Theo quy định pháp luật, khi người phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhất định, họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm, nhân ái của Nhà nước mà còn đóng vai trò khuyến khích, động viên những người phạm tội nhận ra sai lầm, tự nguyện sửa chữa và cải tạo bản thân. Nhờ đó, họ có cơ hội trở thành những người công dân có ích, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Đồng thời, quy định này cũng cho phép Nhà nước đạt được sự cân bằng giữa việc áp dụng pháp luật để phòng chống, đấu tranh với tội phạm và việc khuyến khích, hỗ trợ sự phục thiện, hối cải, tạo điều kiện cho người phạm tội làm lại cuộc đời. Điều này cho thấy một chính sách pháp lý vừa mang tính răn đe, bảo vệ xã hội, vừa mang tính khoan hồng và nhân đạo sâu sắc.
Quy định của pháp luật hình sự về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Theo quy định nêu trên, việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Người thực hiện hành vi phạm tội phải phạm vào tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng không phân biệt là do vô ý hay cố ý.
- Hành vi phạm tội phải gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.
- Người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ chấp nhận hòa giải, đồng thời đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Chỉ khi người phạm tội đáp ứng đầy đủ ba điều kiện nêu trên thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quyết định miễn trách nhiệm hình sự không phải là điều mặc định mà phải dựa trên một quá trình đánh giá kỹ lưỡng. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ cân nhắc toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với xã hội, cũng như hậu quả thực tế mà hành vi đó gây ra. Đồng thời, xem xét đến tiền án, tiền sự, nhân thân của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và loại tội phạm đã thực hiện. Do đó, không phải bất kỳ trường hợp nào đáp ứng đủ điều kiện cũng được miễn trách nhiệm hình sự; khi áp dụng quy định này phải được cân nhắc dựa trên từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc áp dụng pháp luật.
Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, quy định tại khoản 3 chưa rõ ràng về đối tượng áp dụng trong trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Khi áp dụng quy định này, có ý kiến cho rằng, chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứ không áp dụng đụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý.
Thứ hai, trong quá trình điều tra ban đầu (chưa khởi tố bị can), cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu phạm tội đủ căn cứ để tiến hành khởi tố, tuy nhiên xác định được người phạm tội đủ căn cứ để áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, câu hỏi đặt ra ở đây là khi áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự, có bắt buộc phải khởi tố bị can không hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, nếu người thực hiện hành vi phạm tội có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra rồi mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với căn cứ “được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy mới đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định (đối chiếu với quy định tại các Điều 143 và 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong trường hợp này, chỉ cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “thuộc diện được miễn trách nhiệm hình sự” chứ không cần phải làm các bước như quan điểm thứ nhất bởi lẽ sẽ giảm bớt thủ tục, thời gian, kinh phí… cho các cơ quan tiến hành tố tụng, phù hợp với chủ trương “cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính” hiện nay. Ngoài ra, còn có một lý do quan trọng nữa là sẽ có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội vì trong lý lịch của họ sẽ không có “án tích”.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Chỉ cần ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra nhưng không khởi tố bị can, sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án.
Đề xuất, kiến nghị
Một là, bổ sung khoản 3 Điều 29 theo hướng làm rõ hơn điều kiện miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, cụ thể như sau: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý hoặc cố ý mà gây thiệt hại về tính mạng…”
Hai là, các cơ quan tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn, quy định rõ tính chất, mức độ của việc tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là như thế nào, tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ba là, cần có quy định cụ thể về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự ở giai đoạn điều tra ban đầu trong tố tụng hình sự để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, liền mạch giữ Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
PHẠM CAO SƠN
Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải quân