/ Kết nối
/ Báo chí đăng hình bị can, bị cáo: Nên hay không?

Báo chí đăng hình bị can, bị cáo: Nên hay không?

10/10/2022 04:24 |

(LSVN) - Khi một cá nhân bị Cơ quan CSĐT khởi tố, gần như ngay lập tức hình ảnh của họ xuất hiện tràn ngập trên không gian mạng xã hội và cả trên các cơ quan báo chí. Bị khởi tố, chưa hẳn đã có tội, thực tế đã chứng minh, nhiều trường hợp người bị khởi tố đã được minh oan sau khi được giải quyết bằng trình tự tố tụng theo luật định.

Mạng xã hội đăng ảnh của cá nhân (kể cả người bị khởi tố) là sai thì rõ ràng, không cần bàn cãi. Còn báo chí đăng hình ảnh của bị can, bị cáo, có cần phải xin phép không? Luật Báo chí, pháp luật về dân sự, hình sự quy định vấn đề này ra sao, đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Luật Báo chí: Không cấm nhưng cũng không hoàn toàn cho phép

Tính thời sự, tính chân thật của báo chí là phản ảnh sự kiện xảy ra theo dòng chủ lưu thời sự. Hình ảnh cũng là một dạng tin tức. Có những bức ảnh có thể đạt giá trị cao gấp mấy lần nội dung bản tin. Vì vậy, các tòa báo đều yêu cầu phóng viên khi viết một bản tin, bài báo, nhất là mảng nội chính phải kèm hình ảnh, trường hợp không có ảnh của sự kiện xảy ra trong bản tin thì sử dụng ảnh minh họa. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng hình ảnh cũng tạo sự đồng thuận của xã hội.

Hiện nay, có hai quan điểm về sử dụng hình ảnh cá nhân của bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự. Quan điểm thứ nhất cho rằng, các vụ án hình sự, khi cá nhân bị khởi tố thì cần phải đăng hình ảnh để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội với mục đích răn đe, phòng ngừa chung. Quan điểm thứ hai cho rằng, việc đăng hình ảnh cá nhân của bị can, bị cáo là không nên vì có dấu hiệu xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật bảo hộ.

Các cơ quan báo chí hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam bị điều chỉnh bởi Luật Báo chí, là văn bản luật chuyên ngành. Đồng thời, trong từng lĩnh vực cụ thể, báo chí còn phải tuân thủ quy định pháp luật của từng chuyên ngành. Đơn cử như phóng viên nội chính, khi viết các bản tin liên quan đến việc thanh tra, điều tra, ngoài việc tuân thủ Luật Báo chí thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó các danh mục tài liệu cấp độ mật (mật, tối mật, tuyệt mật) đương nhiên không được đăng tải.

Theo Điều 9, Luật Báo chí 2016, có 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí, trong đó có hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

Điều 25 Luật Báo chí, Nhà báo có 6 nhóm quyền, trong đó tại điểm d khoản 2 quy định nhà báo được quyền tham gia phiên tòa xét xử công khai, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định pháp luật.

Luật Báo chí năm 2016 không quy định rõ là cơ quan báo chí có được đăng hình ảnh của người bị khởi tố (bị can, bị cáo) trong các vụ án hình sự hay không? Hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc cho hay không cho báo chí sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội.

Theo điểm c, khoản 2, Điều 8, Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản có nêu: “Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác” thì bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, đoạn cuối của điểm c, khoản 2, Điều 8: “Các trường hợp pháp luật có quy định khác” thì hiện nay chưa rõ.

Bộ luật Dân sự: Muốn đăng hình ảnh các nhân phải xin phép

Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Khoản 2 điều này quy định: Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 

Như vậy, việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố có thuộc trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và không cần phải xin phép hay không? Hiện nay, các cơ quan báo chí viện dẫn nội dung này để cho rằng việc đăng hình ảnh bị can, bị cáo là vì lợi ích công cộng nên không cần xin phép.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quyền con người, quyền công dân được quy định tại Hiến pháp 2013 thì quyền con người, quyền công dân được pháp luật bảo vệ và bất khả xâm phạm. Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Khoản 1 Điều 31, Hiến pháp 2013 đã Hiến định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, với nguyên tắc Hiến định này thì người bị buộc tội (bao gồm bị can, bị cáo) không bị xem là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị khởi tố không bị mất quyền cá nhân đối với hình ảnh

Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành cũng không có điều khoản nào quy định người bị khởi tố thì bị mất/hạn chế quyền cá nhân đối với hình ảnh. Chương II, Những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS đã quy định rất rõ các nguyên tắc: Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân (điều 8); Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân (điều 11); Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân (điều 12), suy đoán vô tội (điều 13). Với các nguyên tắc này cho thấy trong hình sự, quyền của con người, của công dân cũng được bảo hộ và tôn trọng, không ai được quyền xâm phạm.  

Khoản 1, Điều 27, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định, phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Do đó, có thể hiểu bị can, bị cáo, người phạm tội vẫn được pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh. Do vậy, khi cơ quan báo chí sử dụng hình ảnh của họ cần phải xin phép.

Thực tế hiện nay, một số Tòa án đã yêu cầu phóng viên khi chụp ảnh bị can, bị cáo phải được sự đồng ý của họ. Điều này cho thấy, Tòa án – cơ quan thực thi quyền tư pháp – đã lên tiếng bảo vệ quyền hình ảnh cá nhân của bị cáo trong các vụ án hình sự.

Nhìn rộng ra, ở một số quốc gia trên thế giới, báo chí khi đưa tin các vụ án, không đăng hình ảnh người bị buộc tội (bị can, bị báo, người bị kết án) mà sử dụng hình ảnh minh họa. Trường hợp đăng hình ảnh của người bị bắt, khởi tố thì phải trùm kín đầu để không nhận diện được khuôn mặt của họ.

Hiện nay, có hai văn bản đang có hiệu lực thi hành ở Việt Nam là Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), có liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân.

Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948, ghi nhận: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy".

Điều 17, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) nêu: “Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy".

Như vậy, cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều bảo hộ quyền hình ảnh của cá nhân. Vì vậy, theo tôi, báo chí Việt Nam cũng cần áp dụng theo thông lệ báo chí quốc tế là không nên đăng hình ảnh của người bị buộc tội. Về mặt ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần giải thích pháp luật một cách rõ ràng, chi tiết hơn đối với việc đăng hình ảnh của người bị buộc tội nói chung và bị can bị khởi tố nói riêng.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Bộ Công an khuyến cáo không đăng tải, chia sẻ, phát tán tin giả

Lê Minh Hoàng