/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số nhận định về biện pháp tư pháp ‘buộc công khai xin lỗi’ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự

Một số nhận định về biện pháp tư pháp ‘buộc công khai xin lỗi’ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự

27/10/2023 07:35 |

(LSVN) – Trong số các biện pháp tư pháp thì biện pháp tư pháp buộc công khai xin lỗi ít được áp dụng, điều này vô hình chung làm giảm hiệu lực của quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ảnhminh hoạ.

Biện pháp tư pháp hình sự là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự, do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt. Về bản chất pháp lý hình sự, các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt nhưng lại là biện pháp tư pháp hình sự được Bộ luật Hình sự quy định để có thể áp dụng đối với người có hành vi phạm tội. Sự cần thiết của các biện pháp tư pháp hình sự thể hiện ở chỗ khi được áp dụng, chúng có khả năng tác động hỗ trợ hình phạt đối với người phạm tội hoặc trong nhiều trường hợp chúng có thể thay thế hình phạt giúp cho không để sót việc xử lý người phạm tội.

Quy định và áp dụng các biện pháp tư pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện phương châm đúng đắn trong việc thực chính sách hình sự của nhà nước ta là mọi hành vi phạm tội đều được xử lý công minh; tất cả các biện pháp tác động hình sự đối với người có hành vi phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Áp dụng đúng đắn các biện pháp tư pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của sự tác động hình sự đối với tội phạm.

Theo quy định tại Điều 47, 48 và 49 Bộ luật Hình sự, thì các biện pháp tư pháp bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi và bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thì chỉ có các biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sữa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; bắt buộc chữa bệnh thường được áp dụng.  Tuynhiên trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp tư pháp này do pháp luật quy định khá rõ ràng, cụ thể nên ít gặp khó khăn, vướng mắc.

 Những khó khăn, vướng mắc từ việc áp dụng biện pháp “buộc công khai xin lỗi”

Xin lỗi theo cách hiểu thông thường nhất đó là sự biết lỗi, biết nhận lỗi của một chủ thể trước hành vi sai trái của mình đối với người khác và mong muốn được người khác tha thứ về những sai trái mà mình đã thực hiện. Trong số các biện pháp tư pháp thì biện pháp tư pháp buộc công khai xin lỗi ít được áp dụng, điều này vô hình chung làm giảm hiệu lực của quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vậy vấn đề ít được áp dụng là do nguyên nhân nào? Bên cạnh đó, giới hạn của những tội phạm nào, hình thức thực hiện xin lỗi ra sao và chủ thể nào được quyền xin lỗi thì pháp luật cũng chưa có sự quy định cụ thể.

Vướng mắc từ giới hạn của các tội phạm nào phải buộc xin lỗi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Như vậy, việc xin lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là phải công khai trước sự chứng kiến của mọi người xung quanh. Về phạm vi áp dụng của quy định này, theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự được giới hạn bởi những tội phạm mà có thể gây thiệt hại về mặt tinh thần cho người bị hại. Vậy những tội phạm nào có thể gây thiệt hại về mặt tinh thần cho người bị hại? Có quan điểm cho rằng, những tội phạm gây thiệt hại về mặt tinh thần đó là những tội phạm gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.   

Tácgiả cơ bản thống nhất với quan điểm này. Tuy nhiên, cũng cần mở rộng thêm, ngoài những tội phạm được liệt kê như trên thì tùy từng trường hợp, trong một số tội phạm khác, mặc dù người phạm tội không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì người bị hại cũng có sự tổn thất về tinh thần và vẫn có thể buộc người phạm tội phải xin lỗi người bị hại, đó là trường hợp phạm tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… mà không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nhưng rõ ràng trong những trường hợp như vậy, người bị hại cũng sẽ bị tổn hại về mặt tinh thần (như có biểu hiện lo lắng, sợ sệt, hoảng hốt…) thì trong những trường hợp đó có thể buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại được hay không? Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng vẫn có thể buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại với lý do là họ cũng bị tổn hại về mặt tinh thần.

Vướng mắc về thủ tục xin lỗi

Về thủ tục xin lỗi người bị hại, luật chưa quy định việc xin lỗi người bị hại sẽ được thực hiện như thế nào? Xin lỗi tại địa phương hay tại phiên tòa hay trên phương tiện thông tin đại chúng và có cần ra một quyết định hay là không, việc xin lỗi đó là do sự tự nguyện của người phạm tội hay là một việc bắt buộc? Việc xin lỗi đó có cần sự đồng ý của người bị hại không… Đó chính sự vướng mắc của pháp luật hình sự dẫn đến việc “buộc công khai xin lỗi người bị hại” thường ít được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, theo quan điểm của tácgiả, trước mắt, để việc xin lỗi người bị hại được thực hiện trên thực tế có tính khả thi cao, thì nên buộc người phạm tội xin lỗi người bị hại ngay tại phiên tòa, trước sự chứng kiến của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa và việc xin lỗi này nhất thiết phải được ghi nhận trong biên bản phiên tòa.

Vướng mắc từ chủ thể được quyền xin lỗi

Chủ thể được quyền xin lỗi ở đây phải là những người nào? Độ tuổi ra sao? Mặc dù điều luật không quy định về độ tuổi như thế nào để người phạm tội xin lỗi, nhưng theo chúng tôi, người bị hại ở đây tùy từng trường hợp phải là những người đạt độ tuổi cơ bản biết cảm nhận sự xin lỗi từ người khác và phải là người không mắc bệnh mất khả năng nhận thức. Như vậy, nếu việc xin lỗi của người phạm tội được tiến hành đối với người bị hại còn rất nhỏ, người mất khả năng nhận thức thì ý nghĩa và giá trị của văn hóa xin lỗi sẽ không có tác dụng gì.

Một vấn đề đặt ra, trong trường hợp mà người bị hại chết, bị mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự thì sẽ xuất hiện người đại diện hợp pháp của những người này để tham gia tố tụng, vậy thì Tòa án có buộc người phạm tội phải xin lỗi người đại diện hợp pháp của người bị hại được không? Theo chúng tôi, bản thân Điều 48 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về việc người phạm tội xin lỗi người bị hại chứ không quy định việc xin lỗi đại diện hợp pháp của người bị hại. Hơn nữa, người phạm tội đã có hành vi nguy hiểm xâm hại trực tiếp đến người bị hại chứ không phải đến người đại diện hợp pháp của họ, mặc dù khi người bị hại chết, bị mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện hợp pháp của họ có các quyền của người bị hại nhưng nếu để người phạm tội xin lỗi người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp này sẽ không có ý nghĩa gì.

Một số kiến nghị

Từ những điều đã phân tích như trên, để tăng cường việc áp dụng pháp luật, chúng tôi thiết nghĩ các Tòa án cấp trên cần tăng cường công tác kiểm tra đối với các Tòa án cấp dưới có thực hiện tốt việc áp dụng biện pháp tư pháp “buộc công khai xin lỗi” trong quá trình xét xử các vụ án hình sự hay không. Chỉ có thể thực hiện tốt quy định này của pháp luật hình sự thì văn hóa xin lỗi nói chung, văn hóa phiên tòa nói riêng mới được thực hiện triệt để trong công tác xét xử của Tòa án.

Về lâu dài, tácgiả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có sự hướng dẫn cụ thể về biện pháp tư pháp “buộc công khai xin lỗi” để quy định của pháp luật được thực hiện trên thực tế một cách triệt để, nghiêm minh. Trong đó, cần có sự hướng dẫn cụ thể về giới hạn của các tội phạm nào cần phải có sự xin lỗi,quy định cụ thể về thủ tục thực hiện xin lỗi và chủ thể nào được hưởng quyền xin lỗi từ người phạm tội.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Tòa án quân sự Quân khu 7

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

 

 

Nguyễn Mỹ Linh