Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

14/04/2023 09:29 | 1 năm trước

(LSVN) - Việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) xuất hiện nhiều bất cập và khó khăn, một số quy định của Luật Việc làm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều nội dung chưa sát với thực tế dẫn đến việc NLĐ không được chi trả BHTN, khó khăn trong việc tìm công việc mới khi không có sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Ngoài ra, tình trạng người sử dụng lao động (NSDLĐ) nợ đóng BHTN cho NLĐ hoặc sự lợi dụng của NLĐ để được hưởng BHTN còn diễn ra tương đối phổ biến ở các doanh nghiệp, dẫn đến quyền lợi của NLĐ đã tham gia đóng BHTN và quỹ BHTN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.

Từ thực tiễn tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện những quy định của pháp luật về BHTN, hoàn thiện những hạn chế của pháp luật như sau:

Thứ nhất, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động mất việc làm.

NLĐ mất việc làm là lao động chủ đạo trong gia đình. Không có việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập chính cho gia đình, điều đó dẫn đến khó khăn trong cuộc sống. Do đó, việc họ tham gia học nghề trong thời gian mất việc và phải chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại,… số tiền hỗ trợ hiện nay do pháp luật quy định vẫn chưa đủ để NLĐ yên tâm học nghề. Hơn nữa, việc quy định mức hỗ như trong Luật Việc làm 2013 và Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa thật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Khi giá cả hàng hóa trên thị trường liên tục tăng cao. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của NLĐ.

Vì vậy, cần tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ để họ yên tâm tham gia học nghề. Cụ thể, đối với khóa học nghề đến 03 tháng mức hỗ trợ là 06 triệu đồng/người/tháng, còn đối với khóa học trên 03 tháng thì mỗi tháng mức hỗ trợ là 02 triệu đồng/người/tháng.

Thứ hai, sửa đổi Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong 5 nguyên tắc của BHTN mỗi nguyên tắc đều có ý nghĩa riêng, là những nguyên tắc mang tính chất định hình của BHTN, việc thực hiện BHTN phải tuân theo những nguyên tắc trên. Tuy nhiên, BHTN trước hết phải mang đặc trưng của bảo hiểm nói chung nên không thể nằm ngoài sự chi phối của nguyên tắc hưởng thụ theo mức đóng, tức là NLĐ đóng mức cao sẽ hưởng cao, NLĐ đóng ít thì hưởng ít, NLĐ không đóng thì không được hưởng, cùng với đó là nguyên tắc có đóng có hưởng của bảo hiểm.

Vì vậy NLĐ tham gia BHTN cần được hưởng quyền lợi xứng đáng với những gì mình đã đóng góp. Tuy nhiên hiện nay điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đó có trường hợp chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV để “Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng” thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có thể nhận thấy rằng NLĐ chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) như trường hợp nêu trên thì họ không chịu tác động của hiện tượng thất nghiệp, về bản chất họ không bị thất nghiệp. Dù họ đã được hưởng một khoản tiền hàng tháng theo quy định của BHXH. Tuy nhiên, việc pháp luật hiện hành có những quy định như vậy là chưa phù hợp với các nguyên tắc của bảo hiểm nói chung và BHTN nói riêng và chưa bảo đảm sự công bằng giữa các chủ thể tham gia BHTN. Vì bản chất là những NLĐ này đã đóng phí BHTN đầy đủ và đúng thời gian yêu cầu nhưng không được hưởng.

Do đó, những quy định này cần sửa đổi bổ sung theo hướng khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì NLĐ được chi trả một lần từ quỹ BHTN theo chế độ một số tiền nhất định tương ứng với những gì NLĐ đã đóng góp vào quỹ BHTN. 

Thứ ba, sửa đổi mức phí đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện nay, theo quy định của Luật Việc làm 2013, các chủ thể tham gia đóng vào quỹ BHTN là nhà nước, NSDLĐ và NLĐ. Mức đóng mà pháp luật quy định là chia đều là 1%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc nhà nước vẫn duy trì đóng góp vào quỹ BHTN đã xuất hiện những điều chưa phù hợp, vì việc nhà nước đóng phí BHTN là nhằm hỗ trợ quỹ BHTN trong thời gian đầu quỹ mới thành lập, việc xây dựng, tăng trưởng, ổn định quỹ còn nhiều khó khăn. Sau thời gian dài thực hiện, nguồn quỹ BHTN từ NLĐ và NSDLĐ đã tương đối ổn định và đã kết dư và được sử dụng cho các hoạt động đầu tư sinh lời.

Chính vì vậy, cần xác định thời điểm và có lộ trình rõ ràng, chi tiết để rút dần vai trò của Nhà nước trong việc hành thành quỹ BHTN. Nhà nước cần thực hiện lũy thoái mức hỗ trợ khi quỹ BHTN này dần đi vào ổn định. 

Xuất phát từ giải pháp nhà nước dần lũy thoái mức hỗ trợ quỹ BHTN, vì vậy cần quy định lộ trình tăng dần mức đóng của NSDLĐ để phù hợp với quy định của các nước trên thế giới và trong tương quan giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới, cần thiết lập tỷ lệ đóng của NSDLĐ là 2/3, NLĐ đóng là 1/3. Trong khi đó, nhà nước sẽ không còn đóng góp trực tiếp vào quỹ BHTN thay vào đó nhà nước chỉ giữ vai trò bảo trợ cho quỹ về mặt pháp lý và hỗ trợ khi nguồn quỹ rơi vào trạng thái thâm hụt, dẫn đến hệ quả là không đảm bảo tài chính cho việc thực hiện an sinh xã hội. Có quy định như vậy mới đảm bảo mối quan hệ công bằng khi đặt trong mối tương quan trung về nghĩa vụ đóng góp vào quỹ tài chính với chế độ BHXH và các loại bảo hiểm khác. Giải pháp này là biện pháp quan trọng để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hạn chế được sự ỷ lại, trông chờ của NSDLĐ và NLĐ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời đây cũng là giải pháp để nâng cao trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ trước những rủi ro bị mất việc làm. 

Thứ tư, về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định của pháp luật về BHTN hiện nay, pháp luật không có sự phân biệt về mức trợ cấp thất nghiệp dựa theo lý do dẫn đến thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là mọi NLĐ thất nghiệp đều được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp như nhau. Kể cả những NLĐ vi phạm kỷ luật, bị sa thải cũng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức như những NLĐ thất nghiệp vì lý do khác. Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn, vì vậy thiết nghĩ pháp luật về BHTN cần phân định rõ nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp của NLĐ là vì lý do chủ quan hay người thất nghiệp vì lý do khách quan. NLĐ mà bị mất việc do cơ quan, doanh nghiệp kỷ luật sa thải, do tự xin thôi việc thì không nên coi là NLĐ bị mất việc làm.

Việc phân định được rõ NLĐ mất việc làm (nguyên nhân khách quan) hay NLĐ xin thôi việc hay sa thải (nguyên nhân chủ quan) có ý nghĩa quan trọng để xác định mức hưởng cho phù hợp sẽ đảm bảo cho chính sách BHTN được thực hiện đúng mục đích, nguyên tắc và đảm bảo giải quyết vấn đề an sinh xã hội đúng đối tượng.

Đối với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, trong đó quy định: Số tiền trợ cấp mà NLĐ nhận được bằng 60%  mức thu nhập mà NLĐ được hưởng đã đóng BHTN của 06 tháng liền trước khi NLĐ rơi vào tình trạng thất nghiệp và số tiền hỗ trợ không quá 05 lần mức lương cơ sở hiện nay và lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định.

Pháp luật BHTN Việt Nam không có sự phân biệt về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp giữa những NLĐ được hưởng. Điều đó có nghĩa dù NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ cũng bằng như những NLĐ khác. Vì vậy, pháp luật BHTN cần quy định thêm những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc có nhiều người phụ thuộc như người già, trẻ em,... thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ cao hơn.  

ANH DŨNG

Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị