Vấn đề xác định tiền sự thế nào cho đúng quy định trong vụ án hình sự

28/04/2024 22:36 | 2 tuần trước

(LSVN) - Xác định tiền sự cho đúng để bảo đảm phán quyết của Tòa án được đúng đắn, khách quan và công bằng. Vấn đề này trong thực tế cũng nảy sinh những nhận thức khác nhau.

Ảnh minh họa.

Thế nào là có tiền sự

Tiền sự được xem là đặc điểm nhân thân chỉ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu hình sự và đã bị kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính mà chưa được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt hành chính.

Khoản 1, Điều 7 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (1) đã quy định các trường hợp được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính để làm xác định tiền sự như sau:

Một là, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo.

Hai là, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác (khác quyết định xử phạt cảnh cáo).

Ba là, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong thời hạn trên nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính chưa thực hiện xong thì không được xóa.

Tuy nhiên trong vụ án hình sự cụ thể khi lấy tình tiết "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" làm yếu tố định tội. Thì vấn đề đặt ra có lấy tình tiết đó làm tiền sự với bị cáo nữa không? Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tình huống cụ thể

Ngày 06/3/2023, N.V.D. do thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên chính quyền địa phương đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 14/QĐ-XPHC xử phạt với mức phạt 500.000 đồng và chưa chấp hành.

Đến, khoảng 16 giờ ngày 14/7/2023, N.V.D. ngồi uống bia cùng với ông Đ.Q.T. tại khu vực đường Yết Kiêu, phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó ông T. đi về nhà ở khu dân cư Thái Học 3, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khoảng 17 giờ cùng ngày, N.V.D. mượn xe mô tô nhãn hiệu Wave màu đen, không rõ biển kiểm soát của một người bạn không rõ nhân thân, lý lịch đi đến nhà ông T. chơi. Khi đến nơi, cửa nhà ông T. vẫn mở, không thấy ai ở nhà, D. đi vào phòng ngủ thì nhìn thấy 01 chiếc điện thoại nhãn hiệu OPPO F5Youth màu đồng, bên ngoài có gắn 01 ốp lưng điện thoại, bên trong gắn 01 sim điện thoại Viettel số 0365927716, đang trong tình trạng được sạc pin ở gần cửa phòng. Lúc này, D. nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại trên. D. rút sạc pin điện thoại ra và lấy chiếc điện thoại đút vào túi quần bên trái, đi ra xe và để điện thoại trong cốp xe rồi đi xe về nhà cất giấu tại đầu giường ngủ của D.. Đến ngày 20/7/2023, D. biết ông T. viết đơn trình báo Công an nên D. đã mang chiếc điện thoại trả lại cho ông T..  Tại bản kết luận định giá tài sản số 34/KLĐG ngày 24/8/2023 của Hội đồng định giá tài sản Ủy ban nhân dân thành phố Chí Linh kết luận: Tại thời điểm ngày 14/7/2023, 01 chiếc điện thoại OPPO F5Youth màu đồng, có số IMEI  8679940305773, đã qua sử dụng có giá trị là 1.000.000 đồng; 01 phôi sim điện thoại nhà mạng Viettel có giá là 10.000 đồng; 01 ốp lưng điện thoại làm bằng nhựa, màu trắng, đã qua sử dụng có giá trị là 10.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là 1.020.000 đồng. N.V.D. bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Vậy, hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính số 14/QĐ-XPHC trước đó về hành vi trộm cắp tài sản có được coi là tiền sự nữa không? Việc xác định tiền sự của D. như thế nào cho phù hợp.

Nội dung này hiện có hai quan điểm như sau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đây không được coi là tiền sự vì đã được áp dụng là tình tiết định tội cho bị cáo; và do đó không đánh giá tình tiết này khi đánh giá nhân thân của bị cáo.

Ngoài ra, cần áp dụng tinh thành của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP TAND Tối cao tại mục (3) "7.3. Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt:

Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

Ví dụ: D. là người đã có hai tiền án đều về tội chiếm đoạt tài sản (có thể đều cùng về tội trộm cắp tài sản, có thể về tội "Trộm cắp tài sản" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"). Sau khi ra tù, chưa được xóa án tích D. lại trộm cắp tài sản có giá trị dưới năm trăm ngàn đồng, thì trong trường hợp này hai tiền án về tội chiếm đoạt tài sản được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để truy cứu trách nhiệm hình sự D. theo khoản 1 Điều 138 của BLHS mà không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với D".

Tương tự thì trường hợp này không áp dụng tình tiết đã bị xử phạt vi phạm hành chính làm tiền sự đối với bị cáo D.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Đây vẫn bị coi là tiền sự, vì mặc dù đã được áp dụng là tình tiết định tội cho bị cáo nhưng ở đây, HĐXX chỉ ghi vào mục lý lịch của bị cáo, chứ không coi là tình tiết tăng nặng tăng nặng định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng TNHS, nên không vi phạm khoản 2 Điều 52 BLHS (2).

Tác giả bài viết nhất trí với quan điểm thứ nhất. Vì về bản chất, tiền sự là đặc điểm nhân thân của người phạm tội đã vi phạm kỷ luật hoặc hành chính trước khi thực hiện hành vi phạm tội mà chưa được xóa. Do đó, hành vi vi phạm đã bị kỷ luật là hành vi để xem xét định tội với bị cáo chứ không phải hành vi xử lý trước khi xảy ra hành vi phạm tội nên không phải tiền sự.

Từ những phân tích trên có cơ sở vững chắc để xác định rằng bị cáo D. không có tiền sự. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

(1) Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(2) Bộ Luật Hình sự 2015.

(3) Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006.

NGUYỄN TỨ

Thẩm phán Tòa án Quân sự Quân khu 2

Hoàn thiện quy định về hủy kết quả trúng thầu theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai