thực tập của sinh viên.

Cần tăng cường kiến thức thực tiễn của giảng viên luật

Ngoài vấn đề chương trình, người học, phương pháp giảng dạy thì giảng viên là một yếu tố nòng cốt quyết định đến chất lượng đào tạo cử nhân luật. Ngoài kiến thức chuyên môn mang tính hàn lâm, giảng viên luật cần phải có kiến thức thực tiễn để đảm bảo việc giảng dạy phù hợp với thực tế nghề luật. Do đó, các CSĐTL ở Việt Nam cần chú trọng đến việc nâng cao kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp của của giảng viên luật trong quá trình tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Thứ nhất, ngoài những người có học vị học hàm cao, CSĐTL có thể ưu tiên tuyển dụng những người đã từng công tác trong các lĩnh vực nghề luật khác nhau. Kiến thức và kinh nghiệm của những người này sẽ giúp cho việc đào tạo luật gắn liền và sát với thực tiễn hơn. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, có không ít trường hợp những người công tác trong các lĩnh vực nghề luật muốn chuyển đổi nghề nghiệp và thử sức ở môi trường giảng dạy và nghiên cứu. Đây là cơ sở để các CSĐTL xem xét để có chính sách tuyển dụng và bổ sung cho đội ngũ giảng viên của mình.

Thứ hai, các CSĐTL Việt Nam có thể tham khảo mô hình ‘song giảng’ được áp dụng rất thành công ở Học viện Tư pháp trong thời gian qua. Trong đó, bố trí một giảng viên luật và một giáo viên thỉnh giảng là người có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn (Thẩm phán, kiểm sát viên, hay Luật sư) cùng giảng dạy một phần hoặc toàn bộ một học phần. Về phía sinh viên, họ sẽ đồng thời tiếp thu được kiến thức pháp luật từ giảng viên và kiến thức thực tiễn từ những người làm công tác trong nghề luật. Bên cạnh đó, bản thân giảng viên luật cũng sẽ có cơ hội học hỏi kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp từ phía người cùng giảng. Đây chính là một cách nâng cao kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp của cả sinh viên và giảng viên.

Thứ ba, các CSĐTL cần có những quy định yêu cầu giảng viên của mình tham gia các hoạt động thực tiễn nghề luật để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn, cần quy định giảng viên luật phải tham gia các phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ vụ án, thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật,... Để tạo động lực cho giảng viên, các CSĐTL cần có những quy định cụ thể về các quyền lợi và trách nhiệm của giảng viên đối với các hoạt động thực tế này. Chẳng hạn, giảng viên trẻ mới được tuyển dụng phải hoàn thành 100 giờ thực tế thì mới được chính thức đứng lớp. Hoặc đối với các giảng viên công tác lâu năm, có thể quy đổi giờ hoạt động thực tế sang giờ dạy, chằng hạn 5 giờ thực tế có thể tương đương 1 giờ dạy.

Cuối cùng, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi luật để cho phép giảng viên luật hành nghề Luật sư. Hành nghề Luật sư là một điều kiện tốt cho các giảng viên tiếp cận với thực tiễn nghề luật, học hỏi và tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy. Tuy nhiên, để đảm bảo việc hành nghề luật không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, cần có những quy định ràng buộc đối với giảng viên. Chẳng hạn, giảng viên chỉ được thực hiện hành nghề Luật sư ngoài giờ làm việc. Hoặc có thể quy định giảng viên chỉ được tham gia hành nghề Luật sư với vai trò tư vấn, mà không được tham gia tranh tụng trong các vụ án.

Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam

Việc thành lập mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam (Vietnamese Law School Network – hay VLN) vào năm 2019 được xem là một trong những bước phát triển mới nhất của hệ thống đào tạo luật ở Việt Nam (17). VLN đóng vai trò là một diễn đàn để các CSĐTL Việt Nam hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo luật. Tính đến tháng 12 năm 2021, gần 60 trong số 95 trường luật tại Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của VLN và con số này dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới (18). Tuy vậy, do mới thành lập và ít nhiều bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, VLN cũng chưa có nhiều hoạt động và tác động đến hệ thống đào tạo luật ở Việt Nam. Hoạt động của VLN trong thời gian qua cũng chỉ mới tập trung vào việc ổn định tổ chức, kết nạp thành viên mới, và tổ chức một số hội thảo chuyên môn. Để thực sự trở thành một diễn đàn để kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các CSĐTL Việt Nam hướng tới đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo luật, VLN cần phải phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của mình.

Trước hết, VLN phải đóng vai trò là tiếng nói chung của các CSĐTL Việt Nam trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước (mà trước hết là với Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT), từ đó có những đề xuất về chính sách, pháp luật và cơ chế hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo luật. Chẳng hạn, VLN có thể đề xuất về những cơ chế và nguồn kinh phí hỗ trợ các CSĐTL xây dựng và vận hành các văn phòng thực hành luật, tạo cơ hội cho sinh viên thực hành luật và rèn luyện kỹ năng. Hoặc VLN có thể có những đề xuất về việc tạo cơ chế cho giảng viên luật tham gia các hoạt động thực tiễn nghề luật, kể cả việc hành nghề Luật sư để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với tư cách đại diện cho tất cả CSĐTL ở Việt Nam, tiếng nói VLN sẽ mạnh mẽ, có trọng lượng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, VLN cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc thống nhất chương trình đào tạo, mà trước hết là chương trình cử nhân luật học. Như đã phân tích ở trên, việc thống nhất chương trình đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc việc ‘chuẩn hóa’ cử nhân luật học. Trong bối cảnh đó, VLN có thể khởi xướng những đề xuất khung chương trình ‘chuẩn’ làm cơ sở cho các CSĐTL xây dựng và triển khai chương trình đào tạo của mình. Đặc biệt, các thành viên trong ban điều hành hiện tại của VLN là những CSĐTL lâu đời, có uy tín và đã được thừa nhận rộng rãi. Do đó, các cơ sở này cần phát huy vai trò tiên phong và chủ đạo trong việc khởi xướng và triển khai những cải cách và đổi mới đào tạo luật, hướng đến những chuẩn mực chung của đào tạo luật Việt Nam.

Ngoài ra, VLN cũng cần phát huy tính đại diện của mình trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là trong cải cách và đổi mới đào tạo luật. Trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, kinh nghiệm, bài học và sự hỗ trợ từ các quốc gia khác là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống đào tạo luật. Hơn nữa, một trong những mục tiêu đổi mới đào tạo luật của Việt Nam là hướng đến sự hội nhập quốc tế. Để thực hiện được điều này, một trong những yếu tố quan trọng là Viêt Nam cần xây dựng và phát triển những mối quan hệ quốc tế bền vững và hiệu quả để hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm đào tạo với các đối tác nước ngoài. Trong đó, phát huy vai trò của VLN là một việc làm cần thiết.

Kết luận

Đào tạo cử nhân luật là một lĩnh vực quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực pháp lý cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, ngoài việc phát triển về số lượng các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì điều quan trọng là phải có những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Một hệ thống đào tạo luật có chất lượng là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống tư pháp vững mạnh và một Nhà nước pháp quyền đảm bảo các mục tiêu phát triển của đất nước và xã hội.

(1) Tiến sỹ Luật, giảng viên Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế; Địa chỉ: đường Võ Văn Kiệt – phường An Tây – thành phố Huế; Email: aihn@hul.edu.vn; Đt: 0935555389

(2) Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam được hiểu là những đơn vị được cấp phép đào tạo từ trình độ cử nhân luật trở lên. Những đơn vị chỉ đơn thuần đào tạo trình độ sau đại học ngành luật (chẳng hạn Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hay Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết.

(3) Xem: Thông tin giới thiệu Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội, tại địa chỉ: https://law.vnu.edu.vn/article-Gioi-thieu-Khoa-Luat-12609-1103.html (truy cập ngày 01/08/2022).

(4) Theo thống kê, đến tháng 4 năm 2021, cả nước đã có 95 cơ sở đào tạo luật ở bậc cử nhân. Xem thêm: Thế Kha, Hoàn thành việc sắp xếp lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước, Dân Trí Điện tử, https://dantri.com.vn/xa-hoi/hoan-thanh-viec-sap-xep-lai-95-co-so-dao-tao-luat-trong-ca-nuoc-20210429165308565.htm (truy cập ngày 02/08/2022).

(5) Huy Lân, Đào tạo Luật: Dễ dãi trong cấp phép đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, Người Lao Động Online,  https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dao-tao-luat-de-dai-trong-cap-phep-da-lam-anh-huong-den-chat-luong-20210329180034766.htm (truy cập ngày 02/08/2022).

(6) Chính phủ CHXHCN Việt Nam, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, ngày 02/11/2005, về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006–2020 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-14-2005-NQ-CP-doi-moi-co-ban-va-toan-dien-giao-duc-dai-hoc-Viet-Nam-giai-doan-2006-2020-5013.aspx, (truy cập ngày 31/07/2022).

(7) Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị, tlđd.

(8) Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, tlđd.

(9) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án ‘Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật’ 2021.

(10) Central Committee of the Vietnamese Communist Party, above n 21.

(11) Xem: Annelise Riles and Takashi Uchida, 'Reforming Knowledge? A Socio-Legal Critique of the Legal Education Reforms in Japan' (2009) 1 Drexel Law Review 3, 10–11; see also Constance O'Keefe, 'Legal Education in Japan' (1993) 72 Oregon Law Review 1009, tr.1010–1012.

(12) Riles and Uchida, tlđd.

(13) Xem: Vivienne Brand, 'Decline in the Reform of Law Teaching?: The Impact of Policy Reforms in Tertiary Education' (1999) 10 Legal Education Review 109, tr.125-127.

(14) Xem: Margaret M. Barry, Jon C. Dubin, and Peter A. Joy (2010), ‘The Development of Legal Education in the United States’, Report Prepared for PILnet, https://www.pilnet.org/resource/the-development-of-legal-education-in-the-united-states/ (truy cập ngày 02/08/2022).

(15) UNDP Việt Nam, Báo cáo cuối cùng - Đánh giá các Chương trình Giáo dục Pháp luật thực hành ở các Cơ sở Đào tạo Luật tại Việt Nam (11/2014).

(16) Các cơ sở này bao gồm: Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội; Khoa Luật – Trường ĐH Công đoàn; Khoa Luật – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Khoa Luật – Trường ĐH Ngoại thương; Khoa Luật – Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Luật – ĐH Huế; Trường ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; và Khoa Luật – Trường ĐH Cần Thơ.

(17) Xem thêm thông tin về Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam tại địa chỉ: http://vlsn.edu.vn/pages/news/21002/Gioi-thieu-chung.html (truy cập ngày 01/08/2022)

(18) Xem: Báo cáo Hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam giai đoạn 2019-2021 và Định hướng trong thời gian tới.

HỒ NHÂN ÁI

Tiến sĩ Luật, Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật - ĐH Huế

Chuyển trách nhiệm của công ty con cho công ty mẹ theo Tòa án Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020

Lê Minh Hoàng