/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật khi tiến hành cưỡng chế THADS

Một số khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật khi tiến hành cưỡng chế THADS

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động có vai trò quan trọng và rất phổ biến trên thực tế nhưng kết quả thi hành trong cả nước nhìn chung vẫn còn thấp về tỉ lệ số vụ việc thi hành xong, tình trạng án tồn đọng, khó xử lý vẫn ở mức cao. Bài viết đưa ra một số khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật trong việc cưỡng chế THADS, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hàng lang pháp lý hoàn thiện, mang lại điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả THADS.

Ảnh minh họa.

Tổng quan về cưỡng chế THADS.

Theo số liệu của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) về kết quả THADS, trong năm 2021, ngành THADS đã thi hành xong 493.971 việc, đạt tỉ lệ 75,81%. Thi hành được 455/944 bản án, quyết định, đang tiếp tục thi hành 489 bản án còn lại (1). Mặc dù các cơ quan, ban ngành đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thi hành án, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc. Như việc giải quyết những vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn ở một số nơi còn chậm tiến độ, đạt tỉ lệ thấp; một số quy định của pháp luật về THADS và các quy định có liên quan còn chưa thống nhất, không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của các đối tượng phải thi hành án khó khăn nên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thi hành; ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án còn hạn chế, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, lợi dụng quyền khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án... Trong số các vụ việc đã thi hành xong, số lượng vụ việc phải cưỡng chế thi hành án chiếm tỉ lệ cao, đây cũng là những vụ việc rất khó khăn, gây tốn thời gian, chi phí.

Cưỡng chế THADS là việc chủ thể có thẩm quyền dùng quyền lực nhà nước thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về THADS đối với tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế quyền, nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS. Khi có quyết định thi hành án, người phải thi hành án phải tự nguyện thi hành án (thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày).

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Như vậy, cưỡng chế thi hành án chỉ được tiến hành khi người phải thi hành án “có điều kiện thi hành” nhưng không tự nguyện thi hành án. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật khi tiến hành cưỡng chế THADS và đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án

Hiện nay, quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án và thời hạn cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Theo đó, khoản 3, Điều 67, Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Quy định này có trường hợp mâu thuẫn với quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Do đó, nếu quyết định thi hành án và quyết định phong tỏa được ban hành, tống đạt hợp lệ cùng một thời điểm, thì thời hạn người phải thi hành án có quyền tự nguyện thi hành án cũng chính là thời hạn chấp hành viên phải cưỡng chế thi hành án. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cưỡng chế thi hành án theo hướng kéo dài thời hạn này (từ 10 ngày lên khoảng 15 ngày).

Khấu trừ tiền vào thu nhập của người phải thi hành án

Trong quá trình áp dụng biện pháp khấu trừ tiền vào thu nhập của người phải thi hành án, nếu chấp hành viên phát hiện người phải thi hành án vừa có tài sản, vừa có nguồn thu nhập ổn định thì phải xử lý như thế nào. Về phía ngân hàng, họ yêu cầu xử lý tài sản của người phải thi hành án do ngân hàng cần thu hồi và tái đầu tư dòng vốn. Về phía người phải thi hành án, họ có nguồn thu nhập ổn định nên chấp hành viên có thể tiến hành biện pháp khấu trừ tiền vào thu nhập theo khoản 3, Điều 78, Luật THADS. Vậy, chấp hành viên nên hoặc phải xử lý như thế nào? Theo tác giả, trường hợp này chấp hành viên nên xem xét tính chất tài sản của người phải thi hành án. Nếu việc xử lý tài sản không làm thay đổi cơ bản điều kiện, hoàn cảnh sống của người phải thi hành án thì chấp hành viên xử lý, ngược lại sẽ khấu trừ thu nhập.

Theo khoản 1, Điều 13, Nghị định 62/2015/NĐ-CP: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 24, Nghị định này. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có 01 tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án”.

Như vậy, rõ ràng việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế là do chấp hành viên quyết định, nhưng nó phải “tương ứng” với nghĩa vụ của người phải thi hành án. Vậy “tương ứng” là bao nhiêu thì chưa có hướng dẫn, liệu được phép chênh lệnh trong giới hạn nào thì được coi là tương ứng. Trong giới hạn nào thì chấp hành viên được áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Do đó, đề xuất bổ sung quy định “…tài sản duy nhất có giá trị lớn hơn 05 lần so với nghĩa vụ phải thi hành…”.

Kê biên tài sản là bất động sản, quyền đối với bất động sản của người phải thi hành án

Liên quan đến trường hợp này, pháp luật THADS hiện nay còn thiếu nhiều quy định so với thực tiễn, dẫn đến việc chấp hành viên thường tương đối lúng túng khi xử lý tình huống phát sinh. Có thể kể đến như:

Thứ nhất, trường hợp người phải thi hành án tiến hành chuyển nhượng tài sản cho người khác và người nhận chuyển nhượng đã tiến hành thế chấp, cầm cố tài sản đó. Trên thực tế, trường hợp này xảy ra không ít. Nếu như chấp hành viên đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án thì chấp hành viên có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu. Nhưng nếu chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án thì lúc này phải xử lý thế nào? Vấn đề này hiện chưa có hướng dẫn cụ thể (2). Có người cho rằng, chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên bình thường. Nhưng lúc này, giao dịch đã được xác lập, người nhận chuyển nhượng cũng đã xác lập giao dịch với bên thứ ba ngay tình trong khi những giao dịch này là giao dịch có đền bù. Nếu tiến hành kê biên bình thường sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của họ và từ đó phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, cần quy định nếu giao dịch với người thứ ba ngay tình là giao dịch không có đền bù thì được phép kê biên, nếu là giao dịch có đền bù thì không được kê biên.

Thứ hai, tài sản bị kê biên là quyền sử dụng đất đối với diện tích đất không đúng với thực tế. Việc tài sản bị kê biên có diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhỏ hơn, lớn hơn so với diện tích thực tế là không hiếm gặp. Trường hợp diện tích đất thực tế nhỏ hơn so với diện tích đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thông thường, chấp hành viên sẽ phải thông báo cho người được thi hành án và xem xét ý kiến của họ, sau đó kê biên phần diện tích theo đúng thực tế. Trường hợp diện tích đất thực tế lớn hơn so với diện tích đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hiện nay chấp hành viên còn nhiều lúng túng và có các cách xử lý khác nhau bởi pháp luật chưa quy định, chưa hướng dẫn cụ thể. Do đó, cần bổ sung quy định trong trường hợp này chấp hành viên kê biên đúng theo diện tích được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ ba, cưỡng chế thi hành án trong trường hợp tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án. Theo khoản 5, Điều 115, Luật THADS, trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Đây là quy định mới và rất có tính nhân đạo của pháp luật, tuy nhiên, việc pháp luật giới hạn trong trường hợp “cưỡng chế giao nhà” lại vô hình chung làm giảm tính nhân đạo vốn có.

Nếu trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao nhà thì chấp hành viên không có cơ sở để trích lại một khoản mặc dù người đó cũng rơi vào trường hợp không còn đủ tiền thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới. Quy định như vậy cũng phần nào thể hiện sự mâu thuẫn khi cùng điều kiện hoàn cảnh, một người tự nguyện thì không được hưởng chính sách nhân đạo, người không tự nguyện để phải cưỡng chế thì lại được hưởng. Chưa hết, việc xác định thế nào là “giá thuê trung bình tại địa phương” thì còn nhiều vấn đề. Địa phương là ấp, phường, quận hay tỉnh, thành phố, việc xác định địa giới hành chính để xác định địa phương khác nhau sẽ dẫn đến những sự chênh lệch đáng kể. Giá thuê là giá thuê phòng trọ hay giá thuê nhà ở? Giá trung bình tính trên cơ sở nào? Lấy giá cao nhất cộng giá thấp nhất chia hai, hay phải cộng bao nhiêu mức giá… Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng: Một, bỏ thuật ngữ “cưỡng chế giao nhà”, quy định chung các trường hợp cưỡng chế giao nhà và tự nguyện giao nhà. Hai, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để xác định “giá thuê trung bình tại địa phương”, trong đó làm rõ 03 nội dung thế nào là địa phương, giá thuê và giá trung bình.

(1) Đức Thịnh, Nhiều vướng mắc trong THADS, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 20/01/2022, https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/nhieu-vuong-mac-trong-thi-hanh-an-dan-su-684054.

(2) Dương Thị Thanh Xuân, Thi hành các bản án, quyết định về tín dụng ngân hàng, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Hà Nội 2018.

NGUYỄN VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Quân chủng Hải quân

Báo chí đăng hình bị can, bị cáo: Nên hay không?

Lê Minh Hoàng