Ảnh minh họa.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định rõ và thực tiễn đã chứng minh vai trò, vị trí, trách nhiệm của Tòa án, của Luật sư trong công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền, công tác xét xử, hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, các nhân.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức thống nhất đại diện cho giới Luật sư Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như có vai trò và đóng góp quan trọng cho sự phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam. Việc xây dựng, tạo lập mối quan hệ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng dựa trên các nguyên tắc: Độc lập – Bình đẳng – Phối hợp – Vì công lý là hoạt động quan trọng khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thiết nghĩ, việc xây dựng và ký kết “Quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Tòa án nhân dân Tối cao” là cần thiết. Tại cấp tỉnh hiện đã có một tỉnh, thành như Bắc Giang, Đồng Nai,... đã ký và thực hiện thành công Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có Tòa án.
Qua thực tiễn thực hiện, tác giả xin gợi ý một số nội dung cơ bản của công tác phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Tòa án nhân dân Tối cao như sau:
Nguyên tắc trong hoạt động phối hợp
Việc phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời, bảo đảm tính khách quan và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp thực hiện. Kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật.
Tăng cường giao lưu, hợp tác, tạo lập mối quan hệ: Độc lập – Bình đẳng – Hợp tác – Vì công lý; đảm bảo tuân thủ pháp luật trong ứng xử giữa cán bộ, công chức ngành Tòa án và Luật sư Việt Nam.
Một số nội dung và trách nhiệm phối hợp cụ thể
Các bên có trách nhiệm, biện pháp chỉ đạo, tổ chức để thành viên của mình thực hiện đúng nội dung và trình tự, thủ tục được quy định của pháp luật. Trong đó đặc biệt chú trọng việc đảm bảo các quy định về nhiệm vụ, quyền, trách nghiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và Luật sư có liên quan đến hoạt động của Tòa án.
Các bên có trách nhiệm thông tin kịp thời cho bên kia về việc cán bộ, công chức trong ngành hoặc Luật sư có hành vi thiếu tôn trọng, thiếu hợp tác, thiếu phối hợp, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của bên kia hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Kịp thời phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử Luật sư tham gia bào chữa đối với các vụ án chỉ định và chỉ đạo Luật sư có mặt đầy đủ theo yêu cầu của Tòa án khi tham gia tố tụng tại Tòa.
Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định đối với cán bộ, công chức ngành Tòa án hoặc Luật sư nếu có vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Định hướng để cán bộ, công chức ngành Tòa án và Luật sư thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm nghề nghiệp của mình và hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bên kia.
Phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin, các bên chủ động hoặc theo yêu cầu của bên kia cung cấp thông tin có liên quan. Khuyến khích các bên mời đại diện bên kia tham dự các phiên họp, hội nghị, hội thảo của ngành mình có nội dung liên quan đến hoạt động của Luật sư, hoạt động của Tòa án. Chủ động cung cấp thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi bên để kịp thời khắc phục; có trách nhiệm cung cấp tài liệu, báo cáo chuyên đề có liên quan theo yêu cầu.
Định kỳ hàng năm Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân các tỉnh/thành phố và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh/thành phố phối hợp tổ chức họp giao ban (theo cấp tương ứng). Trường hợp xét thấy cần thiết, các bên có thể đề xuất tổ chức cuộc họp đột xuất để giải quyết các nội dung liên quan đến trách nhiệm phối hợp của các bên.
Các bên phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ trong quá trình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu.
Thành lập cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện phối hợp
Các bên cần cử lãnh đạo trực tiếp theo dõi, phụ trách công tác phối hợp; các cơ quan thành lập đầu mối làm đầu mối để tiếp nhận và tổ chức thực hiện việc phối hợp.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam