Ảnh minh họa.
Thứ nhất, đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật cho đầy đủ chức năng của Tòa án nhân dân như sau: "2. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia".
Thứ hai, điểm c, khoản 1 Điều 4 chọn Phương án 1: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Giữ nguyên như hiện hành); điểm d, khoản 1 Điều 4 chọn Phương án 1: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Giữ nguyên như hiện hành). Lý do chọn: Đảm bảo tính ổn định hệ thống tổ chức Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay.
Thứ ba, bổ sung Điều 7 cho đầy đủ như sau: "Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, thành phần, địa vị xã hội; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước Tòa án".
Thứ tư, khoản 2 Điều 8 quy định "2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự, bảo vệ người chưa thành niên theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín". Đề nghị xem xét bỏ cụm từ "đặc biệt" ra khỏi dự thảo Luật. Bởi vì, việc Tòa án quyết định xét xử kín là thực hiện theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nếu quy định trường hợp đặc biệt thì sẽ phải giải thích hoặc quy định hoặc phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền của Tòa án. Do đó, Tòa án phải có trách nhiệm xem xét các lý do theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân để quyết định xử kín hay không xử kín nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, cá nhân, tổ chức.
Thứ năm, đề nghị bổ sung khoản 4 Điều 11 cho đầy đủ như sau: "4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Đối với các hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm liên quan đến các vụ án, vụ việc về kinh doanh, thương mại, dân sự… có thể sẽ gây ra thiệt hại cho các bên đương sự, do đó, cần thiết phải quy định trách nhiệm bồi thường nếu có phát sinh thiệt hại.
Tương tự, bổ sung khoản 4 Điều 17 như sau: "4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Thứ sáu: khoản 2 Điều 21 quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của luật. Do đó, tên gọi của Điều 21 cần bổ sung cho đầy đủ như sau: "Điều 21. Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân; của cơ quan dân cử; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận".
Thứ bảy, Điều 27 quy định:
"Điều 27. Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính
1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
2. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của luật.
3. Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật".
Đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại điều luật cho phù hợp, cụ thể: Việc xử phạt và áp dụng biện pháp xử lý hành chính là thẩm quyền của Thẩm phán và Chánh án Tòa án nhân dân theo Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trợ hoạt động tố tụng, chứ không phải thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Đồng thời, cần phải giải thích từ ngữ đối với cụm từ: "Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật" là như thế nào? Xét xử vi phạm hành chính được hiểu là xét xử vụ án, vụ việc hành chính hay xử lý vụ việc vi phạm hành chính?.
Thứ tám, Điều 34 quy định:
"Điều 34. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với:
1. Quyết định, hành vi của Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng;
2. Quyết định, hành vi của Tòa án, người có thẩm quyền tại Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo".
Đề nghị nghiên cứu bổ sung việc giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai của Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh... Bên cạnh đó, việc giải quyết tố cáo không chỉ là giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà còn giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước của Tòa án. Do đó, cần rà soát, điều chỉnh bổ sung điều luật này cho đầy đủ.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Vấn đề xác định tiền sự thế nào cho đúng quy định trong vụ án hình sự